Nghệ sĩ sợ… truyền thông “lá cải”!

07:10 | 05/07/2015

1,689 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Diễn viên Trịnh Kim Chi, Thái Hòa, ca sĩ Phương Thanh cho rằng, hiện nay có nhiều trang mạng đang theo xu hướng “lá cải” hóa, họ đăng tin nghệ sĩ theo kiểu giật gân, câu khách mà bất chấp ảnh hưởng đến nghệ sĩ, đến giới nghệ thuật thế nào.
Nghệ sĩ phải học cách tự bảo vệ trước... truyền thông lá cải Nghệ sĩ phải học cách tự bảo vệ trước... truyền thông lá cải
Nghệ sĩ khốn đốn vì người thân mượn danh vay nợ Nghệ sĩ khốn đốn vì người thân mượn danh vay nợ
Nghệ sĩ nói gì về “tình nghệ sĩ”? Nghệ sĩ nói gì về “tình nghệ sĩ”?
Nghệ sĩ bị “bầu” quỵt cát-sê là… chuyện thường! Nghệ sĩ bị “bầu” quỵt cát-sê là… chuyện thường!
Hãy để Lệ Rơi về đúng chỗ của mình! Hãy để Lệ Rơi về đúng chỗ của mình!

Diễn viên Trịnh Kim Chi: Tôn trọng sự riêng tư của nghệ sĩ

Truyền thông và nghệ sĩ gắn kết với nhau để đưa những bài viết ý nghĩa đến bạn đọc thì tôi rất hoan nghênh. Và thật sự nghệ sĩ sống được một phần quan trọng là nhờ vào truyền thông. Bởi nếu nghệ sĩ có bài hát hay hay vai diễn hấp dẫn mà không có báo chí thông tin thì công chúng cũng khó tiếp cận.

Ở một khía cạnh nào đó thì truyền thông là động lực để người nghệ sĩ cố gắng hơn để được ghi nhận. Ngày nay, nhiều nghệ sĩ gắn bó với truyền thông vì họ còn tin tưởng sự chính xác và công tâm của truyền thông. Và tôi hy vọng truyền thông không đánh mất điều đó!

Trịnh Kim Chi

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng hiện nay có khá nhiều trang mạng chuyên đăng bài sốc để câu view. Họ đưa lên trang những bài viết méo mó so với sự thật làm tổn thương đến nghệ sĩ. Mà nghệ sĩ thì vốn được nhiều người quan tâm, từ miệng người này truyền sang miệng người kia làm chuyện nhỏ xé ra to, làm mất uy tính, thậm chí có ý bôi nhọ người nghệ sĩ.

Rồi có những người còn lợi dụng những scandal trên truyền thông để nổi tiếng, để được biết đến nhiều hơn. Ở trường hợp này, có sự bắt tay của trang mạng và nhân vật kia. Thậm chí tôi biết là có trang còn tư vấn cho những người đó là làm gì cho sốc để được chú ý hơn?!

Những người nghệ sĩ chân chính thì hoàn toàn phản đối chuyện đó. Họ suy nghĩ, hành động rất nghiêm túc, và biết cách giữ gìn hình ảnh của mình. Và ngày nay khán giả cũng đã nhận ra ở mỗi bài viết, đâu là nghệ sĩ chân chính, đâu là nhân vật scandal. Họ cũng bắt đầu tẩy chay những bài viết như thế, điều này thể hiện rõ ở những bình luận bên dưới bài.

Tôi cũng không ủng hộ việc báo chí đi sâu vào khai thác đời tư người nghệ sĩ. Đương nhiên có nhiều người muốn tâm sự, trải lòng về cuộc sống của mình với độc giả, nhưng có người thì không. Vì vậy tôi nghĩ báo chí nên tôn trọng sự riêng tư của nghệ sĩ nhiều hơn.

Ca sĩ Phương Thanh: Truyền thông phải nói sự thật và chính xác

Báo chí bây giờ khác nhiều so với thời cách đây hơn 10 năm, ngày xưa nghệ sĩ chúng tôi muốn lên báo là khó lắm, bây giờ tôi thấy có người lên báo hằng ngày mà đôi khi chẳng có thông tin gì hay ho. Đương nhiên, đó là hệ quả của xu thế báo chí thời nay, nhanh và nhiều. Tuy nhiên, có một tiêu chí tôi nghĩ không thể nào thay đổi đó là thông tin phải đúng sự thật và chính xác!

Phương Thanh

Thế nhưng hiện tại có nhiều bài viết, nhất là trên các trang mạng toàn chỉ có giá trị câu view với những nội dung cực sốc. Nhiều gương mặt trẻ cũng tận dụng tính câu khách của những bài viết thế này để làm bàn đạp tiến thân vào showbiz mà không cần phải chứng minh tài năng hay thực lực gì. Có thể nói chính những bài báo này đã đưa vào showbiz một thành phần “rất đáng sợ”, họ quậy náo loạn cả giới showbiz lên. Vậy mà có một số trang lại cổ súy những hình tượng này.

Cho nên với tôi, tôi phân ra hai đối tượng báo chí, đó là báo chính thống và báo “lá cải”. Hai báo này có giá trị hoàn toàn khác nhau. Nhưng rõ ràng là ngày nay số lượng báo “lá cải” nhiều quá, nó có ảnh hưởng nhất định đến báo chính thống. Hơn thế, báo “lá cải” đang tạo nên một xu hướng tiêu cực trong việc giáo dục cho thanh thiếu niên hôm nay.

Rồi gần đây, tôi thấy chuyện gia đình, riêng tư của người nghệ sĩ bị báo chí đem ra mổ xẻ ác liệt! Trừ những trường hợp thích đem chuyện gia đình ra để PR cho mình thì tôi thấy việc làm đó tội cho người nghệ sĩ quá.

Nghệ sĩ cũng là con người, khi bước ra khỏi sân khấu thì họ cũng có cuộc sống với cơm áo gạo tiền, gia đình thì cũng có hạnh phúc, có cãi vả hay tan vỡ. Đó là điều hết sức bình thường. Nghệ sĩ thật sự chẳng ai muốn đem chuyện trong nhà chưa rõ để ngoài ngõ được tường cả! Nhưng báo chí đôi khi nghe được tin đâu đó thì lao vào mổ xẻ, bất chấp lợi hại đối phương. Tôi cho đó là không nhân văn!

Diễn viên Thái Hòa: Tôi từng là nạn nhân của "tít ác"

Diễn viên nói riêng như chúng tôi thực sự rất cần báo chí. Ví dụ như với những dự án phim ảnh làm ra mà được báo chí nhắc tới thì khán giả sẽ biết đến nhiều hơn. Những vai diễn có báo chí bình luận, phê bình thì sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Do đó báo chí và diễn viên có mối quan hệ cộng sinh. Và không riêng gì với diễn viên mà cả giới nghệ thuật đều như vậy.

Tuy vậy, không phải là mọi bài báo quan tâm đến nghệ sĩ đều mang lại sự dễ chịu. Có những bài báo chỉ trích thái quá, ví dụ như khi làm phim, nhà sản xuất nào cũng muốn có tác phẩm ăn khách, được giới phê bình đánh giá cao. Ai làm phim có tâm huyết thì đều có mong muốn đó. Nhưng có những bài báo không phải là phê bình, xây dựng mà mang tính cách trù dập. Tôi không thích chuyện đó, đã là người phê bình phim thì phải để người làm thấy đúng, thấy sai, từ đó mới có sự phấn đấu hơn, chứ phê bình mà người khác chỉ thấy mình đang bị ghét là thất bại của phê bình.

Thái Hòa

Tuy nhiên, báo chí cũng như cuộc sống vậy thôi, có người như này, người như khác. Có những người khi viết luôn nghĩ bài báo đó có ảnh hưởng đến người nghệ sĩ hay không, ảnh hưởng như thế nào!? Họ cân nhắc từng câu chữ của mình vì cái tâm, cái tình với người nghệ sĩ. Tôi sợ những bài báo hơi “lá cải”, có nhiều cái tít rất ác. Và tôi cũng đã từng là nạn nhân của những bài báo như vậy!

Nhưng phải thừa nhận là phải có người đọc thì mới có những bài báo, những tờ báo “lá cải” đó. Khi nào người đọc thấy những tin tức đó quá nhảm nhí và không đọc thì mới không còn tồn tại những trang tin, những bài báo đó. Còn hiện nay thì những bài báo kiểu như vậy vẫn có khán giả. Nhưng để bài báo hấp dẫn, có nội dung nhưng không quá khó đọc thì nó đòi hỏi phải có sự sáng tạo, nắm bắt của người viết. Họ phải có điều kiện sâu sát, lăn lộn thì mới có những sự độc đáo được.

Cũng có ý kiến cho rằng, một số trang hiện nay đang quá dễ dãi, tạo điều kiện cho những nhân vật scandal nổi tiếng. Tôi nghĩ, với những người cầm bút viết về những người đó thì họ thừa biết thế nào; bởi tôi thấy rằng là khi viết những bài đàng hoàng, chính thống, người ta sẽ để tên thật, còn những bài về những nhân vật scandal thì chỉ để bút danh, viết tắt tên. Nhưng vì có người muốn xem những tin đó thì người viết phải viết thôi! Còn những người muốn cho người khác biết đến mình thông qua những chiêu trò, những scandal thì đó là tai tiếng, chứ không phải nổi tiếng. Và sự biết đến đó không có lợi ích gì, không có sự tôn trọng.

Có thể nói, tôi đã “va đập” nhiều lần với báo chí nhưng tôi không “né” báo chí. Trái lại, tôi thấy đó là bình thường. Tôi hiểu rằng, đã làm nghề này thì không thể không có báo chí được, mình cần họ mà. Tôi vẫn thích gặp báo chí những lúc có tác phẩm, khi đó có nhiều điều để nói hơn.

T.V (Năng lượng Mới)