Nhà báo - nhà văn Dương Thị Xuân Quý

Người anh hùng trong mắt đồng nghiệp

07:15 | 21/06/2018

1,613 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 1996, tôi mới từ Quân khu 5 về Báo Quân đội nhân dân được mấy tháng thì được tham gia buổi dựng bia tưởng niệm nhà báo - nhà văn Dương Thị Xuân Quý ngay tại nơi chị hy sinh: thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam)…

Khâm phục và ngưỡng mộ

Thú thực, đến lúc ấy tôi mới biết về cuộc đời và nghiệp báo, nghiệp văn của chị. Các báo địa phương (Quảng Nam, Đà Nẵng), các tạp chí văn nghệ như: Đất Quảng, Non Nước thời ấy có nhiều bài hết sức xúc động về chị.

nguoi anh hung trong mat dong nghiep
Di ảnh Liệt sĩ - Nhà báo - Nhà văn Dương Thị Xuân Quý (ảnh tư liệu)

Sau này, khi nhà thơ Bùi Minh Quốc từ Đà Lạt xuống Đà Nẵng, rồi vào Duy Xuyên đến mấy lần để tìm mộ người vợ yêu quý của mình, tôi cùng với nhà thơ Lê Anh Dũng, nhà văn Nguyễn Bá Thâm đều có mặt trong các chuyến đi ấy. Mỗi lần đi là một lần tôi được nghe kể thêm về cuộc đời rất đỗi bình dị, nhưng cũng vô cùng oanh liệt của chị.

Trong mắt nhà văn Nguyễn Bá Thâm, các văn nghệ sĩ ở Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ coi Dương Thị Xuân Quý không chỉ là đồng nghiệp giàu nghị lực, can đảm và thông minh, mà còn là người em gái thùy mị hết sức chân thành. Theo nhà văn Nguyễn Bá Thâm, trong những năm chiến tranh ác liệt và gian khổ, Dương Thị Xuân Quý là một trong số rất ít nhà báo nữ cùng lặn lội xuống vùng địch, cũng nằm hầm, cũng chạy càn như các đồng nghiệp nam.

Người phụ nữ nhỏ nhắn, mảnh mai bị sốt rét rừng dai dẳng, nhưng không chuyến đi nào xuống vùng địch vắng mặt. Sức chịu đựng gian khổ của chị, nói theo ngôn ngữ bây giờ là trên “hai trăm phần trăm”. Mỗi chuyến đi, mỗi trang nhật ký chị ghi chép kỹ lưỡng và tỉ mỉ đã cho ra đời những tác phẩm đi vào lịch sử văn học chống Mỹ, với một văn phong rất riêng, phản ánh cuộc sống, chiến đấu của quân và dân Khu 5 hết sức chân thực.

Nhà văn Nguyên Ngọc chỉ gặp Dương Thị Xuân Quý 1 một lần ở chiến trường khu V, nhưng hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé để lại trong ông nhiều ấn tượng. Ông nhận xét về chị: “Chúng tôi họp, bom B52 nổ rền đâu đó ở sườn núi bên kia. Quý đến muộn một chút. Chị vừa bị sốt rét rừng... Đã nghe tên, quý mến mà chưa được gặp người. Một cô gái bước vào. Tôi biết ngay là Quý, không rõ vì sao. Chị gầy và xanh quá. Nói là còm cõi cũng không quá đáng. Duy có đôi mắt, tất cả là ở đó. Đôi mắt vừa đằm thắm, vừa rắn rỏi, vừa thông minh. Hay đúng hơn, nhìn vào đôi mắt ấy, anh bỗng hiểu rằng trước mặt mình là một con người có thể lặng lẽ suốt đời đi đến mục đích đã tự khẳng định của mình, bất chấp tất cả, không gì ngăn được...”.

Nhà báo - nhà văn Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19-4-1941. Chị nguyên là phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968. Tháng 7-1968, chị xung phong vào chiến trường, nhận nhiệm vụ phóng viên tại Tạp chí Văn nghệ Giải phóng thuộc Trung Trung Bộ (Khu 5). Đêm 8-3-1969, trong một trận càn quét ác liệt của quân địch, chị đã hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Chị hy sinh trong lúc tuổi đời, sức viết đang tràn đầy. Sau sự hy sinh ấy là những trang viết chị để lại tuy không đồ sộ, song lại có sức nặng. Người đọc ngộ ra những điều hết sức bình dị trong cuộc sống vô vàn khó khăn gian khổ ấy không chỉ có đạn bom, máu và nước mắt… mà còn có những góc rất riêng tư tỏa sáng tình người, tình đời ấm áp.

Tôi đã từng được đọc “Dương Thị Xuân Quý - Nhật ký, tác phẩm”. Đã có nhiều bài viết về tác phẩm này hết sức xúc động. Chị Nguyễn Thị Minh Thái đã nhận xét hết sức xác đáng rằng: “…về phương diện văn chương, cái quyến rũ nhất của Nhật ký Dương Thị Xuân Quý là sự thành thực của các khát vọng tình cảm: khát vọng được yêu con, được làm mẹ, làm vợ và bao trùm lên tất cả là được sống với hết khát vọng đi và viết về cuộc kháng chiến cùng mảnh đất và con người miền Trung”.

Có thể nói mỗi trang viết của chị là một sự “khám phá” chân thực đến tận cùng, là tình cảm, là khát vọng sống, khát vọng đi và viết. Mỗi con chữ mang trên mình sự nhọc nhằn, khổ ải, sự thiếu thốn nhưng không hề bi lụy. Với chị, được đi chiến trường, được cùng kề vai sát cánh với chồng, với đồng nghiệp trong “chiến hào” văn chương là niềm hạnh phúc.

nguoi anh hung trong mat dong nghiep
Bia tưởng niệm Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý được dựng tại nơi chị hy sinh (ảnh Quế Hà)

Chị thấy mình quá hạnh phúc bên chồng, khi các đồng nghiệp khác không có. Cái hạnh phúc nhỏ nhoi của mái ấm gia đình tại chiến trường khốc liệt mới mong manh làm sao. Nếu được “chọn”, chắc chẳng ai “chọn” việc “xây tổ ấm” trong điều kiện đầy cam go như vậy. Nhưng với chị, trong suy nghĩ rất thật, đấy là “hạnh phúc”, bình dị và vĩ đại biết bao!

Phải chăng từ suy nghĩ ấy mà chị đã lao vào công việc với trách nhiệm của người cầm bút, lao vào những nơi nguy nan nhất để sống và viết. Sự lao động văn chương trong điều kiện hiểm nguy, có khác gì những người lính trong chiến hào ác liệt?

Bây giờ về vùng cát Thăng Bình, hay Duy Xuyên (Quảng Nam), gặp những cơ sở cách mạng lớn tuổi hỏi về chị, người dân quê vẫn không quên được hình ảnh người con gái miền Bắc mảnh mai xông pha ở những nơi gian khổ. Những trang viết về vùng đất miền Trung được chị khắc họa trong các tác phẩm của mình một cách sinh động, không chỉ sống mãi trong lòng bạn đọc, mà trở thành sự đồng cảm và sự tôn trọng, yêu thương nơi mỗi người dân, mỗi ngôi nhà, mỗi xóm làng chị đã từng sống và viết. Hình ảnh chị luôn ở trong tâm tưởng, trong sự ngưỡng mộ của người dân là như vậy.

Vài nét chấm phá

Nhà báo - nhà văn Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19-4-1941 tại Hà Hội. Quê gốc của chị thuộc thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang (Hưng Yên). Ông nội chị là cụ Dương Trọng Phổ, người trong nhóm vận động cho Đông Kinh Nghĩa Thục, từng bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Lôn.

Phụ thân chị là ông Dương Tụ Quán, vốn là một nhà giáo, sau chuyển sang làm báo Văn học tạp chí, rồi Tạp chí Tri Tân. Hai người bác ruột là Dương Bá Trạc và Dương Quảng Hàm. Ông Dương Bá Trạc vừa là thành viên tích cực trong Đông Kinh Nghĩa Thục, vừa viết báo viết văn. Ông đã từng được thực dân Pháp mời ông làm tri huyện, nhưng từ chối để theo đuổi con đường cách mạng, ông bị Pháp bắt và đày ra đảo Côn Lôn trước cha mình là cụ Dương Trọng Phổ ít ngày.

Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm, người bác ruột thứ hai của chị, sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, được bổ nhiệm làm thanh tra Trung học vụ, rồi làm Hiệu trưởng của trường Bưởi. Ông mất năm 1946. Hai cuốn sách có giá trị nghiên cứu nhất của ông là Việt Nam văn học sử yếu (1941), Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942).

Ngay từ năm 1961, khi là phóng viên Báo Phụ nữ, Dương Thị Xuân Quý đã xông pha vào tận đất lửa khu IV, lúc đó thế hệ chúng tôi mới bắt đầu cắp sách đến trường. Người phụ nữ can trường ấy, nếu còn sống đến bây giờ thì đã xấp xỉ tuổi “tám mươi”. Với danh xưng là “chị” trong bài viết này, trong con mắt chúng tôi, “chị Quý” vẫn mãi là người chị đằm thắm sống mãi ở tuổi “hai tám”. Đúng như nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết, được tạc trên tấm bia đá nơi chị yên nghỉ ngàn thu: “Thôi em nằm lại ở đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên...”.

nguoi anh hung trong mat dong nghiep
Nhà thơ Bùi Minh Quốc bên tấm bia tưởng niệm Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (ảnh tư liệu)

Có lẽ rất nhiều người không biết, để được vào Nam chiến đấu, chị Quý đã viết đơn tình nguyện và càng không biết phía sau lá đơn ấy là đứa con mới vừa cai sữa. Chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng đang ở chiến trường. Với quyết tâm cháy bỏng, chị viết: “…nguyện vọng tha thiết nhất của tôi là được xông vào những nơi chiến đấu ác liệt nhất để chiến đấu cho lý tưởng vinh quang của mình bằng tất cả sức lực và trí tuệ cao độ nhất. Xin các đồng chí hiểu cho tôi. Đã từ lâu, tôi mong ước vô cùng được vào miền Nam chiến đấu…”.

Theo lời kể của nhà thơ Bùi Minh Quốc, ngay từ năm 1965, chị Quý đã tình nguyện xin được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tháng 2-1966, chị và nhà thơ Bùi Minh Quốc lập gia đình. Đến tháng 12 năm đó, người con gái đầu lòng và cũng là duy nhất Bùi Dương Hương Ly ra đời.

Chỉ 5 tháng sau đó, nhà thơ Bùi Minh Quốc tạm biệt vợ con lên đường vào chiến trường miền Nam. Đúng 1 năm sau, vào tháng 4-1968, chị gửi con lại cho mẹ rồi lên đường đi chiến trường. Như một sự “ưu ái” của định mệnh, nơi chị vào công tác chính là Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ (Khu 5), cũng là nơi nhà thơ Bùi Minh Quốc đang công tác. Đêm 8-3-1969, trong một trận càn quét ác liệt của quân thù, chị đã hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

Nhà thơ Bùi Minh Quốc kể rằng: Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở chiến trường, tuy là cùng cơ quan nhưng hai vợ chồng rất ít khi được gần nhau. Khi Bùi Minh Quốc đi xuống Duy Xuyên thì chị lại đến vùng Thăng Bình.

Ông Quốc bảo: Bao nhiêu gian nan nguy hiểm, bao nhiêu khó khăn chị đều vượt qua. Trong mắt các văn nghệ sĩ kháng chiến thời ấy, chị là tấm gương vượt khó kiên trung. Song ẩn sau sự dũng cảm can trường ấy là nỗi nhớ con nặng trĩu. Trong những giây phút hiếm hoi hai vợ chồng ở bên nhau, trong những lá thư chị Quý viết cho ông, rồi cả những con chữ trong các trang nhật ký…, ông nhận ra sự nhớ con đến khắc khoải ở vợ mình. Và ông đã viết những câu thơ này tặng vợ: “Anh hiểu lắm em ơi/ Một người mẹ lên đường ra trận/ Vượt đỉnh Trường Sơn/ Còn dễ hơn/ Vượt qua nỗi nhớ con thăm thẳm”.

Trong 5 lần nhà thơ Bùi Minh Quốc về Duy Xuyên tìm mộ chị Quý, tôi có mặt 3 lần sau trong các năm 1996, 2000 và 2006. Nhà thơ Bùi Minh Quốc, khuôn mặt lúc nào cũng nhầu nhĩ, lúc buồn nhất, ông lấy bầu rượu mang theo bên mình nhâm nhi từng ngụm nhỏ.

Có một lần ông Quốc nói với tôi rằng: “Không biết có phải là định mệnh? Ngày 7-3-1969, mình viết “Bài thơ tình yêu” trước đúng một ngày Quý hy sinh. Cứ đinh ninh chờ Quý về để đọc cho vợ nghe, có ai ngờ chuyến đi ấy dài dằng dặc đến tận bây giờ. Nếu thế giới bên kia là có thực, mình tin rằng Quý đã được nghe bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc từ Bài thơ tình yêu”.

Cuộc đời với nghiệp báo, nghiệp văn ngắn ngủi của chị, dù không để lại cho hậu thế những tác phẩm đồ sộ, song chỉ với hai tác phẩm “Chỗ đứng” (1968) và “Hoa rừng” (1970), đầu năm 2007, nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Và cũng năm này, NXB Hội Nhà văn đã ra mắt độc giả cuốn sách “Dương Thị Xuân Quý - Nhật ký, tác phẩm”.

Tôi cũng tin rằng, ở thế giới bên kia, chị Quý không chỉ một lần, mà rất nhiều lần đã được nghe bài hát này. Bài hát đẹp như cuộc sống vô cùng ý nghĩa của chị “Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao. Dù đạn bom man rợ thét gào. Dù cách xa hai ngả đường chiến dịch. Ta vẫn cùng chung nhau một ánh trăng ngần...”.

Mấy lời đề nghị

Cuộc đời với nghiệp báo, nghiệp văn ngắn ngủi của chị, dù không để lại cho hậu thế những tác phẩm đồ sộ, song chỉ với hai tác phẩm “Chỗ đứng” (1968) và “Hoa rừng” (1970), đầu năm 2007, nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Và cũng năm này, NXB Hội Nhà văn đã ra mắt độc giả cuốn sách “Dương Thị Xuân Quý - Nhật ký, tác phẩm”.

Trong chiến tranh, trong chiến hào ngùn ngụt lửa đạn, có những người lính cầm bút. Họ không đông đảo như các đoàn quân thuộc các quân, binh chủng khác. Nhưng chiến công của họ thật phi thường, những trang viết thấm máu, những con chữ ra đời trong quặn thắt thương đau, không chỉ góp phần động viên bộ đội đánh giặc lập công mà còn để lại cho nền văn học nước nhà những trang hào sảng, bi hùng…

Trong số các văn nghệ sĩ hy sinh ở chiến trường Quảng Nam là nhà thơ Nguyễn Mỹ, nhà báo - nhà văn Dương Thị Xuân Quý và nhà văn Chu Cẩm Phong thì mới chỉ mỗi nhà văn Chu Cẩm Phong được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2010.

Thế hệ chúng tôi tuy ở chiến trường không nhiều, nhưng qua những nếm trải “mùi vị” chiến tranh, chúng tôi cũng hiểu được sự khốc liệt trong thời kỳ gian khổ nhất mà chị Quý và các đồng nghiệp ở Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ (Khu 5) phải đương đầu. Với những cống hiến to lớn ấy, chị xứng đáng được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ.

Tôi mang chuyện này hỏi nhà văn Thái Bá Lợi, nhà Thơ Thanh Quế, nhà văn Nguyễn Bá Thâm, các ông đều nói: Chỉ tiếc, cho đến giờ chị vẫn chưa được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Cái khó là hiện nay cơ quan cũ nơi chị Quý công tác, chiến đấu ở chiến trường đã giải tán, nên chẳng có cơ quan nào làm thủ tục đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho chị. Song đấy không phải là điều khó nhất. Con người, sự nghiệp, sự hy sinh của chị không “khuất lấp” trong “lớp bụi” thời gian, mà đang rực sáng trong nhiều, rất nhiều các bài viết, các tác phẩm của các nhà báo, nhà thơ, nhà văn trong cả nước. Đấy là lời đề nghị xác đáng nhất.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được trích đăng ý kiến của chị Nguyễn Thị Minh Thái: “Như bao liệt sĩ nhà văn, Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh, cùng với những nghệ sĩ chiến sĩ khác: Chu Cẩm Phong, Văn Cận, Phương Thảo, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Mỹ… Họ hy sinh anh hùng như những người lính. Đánh giá những văn nghệ sĩ - chiến sĩ này, chúng ta đều đồng thuận rằng, hậu sinh còn chưa thực hiện hết những nghĩa cử mang tính tri ân với họ… Tôi chỉ muốn nói rằng, món nợ cao quý này sẽ cần phải trả, và không phải của riêng ai!”.

Đặng Trung Hội

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps