Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI: Ngày đầu "thừa tạp kỹ, thiếu ấn tượng"

09:16 | 23/02/2013

916 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI được mở đầu bằng phần biểu diễn của các giọng thơ sinh viên đến từ 11 trường ĐH, Học viện. Tuy nhiên, trong buổi đầu tiên, các tác phẩm được trình diễn chưa có gì đặc sắc và quá nghiêng về phần tạp kỹ.

Chương trình biểu diễn bắt đầu vào 19h30 tối 22/2 (tức 13 tháng Giêng AL), tuy nhiên ngay từ 19h, các trường có tiết mục tham dự đã có mặt đầy đủ với tâm trạng háo hức và phấn khởi. Chương trình cũng được dàn dựng khá công phu với ánh sáng và âm thanh được đầu tư kỹ lưỡng, bổ trợ hiệu quả cho các phần trình diễn của các trường tham gia.

Trong buổi biểu diễn thơ tối 22/2, Ban giám khảo gồm có nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN), nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Đỗ Trung Lai … cùng một số nhà thơ.

Tiết mục "Đất nước" của ĐH Văn hóa.

Mở đầu chương trình, trường ĐH Văn hóa mang tới cho buổi diễn tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, hoành tráng mang tên Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng ( Nguyễn Khoa Điềm) và Đất nước bên bờ sóng (Thái Văn Hóa). Đây cũng là trường có nhiều tiết mục với sự chuẩn bị, biểu diễn chuyên nghiệp và gây được nhiều ấn tượng cho khán giả.

Sau hai bài thơ "Nan hữu xuy địch" (Nghe người bạn tù thổi sáo) của Hồ Chí Minh và Về quê của Lê Xuân Hiệp là cụm các bài thơ: Những chuyến đi dài hơn cuộc đời (Lữ Thị Mai), Đi qua tôi thật chậm (Phùng Thị Hương Ly) và Viết tiếp (Lữ Thị Mai). Trong đó, khán giả đặc biệt chú ý và xúc động với bài thơ "Những chuyến di dài hơn cuộc đời" của tác giả trẻ Lữ Thị Mai (khoa Viết văn – Báo chí, ĐH Văn hóa).

Bài thơ gây xúc động với lời lẽ, câu từ chân thành và có sức lan tỏa: “Hơn 1000 tuổi xuân vùi mình trong đất/ Những năm tháng Trường Sơn xẻ dọc”; “Trường Sơn ơi, Trường Sơn/ Nếu không phải các anh nằm lại/ Chặng đường dài hơn 600km con đi/ Những chuyến đi dài hơn cả cuộc đời”. Bài thơ đã tạo cho người nghe ấn tượng mạnh mẽ về cách nhìn nhận, sự biết ơn của một thanh niên trẻ đối với sự hi sinh xương máu của bao lớp người đi trước để bảo vệ và gìn giữ độc lập và chủ quyền dân tộc.

Trường thứ hai tham dự buổi trình diễn thơ là Học viện Cảnh sát. Với đặc thù là một ngôi trường đào tạo nhân lực cho lực lượng vũ trang, các học viên của Học viện Cảnh sát đã mang đến cho khán giả nhiều tiết mục độc đáo và có bản sắc. Tuy không đa dạng về đề tài, công phu trong cách thể hiện như các tiết mục trường ĐH Văn hóa, nhưng phần biểu diễn của Học viện Cảnh sát đã nêu được chủ đề “Tuổi trẻ và Tổ quốc” thành công và gây ấn tượng hơn cả.

Học viện Cảnh sát mang tới đêm thơ 4 bài thơ của các học viên cảnh sát như "Chiếc lá, Khúc hát cho anh, Miền Trung mùa nổi gió, Miền Trung" và 2 tiết mục khác gồm ca khúc "Nơi đảo xa "và "Giữ trọn lời thề"

Các thành viên trong Ban giám khảo chăm chú theo dõi các phần thi của tác giả trẻ.

Trong đó, bài thơ mang lại nhiều cảm xúc cho người xem chính là bài thơ "Khúc hát cho anh" và "Miền Trung mùa nổi gió" của tác giả trẻ Thúy Hà. Những học viên trẻ tuổi đã đem đến cho hội thơ những cảm xúc chân thật và đầy lý tưởng qua những câu thơ: “Nơi Tổ quốc và tình yêu lắng đọng/ Lớp người đi, lớp lớp chẳng quay về”, “Tôi vẫn yêu những người con gái tuổi đôi mươi/ Yêu tha thiết những người trai ôm súng” hay “Tôi hát về anh, người chiến sĩ nhân dân/ Hay khúc hát về màu xanh chiến sĩ”.

Là trường kết thúc đêm thơ đầu tiên, Nhạc viện Hà Nội mang tới tiết mục ca nhạc Tổ quốc ở Trường Sa của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã được nhạc sĩ Văn Phượng phổ nhạc. Những câu hát mang đậm tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương đất nước đã dễ dàng chiếm được cảm tình của khán giả như: “Mẹ Tổ quốc vẫn ở bên ta/ Nơi đảo xa, nơi con sóng ngày đêm thét gào”, “Anh đã đứng như tượng đài chắn sóng/ Để một lần Tổ quốc được sinh ra/ Khi giặc đến vạn người con quyết tử/ Để một lần Tổ quốc được sinh ra”.

Tuy khá đa dạng trong cách trình diễn, truyền đạt các tiết mục, nhưng vẫn chưa có tác phẩm hay tiết mục nào thật sự đặc sắc, chưa gây ấn tượng mạnh mẽ, xúc động cho khán giả. Đồng thời, nhà thơ Vũ Quần Phương (thành viên Ban giám khảo) cũng cho biết: “Các tác phẩm được trình bày trong đêm thơ hôm nay vẫn chưa nêu bật được nội dung mà BTC hướng tới là Tuổi trẻ và Tổ quốc. Các phần trình diễn còn hơi sa đà vào tiết mục tạp kỹ, ca nhạc mà làm nhẹ đi phần thơ – phần quan trọng nhất".

Vương Tâm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.