Nghệ sĩ Xuân Hương bức xúc vì “Những người thích đùa” bị xâm phạm

14:31 | 12/07/2016

1,155 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chương trình “Những người thích đùa” vốn được xem là thương hiệu của cặp đôi Xuân Hương - Thanh Bạch, ra đời vào năm 1997. Tuy nhiên, mới đây tên chương trình lại được sử dụng cho một gameshow phát sóng trên Đài Truyền hình HTV. Điều này đang khiến chủ nhân thực sự bức xúc. 

- Chị biết đến việc thương hiệu “Những người thích đùa” được sử dụng cho một gameshow hài như thế nào?

- Hôm thứ Hai, ngày 4/7 tôi được một người bạn gởi cho đường link clip quảng cáo chương trình Những người thích đùa sẽ phát sóng trên HTV7. Tôi rất ngạc nhiên, không thể tin rằng một nhà sản xuất chương trình lớn và danh tiếng như Đông Tây Promotion lại có thể lấy tên chương trình đã trở thành thương hiệu gắn với cái tên Thanh Bạch - Xuân Hương suốt 20 năm qua.

Thật sự tôi rất đau vì một cái tên đã gắn liền với mình mà nay lại bị người khác sử dụng nhưng đằng sau cái tên đó lại chứa đựng một nội dung không khác gì những mô típ hài thông thường đang tràn lan khắp nơi. Mà thường thì cách đặt tên cho một tiết mục, một kịch bản hay một chương trình luôn thể hiện nội dung và những điều tác giả muốn gởi gắm.

nghe si xuan huong buc xuc khi thuong hieu nhung nguoi thich dua bi xam pham
Nghệ sĩ Xuân Hương. Ảnh: NVCC

- Ngay sau khi hay tin, chị đã làm gì?

- Khi biết chuyện, tôi báo ngay với lãnh đạo của HTV. Ngày 5/7 tôi được anh Toàn (nhân viên của Đông Tây Promotion mời đến để nói chuyện cùng với cô Hương - cũng là đại diện của Đông Tây). Tại đây, anh Toàn có nói rằng đây là một chương trình mà những người thực hiện rất tâm đắc, muốn đem tiếng cười lành mạnh đến khán giả, rằng là cái tên Những người thích đùa được lấy từ tên truyện ngắn của nhà văn Azit Nêxin.

Tôi trả lời rằng tôi cũng lấy từ tên truyện ngắn của Azit Nêxin. Nhưng đó là tác phẩm văn học, còn đây là loại hình biểu diễn. Hai thể loại hoàn toàn khác nhau. Nếu phía bên Đông Tây lấy từ tên truyện ngắn của Azit Nêxin thì tại sao không lấy trước tôi? Và nếu như lấy cái tên này sau tôi cho một chương trình mang tính biểu diễn thì đó là bắt chước tôi.

Không trả lời được cho cách lập luận của tôi, cô Hương có đề nghị tôi cộng tác với Đông Tây để làm biên kịch hoặc cố vấn cho chương trình. Tôi từ chối dứt khoát vì tôi chỉ nhận lời nếu như đó là một chương trình có nội dung hay và yếu tố phẩm chất của con người tôi cộng tác cũng là điều quan trọng đối với tôi.

Sau buổi làm việc với anh Toàn và cô Hương, hôm thứ Bảy ngày 9/7, anh Toàn gọi điện thoại cho tôi để thông báo rằng "sau cuộc họp giữa Đông Tây Promotion và HTV thì Đông Tây đã quyết định đổi tên thành Những người thích đùa - Cười đủ các kiểu”. Nhưng không hiểu sao trong lần phát sóng thứ hai vào ngày Chủ nhật 10/7 vẫn giữ nguyên cái tên cũ là Những người thích đùa?

- Trước đây, chị đã đăng kí bản quyền cho đứa con tinh thần của mình hay chưa?

- Chương trình Những người thích đùa của chúng tôi đã được công diễn 4 lần, nghĩa là đã có giấy phép do Sở Văn hoá - Thông tin cấp, và băng đĩa đã phát hành 2 lần, đương nhiên phải có giấy phép phát hành. Nhưng cái "giấy phép" đã được chứng nhận 20 năm nay là sự mặc nhiên công nhận của khán giả, của đồng nghiệp và của báo giới. Một cái "giấy phép" nữa cao hơn những thứ giấy phép mang tính hành chánh là lương tâm và đạo đức của con người.

Chúng ta cần phải sống đúng theo pháp luật. Mọi thứ đều cần phải có giấy tờ rõ ràng. Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ sâu hơn thì những thứ giấy tờ được con người nghĩ ra và đòi hỏi là bởi vì chữ "Tín" của con người ngày nay đã bị coi thường.

Ngày nay vì đồng tiền lên ngôi nên chuyện bội tín là chuyện không hiếm, còn ngày xưa chữ "Tín" luôn được đưa lên hàng đầu nên chỉ cần một lời hứa miệng là không ai dám làm ngược lại. Mọi chuyện ở đời tốt hay xấu là do sự ý thức, lương tâm và danh dự của con người quyết định. Còn những thứ giấy tờ, những con dấu cũng chỉ mang tính răn đe kẻ gian mà thôi.

nghe si xuan huong buc xuc khi thuong hieu nhung nguoi thich dua bi xam pham
"Những người thích đùa" là thương hiệu của cặp đôi Xuân Hương - Thanh Bạch cách đây 20 năm. Ảnh: NVCC

- Tới đây, chị có định khởi kiện để bảo vệ đứa con tinh thần của mình?

- Tôi chưa thể trả lời câu hỏi này. Nhưng điều tôi có thể nói được là chỉ cần tôi tưởng tượng ra cảnh mọi người đứng trong phiên toà cho người khác phán xét và cho bao nhiêu cặp mắt nhìn vào thì chắc là tôi sẽ thấy xấu hổ vô cùng. Tôi không xấu hổ cho mình vì tôi không làm điều gì trái đạo đức và trái lương tâm để phải xấu hổ, mà tôi xấu hổ và thấy nhục nhã với công chúng. Vì sao cái nghề tôi chọn làm lẽ sống cho mình mà người ngoài vẫn lầm tưởng rằng nó đẹp đẽ, lấp lánh đầy hào quang lại như một cái chợ trời.

Một lẽ nữa là mặc dù đây chỉ là cái nghề mua vui cho thiên hạ nhưng chức năng của nó cũng mang tính giáo dục và chuyển tải đạo lý ở đời. Muốn chuyển tải đạo lý thì bắt buộc người làm nghề phải có đạo đức. Bấy lâu nay những chuyện xảy ra tương tự rất nhiều nhưng chưa đụng tới mình thì tôi vẫn thường hay bao biện mỗi khi bị người ngoài hỏi đến vì tôi sợ "xấu lá xấu nem". Nhưng bây giờ thì "không nơi ẩn nấp" nữa rồi. (Cười).

- Trong trường hợp gameshow “Những người thích đùa” được làm tử tế, chất lượng theo đúng tâm niệm của chị lúc sáng tạo ra chương trình này, chị có sẵn sàng tặng cái tên này cho Đông Tây?

- Trước kia tôi đã từng nói với một nghệ sĩ đàn em rằng nếu mai này khi tôi thực sự không còn làm Những người thích đùa nữa thì tôi tặng lại cho người em đó. Bởi vì tôi tin tưởng rằng người đó sẽ trung thành với con đường của tôi đã vạch ra. Tôi tin người đó sẽ không làm rẻ rúng cái tên mà tôi rất nâng niu trân quý.

Hơn nữa người đó cũng không bao giờ dám có những hành động sai trái trong nghề nghiệp, không bao giờ biết lấy của người khác làm của mình dù chỉ là một chữ. Tôi chỉ tặng cho ai mà tôi thấy xứng đáng.

- Chương trình “Những người thích đùa” có ý nghĩa như thế nào với chị?

- Có những ca sĩ chỉ cần thành công qua một bài hát là đã làm nên sự nghiệp. Có những diễn viên chỉ cần một vai diễn là họ đã được khán giả yêu mến và coi như họ đã thành danh. Đó là những điều kỳ diệu trong nghệ thuật. Với tôi, tôi đã chọn con đường hài châm biếm làm lẽ sống cho riêng mình và luôn trung thành với thể loại này.

Tôi là người mang một luồng gió mới vào đời sống của làng hài TP.HCM từ năm 1989. Đến năm 1997 thì chương trình Những người thích đùa ra đời, kể từ đó tôi đã thực hiện được 4 chương trình và luôn được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt. Với tôi, Những người thích đùa đã trở thành hơi thở và là máu thịt của tôi vì đây là nơi để tôi thể hiện quan điểm công dân - nghệ sĩ của mình.

nghe si xuan huong buc xuc khi thuong hieu nhung nguoi thich dua bi xam pham

Đâu phải cứ hài là… nhảm!

Câu chuyện hài nhảm “xâm chiếm” sóng truyền hình, dẫn tới tình trạng vừa bội thực hài nhảm, vừa thiếu những chương trình sạch sẽ, có duyên đã không còn quá mới mẻ. Thế nhưng, làm sao để các chương trình hài vẫn mang được tiếng cười cho khán giả, vừa giữ được những nét duyên dáng, tinh tế của làng hài thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Sơn Hồ (Thực hiện)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.