Ngũ Hành Sơn - báu vật quốc gia

06:45 | 10/04/2017

13,918 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chùa Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) vừa phối hợp với Ban Điều hành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế) và Ban Quản lý Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn… tổ chức tọa đàm khoa học “Di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn”. Qua đây sáng rõ hơn: Ngũ Hành Sơn không chỉ là “Nam thiên đệ nhất danh thắng”, mà ở đó còn là một trung tâm Phật giáo của xứ “đàng trong” xa xưa.

Vài nét về vùng đất cổ

Ngũ Hành Sơn là một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử và văn hóa. Ngoài tên dân gian gọi là núi Non Nước, cụm núi này còn có nhiều tên gọi khác như: Ngũ Uẩn Sơn, Ngũ Chỉ Sơn, Núi Tam Thai. Dưới thời Nguyễn, vua Minh Mạng đặt tên là Ngũ Hành Sơn và trở thành tên gọi thông dụng cho đến nay.

Theo tư liệu để lại, Ngũ Hành Sơn xưa kia thuộc xã Hóa Khuê Đông, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Gọi đây là vùng đất cổ vì tại đây qua công tác khảo cổ đã phát hiện ra dấu tích của người tiền sử sinh sống và phát triển liên tục từ văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Chăm Pa.

Tại cuộc tọa đàm khoa học “Di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn”, Phó tổng biên tập Tạp chí Phát triển kinh tế xã hội Võ Văn Hoàng cho biết: Dấu tích về con người ở cụm núi này, ngoài những hiện vật Chăm được thờ tự trong các hang động, thì công tác khảo cổ cũng đã chứng minh: khu vực núi Ngũ Hành Sơn là nơi sinh tụ của người Chăm Pa từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ IX.

ngu hanh son bau vat quoc gia
Lễ khai hội Quán Thế Âm 2017

Đầu năm 2000, Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, do Giáo sư Trần Quốc Vượng dẫn đầu, đã phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng tiến hành khảo sát các khu vực ở Đà Nẵng, trong đó có Khu Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Tại đây các nhà khảo cổ đã tiến hành đào thám sát ở phía nam núi Thổ Sơn. Đến tháng 11 và 12 năm đó, tiếp tục mở hai hố khai quật về phía đông nam ngọn núi. Và tại đây các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật có xuất xứ từ Trung Quốc và các nước Hồi giáo Trung Đông. Đặc biệt đã tìm thấy nhiều hiện vật về gốm Chăm có cùng chất liệu và niên đại với hiện vật gốm Chăm đã được khai quật được tại di chỉ Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, có đến 6 ngọn núi, chứ không phải 5. Mỗi ngọn đều có một “danh xưng” riêng. Ở phía bắc, ngọn núi có hình quả chuông nằm úp sấp gọi là: Kim Sơn. Dưới chân ngọn Kim Sơn có ngôi chùa Quan Âm cổ kính với động Quan Âm huyền bí. Đầu năm 2015, tại đây đã xây dựng Bảo tàng Văn hóa Phật giáo, với tổng kinh phí hơn 6 tỉ đồng. Bảo tàng nằm trong quần thể chùa Quán Thế Âm rộng hơn 7.000m2. Trong đó, không gian trưng bày có diện tích 500m2. Đây là bảo tàng về văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 9189 (tháng 12-2014) của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Ở phía đông nam, gần biển là hòn Mộc Sơn, hay còn có tên gọi khác là núi Mồng Gà. Phải chăng trên đỉnh Mộc Sơn thế núi cắt hình răng cưa giống như mào một con gà trống mà có tên gọi vậy. Hòn núi này hồi đầu giải phóng đã từng bị khai thác đá để làm hàng mỹ nghệ và xây dựng. Rất may chính quyền thành phố Đà Nẵng kịp thời chấn chỉnh, bảo tồn, nên mới giữ được hòn Mộc Sơn. Tiếng là “Mộc Sơn”, nhưng cây cối ở đây rất ít. Trên núi này không có chùa, có một khối đá cẩm thạch giống người ngồi. Người dân địa phương gọi là Bà Mụ hay Bà Quan Âm.

Ở phía đông bắc là hòn Thủy Sơn. Đây là ngọn núi lớn và cao nhất được ví như là “trung tâm” của Ngũ Hành Sơn. Núi có 3 đỉnh, nằm ở 3 tầng nên còn có tên gọi khác là núi Tam Thai. Tam Thai có ngọn Thượng Thai là ngọn cao (106m) so với mực nước biển. Nếu gọi Thủy Sơn là “trung tâm” của Ngũ Hành Sơn, thì Thượng Thai là “trung tâm” của Thủy Sơn. Tại đây có các chùa: Tam Thai, Tam Tôn, Từ Tâm, khu Hành Cung, Vọng Giang Đài (đài ngắm sông), động Hoa Nghiêm, động Huyền Không, động Linh Nha…

Nằm thấp hơn một chút về phía nam là ngọn Trung Thai. Đây là ngọn núi vừa có “cổng” và có “động”. Tại đây có Cổng Trời, hay còn gọi là Cổng Vân Căn Nguyệt Quật. Và hàng loạt các động như: động Vân Thông, động Thiên Long, động Thiên Phước Địa. Hạ Thai nằm phía đông, đây là ngọn núi thấp nhất của hòn Thủy Sơn và ở đây có hai di vật cổ vô cùng quý giá là tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật tại động Hoa Nghiêm, tấm Kim bài hình quả tim lửa có bút tích của vua Minh Mạng ban tặng cho chùa Tam Thai. Ngoài ra còn có chùa Linh Ứng, tháp Xá Lợi, Vọng Hải Đài (đài ngắm biển), động Tàng Chơn...

Hòn núi kép nằm ở phía tây nam có tên gọi là Hỏa Sơn. Đây là hòn núi có hai ngọn “Âm - Dương” được gắn kết với nhau bằng một đường đá thiên tạo nhô cao trên mặt đất. Âm Hỏa Sơn nằm ở phía đông, từ đây có thể đi đến hai ngọn núi trong quần thể “Ngũ Hành” là Kim Sơn và Thổ Sơn, ngọn này còn có tên gọi khác là Phổ Đà Sơn. Dương Hỏa Sơn, dân bản xứ gọi là núi Ông Chài, trên ngọn núi này có ngôi chùa cổ là Linh Sơn Tự và động Huyền Vi.

Thế nằm kéo dài trên bãi cát, núi đá hai tầng lô nhô, nhìn xa như một con rồng là núi Thổ Sơn. Thế núi tuy không hiểm trở, nhưng người xưa xác định là nơi địa linh. Chính vì vậy khi mà người Chăm khai phá vùng đất này đã chọn Thổ Sơn làm nơi đồn trú. Dấu tích vẫn còn lưu giữ lại đến ngày nay. Ở đây có chùa Long Hoa, chùa Huệ Quang, chùa Hương Sơn và Giác Hồng Viên.

Theo các nhà nghiên cứu, quần thể núi Ngũ Hành Sơn được tạo hóa sắp đặt hết sức độc đáo, tương ứng theo ngũ hành của trời đất và phương vị của bát quái: Hòn phía bắc tượng trưng hành thủy, gọi là Thủy Sơn; hòn phía nam ứng với hành hỏa gọi là Hỏa Sơn; hòn phía đông hành mộc gọi là Mộc Sơn và hòn chính giữa là hòn thổ, gọi là Thổ Sơn.

Trung tâm Phật giáo xứ “đàng trong”

Không quá sớm để khẳng định như vậy. Tại buổi tọa đàm khoa học “Di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn”. Sau khi nghe các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các nhà khoa học, cùng ý kiến của các Đại đức, Hòa thượng… Hòa thượng Thích Hải Ấn thuộc Trung tâm Phật giáo Liễu Quán (Huế), đã nói rằng: “Từ những nghiên cứu toàn diện, nghiêm túc và khoa học, có thể khẳng định, có đủ cơ sở để xây dựng một cuốn sách về Ngũ Hành Sơn. Đây là một cơ duyên mới mở ra sự hợp tác giữa những nhà quản lý với các nhà nghiên cứu và phật giáo, từng bước xây dựng hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản văn hóa thế giới…”.

ngu hanh son bau vat quoc gia
Nghi lễ Phật giáo trong lễ hội Quán Thế Âm 2017

Chưa vội bàn đến ý tưởng này, dù sao cũng phải cần thời gian cùng những nghiên cứu sâu rộng và toàn diện hơn nữa. Song qua buổi tọa đàm này bật sáng ra nhiều điều về lịch sử văn hóa phật giáo đã có mặt rất sớm tại Ngũ Hành Sơn. Với mật độ dày đặc chùa chiền, tượng phật được xây dựng rất sớm trên các ngọn núi ở Ngũ Hành Sơn, cùng những văn bia, hiện vật văn hóa phật giáo… đang còn lưu giữ được, đủ điều kiện để xác định Ngũ Hành Sơn chính là một trong những trung tâm phật giáo ở khu vực.

Một trong những phát hiện mới tại cuộc tọa đàm là công bố một tư liệu quý về Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn, đấy là bản sách Hán Nôm chép tay trên giấy dó có tên “Ngũ Hành Sơn Lục”. Đây là một thư tịch quý hiếm. Quý hiếm ở chỗ, ngay trong thư viện lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán - Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng chưa có bản thư tịch này.

Theo bài viết “Ngũ Hành Sơn Lục - một tư liệu quý về Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn” của tác giả Phan Đăng, đăng trong Tạp chí Liễu Quán (tháng 1-2017), có đoạn viết: “…khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, Hòa thượng Thích Trí Giác - trụ trì chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn) và chùa Phước Lâm (Hội An) đã tặng bản chép tay này cho Thượng tọa Thích Quảng Hạnh - trụ trì chùa Đức Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu). Năm 2010, nhân lễ tưởng niệm 30 năm ngày viên tịch của cố Hòa thượng Thích Như Vạn - trụ trì Tổ đình Phước Lâm, Thượng tọa Thích Quảng Hạnh đã mang bản Ngũ Hành Sơn Lục này giao lại cho đệ tử của cố Hòa thượng Thích Như Vạn và hiện nay bản này đang được lưu giữ tại chùa Viên Giác (Hội An)”.

Tác phẩm này quả là có duyên với Ngũ Hành Sơn, sau những năm ở tận phương trời xa, nay trở về lại “cố hương”, góp phần làm sáng rõ thêm về phật giáo ở Ngũ Hành Sơn. Những giá trị về tư liệu có thể tóm lược như sau: Thay lời tựa (2 tờ); miêu tả danh thắng Ngũ Hành Sơn (9 tờ); sao lục rất nhiều thơ văn đề vịnh trên Ngũ Hành Sơn (10 tờ); phản ánh tình hình phát triển Phật giáo ở Quảng Nam lúc bấy giờ (11 tờ) thông qua các vị tăng cang, trụ trì, tăng chúng, thủ lễ, đệ tử…; ghi chép thể thức thờ Phật (3 tờ) và một số bài thơ khác đặt ở cuối quyển.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là thư tịch đầu tiên viết hoàn chỉnh và toàn diện nhất về Ngũ Hành Sơn. Dựa vào đây mà Albert Sallet (1877-1948) đã viết chuyên khảo Les montagnes de marbre (Những ngọn núi đá cẩm thạch) đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH, số 1, năm 1924). Và sau này, Nguyễn Sinh Duy lại dịch tác phẩm của A.Sallet thành tác phẩm Ngũ Hành Sơn.

Ngoài việc ghi lại nhiều vị khai sơn trụ trì của các ngôi chùa ở Non Nước cũng như hành tung của các vị tăng cang đó. Thư tịch này còn cung cấp những thông tin về việc thực hành lễ trong ngày Rằm, mồng Một và ý nghĩa của hương đèn, tiếng chuông, tiếng trống cũng như nghi thức khởi đánh chuông và trống. Bên cạnh đó, còn có những thông tin về chúc thọ, cầu an, bạt độ, cầu siêu, cầu đảo, khánh hỷ, hoàn nguyện, phổ độ âm linh, thí thực, chẩn tế đàn…

Tại động Vân Thông và động Hoa Nghiêm tại hòn Thủy Sơn hiện nay còn lưu giữ hai tấm bia thuộc loại bia ma nhai. Căn cứ cho luận điểm trên là hai văn bia Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc (gọi tắt là bia Ngũ Uẩn) và Phổ Đà Sơn linh trung Phật (gọi tắt là bia Phổ Đà).

Theo hai văn bia này, ngay từ đầu thế kỷ XVII, Phật giáo đã phát triển ở Ngũ Hành Sơn, không chỉ thu hút người Việt, mà còn cả người Nhật, người Hoa. Nội dung hai văn bia nói về việc nhà sư Huệ Đạo Minh cùng Phật tử khu vực Ngũ Hành Sơn dựng chùa chiền, tạc tượng Phật, độ chúng sinh.

Trong danh sách 81 người cùng với số tiền của mà họ cúng dường để phụng sự Phật pháp được khắc ghi ở bia Phổ Đà năm 1640 có 10 người Nhật Bản (trong đó có 3 người là thương nhân đến buôn bán và 7 người sinh sống tại dinh Nhật Bản ở Hội An) và 3 người Trung Hoa…

Theo Lê Mạnh Thát: “Điều này chứng tỏ, Phật giáo Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XVII đã hội nhập và mang tính quốc tế cao, thu hút sự quan tâm và sùng bái của không chỉ dân tộc mình mà của cả dân tộc khác. Thêm vào đó, sự xuất hiện của các người ngoại quốc ở vùng núi Ngũ Hành Sơn, chứng tỏ vùng đất này từ rất lâu đã trở thành một trung tâm văn hóa của cảng Hội An và là một bộ phận của thành phố thương mại này. Sự kiện này giúp ta hiểu đến cuối thế kỷ XVII, khi Thiền sư Đại Sán Thạch Liêm trên đường hoằng hóa ở nước ta, đã qua lại vùng Ngũ Hành Sơn này một thời gian. Vậy, Ngũ Hành Sơn hôm nay là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước thì 400 năm trước, Ngũ Hành Sơn đã là như thế”.

Giữ gìn báu vật Ngũ Hành Sơn

Danh thắng Ngũ Hành Sơn, một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “thủy tú, sơn kỳ” vừa huyền ảo vừa mộng mơ. Tạo hóa đã ban tặng không chỉ cho TP Đà Nẵng và miền Trung, mà cho cả đất nước Việt Nam báu vật này.

ngu hanh son bau vat quoc gia
Đua thuyền tại lễ hội

Theo các nhà nghiên cứu phong thủy, Ngũ Hành Sơn chính là điểm trung hòa, hội tụ Âm dương ngũ hành. Đặt trong tổng thể của đất nước. Nếu như phía bắc có dãy núi Tam Đảo nổi tiếng. Thì ở phía nam, nơi tận cùng của Tổ quốc có ngọn núi Thất Sơn nhiều huyền thoại. Và miền Trung, mà cụ thể là TP Đà Nẵng, nằm ở vị trí trung tâm có quần thể núi Ngũ Hành Sơn. Phải chăng Ngũ Hành Sơn là điểm trung hòa giữa Tam Đảo (3) và Thất Sơn (7)? Kỳ lạ hơn nơi đây còn có Âm Dương - Ngũ hành (Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ) như một thông điệp minh chứng về tính chất hội tụ của cả một vùng lãnh thổ.

Nói theo nghệ thuật phong thủy thì Ngũ Hành Sơn không còn là thắng cảnh riêng của thành phố Đà Nẵng, của miền Trung mà còn là vùng đất địa linh vô cùng quan trọng của cả nước. Vấn đề đặt ra là cần bảo tồn, tôn tạo, phát triển danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa trong quy hoạch tổng thể đô thị Đà Nẵng hiện tại. Đồng thời hướng đến một di sản văn hóa của nhân loại trong tương lai.

Trải qua bao thế kỷ, Ngũ Hành Sơn là một thực thể trường tồn, với những nghi lễ Phật giáo. Vào tháng 2 âm lịch hằng năm, tại đây diễn ra lễ hội Quán Thế Âm truyền thống, với hàng loạt các nội dung, mang tính nhân văn sâu sắc. Nếu như nghi lễ rước ánh sáng vào tối 18 để cầu mong ánh sáng soi đường cho chúng sinh, thì sáng 19 có nghi lễ khai sinh. Đây là nghi lễ cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, cùng hàng loạt các nghi lễ khác như: lễ trai đàn chẩn tế; lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và dân tộc; lễ rước tượng Quán Thế Âm… Mỗi nghi lễ có một nội dung khác nhau, nhưng tựu trung lại, đây chính là đời sống tinh thần phong phú, mang tính giáo dục sâu sắc.

Ngoài phần lễ, phần hội ở đây cũng diễn ra hết sức sôi nổi, đan xen giữa bản sắc truyền thống với hiện đại. Đặc biệt khi làng nghề đá non nước ngày càng phát triển và danh tiếng đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

Vì vậy, bảo tồn phát triển và tôn tạo di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn theo hướng nào, giải pháp ra sao để đạt được mục tiêu giữ gìn, phát huy giá trị của di tích và tạo cho di tích có sức sống của thời đại. Đồng thời tạo ra những giá trị mới… là trách nhiệm không chỉ của chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, mà rất cần sự chung tay góp sức của cả nước.

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đặt tại chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) được UBND TP Đà Nẵng cấp phép thành lập cuối năm 2014. Khánh thành vào ngày 24-12-2015. Kỳ vọng tạo nên nét đặc sắc cho văn hóa - du lịch tâm linh tại Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Đây là Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và là bảo tàng ngoài công lập thứ ba trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (sau Bảo tàng Văn hóa Việt và Bảo tàng Đồng Đình).

Bảo tàng trưng bày khoảng 700 hiện vật ở tầng 2 của Ngũ Giác Đài Sen Ngọc. Nhiều cổ vật có từ thời khai thiên lập địa chùa Quán Thế Âm, có giá trị độc đáo trong kho tàng cổ vật Phật giáo Việt Nam. Các hiện vật mang phong cách không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á, thậm chí cả Ấn Độ.

Nhiều chất liệu hay những cổ vật độc bản lần đầu tiên có mặt tại bảo tàng này. Ở bảo tàng còn có nhiều tranh tượng Phật được vẽ bằng sơn mài trên giấy dó, hay thêu tay có tuổi thọ khoảng 300 năm. Bảo tàng đang lưu giữ hai bức tượng Phật bằng hổ phách quý hiếm. Nhiều nhà nghiên cứu khi xem hai cổ vật này đã nhận định, nếu đây đích thực là nhựa cây đã hóa thạch thì niên đại phải lên đến hàng nghìn năm.

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo ra đời sẽ góp phần tạo nên điểm nhấn cho du lịch Đà Nẵng, góp phần nâng tầm du lịch tâm linh nơi miền đất Phật.

Đặng Trung

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps