Người Anh hùng dân tộc Pa Kô 6 lần được gặp Bác Hồ

10:11 | 02/09/2011

1,323 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Tui còn sống, còn khỏe đến ngày nào là còn giúp đỡ người nghèo, các cháu mồ côi. Đó là một trong những công việc mà tui làm để thực hiện như lời đã hứa với Bác năm nào”, Anh hùng Hồ Vai tâm sự.

Nghe nói về ông nhiều nhưng đến khi gặp mặt, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi một người Anh hùng lừng danh như ông lại sống một cuộc sống đầy giản dị đến thế. Bên trong căn nhà, những chiến công một thời của ông được treo cẩn thận và trang trọng khiến chúng tôi cảm động và tự hào. Ông cũng là người dân tộc Pa Kô đầu tiên vinh dự được gặp Bác Hồ ngay tại Phủ Chủ tịch.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã trực tiếp chiến đấu 22 trận, giết chết 44 tên địch và chỉ huy hàng trăm trận đánh gây tiếng vang, khiến địch khiếp sợ. Người Anh hùng mà chúng tôi nhắc đến, đó là ông Hồ Vai (tức Anh hùng Hồ Đức Vai), 72 tuổi, trú thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế; một người con tiêu biểu của đồng bào Pa Kô trên dãy Trường Sơn đại ngàn.

Mặc dù tuổi đã xế chiều nhưng Anh hùng Hồ Vai vẫn tận lực với đời, giúp đỡ buôn làng

Từ người con Pa Kô gan dạ…

Con đường từ TP Huế lên thị trấn A Lưới mùa này rất khó đi, do nhiều đoạn đang trong thời kỳ sửa chữa. Mặc dầu vậy, hình ảnh về một người con nổi tiếng, gan dạ của dân tộc Pa Kô mà tôi được biết đến trong các trang sách sử đã tạo động lực để chúng tôi quyết tâm lên đường. Gặp chúng tôi, dù đang bị đau tim nhưng Anh hùng Hồ Vai vẫn ngồi dậy để tiếp chuyện, kể say sưa về những trận đánh của quân và dân A Lưới ngày nào. Trong đó, ông tự hào kể đi kể lại việc ông được 6 lần gặp Bác, ngồi trò chuyện và cùng ăn cơm thân mật với Bác.

Ông kể, những năm 1961-1962, quê hương A Lưới là một trong những căn cứ địa cách mạng, là cái nôi của những cuộc cách mạng, kháng chiến đánh giặc ngoại xâm. Thời gian đó, giặc Mỹ đổ quân đóng tại đồn Aso (xã Đông Sơn) liên tục càn quét bằng các phương tiện vũ trang hiện đại; chúng thả bom Napal khắp các núi rừng, suốt các ngày đêm. Vì muốn được trực tiếp đánh giặc, vào năm 1961, ông đã tình nguyện tham gia đội du kích địa phương và được phân công làm công tác liên lạc. Một năm sau, ông chính thức được nhập ngũ khi ở cái tuổi 22 đầy lòng nhiệt huyết, tinh thần cách mạng và lòng gan dạ quyết tâm đánh đuổi quân thù.

Nhưng đến năm 1963, từ mặt trận kháng chiến ông lại được gọi về phục vụ chiến đấu và chỉ huy đội quân du kích tại địa phương. Với cương vị là xã Đội trưởng xã Thượng Ninh (nay là xã Hồng Bắc), trong những năm kháng chiến ông đã chỉ huy nhiều trận đánh giặc có tầm ảnh hưởng lớn đến tinh thần đấu tranh của đồng bào vùng cao lúc bấy giờ. Từ những trận đánh anh dũng và tài trí trong nhiều cuộc chiến, cái tên Hồ Vai đã lan nhanh đến khắp buôn làng người Pa Kô sinh sống, trở thành biểu tượng của lòng anh dũng trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.

Ông kể cho chúng tôi nghe về những trận đánh giữa ta và địch tại các mặt trận vùng biên A Lưới ngày nào. Đặc biệt, mắt ông bỗng sáng vẻ tự hào khi nhắc đến câu chuyện một mình ông đẩy lùi được cả một Tiểu đoàn địch. Khi ấy, trưởng chỉ huy du kích xã Thượng Ninh (bây giờ là xã Hồng Bắc, huyện A Lưới) Hồ Vai nhận được tin báo quân địch đang hành quân về phía làng. Để ngăn chặn địch, một mình ông đã lặn lội vào trong rừng sâu, vượt bao thác ghềnh để đánh lạc hướng địch.

“Khi phát hiện Tiểu đoàn địch đang hành quân, tui lấy súng Tiểu liên bắn loạn xạ vào quan địch rồi nhảy xuống sông nấp vào một tảng đá. Sau đó, vòng lên phía trước, đón đầu địch tại một con dốc. Tại đây, tui cũng nả hết 2 băng đạn Tiểu liên khiến quân địch chết và bị thương rất nhiều, nên địch chuyển kế hoạch hành quân”, ông Hồ Vai nhớ lại.

… Đến 6 lần được gặp Bác

Năm 1964, ở cái tuổi 25, chàng thanh niên du kích Hồ Vai vinh dự được chọn đi dự Đại hội Chiến sĩ Anh hùng thi đua toàn miền Nam, được tổ chức tại Tây Ninh. Tại đây, lần đầu tiên ông được gặp bác Hồ và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Trong số 32 cán bộ chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực Lượng vũ trang, có 2 du kích người dân tộc thiểu số, đó là Hồ Vai (dân tộc Pa Kô, tỉnh Thừa Thiên – Huế) và Pi Năng Tăk, dân tộc Răglai, tỉnh Ninh Thuận.

“Trong đợt được gặp Bác đó, nghe nói mình là người thiểu số, Bác đã ân cần đến căn dặn: “Cháu đã ra miền Bắc thì phải ở lại học cái chữ cho đến lớp 9 rồi hãy về Nam. Có học như thế mới nói tiếng Kinh rõ được, làm cán bộ của đồng bào được, phục vụ cách mạng…”, ông Hồ Vai xúc động, nhớ lại.

Khi ấy, dù cái bụng của chàng thanh niên Pa Kô rất muốn ở lại miền Bắc nhưng do miền Nam còn gian khổ, anh em chiến sĩ cách mạng còn đang đối mặt với địch nên Hồ Vai đã trả lời bằng một câu rất thật thà: “Dạ thưa Bác, cháu phải trở vào miền Nam, góp thêm công sức của mình vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, để miền Nam mau chóng được giải phóng mời Bác vô thăm!”. Lúc đó, ông đã thấy mắt Bác rưng rưng ngấn lệ.

Tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ năm 1965 được Anh hùng Hồ Vai gìn giữ như báu vật

Rồi liên tục các năm sau đó, anh hùng Hồ Vai liên tục được gặp Bác và được ăn cơm, trò chuyện thân mật với Bác. Bây giờ, mặc dù ở cái tuổi xế chiều nhưng anh hùng Hồ Vai vẫn nhớ như in từng lời căn dặn của Bác trong lần gặp gỡ thứ 3 vào năm 1967: “Là một cán bộ, khi làm việc, tiếp xúc với nhân dân cháu phải nhớ việc gì trái dù nhỏ nhất cũng phải tránh, việc gì phải dù khó khăn đến mấy cũng phải làm cho bằng được”.

Ông nhớ như in cái ngày được gặp Bác tại Phủ Chủ tịch, khi ấy Bác khen ông là người biết học hỏi, cần cù, chăm chỉ. Sau đó, ông vinh dự được cùng Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm các Đại sứ quán của các nước. “Có một điều mà tôi luôn hối tiếc vì đã đánh rơi kỷ vật của Người tặng trong một trận đánh vào đầu năm 1968. Đó là Huy hiệu Hồ Chí Minh mà Bác đã tận tay gắn vào ngực áo của tôi trong lần gặp Bác thứ 3”, ông Vai ngậm ngùi.

Bây giờ, ở cái tuổi “thập cổ lai hy” nhưng anh hùng Hồ Vai vẫn tận lực với đời, nhiệt tình tham gia các hoạt động công tác xã hội, giúp đỡ người nghèo, neo đơn và các gia đình có công cách mạng. “Tui còn sống, còn khỏe đến ngày nào là còn giúp đỡ người nghèo, các cháu mồ côi. Đó là một trong những công việc mà tui làm để thực hiện như lời đã hứa với Bác năm nào”, ông Hồ Vai bộc bạch.

Thắp nén nhang trên bàn thờ Bác Hồ được ông đặt ngay tại ngăn giữa của bàn thờ tổ tiên, mắt ông Hồ Vai rừng rưng xúc động. Ông bảo: “Khi xưa được trực tiếp gặp Bác bằng da, bằng thịt. Nhưng bây giờ, Bác đã ở cõi vĩnh hằng rồi. Nhưng dù vậy, đồng bào Pa Kô mình vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác, nguyện đem tất cả sức lực và trí tuệ để phục vụ quê hương, đất nước”.

Chia tay ông khi ánh nắng cuối thu đã đứng trên nóc nhà rông của người Pa Kô. Chúng tôi ra về nhưng lời tâm sự mộc mạc và chân thành của người Anh hùng dân tộc PaKô Hồ Vai vẫn còn mãi: “Ở khắp bản làng người Pa Kô sinh sống, ai cũng đều mang theo họ Bác Hồ. Đó là tình cảm cao quý mà đồng bào mình muốn dành tặng cho Người, như một dịp để nhớ ơn Người của các thế hệ con cháu Pa Kô mai sau”.

Anh hùng LLVTND Hồ Vai tên thật là A Vai, nhưng sau này được Bác Hồ đặt cho cái tên là Hồ Đức Vai. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông liên tục giữ chức vụ chỉ huy trưởng của đội du kích xã Thượng Ninh; rồi Chỉ huy trưởng Quân sự huyện A Lưới.

Ông vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng 12 Huân – Huy chương các loại, gồm: Huân chương Quân công hạng III; Huân chương Chiến công hạng I, II, III; Huân chương vẻ vang hạng I, II; Huy hiệu 45 tuổi Đảng;… cùng nhiều Giấy khen, Bằng khen khác của các cấp từ trung ương đến địa phương.

Thảo Nguyên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc