Nguồn sáng Sông Hậu

07:20 | 12/09/2016

972 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chúng tôi về vùng ven sông Hậu. Nơi đây đang xây dựng hai nhà máy nhiệt điện lớn: Nhà máy Long Phú 1 và Nhà máy Sông Hậu 1. Quy mô cả hai nhà máy đều lớn hơn “người anh em” Phả Lại rất nhiều. Mỗi nhà máy đều có công suất 1.200MW (gồm hai tổ máy, mỗi tổ máy 600MW). Cả Sông Hậu và Long Phú đều là dự án trọng điểm quốc gia, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.  

Công trường - nắng, gió và cát

Còn nhớ cách đây 15 năm, năm 2001, Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Phả Lại 2 vận hành với hai tổ máy máy, tổng công suất 600MW. Bấy giờ Phả Lại được coi là nhà máy điện lớn nhất Việt Nam. Chúng tôi, những nhà báo say mê đề tài công nghiệp hóa lỉnh kỉnh máy ảnh, túi xách, kéo nhau về Phả Lại, Chí Linh, cách Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi lui về ở ẩn những năm cuối đời không xa.

Ngày khánh thành nhà máy như một ngày hội lớn, chả thua gì Thủy điện Sông Đà phát điện vào cuối năm 1994. Sông Đà trước đó như Phù Đổng vươn vai trên đất Hòa Bình. Các trang báo lớn in đậm những hàng tít đỏ: “Vạm vỡ Sông Đà - công trình thế kỷ”; “Âm vang Sông Đà”. Còn với Phả Lại thì “Phả Lại ngang trời”; “Phả Lại, niềm tin nóng bỏng”…Vui. Vui bất tận! Tự hào về ngành năng lượng Việt Nam năm mở đầu thế kỷ XXI. Phả Lại là phát triển, là siết chảy, băng nhanh, vút phóng!

nguo n sa ng song hau
Phần móng lò hơi, NMNĐ Sông Hậu

15 năm sau…

Vùng ven sông Hậu thời công nghiệp hóa đang khởi dựng hai nhà máy lớn: Nhiệt điện Long Phú 1 và Nhiệt điện Sông Hậu 1. Quy mô cả hai đều lớn hơn Phả Lại rất nhiều. Mỗi nhà máy đều có công suất 1.200MW (gồm hai tổ máy, mỗi tổ máy 600MW). Cả Sông Hậu và Long Phú đều là dự án trọng điểm quốc gia, do PVN làm chủ đầu tư. Dự kiến vào năm 2018-2019 cả hai nhà máy sẽ hòa lưới điện quốc gia, hằng năm mỗi nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 7,8 tỉ kWh. Nguồn sáng đang về với người dân vùng ven sông Hậu, góp phần phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Những trang bị, thiết bị hiện đại nhất của các nước công nghiệp G7 đã được xây dựng, lắp đặt tại đây. Như chuyện lò hơi Tổ máy 1 của cả Long Phú và Sông Hậu. Đây là loại lò hơi siêu tới hạn (super critical) công suất 600MW. Chúng tôi đến NMNĐ Sông Hậu 1 đang được xây dựng tại ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Hôm trước Ban Quản lý Dự án (QLDA) vừa khởi công lắp đặt kết cấu thép lò hơi Tổ máy số 1. Người phát lệnh khởi công là Tổng giám đốc Tổng Công ty Lắp máy LILAMA Lê Văn Tuấn.

Không gặp người phát lệnh, trên công trường nóng bỏng gió và cát, chúng tôi hỏi chuyện các kỹ sư Nguyễn Ngọc Tùng Chi, Kỹ sư trưởng lắp đặt kết cấu thép lò hơi số 1; kỹ sư Đỗ Văn Hoàng và kỹ sư Phạm Xuân Hợp - cán bộ Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) giám sát Gói M01. Bụi vẫn tung mờ mịt. Gió cát rát mặt. Các kỹ sư và hàng trăm công nhân đều chân đi ủng, đầu đội mũ nhựa, đeo kính bảo hộ, khăn bịt mặt kín mít.

Trong tiếng máy xúc, máy cẩu, máy đóng cọc, xe ben, xe đổ bê-tông… ầm ã, Tùng Chi vừa nói, vừa ra hiệu:

- Hôm qua khởi công lắp đặt lò hơi số 1, bắt đầu bằng hạng mục kết cấu thép đúng tiến độ, an toàn, suôn sẻ, vui lắm mấy anh à! Trong ngày đã dựng xong hai cột thép cao 19m, mỗi cột nặng 8,5 tấn. Cả lò hơi có tới 70 cột, khoảng 5.300 tấn kết cấu thép. Lớn quá phải không các anh? Được cái anh em ở đây từ tướng đến quân đều là dân lắp máy nòi, có kinh nghiệm.

- Lắp đặt lò hơi dịp này các anh thấy khó nhất và lo nhất điều gì? Tôi băn khoăn.

- Bọn em đang phải chạy đua với thời gian. Tháng 8 âm lịch trở đi là mùa mưa, đất cát dễ sụt lún, khó làm và thi công không an toàn, nhất là khi trèo cột. Còn mùa này, như các anh thấy đấy. Hôm nay nắng nóng 350C, nhưng nhiệt độ trên sàn bê-tông lên đến 500C, cháy da cháy thịt…Bọn em còn đỡ đấy. Chị em phụ nữ mới thật cơ khổ!

Chúng tôi cùng nhìn xuống khu vực đang lắp đặt thiết bị. Hàng chục nữ công nhân áo bảo hộ lao động xanh, khăn che kín mặt, những bàn tay đeo găng bạt to sụ nhưng vẫn thoăn thoắt buộc dây thép, ốp xốp - những công việc được coi là nhẹ nhàng nhất ở đây.

nguo n sa ng song hau
Lễ khởi công lắp đặt kết cấu thép lò hơi Tổ máy 1, NMNĐ Sông Hậu

Hỏi chuyện đời sống công nhân, kỹ sư Hồ Minh Thùy, Trưởng phòng Xây dựng - Ban QLDA Nhiệt điện Sông Hậu 1 vỗ vai anh kỹ sư trẻ trên công trường, rằng bác cứ hỏi các bố này thì rõ cả. Dân làm điện, dù là nhiệt điện hay thủy điện, nay đây mai đó như ngọn gió. Sống ở rừng, ở vùng sâu là chính. Chứ được như ở đây, ven sông Hậu, cách thành phố Cần Thơ ba chục cây số là sướng nhất rồi đó. Bọn em hầu hết độc thân, vợ con ngoài Bắc, có mấy anh lấy vợ ở TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Lương bổng cũng nhì nhằng, đủ bay ra bay vào. Có điều đã mang lấy nghiệp vào thân, xa công trình mấy hôm là nhớ hùi hụi. Công ty có bếp ăn tập thể, nhưng chủ yếu lo cho khối văn phòng, còn anh em công nhân thì “tùy nghi di tản”. Vì ở đây làm theo ca, ngày làm ca rưỡi. Một ca bắt đầu từ 6 giờ rưỡi sáng, đến tận 5 giờ rưỡi chiều. Những hôm đổ bê-tông phải làm suốt đêm. Được cái công nhân sống với nhau vui vẻ và kỷ luật lắm, chả khác nào bộ đội trong doanh trại, lúc công việc gấp, dễ huy động quân.

Kỹ sư Tùng Chi nói xen vào: Bọn em hầu hết tuổi 8X bác ạ. Mới lấy vợ thì lấy đâu ra nhà riêng với tây. Bà xã em đang ở nhà tập thể Công ty LILAMA 18 mãi tận Thái Bình. Nghề này khó mà ăn cơm cùng niêu, đành chịu cảnh chồng Nam vợ Bắc mươi năm rồi tính.

Đấy là “quân”, còn “tướng” thì cũng cảnh cơm tập thể, giường cá nhân. Phó ban Quản lý Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 Nghiêm Đức Dương bảo, em dân Hải Phòng, nhưng đầu quân vào nghề này thì cứ công trường là nhà, quá quen hành quân mắc võng. Mỗi người mỗi nghề. Nghe nói ở nhiều khu công nghiệp lao động nữ, công nhân nữ quá lứa nhỡ thì cả con số trăm. Còn ở các đơn vị xây lắp điện thì ngược lại. Phụ nữ trở thành của hiếm. Nhưng thôi, bác nghe chuyện công việc cho nó “khí thế”.

Máy móc hiện đại,vốn vay nhỏ giọt

Đến tháng 8-2016, NMNĐ Sông Hậu 1 đã khởi công xây dựng được một năm ba tháng. Đơn vị xây lắp là LILAMA và nhà thầu Hàn Quốc vốn dày dạn kinh nghiệm trong xây dựng nhiệt điện. Ở đây có vị trí địa lý thuận lợi, vận chuyển nguyên vật liệu, vật tư dễ dàng, gần sân bay Cần Thơ, gần cảng Cái Cúc. Nhưng điều mà Ban QLDA quan tâm là, không rước công nghệ lạc hậu vào, để đất này thành bãi rác công nghiệp. Đã quá nhiều bài học đau xót về việc mua máy xây dựng nhà máy điện, nhà máy đường, nhà máy gang thép, xi-măng rồi. Bỏ hàng nghìn tỉ đồng ra mua máy về đắp chiếu, chả khác nào “vén tay áo xô đốt nhà táng giấy”. Máy móc, thiết bị ở đây chủ yếu mua của các nước nhóm G7.

Hỏi mấy anh lo nhất điều gì? Đến đâu cũng nghe câu trả lời, lo nhất là chậm thời điểm vận hành. Chậm có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn. Nhiệt điện Sông Hậu 1 vay vốn theo chương trình ECA, vốn ưu đãi của Hàn Quốc. Muốn vay được vốn phải bảo đảm hai điều kiện: Bảo đảm môi trường; mua máy móc, thiết bị của họ.

Bảo đảm môi trường thì chắc chắn rồi. Từ Nhiệt điện Long Phú 1 đến Nhiệt điện Sông Hậu 1 đều có những thông tin sốt dẻo về việc bảo đảm môi trường trong lành khi nhà máy đi vào hoạt động. Nói như kỹ sư Hà Đình Niên, Phó ban QLDA Điện lực Dầu khí Long Phú 1 thì: “Làm nhiệt điện lo ngại nhất là ô nhiễm ở hai khu vực đầu vào và đầu ra của lò hơi. Đầu vào bao gồm than, nước, dầu. Đầu ra có nước thải, khí, xỉ than, tro bay… đều được kiểm soát tốt. Chẳng hạn tro bay được xử lý qua hệ thống lọc bụi tĩnh điện. “Anh” này hiện nay vào loại hiện đại nhất”.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống là, toàn bộ tro bay, khí, sau khi đốt sẽ được đưa qua hệ thống lọc bụi tĩnh điện. Qua đây, gần như toàn bộ bụi được giữ lại và lượng tro bay thu được lại hóa thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp xi-măng, phục vụ thi công đầm lăn cho các các dự án thủy điện. Đúng là lối làm ăn bài bản thời công nghiệp hóa. Chẳng như cái Nhà máy Bột giấy Lee&Man cách NMNĐ Sông Hậu 1 chưa đầy một cây số, ô nhiễm quá chừng. Toàn bộ chất thải của nhà máy bột giấy cứ thế mà vô tư xả xuống lòng sông Hậu vốn xanh trong, hiền hòa. Thật là đáng lo cho Đồng bằng Sông Cửu Long, vùng sản xuất thủy sản trọng điểm của cả nước. Làm công nghiệp mà phá nông nghiệp, phá môi trường thì chẳng khác nào rước họa cho dân.

nguo n sa ng song hau

Tạm yên nỗi lo môi trường nhưng còn nỗi lo khác, nỗi lo nội địa hóa thiết bị nhà máy điện. Hồi tháng 6 vừa rồi, Bộ Công Thương chỉ đạo PVN, mà trực tiếp là hai Ban QLDA phải mua máy biến áp chính của Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC). Ủng hộ chủ trương nội địa hóa, ủng hộ sản xuất trong nước thì đúng rồi. Ngặt một nỗi máy biến áp của EEMC… đắt quá! Đương nhiên rẻ hơn máy biến áp chế tạo tại xưởng sản xuất Vũ Hán của Trung Quốc, giá chỉ có 3.900.000USD/máy. Nhưng so với giá máy biến áp do Hyundai (Hàn Quốc) thì lại quá cao. Ngó sang các nhà chế tạo danh tiếng khác như GE (General Electric), Siemens, Alstom… cũng thấy giá Tây mềm hơn giá Ta. Mà các sản phẩm mua theo giá Tây lại quá nổi tiếng thế giới. Còn sản phẩm của Ta thì mới… lần đầu sản xuất thử! Và Sông Hậu 1 được “chọn mặt gửi vàng”. Sau khi nhận cái lắc đầu từ doanh nghiệp, EEMC đã chào lại giá 1 máy biến áp với giá trị bao gồm VAT là 181.804.700.000 đồng, giảm 528 triệu đồng so với giá chào trước đó. Bớt hơn nửa tỉ đồng cũng là mạnh tay lắm rồi, nhưng nhìn sang Huyndai, GE… thì vẫn thấy giá của Ta ngất ngưởng trên trời!

Trong khi đó, nếu không mua máy của Hàn Quốc thì họ không cho vay vốn - nguồn vốn lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài. Chỉ riêng NMNĐ Sông Hậu 1 đã cần hơn 40.000 tỉ đồng vốn đầu tư. Biết xoay sở ra sao, khi mỗi ngân hàng chỉ có thể cho doanh nghiệp vay tối đa 150 tỉ đồng (tương đương 15% vốn điều lệ).

Thế là đứa con ruột nhiệt điện kẹt giữa ngã ba đường. Không mua máy biến áp của Ta thì rõ là không chấp hành chỉ đạo của cấp trên, không ủng hộ chủ trương phát huy nội lực. Mà mua thì giá “chát” quá, chất lượng cái sản phẩm mang tính thử nghiệm điển hình mà EEMC đã không thực hiện là thử nghiệm tăng phát nhiệt và thử nghiệm phá hủy.

Vì những lý do có phần vội vã của EEMC, không phải không có lý khi các nhà chức trách ở hai Ban QLDA và lãnh đạo PVN đề nghị nên giao cho EEMC tiếp tục thực hiện các thử nghiệm và sẽ chế tạo máy biến áp cho các dự án nhà máy điện sẽ triển khai trong những năm tới, như NMNĐ Quỳnh Lập 1, Quảng Trạch 1…

Chuyện cái máy biến áp cho một NMNĐ lớn đâu phải chuyện nhỏ. Nó gợi lên rất nhiều điều về bài toán kinh tế trong lúc này. Chúng ta cần nội địa hóa, nhưng nội địa hóa ở khu vực nào? Lợi ích của doanh nghiệp này có mâu thuẫn với lợi ích của doanh nghiệp khác? So với các máy móc, trang thiết bị của các nước tiên tiến nếu chất lượng chưa bằng thì chí ít cũng phải rẻ hơn. Trong thời hội nhập kinh tế, toàn cầu hóa, tại sao cứ mãi quanh quẩn trong cái ao nhà?

Hỏi chuyện các kỹ sư, công nhân trên công trường xây dựng hai nhà máy, họ ít quan tâm đến “vấn đề vĩ mô”. Kỹ sư Vũ Hữu Dũng, Phó giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) Long Phú có lý khi anh cho rằng, NMNĐ công suất lớn nhất cả nước, trang thiết bị hiện đại nhất thì không nên đưa cái gì lởm khởm vào. Anh khoác cái áo vét đẹp thế tại sao lại còn đắp thêm một tấm bao tải chống rét bên ngoài. Thế là lởm khởm, là phi hiện đại.

Nhà máy Điện Long Phú 1 được xây dựng tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Khi chúng tôi cùng Vũ Hữu Dũng ra công trường, đơn vị đang lắp đặt kết cấu tầng 2 lò hơi. Tôi ngạc nhiên thấy tất cả các kỹ sư đều mặc áo trắng và có đính tên trên ngực. Dũng bảo, mặc áo trắng để thấy rõ anh nào sau một ca làm việc mà không bẩn áo. Làm ăn à ơi là hết đường chối! Tôi nhìn áo anh. Đúng là mới đi một vòng mà lưng áo mồ hôi đã rịn ra, những vệt đất đỏ loang dài từ vai xuống.

Tôi lặng nhìn những công nhân lái máy xúc, thi công máy đóng cọc. Những tấm áo vàng ướt sũng mồ hôi. Khuôn mặt họ sạm nắng. Nhưng nụ cười thật tin cậy, rạng rỡ.

Gió từ sông Hậu rười rượi thổi lên, ngân nga lời hát “sông vẫn như thuở ấy” và như tan ra cùng tiếng máy đóng cọc, tiếng động cơ xe, máy.

Đau đầu nhất vẫn là vốn. Con số hàng nghìn tỉ đồng đâu dễ xoay xở trong lúc kinh tế suy thoái, nợ xấu như cục máu đông trong cơ thể một gã vừa ốm dậy. Thiếu vốn là nguy cơ đầu tiên có thể làm chậm tiến độ thi công, chậm tiến độ phát điện theo kế hoạch. Mong sao căn bệnh kinh niên chậm tiến độ không lặp lại với hai chàng dũng sĩ nhiệt điện ven sông Hậu.

Hải Đường

Năng lượng Mới 556

DMCA.com Protection Status