Cô giáo Nguyễn Thúy Nga:

'Nghề giáo cần có tâm, nhiệt huyết và biết yêu thương"

07:00 | 20/11/2012

1,796 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Cô Nguyễn Thúy Nga đã 3 năm liền đồng hành cùng học sinh khuyết tật Nguyễn Phương Linh. Không chỉ giảng dạy kiến thức trên lớp, cô còn chăm chút cả những lúc em đau yếu, trái gió trở trời, mong em có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cô giáo Nguyễn Thúy Nga là giáo viên trường THPT Trương Định và cũng là cô giáo chủ nhiệm cấp 3 của em Nguyễn Phương Linh. Linh được đông đảo dư luận biết đến với hình ảnh “nữ sinh 7 năm được bố cõng đến trường", hiện em đang là sinh viên của khoa Luật, ĐH Công đoàn.

Vừa là cô, vừa là mẹ

“Với em, cô là người mẹ thứ hai đã dìu dắt và cho em được như ngày hôm nay” - đó là những chia sẻ của Linh về cô giáo Nguyễn Thúy Nga. Ba năm học dưới mái trường phổ thông tại lớp cô Nga chủ nhiệm, với Linh đó là quãng thời gian đẹp và ý nghĩa.

Linh chia sẻ, là học sinh tật nguyền là một khó khăn quá lớn để em vượt qua, nhiều lúc nhận được những ánh nhìn kì lạ cả mọi người, em cảm thấy rất buồn, nhưng lại tự an ủi: “Sao mình phải buồn? Mình không khác gì mọi người cả”.

Nhớ lại những ngày đầu mới bước chân vào Trường THPT Trương Định, Linh tâm sự: “Từ nhỏ em đã bị tật nguyền và phải ngồi xe lăn nên cũng mặc cảm nhiều lắm. Lên đến lớp 10 thì em lại càng lo hơn bởi suy nghĩ lớn hơn rồi phải học nhiều và tham gia các hoạt động nên việc di chuyển cũng sẽ nhiều hơn mà điều này với em thì không dễ dàng gì cả. Tuy nhiên, khi được xếp vào lớp cô Nga chủ nhiệm thì mọi nỗi lo đó cũng em đều không còn nữa vì cô luôn tạo điều kiện tốt nhất cho em yên tâm học hành”.

"Nữ sinh 7 năm được bố cõng đến trường" đã trở thành sinh viên ĐH Công đoàn

Nhắc tới cô học trò đặc biệt, cô Nga không nén được xúc động, cô chia sẻ: “Thời gian đầu nhận lớp, tôi cảm thấy rất băn khoăn về chuyện học tập và đi lại của Linh”. Năm lớp 10, lớp của Linh học dưới tầng 1 thì em có thể tự đẩy xe vào lớp, nhưng khi lên lớp 11, 12, lớp học của các em chuyển lên tầng 2 thì việc lên lớp đối với Linh cực kỳ khó khăn.

Lúc này, cô Nga đã tập trung các học sinh và nhắc nhở: “Linh là tấm gương cho các em học tập, dù bạn có khiếm khuyết thân thể nhưng ý chí của bạn rất đáng quý. Các em nên giúp đỡ Linh, để bạn có thể tiếp tục đi học bình thường”.

Nhờ những lời dạy chân tình ấy, các bạn Linh – người cõng, người nhấc xe đẩy, đưa em đến lớp trong suốt 2 năm học cuối. Cô Nga chia sẻ: “Tôi làm vậy để các em gắn bó với nhau hơn, khắc sâu tình bạn, tình thầy trò trong những năm tháng phổ thông”.

Đối với những hoạt động ngoại khóa của lớp, cô thường hướng dẫn các bạn chọn địa điểm mà Linh có thể tham gia được. Với những chương trình của nhà trường, cô Nga cũng giao cho Linh những việc nhẹ nhàng như ngồi kết hoa, vẽ báo tường… để em được hòa nhập với các bạn.

Những hôm Linh đau ốm phải nghỉ học, cô không quản ngại mang vở đến tận nhà cho em chép và giảng lại bài học ngày hôm đó. Đối với những môn học khác, chính cô Nga lại làm nhịp cầu để Linh có điều kiện được học hỏi ngoài giờ lên lớp. Có việc gì khó cô đều ở bên cạnh Linh giúp đỡ và giảng giải cho em hiểu cách làm nào tốt và phù hợp với em nhất. Với Linh, ấn tượng của em đối với cô Nga luôn là sự quan tâm và tình thương yêu vô bờ đối với học sinh của mình.

Cô chia sẻ: “Sức khỏe của Linh không tốt, nhiều lúc ốm đau nên phải nghỉ học. Tôi rất thương nhưng cũng rất nghiêm khắc với em. Phải nghĩ rằng mình có bệnh không có nghĩa là mình được quyền từ bỏ việc học hành”.

Nhiều lần bệnh nặng, việc học hành bị dang dở, Linh đã tỏ ra chùn bước, lười biếng việc tiếp thu kiến thức và bài tập trên lớp. Vừa là người cô, vừa như người mẹ thứ hai, cô Nga đã rất nghiêm khắc dặn dò Linh: “Con phải cố gắng học tập, vì cuộc đời con dài hơn cuộc đời của cha mẹ con, không thể dựa vào cha mẹ mãi được. Con phải học tập và tìm được một công việc để tự nuôi sống bản thân và giúp ích cho xã hội”.

Những lời dạy bảo quý giá này đã trở thành động lực giúp Linh vượt qua nhiều khó khăn, bệnh tật để tiếp tục đi học và trở thành sinh viên khoa Luật, trường ĐH Công đoàn.

Nghề giáo vất vả nhưng vinh quang

Nghề giáo viên được ví như những người lái đò thầm lặng, chờ những học sinh đến với bến bờ tri thức và nghề giáo cũng có cả những vinh quang và nỗi vất vả.

Chia sẻ về nghề giáo viên, cô Nga cho biết: “Nghề giáo vất vả lắm, hết giờ làm việc, về nhà vẫn còn bận. Thế nhưng nghề nghiệp nào cũng có những vinh quang riêng. Với nghề giáo, chỉ cần nhìn thấy học sinh nên người, thành đạt. 20/11 học sinh nhớ đến mình, chỉ cần nhắn tin chúc mừng cũng đủ vui rồi”.

Nguyễn Phương Linh và cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thúy Nga

Theo cô Nga, tôn chỉ của nghề giáo mà cô theo đuổi là phải có tình yêu thương và biết sẻ chia với người khác. Chỉ những con người có tâm, có nhiệt huyết với nghề, biết yêu thương học sinh thì mới tránh được những sai lầm. Đó cũng chính là những gì cô muốn nhắn nhủ với những sinh viên ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên, được đứng trên bục giảng.

Cô chia sẻ, chủ nhiệm một lớp cấp 3, tâm sinh lý các em đều đang phát triển, ở độ tuổi không lớn không nhỏ thì việc những tác động bên ngoài ảnh hưởng đến các em là điều không thể tránh khỏi. Và việc của giáo viên là trở thành người thầy, người bạn để kịp thời chấn chỉnh, góp ý cho học sinh, để các em phát triển một cách tốt nhất.

Đặc biệt với những học sinh có thái độ phản kháng hoặc vô lễ, cô Nga cho biết, đó chỉ là những biểu hiện bột phát, đôi lúc các em không ý thức được đó là sai trái. Nếu giáo viên quá nghiêm khắc, dùng biện pháp phạt nặng dễ khiến các em thiếu niềm tin vào thầy cô giáo của mình.

Cô chia sẻ: “Chúng ta cần dùng tình thương, sự thấu hiểu để chỉ bảo cho các em. Đó cũng là một trong những yêu cầu rất khó khăn của nghề giáo”. 

Vương Tâm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.