Người anh hùng trong lòng đồng chí, đồng đội

07:00 | 12/04/2018

4,526 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông thuộc lớp cán bộ tiền bối của Đoàn Đặc công 126 Hải quân và cũng là những chiến sĩ đặc công nước đầu tiên có mặt tại mặt trận 44 Quảng Đà. “Hạt gạo” còn lại “trên sàng” ấy là Đại tá Phạm Xuân Sanh.  

Người có cái đầu giá 100.000USD

nguoi anh hung trong long dong chi dong doi
Ông Phạm Xuân Sanh

Làm cho giặc “thất điên, bát đảo” bằng những trận đánh “xuất quỷ, nhập thần” trên chiến trường sông nước mặt trận 44 Quảng Đà, Phạm Xuân Sanh (bí danh Quách Sanh) đã từng bị chính quyền chế độ cũ tỉnh Quảng Đà treo giải 100.000USD, nếu ai lấy được đầu của ông.

Mới rồi, nghe tin ông được các đồng đội cũ (Ban Liên lạc Đặc công 126 tại Đà Nẵng) nhóm họp “tìm” các “biện pháp” để đề nghị Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) thời kỳ chống Mỹ cho ông.

Nghe lạ. Một người đã từng lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, được tặng tới 8 Huân chương Chiến công các hạng; 4 năm là Chiến sĩ thi đua toàn miền (quân khu); 7 lần bị thương trong chiến tranh; không bị kỷ luật gì… Với ngần ấy thành tích, theo suy nghĩ của tôi ông xứng đáng được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND từ lâu. Tôi đã tìm gặp ông để hỏi cho rõ nguồn cơn.

Căn nhà nhỏ ở phố Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng như lọt thỏm dưới những tòa nhà cao tầng, là nơi Đại tá Phạm Xuân Sanh và gia đình sinh sống. Hỏi ông lý do tại sao mãi đến bây giờ đồng đội cũ mới “động đậy” đến việc đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông.

Ông cho hay: Sau giải phóng, đơn vị giải thể, mỗi người đi nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới. Bản thân ông, ngay từ năm 1975 được điều về công tác ở Phòng Tham mưu tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), năm 1978 tiếp tục sang chiến đấu ở chiến trường Đông Bắc Campuchia đến năm 1982. Năm 1983, ông về công tác ở phòng tác chiến Quân khu 5 cho đến cuối năm 1989 thì nghỉ hưu.

“Thành tích của đồng chí Phạm Xuân Sanh đặc biệt xuất sắc. Thường trực Ban Liên lạc Mặt trận 44 Quảng Đà đề nghị cấp trên xem xét đề nghị Nhà nước tuyên dương đồng chí Phạm Xuân Sanh là Anh hùng LLVTND trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. (Trích biên bản cuộc họp Thường trực Ban Liên lạc Mặt trận 44 Quảng Đà ngày 19-7-2017)

Một phần vì đơn vị giải thể, phần khác bản thân ông cũng coi việc hoàn thành nhiệm vụ trong chiến tranh vừa là bổn phận của người cán bộ chỉ huy trước đơn vị, vừa là trách nhiệm của người chiến sĩ trước vận mệnh của Tổ quốc. Ông bảo: Những Huân chương mà ông được Nhà nước khen tặng đã là những phần thưởng xứng đáng rồi.

Người coi thành tích, coi chiến công của mình là bổn phận, trách nhiệm thì càng “nhẹ hều” trước những toan tính về chức tước, bổng lộc. Cuộc đời binh nghiệp của ông trải qua những năm dài gian khổ đói cơm, nhạt muối, trải qua không biết bao lần “vào sống ra chết”. Và ông cũng đã trải qua cả những mời chào khi mà tiêu cực xã hội len lỏi đến những nơi linh thiêng, cao thượng.

Ông bảo: Chẳng biết bọn “cò” nghe ở đâu về thành tích chiến đấu của ông, chúng mò đến tận nhà “ngã giá” để “chạy” danh hiệu Anh hùng cho ông.

nguoi anh hung trong long dong chi dong doi
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ông Phạm Xuân Sanh (ảnh chụp năm 1974, khi ông ra miền Bắc báo cáo thành tích)

Điềm đạm, bình tĩnh là thuộc tính của người chiến sĩ đặc công. Vậy mà bữa ấy, cái mồm dẻo quẹo của tay “cò” vừa dứt, ông định táng cho không còn cái răng nào. Mắt ông vằn lên, tay chỉ ra cửa đuổi thẳng. Tay “cò” dường như nhận ra sự nguy hiểm trong ánh mắt rực lửa của người lính già, “ba chân, bốn cẳng” chạy, không dám quay đầu nhìn lại.

Những trận đánh trở thành chiến lệ

Có mặt ở chiến trường mặt trận 44 Quảng Đà (10-1966) vào đúng giai đoạn khó khăn ác liệt nhất. Trong 10 năm ở chiến trường, Phạm Xuân Sanh tham gia 21 trận đánh trên cương vị cả chỉ huy và trực tiếp chiến đấu.

Trong 21 trận đánh ấy, ông đã cùng với đồng đội đánh sập 10 cây cầu trên trên các tuyến giao thông huyết mạch ở chiến trường. Đánh chìm 1 pháo hạm của Mỹ, 6 hải thuyền thuộc Giang đoàn 12 của Hải quân quân đội Sài Gòn.

Mục tiêu chiến đấu của đặc công nước khác với các quân, binh chủng khác, hoàn toàn dưới nước. Điều kiện chiến đấu hết sức khó khăn, lực lượng ít (thường thì chỉ có 1 tổ 3 người), vũ khí, khí tài cồng kềnh (1 tổ chiến đấu thường kèm theo 1 khối thuốc nổ có trọng lượng 60-100kg, cá biệt là 200kg, tùy từng loại mục tiêu). Thời gian ngâm mình dưới nước lâu (ít thì 1-2 giờ, nhiều thì cả chục giờ đồng hồ). Về mùa hè thì còn khả dĩ, mùa đông thì vô vàn gian khổ.

“Với thành tích đặc biệt xuất sắc, Lữ đoàn Đặc công 126 đề nghị Quân chủng Hải quân, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xét đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đồng chí Phạm Xuân Sanh”. (Trích nhận xét của Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân)

Nói sơ như vậy để bạn đọc hình dung ra nhiệm vụ của chiến sĩ đặc công nước vất vả, nguy hiểm đến nhường nào. Qua đấy mới thấy việc huấn luyện, rèn luyện của người chiến sĩ đặc công nước là công phu biết bao nhiêu, đặc biệt là tôi luyện bản lĩnh để vượt qua chính mình, vượt qua chính sự chịu đựng của con người để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Một trong những trận đánh mà ông báo cáo trong Hội thảo Khoa học quân sự do Quân chủng Hải quân tổ chức vào ngày 24-3-2016 đã được các tướng lĩnh, các nhà khoa học quân sự ghi nhận và đánh giá cao về giá trị nghệ thuật quân sự, được chọn đăng trong cuốn kỷ yếu truyền thống của Đặc công Hải quân đã trở thành trận đánh kinh điển.

Đấy là trận đánh cầu Giao Thủy giữa ban ngày. Cây cầu này có vị trí đặc biệt quan trọng bắc qua sông Thu Bồn, là huyết mạch giao thông nối liền hai vùng chiến thuật phía tây huyện Duy Xuyên và vùng B huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam ngày nay). Đánh sập cây cầu là cắt đứt sự chi viện của địch giữa hai vùng chiến thuật.

Xin được nói thêm, cầu Giao Thủy trước đây được công binh Mỹ thiết kế và xây dựng dã chiến, trụ bằng gỗ, bị ta đánh đi, đánh lại đến 3 lần. Lần thứ 3 cầu bị hư hỏng nặng, địch không sửa mà quyết định xây cầu mới cách cầu cũ về phía thượng nguồn khoảng 100m.

Lực lượng bảo vệ và xây dựng cây cầu mới này là một tiểu đoàn công binh quân đội Sài Gòn, dưới sự chỉ đạo của cố vấn Mỹ. Phương tiện thi công được huy động tối đa. Công trường ngổn ngang sắt thép, người xe vào ra tấp nập...

Ý định một trận đánh bồi ngay trong lúc địch xây dựng cầu được Phạm Xuân Sanh đặt ra với đơn vị. Sau những đêm trầm mình dưới dòng sông để trinh sát, nắm quy luật hoạt động, bố phòng canh gác của địch. Phạm Xuân Sanh nhận định: Đánh mật tập vào ban đêm khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, dễ tổn thất lực lượng vì sự vây ráp, tuần tra hết sức nghiêm ngặt của địch. Chỉ đánh vào lúc bất ngờ nhất mới bảo đảm chắc thắng.

Phạm Xuân Sanh động viên anh em trong đơn vị hiến kế. Có ý kiến nêu đánh vào lúc chập choạng tối, lúc này địch ít chú ý canh phòng. Có ý kiến đánh vào lúc giữa trưa, khi địch vừa ăn cơm xong... Thảo luận, đánh giá phân tích những thuận lợi khó khăn, cuối cùng cả đơn vị nhất trí theo phương án của Đội trưởng Phạm Xuân Sanh đưa ra là đánh vào lúc rạng đông.

Đánh vào thời điểm ấy có nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị và tiềm nhập mục tiêu. Đây là lúc bọn địch chủ quan nhất sau một đêm canh gác, bố phòng. Phương án đã được xác định và đúng như nhận định, tổ tác chiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đúng 5 giờ 45 phút, cả tổ áp sát mục tiêu. Bằng những động tác thuần thục, chỉ trong vòng 20 phút khối thuốc nổ đã được áp sát mố cầu và được điểm hỏa hẹn giờ. Gần 7 giờ, anh em rút khỏi khu vực về vị trí tập kết. Và đúng 7 giờ 25 phút ngày 19-5-1972, khối thuốc gần 1 tạ phát nổ đánh sập trụ cầu, hất văng 2 nhịp cùng 32 lính công binh và các phương tiện kỹ thuật đang thi công xuống sông.

Với cách đánh táo bạo, bất ngờ đầy hiệu quả, đặc công nước đã phát triển thêm cách đánh mới, đó là đánh mục tiêu vào ban ngày mà vẫn mang lại thắng lợi, với hiệu suất chiến đấu cao, làm cho địch thất điên bát đảo, hoang mang dao động, buộc phải điều thêm lực lượng, phương tiện đến bảo vệ, góp phần kéo dãn đội hình địch, tạo điều kiện thuận để các lực lượng khác trên địa bàn hoạt động.

Khúc vĩ thanh

Vậy là, những tháng năm dài chiến đấu với bao chiến công hiển hách của người lính già tưởng như chỉ nằm trong các cuốn chiến lệ của Đặc công nước mặt trận 44 Quảng Đà, giờ đã được chính các đồng đội của ông trong Ban Liên lạc Đoàn Đặc công 126 Hải quân tại Đà Nẵng phát hiện và đề nghị Nhà nước vinh danh. Tuy muộn, nhưng hoàn toàn xứng đáng.

nguoi anh hung trong long dong chi dong doi
Ông Phạm Xuân Sanh cùng với Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân - Người đồng đội cùng huấn luyện tại Đoàn Đặc công 126 Hải quân

Hỏi ông về cảm nghĩ trước việc này, ông bảo: Vô cùng cảm động trước nghĩa cử của đồng chí, đồng đội. Chỉ có người lính đã đi qua chiến tranh mới hiểu nhau, mới “gan ruột” với nhau như vậy. Ánh mắt già nua như có lửa khi ôn lại những trận đánh, những kỷ niệm sâu sắc ở chiến trường.

Ông kể rằng, khi anh em trong Ban Liên lạc truyền thống Đoàn Đặc công 126 Hải quân tại Đà Nẵng, rồi cả các anh trong Ban Liên lạc Truyền thống mặt trận 44 Quảng Đà động viên ông viết báo cáo thành tích, ông đã từ chối, nhưng tất cả đều nói với ông rằng: Đề nghị Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ không phải riêng cho cá nhân ông, mà đấy còn là sự tri ân những đồng đội đã hy sinh, xương máu đã hòa vào những dòng sông trên chiến trường. Đó còn là sự tri ân với những vùng đất mà ông và các đồng đội ông được nhân dân đùm bọc chở che.

Tôi, người viết bài này, cũng là chiến sĩ đặc công nước, cũng đã từng chiến đấu ở một đơn vị đặc công tại cánh Bắc Hòa Vang thuộc mặt trận 44 Quảng Đà. Thế hệ tôi vào chiến trường sau ông rất nhiều, thời chiến tranh nhiều trận đánh của ông đã được Phòng Đặc công Quân khu 5 biên soạn thành chiến lệ để chúng tôi học tập.

Tôi cũng đã từng tham gia vài trận đánh và chính những chiến công hào hùng, những quyết định táo bạo, bất ngờ, những trận đánh như huyền thoại của ông đã khích lệ chúng tôi trong cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù và cũng đã lập được những chiến công, được khen thưởng bằng những tấm Huân chương Chiến công giải phóng. Thành tích ấy có những tinh hoa trong các báo cáo chiến công của ông soi đường.

Hôm nay ngồi với ông, đối diện với ông, “thần tượng” của tôi và thế hệ chúng tôi thật bình dị, thật khiêm nhường. Trong câu chuyện, ông không nói nhiều về mình mà giành phần lớn thời gian nói đến những trận đánh, những chiến công của Hồ Phi Thiện, của Giang Hồng Mão... Ông bảo: Đấy là những chiến sĩ dưới quyền ông vô cùng gan dạ, họ đều xứng đáng là những anh hùng.

Chưa biết hồ sơ đề nghị Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông hiện giờ đã đến Ban Thi đua khen thưởng Trung ương chưa, nhưng tôi và tất cả những người đã bỏ công, bỏ sức, bỏ thời gian để hoàn thiện hồ sơ cho ông đều đã coi ông là Anh hùng rồi.

Đại tá Phạm Xuân Sanh, bí danh Quách Sanh, sinh ngày 9-11-1941 ở phường Đồng Hải, TP Đồng Hới, Quảng Bình, hiện đang ở tổ 76, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Năm 1961, tốt nghiệp Trường Thể dục Thể thao Bắc Ninh, ông được điều về Ty Thể dục Thể thao tỉnh Quảng Bình, năm 1963 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Nghiệp vụ.

Tháng 2-1964, ông nhập ngũ và huấn luyện tại Đoàn Đặc công 126 Hải quân. Tháng 10-1966, ông vào chiến trường, chiến đấu ở mặt trận 44 Quảng Đà, trên các cương vị từ trợ lý tác chiến, quân lực đến đội trưởng Đội 170 Đặc công. Sau giải phóng ông tiếp tục sang Campuchia giúp bạn.

Ông đã tham gia 21 trận chiến đấu, được tặng thưởng 8 Huân chương Chiến công các hạng; 4 lần nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn miền; 7 lần bị thương, được hưởng chính sách thương binh 3/4 với tỷ lệ thương tật là 55%.

Thành lập từ những ngày khốc liệt nhất của cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước (tháng 7-1967), dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Đặc khu ủy Quảng Đà, các đơn vị thuộc Mặt trận 44 Quảng Đà đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, ra sức đánh địch bằng 2 chân, 3 mũi giáp công, trên 3 vùng chiến lược, sáng tạo ra nhiều cách đánh phong phú như vành đai diệt Mỹ ở Hòa Vang, vận động phục kích của Tiểu đoàn R20 và lực lượng vũ trang huyện Duy Xuyên, tiêu diệt gần hết tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ tại Xuyên Thanh, huyện Duy Xuyên.

Những chiến công gắn liền với những gương hy sinh anh dũng, như Mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê cùng với những phương thức đấu tranh vô cùng phong phú của các mẹ ở Hòa Hải, Điện Tiến, Đại Cường, làm cho quân Mỹ - ngụy tan rã đến thất bại hoàn toàn trên chiến trường Quảng Đà từ năm 1969 đến giải phóng hoàn toàn Quảng Nam Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975.

Đặng Trung Hội