Người chiến sĩ cảnh vệ

08:34 | 16/02/2012

1,114 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
59 năm qua, lực lượng Cảnh vệ Việt Nam đã bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đoàn khách quốc tế, các hội nghị cấp cao được tổ chức tại Việt Nam. Đó thực sự là một kỳ tích.

Vinh dự đón Bác Hồ

Sau 30 năm hoạt động tìm đường cứu nước ở khắp năm châu, ngày 28/1/1941 (đúng vào ngày mùng 2 tết Tân Tỵ) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Để triển khai kế hoạch bảo vệ Người về nước, Thường vụ Trung ương Đảng đã cử một đoàn công tác gồm các đồng chí: Phùng Thế Tài, Hoàng Sâm, Đặng Văn Cáp, Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Hoàng Văn Lộc, Thế An… là những thanh niên khỏe mạnh, bắn súng và võ giỏi, có kinh nghiệm hoạt động bí mật, thông thạo địa hình và am hiểu phong tục địa phương sang Côn Minh (Trung Quốc) đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Và đây chính là những cán bộ cảnh vệ tiền bối đầu tiên thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt có một không hai trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Một buổi họp bàn về công tác bảo vệ Tổng thống Putin sang thăm Việt Nam (năm 2000) giữa Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Việt Nam và lực lượng Cảnh vệ Nga

Toàn bộ kế hoạch bảo vệ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo, Người thống nhất cách hóa trang và phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí. Đoàn đi thành ba nhóm theo ba hướng khác nhau. Đúng 12h trưa ngày 28/1/1941 cả đoàn đều có mặt tại đỉnh dãy núi Phia Sum Khảo, nơi có cột mốc 108 biên giới Việt – Trung thuộc xã Trường Hà, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tất cả các cán bộ cảnh vệ xúc động khi thấy Người đứng lặng đi bên cột mốc 108, mặt hướng về Tổ quốc ngắm nhìn núi rừng trùng điệp, mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Người cúi xuống cầm nắm đất lên hôn và vui vẻ bắt tay chúc tết mọi người.

Ngay sau khi về hoạt động ở Pác Bó (Cao Bằng), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo thành lập Ban Công tác đội do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách để thực hiện một số nhiệm vụ trong đó quan trọng nhất là bảo vệ cơ quan và cán bộ đặc biệt. Và đây chính là đơn vị cảnh vệ đầu tiên, sau này phát triển thành lực lượng hùng hậu, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ngày nay.

Được Bác đặt tên

Trong những ngày đầu cách mạng, công tác bảo vệ Bác gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần cách mạng, niềm vinh dự tự hào được bảo vệ Bác, đặc biệt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và được Bác Hồ hướng dẫn về công tác bảo vệ nên lực lượng cảnh vệ đã bảo vệ tuyệt đối an toàn Bác Hồ và các đồng chí Thường vụ Trung ương trong những ngày đầy khó khăn thử thách. Ông Tạ Quang Chiến là cận vệ của Bác Hồ trong những ngày đầu cách mạng kể lại: "Chúng tôi đi bảo vệ Bác, nhưng thực tế Người đã dạy chúng tôi rất cặn kẽ về công tác bảo vệ. Trong những tình huống vô cùng nguy hiểm, nhưng với kinh nghiệm hoạt động cách mạng ở nước ngoài và tài ứng xử, Bác đã linh hoạt giải quyết giúp chúng tôi bảo vệ Người an toàn tuyệt đối”.

Sau đó Bác đặt lại tên cho các chiến sĩ cảnh vệ tính theo vòng tròn mọi người đang ngồi: Trường – Kỳ – Kháng – Chiến – Nhất – Định – Thắng – Lợi. Chính trong tình thương bao la của Bác, các chiến sĩ cảnh vệ được Bác đặt lại tên rất vinh dự tự hào luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó. Sau này 8 chiến sĩ cảnh vệ ấy đã trở thành những người cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt của một số cơ quan đơn vị.

Truyền thống Anh hùng

Để bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đi công tác tại địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai lũ lụt; đi thăm và làm việc với các nước trên thế giới trong đó có cả các nước đang là điểm nóng về tình hình an ninh chính trị hoặc các nước trước đây đối đầu với ta, lực lượng cảnh vệ nắm chắc tình hình, địa bàn và tất cả các thông tin có liên quan để xây dựng phương án bảo vệ tối ưu, sát hợp nhất.

Quanh năm suốt tháng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao, lính cảnh vệ gần như không có ngày nghỉ. Tết không có mặt ở nhà là chuyện… bình thường. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi nghỉ hưu đã đến thăm quê từng chiến sĩ bảo vệ mình. Cầm tay bà mẹ của anh cận vệ Hồ Ngọc Hà (quê Quảng Bình), chú Sáu nói vui: “Tôi trả thằng Hà cho bà còn nguyên vẹn nhé!”.

Ấn tượng nhất, sâu sắc nhất trong Trung tá Lê Bá Hằng là lần vinh dự được bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Cu Ba Fidel Castrô trong chuyến Chủ tịch sang thăm nước ta vào đầu năm 2003. Bình dị, gần gũi và thân thương là cảm nhận chung về hình ảnh vị Chủ tịch cao lớn không chỉ Trung tá Hằng mà cả tốp cảnh vệ đi theo đoàn lần ấy. Chủ tịch Fidel rất quý anh em cảnh vệ Việt Nam. Gần kết thúc chuyến thăm, Chủ tịch đã chụp ảnh kỷ niệm với chiến sĩ cảnh vệ. Và tấm ảnh kỷ niệm quý giá đó giờ đây luôn được các anh nâng niu, treo ở vị trí trang trọng nhất.

Đồng chí Hoàng Văn Tự cho biết, lần căng thẳng nhất là bảo vệ Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam vào năm 2000. Đoàn Tổng thống Bill Clinton hoạt động liên tục, lịch làm việc, tham quan kín mít, không hở lấy một phút, nhưng với bản lĩnh, dày dặn kinh nghiệm Trung tá Tự luôn chủ động theo sát Tổng thống và sẵn sàng xử lý bất cứ tình huống gì có thể xảy ra. Anh đã hoàn thành chuyến công tác thật “hoàn hảo” như một đồng nghiệp người Mỹ nhận xét.

Bài học từ ngày đầu thành lập đến nay vẫn nằm trong trái tim mỗi cán bộ chiến sĩ cảnh vệ. Đó là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với lãnh tụ, đây chính là sức mạnh giúp lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ. Họ thật xứng đáng là những người chiến sĩ Cảnh vệ Anh hùng.

Nguyễn Đức Quý

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc