Người cả đời trăn trở đi tìm bóng của Nước

16:09 | 22/04/2011

522 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
22 tuổi một mình phiêu bạt sang Mỹ, anh sớm thử sức ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật và đều đã có những thành công nhất định như: hội họa, nhiếp ảnh, video art, sound art, sắp đặt… Nguyễn Quang Tuyến vừa trở lại Việt Nam với “Nước” triển lãm nhiếp ảnh đầu tiên tại quê nhà.

Đằng sau mỗi bức ảnh lạ là một hoài niệm day dứt về cố hương và nỗi trăn trở trên con đường kiếm tìm nghệ thuật đích thực. Anh bảo rằng cả đời anh mãi đi tìm một cái bóng thiêng liêng: Bóng của Nước…

Gặp Nguyễn Quang Tuyến giữa một ngày Hà Nội nắng, anh hồ hởi, giản dị như cốt cách chân phương của người Việt. Xa Tổ quốc lâu như vậy nhưng anh vẫn muốn giữ cho mình những nét Việt thuần túy nhất. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện thân mật với họa sỹ Mỹ gốc Việt đa tài này.

- Quyết định mở một triển lãm nghệ thuật thị giác bằng nhiếp ảnh ở Việt Nam, nơi nghệ thuật thị giác (Visual Arts) còn rất mới lạ, anh không sợ người đến xem tranh của anh mà chẳng hiểu nổi anh muốn nói điều gì?

- Nền nghệ thuật thị giác Việt Nam cần có sự giao lưu, cọ xát và cần được ăn những món ăn lạ, chưa nói là mới để tạo nên sự phong phú cho các món ăn tinh thần. Trong lúc sáng tác, tôi luôn cố gắng tìm tòi cái mới, trước là cho bản thân mình, sau đó chia sẻ nó với mọi người còn ai “ăn” được hay không là ở họ. Tôi tôn trọng chuyện họ thích hay không thích. Tất cả các thứ lạ, bao gồm cả nghệ thuật sẽ kích thích khán giả, cũng như bây giờ nào là đồ ăn Tây, đồ ăn Thái, đồ ăn Thổ Nhĩ Kỳ… đã vào Việt Nam. Mình có một thực đơn đa dạng để cuộc sống của mình thêm phong phú và mọi người tự do lựa chọn, há chẳng phải tốt hơn sao?

- Có rất nhiều cách để nói lên ý đồ nghệ thuật của mình cho loại hình nghệ thuật thị giác như: hội họa, điêu khắc, đồ họa in ấn, kiến trúc, video… Tại sao anh lại chọn nhiếp ảnh mà không phải là một loại hình nghệ thuật khác?

- Ngày trước, khi tôi đang học lớp thể nghiệm đã mày mò thử nghiệm nhiều dạng vật liệu trong quá trình tạo hình, trong đó có cả kết hợp với nhiếp ảnh. Một lần tình cờ, tôi tìm được một cái máy ảnh bằng nhựa. Ngày xưa ở Mỹ có làm những cái máy bằng nhựa với giá 5 USD, có những người dùng xong vứt sọt rác. Hồi đó tôi rất nghèo. Tôi tìm được cái máy đó và mày mò sử dụng. Với tư duy coi camera là bút vẽ và tôi đã sử dụng nó như bút vẽ bởi tôi tò mò rằng khi mình dùng nó theo kiểu đó thì sẽ ra cái gì và khi nhận thấy nó đem đến cho mình những hiệu ứng lạ, tôi quyết định dùng nó. Thứ nhất là nó rẻ, thứ hai là nó làm nên những đường nét mà nhiều khi cái cọ không làm được.

Họa sỹ Nguyễn Quang Tuyến (trái) và người bạn mới quen - Nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi.

- Đen và trắng là hai gam màu chủ đạo trong các bức tranh của anh ở triển lãm “Nước” diễn ra giữa tháng 4 vừa qua. Anh muốn chuyển tải nội dung gì từ hai gam màu đối lập này?

- Trong khối lượng các công việc của mình thử nghiệm gần đây ở bên Mỹ, tôi có rất nhiều tranh màu, cụ thể cái video art chiếu tại triển lãm “Nước” vừa qua là màu. Còn những cái hình trắng đen như mọi người thấy ở triển lãm, thực ra là hình màu nhưng khi mình chụp ở một góc độ riêng thì nó chỉ có sự tương phản giữa trắng và đen. Đối với tôi, sự tương phản giữa trắng và đen có khả năng tạo nên những hiệu ứng cực kỳ mạnh, những cảm xúc rất hiệu quả, vì thế nên tôi quyết định dùng hai gam màu đối lập này.

- Xuyên suốt trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, từ hội họa, video art, sound art, sắp đặt cho đến nhiếp ảnh của anh đều nổi bật lên chủ đề “Nước”. Tại sao cứ phải là “Nước” mà không phải là một thứ nào khác như: lửa, gỗ, đất, đá hay sắt thép chẳng hạn?

- Thực ra từ những năm 90, ngay sau khi muốn bỏ vẽ, tôi bắt đầu làm cái này. Ngôn ngữ vẽ của tôi là gần như trừu tượng, lúc nào cũng trừu tượng. Khi vẽ, tôi luôn tìm những hình khối, đường nét, độ đậm đặc của màu và bố cục. Khi bắt đầu chụp những bức ảnh thì tôi luôn tìm những cái bóng của cái cây, cái nhà, của các đồ vật. Bởi vì cái bóng, cái sự tương phản giữa trắng và đen, cái sáng tối nó rất rõ rệt và trừu tượng. Tôi thường chọn chụp ở những góc mang tính trừu tượng để dùng nó như một yếu tố, một chi tiết trong sáng tác mà sau đó ghép lại thành một cái gì khác, dần dà dẫn đến chụp nước. Bóng của các thứ khi hòa lẫn vào nước, nó bị biến dạng đi, không cụ thể như hình hài cũ của nó và cái sự phản chiếu của tất cả mọi thứ với nước có một hiệu ứng lạ lùng, kì diệu. Sau khi tóm bắt được nó một vài lần, tôi cảm thấy ở đây có rất nhiều “trò”. Trong này có rất nhiều chuyện để nói, nhiều hình để làm việc.

Khoảng từ năm 91, tôi chụp nước và chụp các thứ khác nhưng nước vẫn là thứ tôi tìm đến nhiều nhất. Không cần đi đâu xa, không cần phải đi từ đây đến Bắc Cực hay là Nam Mỹ, Nhật Bản… tôi vẫn có thể tìm cho mình một vũng nước nhỏ. Trong đó cũng đã có đủ chuyện để mà nói rồi.

- Phải chăng “Nước” ở đây là từ đồng âm gợi đến một hình tượng cụ thể nào đó?

- Cái đó là tất nhiên. Lúc đầu, khi làm việc, tôi muốn tìm một trang giấy trống để dễ viết nên đã tìm đến mặt nước, nơi có những chỗ có nhiều bóng phủ xuống thì mình có thể viết được rất nhiều. Khi mặt nước lặng thì không có gì nhiều, mặt nước động thì có rất nhiều đề tài để khai thác. Cái hiệu ứng, ý nghĩa của nó thì nói cả đời không hết. Trong tiếng Việt chữ “Nước” có nhiều nghĩa khác nhau, trong đó có nghĩa Đất Nước. Cái nghĩa nó cực kì sâu xa, vì nước rất quan trọng đối với đời sống con người nên tổ tiên mình dùng làm danh từ để chỉ Tổ quốc. Cả cuộc đời tôi mãi đi tìm một cái bóng thiêng liêng: bóng của Nước, hình ảnh của Việt Nam yêu thương…

"Vô đề số 7" và những hình hài của Nước

- Được biết, ngoài mỹ thuật, video art, sắp đặt, tạo hình, nhiếp ảnh thì âm nhạc cũng là môn nghệ thuật mà anh rất đam mê, đặc biệt là nhạc tự do ngẫu hứng với những tiết điệu đa dạng. Thể loại âm nhạc này có ảnh hưởng gì tới nghệ thuật thị giác của anh?

- Nhiều chứ, nếu hồi nhỏ tôi được đào tạo sớm thì bây giờ đã là người làm nhạc hay làm gì đó về âm thanh bởi vì tư duy về âm thanh của tôi vốn được định hình từ sớm. Ngày xưa mẹ tôi làm cho Đài Tiếng Nói Việt Nam, còn bố thì du học bên Tây nên ông rất thích nghe nhạc Jazz. Từ năm 6, 7 tuổi, sau mỗi bữa tối, bố mẹ thường bật nhạc Jazz để cả nhà nghe. Đây là một loại nhạc rất ngẫu hứng. Thực ra hồi đó tôi cũng chẳng hiểu gì đâu nhưng nghe nhiều, tối ngày nó cứ vẳng vào tai thành quen. Lớn lên chút, tôi thích nghe loại nhạc ít lời nhất như độc tấu piano, guitar…, là loại nhạc đưa tôi đến gần với những giá trị trừu tượng. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi nghe những cái gì đó lạ tai và nó xảy ra một cách rất tự nhiên.

Thời kỳ sống ở Tiệp Khắc từ 1975 đến 1979, tôi chơi thân với nhiều nhạc sĩ người Tiệp. Rồi tôi tập chơi, đầu tiên là đập trống, đập thình thình một thời gian, sau đó tôi làm riêng cho mình những bản nhạc điện tử. Làm để giải tỏa cho riêng mình thôi. Bên Mỹ có một trường phái nghệ thuật cấp tiến và đương đại, gọi là nghệ thuật âm thanh, nó rất trừu tượng, nó chẳng bảo mình làm cái gì hết nhưng khi nghe thì rất sướng, nó dìu mình vào một không gian khác hẳn, lạ lùng…

Bằng chứng về tác phẩm nghệ thuật âm thanh của tôi là cái video trong triển lãm vừa rồi, nó là sự kết hợp trừu tượng giữa hình ảnh và âm thanh. Hiệu ứng của âm thanh trong đó ầm ầm như tiếng gào thét, cái hình chỉ là một phần trong cái video ấy, âm thanh là một cái khác, tổng thể, đa chiều. Những tác phẩm âm thanh luôn làm cho tôi phải động não, luôn được tỉnh táo để làm các việc khác, bổ trợ cho các nghệ thuật khác.

Tác phẩm "Chợt tối"

- Vợ anh là một người Mỹ gốc Nhật và anh rất mến mộ văn hóa Nhật Bản. Anh tìm thấy gì ở văn hóa Nhật và nền văn hóa ấy ảnh hưởng thế nào tới nghệ thuật thị giác của anh?

- Trước khi gặp Tani là vợ tôi bây giờ, khi xem những cuốn phim của người Nhật nói về cuộc sống của họ trước Chiến tranh thế giới thứ II thì tôi thấy họ có rất nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Tất nhiên họ có những cá tính riêng khác. Thảm họa động đất và sóng thần vừa qua tại Nhật giống như một lời nhắc nhở rằng trên thế giới có một dân tộc kiên cường và họ đang làm mẫu cho cả nhân loại, rằng khi mình có đại họa, mình là cái gì, mình làm thế nào, mình là ai. Đó là cái bất hạnh của người Nhật nhưng cũng là đóng góp của họ cho thế giới ngay cả trong thảm họa. Nhân dân thế giới đang hướng về Nhật Bản với lòng ngưỡng vọng, sự sẻ chia và họ đang tự ngẫm về mình.

Một điều đáng trân trọng là người Nhật rất tôn thờ nghệ thuật, phải nói rằng, nghệ thuật với đa số người Nhật gần như là một tôn giáo, rất có ích cho họ, làm cho họ biết tôn trọng cái đẹp và truyền lại cho các thế hệ khác, chia sẻ với cộng đồng những giá trị và lòng trân trọng riêng… Tư tưởng và triết lý thiền học của người Nhật phần nhiều ảnh hưởng đến phong cách của tôi một cách rất vô thức mà bản thân tôi cũng khó nhận định được.

- Trừu tượng là thứ nghệ thuật khó hiểu và phức tạp, chắc chắn sẽ rất kén khán giả, đặc biệt là ở Việt Nam. Tại sao anh chọn cho mình con đường rất “khó nhằn” này?

- Như tôi nói lúc nãy, cái chuyện tôi đến với nhạc Jazz là do hoàn cảnh gia đình, dần dần tôi cảm thấy nó bình thường. Trong bối cảnh sống, môi trường sống tôi được hưởng cái ngôn ngữ trừu tượng một cách vô thức. Cái thế giới ảo và thế giới trừu tượng đều có trong mỗi chúng ta, ngay cả một đứa nhỏ cũng có. Như những đứa trẻ ba bốn tuổi, chúng đã vẽ những bức tranh trừu tượng rồi. Tức là mình cảm thấy nó bình thường, thường xuyên tiếp xúc thì thấy ngôn ngữ ấy rất dễ gần, mình thấy “sướng” nó, rất thích, rất yên ổn với nó và muốn chọn nó. Ở Việt Nam không có nhiều người theo đuổi nghệ thuật trừu tượng nên càng có nhiều người như tôi thì món ăn nghệ thuật ngày sẽ càng phong phú cho mọi người thưởng thức. Ngay từ thời phổ thông học toán, lý, hóa chúng ta đều đã tiếp xúc với ngôn ngữ trừu tượng rồi. Ngay ngôn ngữ viết cũng có rất nhiều người viết trừu tượng rồi âm thanh, hình ảnh cũng đều là thứ ngôn ngữ trừu tượng. Làm nhiều cái trừu tượng, mình cảm thấy bình thường và tìm ra cách dễ nhất để dùng nó, tiếp cận nó hiệu quả hơn.

- Có khi nào anh cảm thấy hay lo sợ những đứa con tinh thần của mình bị lạc lõng?

- Thực ra nó lạc lõng lâu rồi (cười). Như bức tranh đầu tiên mình vẽ năm 1992, năm 1995 mình đem về gửi nhà người bạn, mãi đến năm 2006 mới được đem ra triển lãm và bây giờ thì cất đi. Triển lãm ấy lại ở một không gian nhỏ mà rất ít người biết đến. Đấy là bức tranh cuối cùng mình vẽ. Như ở châu Âu hay bên Mỹ, công việc của một người nghệ sĩ đã là rất mệt mỏi và tốn kém lắm rồi, đến khi đem ra triển lãm thì đã có người khác lo cho họ. Người nghệ sĩ không phải lo việc gì nữa hết và họ không còn bị sức ép từ nhiều vấn đề.

Còn ở nước ta bây giờ, phần lớn các nghệ sỹ đều phải tự lo. Nhiều người có tác phẩm mà không thể triển lãm được vì họ không có tiền thuê phòng tranh. Nếu ở ta mà có những không gian tốt thì sẽ có nhiều tác phẩm trưng bày hơn và người nghệ sĩ phát huy tốt hơn nghệ thuật của mình. Bên cạnh đó thời gian trưng bày cũng cần kéo dài hơn chứ không phải là một hai ngày.

Nơi để lưu trữ các tác phẩm đương đại như một viện bảo tàng ở nước mình hiện cũng chưa có. Hầu như ở các nước châu Âu, mỗi thành phố đều có một bảo tàng riêng để lưu giữ các tác phẩm đương đại có giá trị. Đây là cái mình nên làm sớm để lưu giữ các giá trị, không để thất thoát, khuyến khích những người làm nghệ thuật và để công chúng được tiếp xúc với họ, thành quả lao động nghệ thuật của họ.

"Vô đề số 2"

"Vô đề số 3"

"Vô đề số 4"

"Vô đề số 5, số 6"

- Anh cho rằng nên có một hay nhiều hơn nhà trưng bày đủ lớn để lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật đương đại có giá trị của Việt Nam là một ý tưởng cần thiết?

- Đúng! Cái đó mình đang rất thiếu. Mình nên có một nhà Mạnh Thường Quân nào đó chứ đòi hỏi quốc gia cho một chi phí đó thì cũng khó, nếu được thì quá tốt. nếu không mình tự vận động cũng được. Có rất ít không gian cho nghệ thuật thị giác ở Việt Nam. Giới nghệ sĩ đương đại của ta thiếu một không gian lớn để làm việc hay sắp đặt một cuộc triển lãm nghệ thuật đúng nghĩa. Ở nước ngoài họ làm được điều này lâu rồi. Họ tìm những nhà máy cũ, cao và rộng, phá hết các ngăn vách đi tạo thành một không gian lớn rất trống, rộng rãi. Một khi có một cái phòng lớn như vậy rồi thì các nghệ sỹ có thể làm được rất nhiều việc ở trong đó. Nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại ở Việt Nam rất nhiều nhưng mình chưa có chỗ để cho công chúng xem là họ đang làm cái gì.

- Trong những năm gần đây, ở Việt Nam cũng có một số triển lãm nghệ thuật thị giác của các nghệ sĩ trẻ như: Đào Anh Khánh, Phương Vũ Mạnh, Ngô Nhật Hoàng, Trần Vũ Hải, Quách Đông Phương… Là nghệ sĩ thị giác chắc hẳn anh sẽ theo dõi các hoạt động này. Anh có nhận xét gì về nghệ thuật thị giác ở Việt Nam?

- Tôi cũng thường xuyên theo dõi các tin tức về họ. Hiện nhiều cá nhân, nhiều nhóm nghệ thuật thị giác Việt Nam đương đại đang hoạt động khá hiệu quả và họ cũng đã có những nỗ lực riêng. Nghệ thuật thị giác Việt Nam rất có tiềm năng phát triển vì sự tiện ích của công nghệ internet. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều sự giao lưu, cọ xát và môi trường để các nghệ sĩ trẻ hoạt động, thực hiện những ý tưởng của họ chứ như hiện giờ mặt bằng trình diễn ở ta còn hơi ít. Nghệ sĩ thị giác Trần Lương, Như Huy và nghệ sỹ âm thanh Kim Ngọc là những nghệ sỹ nổi tiếng và họ đã có rất nhiều cố gắng trong việc thực hành, nghiên cứu và phát triển nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

"Chuỗi 10 tác phẩm" và câu chuyện của Nước

- Dự định sắp tới của anh?

- Sắp tới mình sẽ mở một cuộc triển lãm. Nghệ sĩ Trần Lương có mời mình tìm một địa điểm nhỏ để có dịp giao lưu, gặp gỡ các nghệ sĩ thị giác khác ở Việt Nam. Còn về những dự định dài hơi thì luôn tồn tại vì đã là một nghệ sĩ thì cuộc sống luôn bận rộn, phải luôn có sự chuẩn bị, có thời thai nghén cho những đứa con tinh thần của mình chứ!

- Rất cảm ơn nghệ sĩ về cuộc trò chuyện này. Chúc anh thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật!

Hoàng Nghĩa

Theo VTC NEWS

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.