Nghịch lý BOT: Không đi cũng mất tiền

07:00 | 25/03/2017

1,304 lượt xem
|
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ việc người dân chặn xe phản đối thu phí tại các trạm thu phí BOT. Mới đây, tại Trạm thu phí BOT Tam Nông (Phú Thọ) cũng xảy ra sự việc tương tự. Theo các chuyên gia, việc thu phí BOT cần phải thực hiện trên nguyên tắc để cho người dân có quyền lựa chọn, đi vào đường BOT hoặc là không, chứ không thể bắt buộc theo kiểu “không đi cũng phải nộp phí”.  

Chặn đường phản đối

Ngày 13-3, hàng chục người dân sống quanh địa bàn huyện Tam Nông cùng 20 ôtô các loại kéo đến trạm thu phí BOT Tam Nông (km67+300 Quốc lộ (QL) 32) để phản đối việc thu phí bị coi là vô lý. Người dân và phương tiện đỗ chặn giữa trạm thu phí gây ách tắc giao thông kéo dài cả cây số ở hai đầu trạm thu phí.

Theo những người dân ở đây, Trạm thu phí BOT Tam Nông đưa ra mức phí quá cao, gây bức xúc cho người dân trên địa bàn. Mỗi lượt xe con qua lại mất phí 35.000 đồng, xe tải 2,5 tấn là 50.000 đồng. Trong khi chủ đầu tư chỉ trải thảm mặt đường, nâng cấp 12km QL 32 trên nền đường cũ.

Được biết, trạm thu phí BOT Tam Nông do Công ty TNHH BOT Hùng Thắng làm chủ đầu tư. Đây là trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án đường Hồ Chí Minh từ QL 32 đến Hương Nộn và nâng cấp mở rộng QL 32 đoạn từ cầu Cổ Tiết đến cầu Trung Hà theo hình thức BOT. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, tốc độ 80km/h, quy mô mặt cắt ngang 2 làn xe cơ giới. Dự án chính thức đưa vào khai thác sử dụng từ đầu tháng 1-2017 và mới thu phí chính thức từ ngày 6-3.

nghich ly bot khong di cung mat tien
Người dân tập trung phản đối tại Trạm thu phí BOT Tam Nông

Trước việc phản đối của người dân huyện Tam Nông, ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Công ty TNHH BOT Hùng Thắng cho biết, đã mời các chủ xe vào đối thoại và giải thích về việc thu phí. Nếu người dân không đưa xe ra khỏi trạm thì lực lượng chức năng tại địa phương sẽ có biện pháp cưỡng chế.

Theo ông Hải, mức thu phí tại dự án được áp dụng trên cả chặng theo Thông tư của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, người dân lại muốn áp dụng cách thu theo kiểu “đi bao nhiêu sẽ nộp phí bấy nhiêu” như phí đường cao tốc. Chính vì thế dẫn đến việc họ phản đối bằng cách chặn xe gây ùn tắc.

Sau đó Công ty TNHH BOT Hùng Thắng đã làm việc với các cơ quan liên quan và quyết định tạm dừng thu phí để chờ chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải miễn thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với xe ôtô 7 chỗ trở xuống (không kinh doanh vận tải) của các chủ phương tiện có hộ khẩu thuộc địa bàn các xã Hồng Đà, Thượng Nông và các cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn huyện Tam Nông.

Tỉnh Phú Thọ cũng đề xuất giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với xe ôtô 7 chỗ trở xuống (không kinh doanh vận tải) của các chủ phương tiện có hộ khẩu thuộc địa bàn các xã Cổ Tiết, Hương Nộn, Dậu Dương và thị trấn Hưng Hóa; giảm 50% đối với ôtô tải của các chủ phương tiện có hộ khẩu tại các xã Hồng Đà, Thượng Nông, Cổ Tiết, Hương Nộn, Dậu Dương và thị trấn Hưng Hóa...

Còn nhiều việc phải làm…

Theo tìm hiểu của PV Báo Năng lượng Mới, đây không phải là lần đầu tiên người dân tập trung phản đối trạm thu phí vì mức phí quá cao. Riêng tỉnh Phú Thọ, vào tháng 3-2016 cũng xảy ra tình trạng người dân tập trung phản đối việc thu phí tại Trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì. Trong khi Bộ GTVT ra điều kiện: Khi đầu tư các tuyến BOT thì cũng phải có những tuyến đường bình thường cho người dân lựa chọn, nhưng thực tế có những lộ trình người dân “hết đường lựa chọn”, kiểu gì cũng không thoát khỏi trạm BOT.

Theo các chuyên gia giao thông, việc thu phí BOT cần phải thực hiện trên nguyên tắc để cho người dân có quyền lựa chọn, đi vào đường BOT hoặc là không đi.

nghich ly bot khong di cung mat tien
Ông Bùi Danh Liên

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ: “Theo quy định, dự án BOT được triển khai thực hiện bằng nguồn vốn chủ yếu của chủ đầu tư. Nhưng ở Việt Nam có thực tế không ít dự án BOT được làm chủ yếu bằng nguồn vốn vay ngân hàng. Ví dụ dự án BOT trên QL 51 nối Biên Hòa và Vũng Tàu. Quy mô dự án BOT QL 51 gần 4.000 tỉ đồng, vốn vay chiếm 90%, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10%. Tuyến đường này cũng xảy ra tình trạng chưa làm xong đã thu phí khiến người dân bức xúc. Đây là cách làm ngược với quy định của Chính phủ và còn nhiều khuất tất khác cần phải xem xét”.

Mặt khác, nhiều trạm thu phí BOT được bố trí dày đặc trên 1 tuyến đường. Ví dụ từ Hà Nội về Thái Bình chỉ có khoảng 100km nhưng lại có tới 4 trạm thu phí. Hay tuyến đường từ Hà Nội về Phúc Yên, chỉ khoảng 40km nhưng có tới 2 trạm thu phí, đều hoàn vốn cho dự án BOT QL 2. Trong khi theo quy định mỗi trạm thu phí BOT phải cách nhau tối thiểu 70km.

Hiện tượng làm đường một nơi, đặt trạm thu phí một nẻo để tận thu hoặc phí chồng phí cũng diễn ra phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân bức xúc, tập trung đông người để phản đối, gây ùn tắc giao thông ở nhiều địa phương. Ví dụ, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài được thu phí từ năm 2011 để hoàn vốn đường BOT QL 2 tránh thành phố Vĩnh Yên. Nhưng trạm này lại đặt trên cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, khiến những người không đi vào đường BOT QL 2 cũng phải mất phí. Việc thu phí vô lý như vậy đã tiến hành nhiều năm qua, gây bức xúc cho người dân và đã nhiều lần người dân phải tập trung phản đối, khiến các tuyến đường tắc nghẽn kéo dài.

Để khắc phục vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT cần xem xét đánh giá lại hiệu quả của tất cả những dự án BOT cầu đường đã và đang triển khai. Những nơi nào trạm BOT dày đặc quá, thì Nhà nước nên trích ngân sách mua lại quyền thu phí của chủ đầu tư, để người dân không phải đóng phí, để giao thông được thông suốt, hạn chế ùn tắc.

Hơn nữa, đối với các dự án BOT phải thẩm định chặt chẽ để người dân không nghi ngờ về khả năng có “nhóm lợi ích”. Ngoài ra, cần kêu gọi đầu tư BOT cho hạ tầng thì người dân rất hoan nghênh, nhưng phải có lộ trình phù hợp với mức chi trả của người dân. Bởi lẽ, hiện tượng người dân né trạm thu phí BOT cũng giống như việc họ không đủ tiền để hưởng dịch vụ hạng sang, nên mới phải chấp nhận hưởng dịch vụ bình dân. Điều kiện của người dân chỉ cho phép họ ở quán trọ, mà cứ ép họ vào khách sạn 5 sao thì không phù hợp. Việc đầu tư hạ tầng không nên chạy theo phong trào, mà phải tiến hành từng bước, từng thời điểm để phù họp với điều kiện và khả năng chi trả của người dân.

Thiên Minh - Xuân Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc