Nghịch lý: Phá khó hơn xây?

07:00 | 21/02/2017

510 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu cửa miệng của mọi người xưa nay thường nói “Xây thì khó chứ phá thì dễ” hoặc “Xây thì lâu chứ phá thì nhanh”.

Ấy thế mà hiện nay, câu nói này lại chưa ứng với thực tế là bao. Cụ thể là những tòa nhà xây dựng cao hơn hàng chục mét so với giấy phép mà chưa bị phá dỡ vì nhiều lý do, trong đó có lý do khó khăn về kỹ thuật.

Tiêu điểm là tòa nhà số 8B phố Lê Trực, Hà Nội từng gây xôn xao dư luận suốt mấy năm nay. Tòa nhà này theo đúng giấy phép xây dựng thì có độ cao đến đỉnh tum thang là 53m. Thế nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19 nên tổng chiều cao đã tới 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng nhà). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000m2, vậy mà chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2, tăng hơn 6.000m2. Trước sức ép của báo chí và dư luận, các cơ quan có thẩm quyền đã yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ phần sai phạm. Đến ngày 31-10-2016, quận Ba Đình đã cho phá dỡ xong giai đoạn 1 được sàn tầng 19, toàn bộ 585 dầm và 17/36 cột.

nghich ly pha kho hon xay
Nhà xây sai phép của ông Nguyễn Hoàng Linh ở ngõ 8 Lý Nam Đế, Hà Nội

Tiếp đó, các chuyên gia kỹ thuật của Bộ Xây dựng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Sở Xây dựng Hà Nội giao cho đơn vị thiết kế tòa nhà là Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng lập thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2, vì chỉ có công ty này và chủ đầu tư là Công ty Cổ phần May Lê Trực mới có đầy đủ bản vẽ thiết kế gốc của tòa nhà.

Tuy vậy, gần 4 tháng nay, các đơn vị vẫn chưa đưa ra được phương án phá dỡ giai đoạn 2 khả thi. Một trong những nguyên nhân được xác định khiến việc phá dỡ giai đoạn 2 chậm tiến độ là do Công ty Cổ phần May Lê Trực không cung cấp hồ sơ liên quan đến công trình. Dư luận lại dấy lên những nghi vấn và đặt câu hỏi: “Liệu tòa nhà 8B Lê Trực có bị cưỡng chế phá dỡ tiếp hay không?”.

Trong cuộc làm việc gần đây với lãnh đạo Hà Nội, Bí thư Hoàng Trung Hải đã kết luận: Vi phạm tại Dự án 8B Lê Trực là trường hợp rất điển hình mà cả nước biết đến và thành phố đã kỷ luật nhiều cán bộ. Cơ quan chức năng cần thường xuyên bám sát địa bàn. Sở Xây dựng cùng quận Ba Đình phải có giải pháp thiết kế an toàn rồi tiếp tục phá dỡ theo phê duyệt của Bộ Xây dựng.

Trước đó, Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc, nhà thầu phá dỡ giai đoạn 1, có văn bản được coi là “bàn ngang” gửi UBND thành phố Hà Nội, đề xuất dừng phá dỡ giai đoạn 2 nhà 8B Lê Trực với lý do việc phá dỡ không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia kỹ thuật xây dựng khẳng định: Với trình độ và công nghệ hiện nay, nếu thực hiện đúng quy trình, đúng kỹ thuật sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu của tòa nhà.

Như vậy đã bộc lộ ý đồ của chủ đầu tư muốn dây dưa kéo dài và viện lý do kỹ thuật để phần sai phạm của tòa nhà chỉ chịu phạt và tồn tại. Không lẽ, phá dỡ khó hơn xây dựng?!

10 năm qua, trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều tòa nhà xây dựng sai phép và buộc phải phá dỡ phần sai phạm mà có thấy tòa nhà nào bị ảnh hưởng đến kiến trúc và kết cấu gì đâu! Chúng vẫn được sử dụng và hoạt động an toàn cả.

Tòa nhà số 4 Đặng Dung (Ba Đình, Hà Nội), tòa nhà số 16 phố Trích Sài, phường Bưởi (Tây Hồ), tòa nhà 221-223 Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều xây vượt phép 4-5 tầng đã bị cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm.

Còn một số tòa nhà xây dựng sai phép, đã có quyết định phá dỡ phần sai phạm nhưng chưa chịu thi hành. Đó là tòa nhà 93 Lò Đúc, xây dựng sai phép nhiều tầng, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài và Thanh tra Chính phủ có yêu cầu tháo dỡ tầng 30. Nhưng đã mấy năm rồi, việc tháo dỡ vẫn chưa được thực hiện. Còn ở quận Hoàn Kiếm, UBND quận vừa ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ phần xây dựng sai giấy phép của nhà A3, ngõ số 8, Lý Nam Đế do nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh đứng tên.

Nhà A3 chỉ được cấp phép xây 7 tầng nhưng đã xây lên 10 tầng. Ngay cạnh đó là tòa nhà của Báo Quân đội Nhân dân, tòa nhà của Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội cũng chỉ được cấp phép xây cao 6-7 tầng. Vì vậy, nhà A3 của ông Nguyễn Hoàng Linh vươn cao hẳn lên giữa khu nhà ở và các đơn vị quân đội. Đặc biệt, nhà A3 có thể quan sát được toàn bộ các cơ quan của Bộ Quốc phòng. Đó cũng là điều bất lợi đối với công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Quận Hoàn Kiếm yêu cầu ông Linh phá dỡ 3 tầng 8, 9, 10, diện tích mỗi tầng là 140m2, phá dỡ tum thang với diện tích 21,4m2, nộp phạt 15 triệu đồng. Thế nhưng cũng lại gặp trở ngại do nhiều yếu tố…

Tại sao nhiều tòa nhà vi phạm đã bị cưỡng chế thành công, bảo đảm an toàn mà còn 3 tòa nhà ở 8B Lê Trực, 93 Lò Đúc và nhà A3, ngõ số 8 Lý Nam Đế vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt” như vậy? Các cơ quan chức năng cần giải quyết dứt điểm với 3 chủ đầu tư này mới mong lấy lại niềm tin của nhân dân. Không thể để nghịch lý phá dỡ lại khó hơn xây dựng được!

Bùi Đức