Nghề cao quý!

08:00 | 28/07/2016

427 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người thầy đầu tiên của tôi lặng lẽ qua đời ở tuổi cửu tuần, cháu cụ ly tán hết còn các con của cụ, người thì mất sớm, người đang chịu án, người thì ốm yếu…

Nên dẫu tôi là học trò từ 65 năm trước được mọi người coi như trưởng nam lo lễ tang cho cụ. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như không có việc ông bí thư chi bộ tìm đến tôi mà rằng, tôi là cán bộ đảng viên hưu trí không nên đọc điếu văn cho ông cụ. Tôi hỏi, cả đời dạy học, cụ có đến hơn một ngàn học trò mà không xứng đáng được tôn vinh trước giờ về thế giới người hiền hay sao?

nghe cao quy
Người thầy đầu tiên của tôi lặng lẽ qua đời ở tuổi cửu tuần, cháu cụ ly tán hết còn các con của cụ, người thì mất sớm, người đang chịu án, người thì ốm yếu…

- Nhưng ông giáo trường làng không phải là cán bộ đảng viên!

- Cụ giáo thừa tiêu chuẩn vào Đảng nhưng có ai “giúp đỡ” ông đâu mà vào. Thuở ấy chủ nghĩa lý lịch nặng nề lắm ông à.

- Chuyện ấy nhà cháu không biết. Nhưng chỉ biết ông cụ là người ngoài Đảng không có tiêu chuẩn điếu văn.

- Ô hay, làm gì có tiêu chuẩn điếu văn. Này, trong 19 điều cấm đảng viên, không có điều cấm đảng viên được đọc điếu văn cho người ngoài Đảng khi chết! Ông bảo hoàng hơn vua đấy!

Nghe vậy ông bí thư bỏ về nhưng rồi ông cũng thay mặt chi bộ đến viếng cụ giáo, rồi nán lại dự lễ truy điệu cụ giáo và nghe tôi đọc lời tiễn biệt thầy giáo cũ.

Lễ tang cụ giáo già vẫn diễn ra xúc động với điểm nhấn là tình thầy trò, tình láng giềng. Bài điếu văn của tôi có đoạn về trích ngang của cụ chỉ có vài cái gạch đầu dòng. Đó là cụ nguyên không là hiệu trưởng, nguyên không là trưởng phòng giáo dục và cũng nguyên không có danh hiệu chiến sĩ thi đua nào. Đây đó là những đoạn hồi ức về cái đức, cái tài sư phạm của cụ giáo classe élémentaire (tiểu học) ngày đó.

Chuyện xưa về thầy cũ xin nhắc lại vào dịp nghỉ hè khi hầu hết các thầy, các cô giáo tiểu học như cụ ngày xưa đã được tạm rời xa những cuốn học bạ phải ghi đánh giá mỏi cả tay và cả một xấp giấy khen cho cả lớp đến 50 trò, em nào cũng có giấy khen, kể cả học đuối nhất lớp cũng được khen về thể dục và thuộc nhiều bài hát. Bây giờ người ta bắt đánh giá con trẻ y chang cán bộ, đảng viên với các mức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành. Chỉ còn nước thiếu danh hiệu lớp học “trong sạch vững mạnh” như chi bộ mà ông và cha mẹ các con đang thực hiện.

Và đọng trong lòng là tin tức buồn về cả một “tiểu đoàn” hơn gần 400 giáo viên ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa bỗng dưng bị Chủ tịch huyện cắt hợp đồng đẩy ra khỏi cổng trường với bao điều cay đắng nặng lòng. Không lẽ các thầy giáo, cô giáo là lao động hợp đồng vụ việc? Không lẽ huyện Vĩnh Lộc dư thừa giáo viên? Chợt nhớ ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng từng có hàng loạt giáo viên mầm non bị thanh lý hợp đồng khiến việc xử lý có tình có lý quá gay cấn.

Đã bao đời nay, thầy cô được tôn vinh, được học sinh quý mến, được cha mẹ học sinh trọng vọng.

Thế nhưng, ngày nay thầy có thể bị cắt hợp đồng không thương tiếc. Còn ở môi trường giáo dục bây giờ học sinh có thể chỉ thẳng vào mặt thầy cô mà chửi, mà dọa nạt... Như vậy nghề dạy học không lẽ hết cao quý? Có người cật vấn tại thầy cô, có thế nào mới khiến học trò như thế? Vậy sao không tự hỏi, vì sao có những đứa con lại dám chửi cha, đánh mẹ, đâm chú, giết bà nội? Chợt nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Hiền dữ phải đâu là tự tính/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Lỗi để “trò dữ” này là lỗi hệ thống của cả 3 môi trường, gia đình, nhà trường và xã hội.

Có cha mẹ nào đánh đứa con ngoan, có thầy cô nào nỡ mắng trò chăm, trò giỏi? Nhiều bậc phụ huynh luôn nói thầy cô chỉ vì tiền. Đó là nhận xét nhẫn tâm. Nhưng xin hỏi cuộc sống này ai không cần tiền, những đồng tiền do mình làm ra bằng sức lực, tại sao lại bị coi như tham ô. Tất cả chúng ta đều làm việc vì tiền, vì cuộc sống cả. Giáo viên có bằng cử nhân mới ra trường nhận lương cơ bản x 2,34 x 85% là được gần 3 triệu đồng. Với 3 triệu đồng họ sẽ làm gì khi có gia đình, khi ở thành phố giá cả cái gì cũng đắt. Những thầy cô dạy môn “tự chọn” chỉ có thế thôi. Còn những thầy cô dạy các môn thi mới có điều kiện dạy thêm, dạy bù để tăng thêm thu nhập nhưng cũng mất tiếng hết hơi.

Rất nhiều người nói thu nhập của giáo viên giờ cao lắm. Thật ra số cao lắm đó chỉ là thiểu số. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn lương còm còn chậm cả tháng, cả năm đấy. Sao không liên hệ đến mấy ông bà giám đốc doanh nghiệp Nhà nước đang hưởng lợi chức quyền, thu nhập mấy tỉ mỗi năm, trong khi lương của Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ mỗi tháng chưa đầy 16 triệu đồng? Có mấy cụ về hưu cho rằng, đây chính là tham nhũng quyền lực cần xóa bỏ. Lương phải cùng một chế độ, còn thưởng là tùy thuộc kết quả sản xuất kinh doanh, thế mới công bằng, minh bạch. Làm lợi cho Nhà nước 1 tỉ thì được thưởng vài chục triệu là việc nên làm.

Suy cho cùng, dạy thêm cũng đâu có sướng khi luôn bị soi mói, khi lệnh cấm dạy thêm được ban hành. Các thầy cô phải dạy chui, lúc nào cũng nơm nớp sợ bị bắt như phạm pháp. Thế sao bác sĩ, kỹ sư làm thêm lại được chấp nhận. Không lẽ dạy thêm cho đám học trò mất gốc, là mang kiến thức đến cho chúng cũng bị coi như một “tặc” mới khiến chúng ta xót xa là “giáo tặc”. Bị coi như “giáo tặc” thì còn gì cao quý?

Nếu các vị có trách nhiệm thử xem kỹ sách giáo khoa hiện nay mới thấy, nếu không học thêm thì học sinh khó có thể thi đỗ được. Với phân phối chương trình và lượng kiến thức nhồi nhét như vậy, thời gian để làm bài tập cơ bản cũng không đủ nên lớp 1 cũng phải học thêm đến nỗi “mỗi khi đến hè là em lại phải học thêm”.

Đạo học thời nay không thể phôi phai. Sự học cần chấn hưng để nghề dạy học mãi mãi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Bảo Dân

Năng lượng Mới 541

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc