Nghề công tác xã hội ở Việt Nam: Số lượng và chất lượng

13:06 | 24/02/2013

5,959 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu, đến năm 2020 Việt Nam có khoảng 60.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên nghề công tác xã hội (CTXH), trong đó có 35.000 người thông qua đào tạo chính thức và đào tạo lại, 25.000 người được đào tạo qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức. Tuy nhiên, câu chuyện đào tạo nghề này ở nước ta còn nhiều vấn đề cần bàn.

Là 1 trong 3 người phụ nữ đầu tiên học CTXH ở Philippines sau giải phóng và về nước hoạt động CTXH hơn 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Hải (Chủ nhiệm Câu lạc bộ CTXH chuyên nghiệp ở TP HCM) chia sẻ với phóng viên Báo Năng lượng Mới về thực trạng nghề CTXH ở nước ta.

PV: Với hơn 20 năm làm công tác xã hội ở Việt Nam, bà thấy ngành CTXH ở nước ta hiện nay như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hải: Có thể nói, nghề CTXH ở Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm nhưng kể từ lễ kỷ niệm CTXH thế giới lần thứ nhất được tổ chức tại TP HCM ngày 12/11/1998 dưới sự chủ trì của cố Th.s Phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh, cho đến nay đã có nhiều bước tiến quan trọng.

Trong đó, phải kể đến dấu mốc rất quan trọng là tháng 11/2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mã số đào tạo ngành CTXH bậc đại học và cao đẳng. 6 năm sau, ngày 25/3/2010 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 32/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 (còn gọi là Đề án 32), mở ra một bước ngoặt quan trọng cho CTXH chuyên nghiệp tại nước ta. Tiếp nối thì Câu lạc bộ CTXH chuyên nghiệp TP HCM được chính thức thành lập theo Quyết định số 33-2010/QĐ của Ban Thường vụ Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục (KHTLGĐ) TP HCM vào ngày 30/11/2010.

Bà Nguyễn Thị Hải - Chủ nhiệm Câu lạc bộ CTXH chuyên nghiệp TP HCM (ảnh: Nguyệt Anh)

PV: Vậy trước đây, nếu chưa có những quy định của Nhà nước thì nghề CTXH tồn tại và phát triển như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hải: Thật ra, CTXH chuyên nghiệp trên thế giới đã phát triển hơn 100 năm còn ở nước ta trước năm 1975 đã có 2 trường đào tạo CTXH ở Sài Gòn. Sau giải phóng, vào năm 1992, bộ môn CTXH được giảng dạy tại Khoa Phụ nữ học, ĐH Mở Bán công TP HCM. Đây là lớp cử nhân CTXH đầu tiên được mở ra sau ngày giải phóng.

Lúc đó trước nhu cầu của xã hội, những người đi học CTXH đa số đã đi làm và sau khi học thì họ trở về đơn vị để tiếp tục công tác như nhân viên CTXH ở Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên, xơ ở các nhà thờ, ni cô ở các chùa, nhân viên các nhà mở, mái ấm… Có thể nói, 10 năm đầu tiên bộ môn CTXH tại Khoa Phụ nữ học đào tạo rất có chất lượng.

Đến nay đã có hàng nghìn sinh viên được đào tạo về nghề này. Bên cạnh đó, Hội KHTLGD TP HCM khuyến khích hình thành các chi hội CTXH để góp phần giải quyết các vấn đề tâm lý xã hội trong cộng đồng.

PV: Nhưng vì sao mãi đến năm 1992 thì nghề CTXH ở nước ta mới hồi sinh?

Bà Nguyễn Thị Hải: Đó là nhờ chính sách mở cửa, nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) vào hoạt động ở Việt Nam. Đồng thời, hậu bao cấp là bao vấn đề xã hội khác, chuyện trẻ em lang thang và gái mại dâm nhiều vô kể, nhất là ở các thành phố lớn nên yêu cầu bức thiết lúc bấy giờ là phải có cái gì đó khác ngoài thuốc điều trị, hệ thống bảo vệ của chính quyền các cấp. Cũng thời gian này, Hội Bảo trợ trẻ em TP HCM kết hợp với Quỹ Nhi đồng Anh làm nghiên cứu về nhu cầu trẻ em lang thang do Th.s Nguyễn Thị Oanh (là người phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam lấy bằng Thạc sĩ Phát triển cộng đồng tại Philippines và đưa ngành học này về Việt Nam - PV) làm chủ trì. Qua nghiên cứu thấy rằng, mỗi em có một nhu cầu khác nhau chứ không chỉ là cần một nơi để ăn ở. Trước bao yêu cầu bức xúc của xã hội như vậy nên nghề CTXH phải hồi sinh.

PV: Tuy nhiên, hiện nay có nhiều người còn khá mơ hồ về ngành CTXH và có sự nhầm lẫn giữa CTXH và làm từ thiện, theo bà nguyên nhân là do đâu?

Bà Nguyễn Thị Hải: Có sự nhầm lẫn này là vì nhầm lẫn trong cách gọi và cách thực hiện, xã hội ta gọi công tác từ thiện là xã hội từ thiện và từ thiện theo cách nhìn của xã hội ta từ xưa đến nay là ban cho. Ban cho thường giải quyết được nhu cầu trước mắt và tâm lý người đi ban cho sẽ có được tiếng là người tốt; hay có người làm từ thiện thầm lặng thì cũng được phúc đức cho mình và có cảm giác rằng “ban cho” này là vì mình. Từ thiện thường không đem lại hiệu quả lâu dài nên sau này người ta nói đến chuyện “cho cần câu chứ không cho con cá”, có thể thấy thông qua một số chương trình trên truyền hình như “Lục lặc vàng”, “Chung sức”, “Ngôi nhà mơ ước” và các chương trình học bổng… Tuy nhiên, nó cũng chỉ là những giải pháp ngắn hạn.

Còn CTXH là giải quyết những vấn đề của xã hội, bệnh xã hội nên nó cần tính nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp như bao nghề nghiệp khác. CTXH đã trở thành một nghề được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với trọng tâm nghề nghiệp hướng đến trợ giúp những người yếu thế trong xã hội như người nghèo, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, bị bệnh hiểm nghèo… Và CTXH đã, đang và sẽ phấn đấu, đóng góp vào mục tiêu xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng và phát triển.

Do đó, nếu làm CTXH mà không được đào tạo bài bản, không có tay nghề, không có đạo đức nghề nghiệp thì sản phẩm họ tạo ra sẽ thô kệch như ông thợ mộc chỉ có cái đục, cái bào cùn.

PV: Hiện nay có nhiều học sinh chọn ngành CTXH để học, tuy nhiên, định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường của các em còn khá mơ hồ, nhất là vấn đề tìm việc làm giữa thời kinh tế suy thoái như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hải: Hiện tượng trăm hoa đua nở sau Quyết định số 32/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 của Thủ tướng Chính phủ vừa mừng vừa lo. Mừng vì Nhà nước, xã hội đã có cái nhìn khác về nghề CTXH thì CTXH có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, nỗi lo kề bên khi lực lượng giảng viên CTXH còn thiếu và nhiều giảng viên chưa đọc được tài liệu bằng tiếng Anh trong khi ngành này mới có ở nước ta chưa lâu nên tài liệu dịch sang tiếng Việt chưa nhiều. Đa số giảng viên dạy CTXH hiện nay là học ngành gần như  xã hội học, nhân học, tâm lý học, lịch sử, chính trị học… nên sau một thời gian bùng nổ đào tạo CTXH nhưng chất lượng không cao nên nhiều người rất lo lắng.

Còn học sinh thi vào ngành này cũng là điều đáng để bàn. Nhiều em thi vào ngành này đa số không có động cơ học thật sự, nhiệt huyết với nghề không có, ngồi học mà cứ nhấp nhổm. Trong khi ở nước ngoài muốn học CTXH thì phải trải qua vòng phỏng vấn bên cạnh việc thi cử chứ không chỉ đủ điểm sàn là đậu như ở nước ta hiện nay.

PV: Vậy là vấn đề đào tạo và thực hành nghề CTXH hiện nay còn quá nhiều bất cập?

Bà Nguyễn Thị Hải: Đào tạo CTXH ở nước ta hiện nay còn nhiều vấn đề phải bàn. Nhiều trường đào tạo đang gặp khó khăn, thiếu kinh phí buộc họ phải tuyển sinh nhiều nhưng tuyển sinh nhiều thì nơi đâu mà thực hành và giáo viên đâu mà đủ dạy cho có chất lượng. Vì ngành này một năm phải đi thực tập 3 lần (từ năm thứ 2 đến năm thứ 4). Riêng tại TP HCM nếu có mấy ngàn sinh viên học mỗi năm thì cơ sở đâu mà các em thực hành và làm sao đủ người hướng dẫn cho các em. Chứ thực hành CTXH mà như đi tour du lịch thì chắc chắn là thất bại. Còn nếu chúng ta đào tạo CTXH có chất lượng thì sinh viên ra trường cơ hội việc làm sẽ không ít. Và sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp mã ngành đào tạo thạc sĩ CTXH ở nước ta. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của CTXH ở Việt Nam tuy nhiên chất lượng đào tạo là vấn đề mà nhiều người tâm huyết với ngành đang rất lo lắng.

PV: Xin cảm ơn bà!

Thiên Thanh (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc