Người đàn bà vượt qua sự thù hận

14:48 | 05/04/2011

571 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm lần bảy lượt chị nhận lỗi để xin tòa giảm án cho bị cáo, cũng là người đầu gối tay ấp hơn hai mươi năm.

Chị và đứa con trai đến tòa từ sớm, lặng lẽ ngồi một góc trong căn phòng xử rộng thênh thang, vắng lặng. Trong khi cậu con chống cằm nhìn trân trân vào tấm lưng to bè của người đàn ông trên vành móng ngựa, chị liên tục kéo chiếc áo khoác phủ kín bàn tay. Là nạn nhân của vụ án "giết người”, nhưng ánh mắt chị giành cho bị cáo không thấy có thù hận.

Nam rơi nước mắt khi nghe vợ xin giảm án cho mình. Ảnh: Vũ Mai.

Theo nội dung vụ án, chị về làm vợ Nguyễn Hồng Nam (39 tuổi, ngụ Long An) khi anh ta vừa đủ tuổi thành niên. Vì lớn hơn chồng 4 tuổi nên mọi việc đồng áng, chăm lo gia đình đều do một tay chị vun vén. Sau 20 năm chung sống, họ đã có với nhau đến 5 đứa con nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Kể từ ngày sinh đứa con út, sức khỏe của chị giảm sút nhiều khiến Nam phải cáng đáng việc nhiều hơn.

Nhưng đó cũng là thời gian người chồng bắt đầu bê tha nhậu nhẹt. Mỗi lần có rượu trong người, Nam như biến thành người khác và thường xuyên gây gổ chửi mắng vợ con. Dù được chính quyền can thiệp nhiều lần nhưng người chồng vẫn chứng nào tật nấy.

Còn chị ngày ngày vẫn cắn răng chịu đựng. Có những lần hàng xóm nghe tiếng huỳnh huỵch đấm đá, tiếng rên đau đớn liền chạy sang thì chị lập tức im bặt, gượng gạo bảo: “Không có gì”.

Ngày 4/7/2010, Nam làm đám giỗ mẹ và mời rất nhiều người đến ăn uống. Khi tiệc tan thì vợ chồng xảy ra cãi vã. Sẵn có rượu trong người, Nam xông vào đánh vợ, ghì cứng đầu chị vào tường. Chống cự mãi mới thoát ra được, chị bỏ chạy thì bị Nam lấy cây phảng làm cỏ đuổi theo. Người vợ chui vào bụi cỏ trốn nhưng đã bị Nam chém nhiều nhát vào người. Vừa kêu cứu vừa tìm đường chạy, chị được người hàng xóm đưa vào nhà. Được đưa đi cấp cứu kịp thời nên người vợ thoát chết nhưng phải chịu 41% thương tật vĩnh viễn.

Tuy nhiên, khi thấy Nam phải nhận 9 năm tù (dù đã thấp hơn nhiều so với khởi điểm của khung hình phạt) chị đã vội viết đơn xin giảm án. Chị cho rằng chồng mình gây ra tội trong lúc say mềm, còn chị đã tha thứ cho anh thì cũng mong pháp luật tha thứ mà giảm án cho bị cáo. Rồi chị kể về Nam bằng hình tượng một người chồng mẫu mực, tốt đẹp nhất:

“Vì sức khỏe yếu nên tôi chỉ ở nhà nội trợ và chăm sóc con, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào chồng. Ngoài việc đồng áng, anh còn trồng rẫy, giăng lưới, cắm câu, làm mướm… để lo lắng cho cả nhà. Những lúc rảnh, anh ấy lại lấy lá về sửa chữa dần căn nhà dột nát… Trong thời gian anh chịu tù, tôi và các con sẽ chẳng biết phải sống ra sao khi thiếu vắng trụ cột gia đình, gia đình tôi sẽ khốn đốn”.

Luýnh quýnh khi được tòa gọi đến, chị lại kéo áo che kín bàn tay co quắp và bị cụt mất một ngón, vết tích từ lần bị chồng truy sát, rồi xiêu vẹo bước lên. Ngang qua chỗ Nam, họ nhìn nhau đầy gượng gạo. Giọng nhát gừng, chị trình bày lại lý do xin giảm án cho chồng như lá đơn đã được gửi đi trước đó. Chị còn bảo hôm xảy ra chuyện cũng vì mình cãi hỗn với chồng nên Nam mới không kìm chế được, hơn 20 năm chung sống anh chỉ tát mình có 2 cái… Chỉ cách vài bước chân, chồng chị liên tục quệt nước mắt.

Giờ nghị án, chị ngẩn ngơ hết nhìn chồng lại nhìn con, nước mắt tuôn dài trên gương mặt nhăn nhúm. Đứa con trai ái ngại nhìn mẹ rồi buông tiếng thở dài. Nó bảo cha nó bình thường thì không sao nhưng cứ có rượu là lại kiếm chuyện đánh đập mẹ, chửi bới cả nhà. Nó thương mẹ, giận cha lắm. Có lần cha đánh mẹ dữ quá, nó và anh hai bênh mẹ, cãi lại cha rồi bỏ nhà đến ở luôn tại chỗ làm thuê. Hôm xảy ra sự việc là ngày giỗ bà nội nhưng chúng không về được vì ở quá xa. Chỉ đến khi hay tin mẹ bị cha chém trọng thương, chúng mới hối hả tìm về.

“Mẹ con vì quá thương cha nên mới chịu đựng mãi như thế. Cũng vì vậy nên mẹ toàn nói tốt cho cha, thật sự mẹ bị cha đánh như cơm bữa. Nhưng dù sao con cũng rất mong cha được giảm án để cho mẹ bớt khổ, bớt áy náy trong lòng. Con cũng tin cha rất hối hận vì những chuyện đã qua”, thằng bé nói.

Ngày 30/3, đánh giá cao tấm lòng của người vợ nhưng HĐXX cho rằng mức án 9 năm tù áp dụng với Nam là thỏa đáng, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã bác kháng cáo của người vợ, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Lầm lũi theo chân cảnh sát, Nam không một lần quay đầu nhìn vợ con nhưng nước mắt cứ lăn dài trên má.

Theo VNE