Ngày xuân về trên Sóc Bom Bo

07:00 | 11/02/2013

2,552 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp hành trình về địa danh lịch sử Sóc Bom Bo nổi tiếng với những người dân tộc Stiêng (tỉnh Bình Phước) anh dũng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt và rạng ngời nét văn hóa truyền thống trong cuộc sống thanh bình. Tôi có cơ hội gặp gỡ nhân vật được đồng bào dân tộc đặt nhiều niềm tin và tự hào về người con của quê hương Stiêng ở thôn Bom Bo, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

“Đại sứ” văn hóa

Tôi tìm đến nhà già làng Điểu Lên, người phụ nữ Stiêng vừa chỉ tay về phía giữa làng, nơi có ngôi nhà kiên cố nhất vừa nói: “Già Lên đang ở nhà đấy, mấy bữa nay già không đi công tác đâu”. Nghe câu nói của người phụ nữ, tôi biết ngay chuyến đi này mình may mắn, bởi vốn dĩ gặp người nổi tiếng lại bận rộn không phải dễ dàng. Trong căn nhà gạch mới được xây dựng kiên cố, già làng Điểu Lên vẫn đang say sưa thử lại âm vực của các nhạc cụ chuẩn bị cho những ngày lễ hội mùa xuân sắp đến.

“Được cái đám thanh niên trong xã bây giờ cũng biết học hỏi để lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, nên mình rất mừng và hăng hái truyền đạt lại những kinh nghiệm vốn có cho tụi nhỏ. Dù có bận đến mấy thì mình cũng phải để tất cả sang một bên, giành thời gian hướng dẫn, truyền đạt những hiểu biết của bản thân cho những đứa trẻ. Lý ra nếu theo lịch thì giờ này mình đang đi xuống huyện để nắm công tác chuẩn bị lễ hội tết, nhưng đám thanh niên trong xã nhờ chuẩn bị nhạc cụ nên phải dời thời gian xuống huyện vào ngày mai” - già Điểu Lên cho biết.

Mô hình nhà dài của dân tộc Stiêng được tái tạo lại tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng ở Sóc Bom Bo

Tôi không mấy bất ngờ về sự bận rộn này, bởi vốn đã biết đến già làng là người khá nhiều việc, với những hiểu biết về văn hóa dân tộc mình, ông được đồng bào ở đây đặt cho cái danh là “đại sứ” văn hóa của người dân tộc Stiêng ở Sóc Bom Bo.

Qua những người dân ở thôn Bom Bo, tôi được biết, già Điểu Lên được Ban Giám đốc Khu Bảo tồn văn hóa người Stiêng chọn là người cố vấn cho cho dự án này. Chính vì vậy mà ông càng trở nên bận rộn hơn, hết chuẩn bị nhạc cụ cho lễ hội, ông lại lên dự án quan sát xem tiến độ các công trình, rồi lại hội họp với các già làng khác để đưa ra những ý kiến cho khu bảo tồn có thêm ý tưởng, những lúc có khách đến thôn ông cũng được mời để giới thiệu về văn hóa dân tộc mình... Bà con thấy ông đi đi về về, tất bật với bao nhiêu là việc về văn hóa của người Stiêng, nên mới đặt cho ông cái danh hiệu, “đại sứ” văn hóa của người Stiêng. Khi được hỏi về cái biệt danh này, ông cười vui và nói: “Đồng bào thương thì gọi vậy thôi chứ là người con của đồng bào Stiêng mình phải có trách nhiệm gìn giữ và phát triển những nét văn hóa của dân tộc, không để nó dần mất đi được”.

Nối mạch hồn người Stiêng

Năm nay đã bước vào cái tuổi gần thất thập nhưng ngọn lửa đam mê với các loại hình văn hóa của già Điểu Lên vẫn còn giữ nguyên như những ngày đầu được các bậc cha, chú chỉ dạy. Vốn đam mê những loại nhạc cụ dân tộc và yêu thích những lễ hội của người Stiêng từ bé, sau những ngày lên rừng săn bắn, ông lại theo chân cha và các già trong bản học cách chuẩn bị cho các lễ hội của người Stiêng. Ngày này qua tháng khác, ông được người lớn trong bản truyền dạy cho những điều cơ bản nhất trong nét văn hóa của dân tộc mình.

Già làng Điểu Lên giới thiệu cách thổi khèn bầu

Năm tháng đi qua, ông lớn lên với vốn kiến thức về văn hóa người Stiêng được chất đầy trong tiềm thức. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, có thời điểm văn hóa người dân tộc Stiêng tưởng chừng như đã đi vào quên lãng bởi cái nghèo, cái khổ của cuộc sống. Những thế hệ sau ông chỉ biết chăm chú vào việc làm thế nào để kiếm thật nhiều tiền, không còn ai quan tâm gìn giữ những nét văn hóa truyền thống nữa.

Chỉ còn riêng ông vẫn giữ nguyên tình yêu với cái hồn của người Stiêng. Thế rồi, cuộc sống người dân ở Sóc Bom Bo cũng dần dần cải thiện, khi đời sống được nâng cao, mọi người mới thấy thiếu một cái gì đó vốn gắn kết cộng đồng lại với nhau. Lúc này người Stiêng ở Sóc Bom Bo mới nhận ra rằng, chỉ còn mỗi già làng Stiêng là người duy nhất mang lại cái chất gắn kết cộng đồng lại với nhau qua vốn văn hóa xưa cũ của dân tộc. Bắt đầu từ đó, ngoài thời gian dành cho nương rẫy, già làng Điểu Lên lại cặm cụi với việc truyền dạy cho đám thanh niên trong bản làng những kiến thức, kinh nghiệm mà ông cũng từng được học từ thế hệ trước.

Dẫn chúng tôi ra ngôi nhà sau của mình, già làng Điểu Lên chỉ tay về phía những chiếc ché được xếp ngăn nắp ở một góc rồi kể: “Đây là những ché đựng rượu mình đã gìn giữ mấy chục năm nay. Bây giờ khó để kiếm ra những kiểu ché này lắm vì không còn ai làm nữa, nếu trong dịp lễ hội mà không có những ché đựng rượu này thì món rượu của người Stiêng sẽ không còn ngon nữa đâu.

Trước đây khi đi hỏi vợ, nếu thiếu những chiếc ché để đựng rượu thì cũng không hỏi được vợ”. Ông bảo đấy là những đồ vật trước đây bị đồng bào xếp xó, có khi bị vứt đi, ông phải lặn lội đến từng nhà đem về. Không chỉ có ché rượu mà những loại nhạc cụ truyền thống như khèn bầu, chiêng, trống... cũng được ông săn tìm từ những nhà dân rồi cất giữ trong mấy chục năm liền. “Tôi chỉ nghĩ đấy là những vật dụng do chính cha ông đi trước làm ra nên mình phải biết trân trọng và giữ gìn, huống chi tất cả đều từng gắn kết với người Stiêng từ thuở sơ khai” - ông Điểu Lên trầm ngâm nhớ lại. Theo già làng Điểu Lên, nếu như trước đây người Stiêng ở Sóc Bom Bo được biết đến với những lễ hội truyền thống như lễ đâm trâu, lễ hội cúng lúa mới, lễ hội múa cồng chiêng, lễ nhà dài… thì hiện nay những nghi lễ này còn rất ít.

May mắn thay, trước sự biến mất dần văn hóa người Stiêng, tỉnh Bình Phước đã chủ động xây dựng lại những giá trị truyền thống trong văn hóa của dân tộc này. Điển hình là dự án khu bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng. Đây là dự án nhằm khai thác các giá trị văn hóa và lịch sử của người Stiêng ở Sóc Bom Bo. Cũng là cơ hội để người Stiêng đưa địa danh lịch sử Sóc Bom Bo đến với du khách gần xa khi đến đây tham quan. Đưa chúng tôi đến ngôi nhà dài nằm trong khu bảo tồn của thôn Bom Bo, già làng Điểu Lên không giấu nổi sự vui mừng, ông bảo: Nhà dài là nét đặc sắc nhất của người dân tộc Stiêng, nơi đây các lễ hội của người Stiêng được bắt đầu. Có đi đâu xa, thế hệ con cháu người Stiêng cũng không thể quên được hình ảnh ngôi nhà cộng đồng đặc sắc của mình.

“Tới đây khi dự án khu bảo tồn văn hóa người Stiêng hoàn thành, mình sẽ mang những vật dụng thu thập được những năm qua đưa vào trưng bày tại khu bảo tồn. Ở đó, con cháu của người Stiêng cũng như du khách gần xa cùng có cơ hội để hiểu rõ hơn về nét văn hóa của dân tộc Stiêng” - ông hồ hởi khoe. Ông Trần Đình Dũng, Trưởng ban Quản lý Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng tỏ rõ sự kính trọng khi nhắc đến những việc làm của già làng Điểu Lên: Già Lên thực sự là tấm gương cho thế hệ trẻ người dân tộc Stiêng noi theo. “Sự hiểu biết về văn hóa của già Lên thực sự là kho sử sống giúp nối mạch hồn cộng đồng người Stiêng lại với nhau trong cuộc sống ngày hôm nay” - ông Dũng khẳng định.

Hiện nay Khu Bảo tồn văn hóa của người Stiêng ở Sóc Bom Bo đã hoàn thành 40% tiến độ các công trình. Dự kiến đến năm 2015 toàn bộ dự án sẽ hoàn thành và đi vào khai thác với mục đích chính là bảo tồn văn hóa của người Stiêng ở Bình Phước, tiếp đến là khai thác theo hướng phát triển du lịch. Đây là dự án được xây dựng trên diện tích 113ha với tổng kinh phí 400 tỉ đồng với các hạng mục: nhà dài; khu lưu niệm, trưng bày các sản phẩm do đồng bào sản xuất; xây dựng, tái tạo lại các làng nghề của đồng bào dân tộc như nghề dệt thổ cẩm, nghề rèn; xây dựng các hồ sinh thái.


Thùy Trang

 

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps