Ngư dân, cá chết và cách ứng xử của một thành phố

07:20 | 14/05/2016

1,345 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đà Nẵng ngày 27-4. Cá chết rải rác, thưa thớt dọc biển. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP Đà Nẵng đã có văn bản báo cáo chỉ có 17 con cá chết dọc bờ biển Đà Nẵng. Thế nhưng, trong lúc loạn thông tin mạng xã hội, ngư dân và các sản phẩm biển của Đà Nẵng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Vậy, Đà Nẵng đã làm gì để cứu ngư dân, đưa được cá sạch về lại bữa ăn của các gia đình, cứu những bãi biển đang vào mùa du lịch...?

Sau ngày 27-4, các tàu cá cập cảng Thọ Quang - cảng cá lớn nhất miền Trung trong sự chán chường. Cá đầy khoang, nhưng tâm trạng ngư dân và chủ tàu nặng trĩu vì cá mất giá, người dân không mua. Tại các chợ trên địa bàn thành phố, cá tươi roi rói xếp đầy trên các sạp nhưng thưa vắng người mua. Tin báo từ các công ty du lịch, số lượng khách trong nước hủy tour đến Đà Nẵng đang có chiều hướng tăng. Đang vào mùa du lịch, đó thực sự là một cú đánh mạnh vào du lịch của thành phố biển này.

ngu dan ca chet va cach ung xu cua mot thanh pho
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ (người đội mũ) ăn cá ngay tại cảng cá

 Trong buổi đối thoại ngày 29-4 giữa một số bà con ngư dân, tiểu thương, chủ doanh nghiệp thu mua cá và Sở NN&PTNT Đà Nẵng, một tiểu thương đã đứng dậy phát biểu rằng, một nghìn lời nói của chúng tôi không bằng một lời nói của lãnh đạo. Và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng không chỉ nói, mà họ hành động, hành động một cách quyết liệt. Đầu tiên, Đà Nẵng cho công bố kết quả xét nghiệm nước biển tại thành phố này. Nước sạch, an toàn và hai ngày cho công bố kết quả công khai trên website một lần. Sáng ngày 30-4, nhiều người dân tắm biển ở khu vực bãi biển quận Sơn Trà tỏ ra thích thú khi nhận ra Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng Nguyễn Điểu cùng một số người bạn, đồng nghiệp của mình xuống biển.

Thì ra, ngoài ông Điểu còn có ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật môi trường; ông Nguyễn Trần Quân, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật môi trường; ông Phạm Thanh Phúc, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cùng nhiều người trong Sở tham gia buổi tắm biển này. Ông Điểu cũng nói, đây là thói quen hằng ngày của ông, nhưng nhờ nghỉ lễ nên cán bộ Sở TN&MT mới tập trung đi đông được như vậy. Ông cho biết thêm, qua việc này cũng muốn chứng minh cho người dân và du khách biết, biển Đà Nẵng hoàn toàn sạch. Trước đó, chiều ngày 29-4, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL)Đà Nẵng Trần Chí Cường đã tắm biển sau lễ khai mạc mùa du lịch biển 2016. Ông Cường cho biết, đây là một thói quen thường ngày, dù công việc có bận rộn đến mấy. Và ông Cường cũng khẳng định, không chỉ ông mà nhiều lãnh đạo của thành phố cũng có thói quen này.

ngu dan ca chet va cach ung xu cua mot thanh pho
Đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng lấy mẫu nước để xét nghiệm sáng 27-4

Có thể mọi người không biết rằng, trong những ngày trước đó, trước thông tin cá chết, lãnh đạo và cán bộ của Sở TN&MT, Sở VH-TT&DL đã làm việc “quay như chong chóng” để ổn định tình hình. Nhưng các vị lãnh đạo Đà Nẵng nhận ra rằng, trong cơn cuồng loạn của thông tin trên mạng xã hội và thời buổi “thuyết âm mưu” lên ngôi, có đưa ra kết quả như thế nào, nhưng mình không chứng minh bằng bản thân thì dân không tin. Thực sự, với lãnh đạo Đà Nẵng, họ không được nghỉ lễ trong dịp 30-4 và 1-5 vừa qua, mà tất cả tâm trí và sức lực, họ đều dồn cho việc giải quyết đầu ra cho cá, hải sản của ngư dân Đà Nẵng.

Đó là lãnh đạo cấp Sở ở Đà Nẵng. Còn những lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố này cũng vào cuộc quyết liệt. Chiều ngày 30-4, sau chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh tham dự cuộc gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tức tốc đến ngay cảng cá Thọ Quang. Tại cảng cá, ông Huỳnh Đức Thơ đã đặt câu hỏi với ngư dân rằng, cá của họ đánh bắt có thật sự an toàn hay không? Tất cả đều trả lời rằng, cá đánh bắt ngoài khơi xa vài trăm hải lý, hoàn toàn không có vấn đề gì. Các thương lái, đại diện nhà máy chế biến cá cũng cho biết, hiện họ vẫn thu mua cá của ngư dân Đà Nẵng để xuất khẩu sang các nước bình thường; chỉ có người dân địa phương không chịu mua vì tin đồn, lo sợ.

“Chúng ta không phiêu lưu đánh đổi sức khỏe của người dân chỉ để bán được cá. Nhưng chúng ta phải có kiểm tra, xét nghiệm để đưa ra thông tin chính xác về việc cá chúng ta không bị gì cả để tránh tình trạng tin đồn, làm ảnh hưởng đến cả nền kinh tế”, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh. Ngay sau đó, ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu đặt mua 100kg cá và tiến hành chế biến tại chỗ để ông cùng các cán bộ của thành phố ăn ngay sau buổi đối thoại.

Sáng sớm ngày hôm sau, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ lại tiếp tục có thêm động thái nữa để an dân. Họ đi tắm biển. Ngay sau khi vừa lên khỏi mặt nước, chúng tôi hỏi vui Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng rằng: “Hôm qua anh ăn cá thấy thế nào?”. Không suy nghĩ, vị Chủ tịch trả lời nhanh: “Cá tươi roi rói, hấp lên ăn không gì ngon bằng”. “Chúng tôi ăn hồ hởi, ăn thật lòng và cảm nhận thật lòng là cá rất ngon. Không có gì gọi là làm màu cả. Đó là thực chất, bà con đi tắm biển thì chúng tôi cũng đi tắm biển. Ngư dân ăn cá bình thường, mình cũng ăn cá bình thường”, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết thêm.

Tiếp theo, chính quyền Đà Nẵng, mà cụ thể là Sở NN&PTNT Đà Nẵng đã làm đầu mối để chuyển cá sạch đến các điểm bán cá sạch. Nguồn cá này do Sở NN&PTNT cung cấp thông qua đơn vị tư nhân, có niêm yết giá cả, chất lượng, nguồn gốc, tên người bán... Chị Nguyễn Bích Phượng (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, trong những ngày trước, gia đình chị chỉ ăn trứng, các loại thịt, rất thèm cá mà không dám mua, “cá được thành phố chứng nhận là sạch nên tôi yên tâm mua về sử dụng”. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu bữa trưa của hơn 1.000 cán bộ Trung tâm Hành chính Đà Nẵng phải dùng hải sản. Theo ông Thơ, cán bộ phải làm gương để tạo niềm tin cho người dân và phần nào ủng hộ ngư dân tiêu thụ cá.

Sau hàng loạt các hành động quyết liệt của chính quyền TP Đà Nẵng, niềm tin trở lại với người tiêu dùng, hải sản sạch đã trở về trong bữa ăn của các gia đình thành phố biển này. Và quan trọng hơn, qua sự việc này có thể nhận thấy, chính quyền Đà Nẵng đã thực sự lo cho đời sống người dân. “Dân dĩ thực vi thiên”, người dân coi miếng ăn bằng trời. Đối với ngư dân, con cá, con tôm là miếng cơm, là cuộc sống của họ và gia đình. Đi ra biển đã phải vay mượn tiền để mua dầu, mua đá, mua nhu yếu phẩm... Đi chuyến biển dài ngày về, cá tôm đánh bắt nặng trĩu khoang mà bán giá rẻ, thậm chí bán không ai mua thì nợ lại chồng thêm nợ, khổ lại chồng thêm khổ. Vì vậy, đầu ra cho con cá là sự sống còn của biết bao gia đình ngư dân, tiểu thương bán cá. Và còn là chuyện bữa cơm của các gia đình tại thành phố biển này nữa, ở cạnh biển mà thèm ăn đồ biển chẳng phải là một câu chuyện rất vô lý hay sao?

Qua câu chuyện ứng xử với đời sống ngư dân, có thể thấy Đà Nẵng đã thực sự lấy dân làm gốc để giải quyết mọi việc. Lãnh đạo Đà Nẵng đã có những hành động kịp thời để cứu hàng ngàn ngư dân, tiểu thương bán cá và gia đình họ. Bởi sau mỗi vụ việc, sự lên tiếng kịp thời của những người lãnh đạo sẽ có tác dụng trấn an, tạo sự an tâm nhất định với dư luận và người dân. Lãnh đạo ở thành phố này không chỉ nói, mà còn hành động, hành động quyết liệt, thật tâm. “Dĩ dân vi bản”, lãnh đạo Đà Nẵng làm được, nhưng không phải lãnh đạo ở đâu cũng làm được điều này.

 

Thanh Hiếu

Năng lượng Mới 522

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc