Nghịch lý: chung cư nhiều, trường học thiếu

13:57 | 22/09/2017

941 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 575 khu đô thị mới, chung cư cao tầng và dự án phát triển nhà ở thương mại… Tuy nhiên, số lượng trường học lại không được phát triển đồng bộ, trường công lập dần trở thành mong ước mỏi mòn của nhiều bậc phụ huynh.

Thiếu trường, dân khổ

Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia quy hoạch xây dựng, mỗi khu đô thị trên địa bàn thành phố phải có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở công lập. Tuy nhiên, có một thực tế khá phổ biến hiện nay là việc xây dựng các khu đô thị không thực hiện đúng theo quy hoạch được phê duyệt. Rất nhiều khu đô thị khi người dân chuyển đến sinh sống nhưng không thấy trường học như trên bản vẽ của chủ đầu tư, chưa kể một số nơi cố tình chây ì, xây dựng với tiến độ chậm.

nghich ly chung cu nhieu truong hoc thieu

Dân số dày đặc nhưng thiếu trường công là hiện trạng phổ biến tại nhiều khu đô thị, chung cư trên địa bàn các quận tại Hà Nội như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông... Chỉ tính riêng phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai), có khoảng 7 vạn dân với hơn 72 tòa chung cư cao tầng đang sử dụng. Dự kiến cuối năm 2017, 10 tòa nữa sẽ đi vào hoạt động nhưng vẫn chỉ có 1 trường công lập cho mỗi cấp học.

Dân số tăng nhanh, cung không đủ cầu, áp lực tìm trường cho con em đè nặng lên vai các bậc phụ huynh đang sinh sống tại nhiều khu đô thị trên địa bàn Hà Nội hơn bao giờ hết. Anh Nguyễn Văn Long, sống tại khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) hiện có hai con nhỏ đang theo học mầm non tư thục cho biết: “Ngay từ đầu năm học gia đình tôi đã phải đi tìm hiểu thông tin các trường mầm non trên địa bàn, nhưng với số lượng quá ít như hiện nay, việc xin cho con vào trường công khó lắm, xác định là không được nên tôi đành chấp nhận cho con học trường dân lập”.

Phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) có khoảng 7 vạn dân với hơn 72 tòa chung cư cao tầng đang sử dụng. Dự kiến cuối năm 2017, 10 tòa nữa sẽ đi vào hoạt động nhưng vẫn chỉ có một trường công lập cho mỗi cấp học.

Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ có 20.000 dân nhưng chỉ có 1 trường mầm non công lập duy nhất nhận trẻ 3 tuổi với chỉ tiêu là 91 cháu. Ngày 14-7 vừa qua, 186 phụ huynh sinh sống tại Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ có con sinh năm 2014 tới Trường Mầm non Hoa Sữa bốc thăm may rủi vào trường. Tương tự, ngày 7-7 vừa qua, chị Lê Thị Hòa - cư dân khu chung cư HH Linh Đàm cũng trải qua màn bốc thăm để cho con vào Mầm non Thực hành Linh Đàm. Chỉ riêng khu HH với 12 tòa nhà cao 36-41 tầng đã gần 35.000 dân, nhu cầu trường lớp rất lớn. Tuy nhiên, cả phường Hoàng Liệt có duy nhất 1 trường mầm non công lập.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Dù luôn trong tình trạng quá tải, nhưng với quy mô của các trường công lập như hiện nay để đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em trên địa bàn thành phố là điều không thể.

nghich ly chung cu nhieu truong hoc thieu
ĐBQH Phạm Tất Thắng

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm: “Thời gian vừa qua, các khu đô thị mới mọc lên rất nhiều, dân số tăng nhanh nhưng hệ thống các trường công lập hầu như không được xây mới. Dù một số khu đô thị trong quy hoạch có trường học nhưng sau khi thực hiện dự án thì trường học lại không có. Với những khu còn trường học, thì cũng là trường học thuộc hệ thống xã hội hóa (trường ngoài công lập). Người dân buộc phải đi xa, trái tuyến hoặc phải học trường tư thục với chi phí cao. Điều này gây hạn chế hoặc khó khăn cho cơ hội đến trường của một số học sinh, đặc biệt là với những hộ gia đình có mức thu nhập thấp”.

Trên thực tế, diện tích đất dự kiến làm trường học phần lớn được thay thế bằng các công trình khác, chủ yếu là nhà ở. Xuất phát từ lợi ích của chủ đầu tư và những đơn vị liên kết xây dựng khu đô thị. Các đơn vị này tối đa hóa sử dụng hiệu quả đất vì rõ ràng xây dựng một trường học phải mất diện tích đất khá lớn. Trong khi đó, nếu dành đất để xây nhà chung cư và nhà liền kề sẽ bỏ ra chi thấp hơn, song lại thu được lợi nhuận rất lớn. Ngoài ra, cũng phải kể đến trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành giáo dục đã không theo kịp sự phát triển của đô thị. Nó cũng thể hiện sự quá tải của ngành giáo dục đối với các khu đô thị lớn.

Để khắc phục tình trạng này, ông Phạm Tất Thắng cho rằng, chính quyền địa phương và ngành giáo dục địa phương cần chủ động, tích cực làm tốt vai trò trách nhiệm của mình trong việc bố trí trường học cũng như đảm bảo quyền lợi của học sinh trên địa bàn. Chính quyền và ngành giáo dục cấp cao hơn, các cơ quan chức năng khác phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát để đảm bảo thực hiện đúng quy định các khu đô thị được hình thành phải có trường công lập. Nếu phát hiện những vụ việc vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Với những khu đô thị chuẩn bị xây dựng, các cơ quan có thẩm quyền khi phê duyệt cần phải có những chế tài, cơ chế cần thiết đảm bảo chủ đầu tư phải xây dựng được trường học, phục vụ nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.

Ở góc độ xây dựng, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định: “Nguyên lý kinh doanh bất động sản là nhà đầu tư chỉ xây những gì sinh lợi. Ở Đài Loan, quy định các khu đô thị mới phải dành ra 30% diện tích của dự án đem trồng cây xanh và bàn giao trở lại thành đất công cho chính quyền xử lý. Bên cạnh đó phải quyên, hiến một khoản tiền bằng 12% kinh phí đầu tư dự án cho chính quyền để xây dựng các công trình an sinh xã hội. Ở những nước khác, họ không có những chính sách cụ thể như vậy, nhưng họ phải nộp phí nghĩa vụ quy hoạch. Theo đó, chủ đầu tư các dự án bất động sản phải đóng góp tiền để phát triển các cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội đối với dự án. Có như vậy chính quyền mới cấp phép cho họ xây dựng”.

nghich ly chung cu nhieu truong hoc thieu

TS Phạm Sỹ Liêm: Việc cấp phép quy hoạch, triển khai các dự án nhà ở thương mại, chung cư cao tầng… cần được quy định thành luật rõ ràng. Chính quyền không kiểm soát và quản lý được thì chính quyền vi phạm luật. Nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết trong phê duyệt quy hoạch thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không đơn giản chỉ là vi phạm cam kết nữa.

Đinh Hương - Xuân Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc