Ngày Bác Hồ mất

06:43 | 03/09/2011

3,981 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chúng tôi không cầm được nước mắt, cả 4 anh em đều òa khóc rất to, những người Nga đang ở cùng chúng tôi không hiểu sao tự nhiên 4 cậu Việt Nam lại khóc to thế, họ hỏi nhưng cả 4 chúng tôi không ai trả lời được, một lúc sau tôi cố gắng nói  trong nỗi nghẹn ngào: “Bác… Hồ… của chúng tôi đã qua đời”.

Ngày ấy, chúng tôi là những thực tập sinh khoa học Địa chất – Địa vật lý dầu khí đi Liên Xô học tập. Để đi đến được đất nước của Cách mạng tháng Mười, chúng tôi phải đợi chờ hơn 6 tháng ở Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là Bắc Giang), nơi sơ tán của Tổng cục Địa chất tránh cuộc đánh phá Hà Nội của máy bay Mỹ.

Vượt chặng đường dài hơn 8.000km bằng tàu hỏa, qua Trung Quốc, Mông Cổ, xuyên Xibêri đến Mátxcơva rồi cuối cùng là thành phố Ghêlendríc nằm trên bờ biển Hắc Hải. Gọi là đoàn thực tập sinh khoa học Địa chất – Địa vật lý dầu khí, nhưng đoàn chúng tôi chỉ có 4 người. Lần đầu tiên thành phố Ghêlendríc có người Việt Nam đến học tập, sinh sống nên lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến chúng tôi. Từ khi có mặt chúng tôi (kể từ ngày đó), các cuộc hội họp, mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn của hai nước, chúng tôi đều được mời dự và phát biểu ý kiến, có khi cả 4 người chúng tôi đều được (vinh dự) ngồi ghế chủ tịch đoàn. Nhiều cuộc mít tinh của thành phố phản đối cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam được thành ủy, các đoàn thể của thành phố tổ chức rất phong phú, mạnh mẽ. Mối quan hệ của đoàn chúng tôi với nhân dân thành phố Ghêlendríc rất tốt đẹp.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm Bác những ngày Bác ốm năm 1969

Ngày 5/9/1969, chúng tôi nhận được thông báo từ Đại sứ quán của Việt Nam ở Liên Xô báo tin Bác Hồ đã mất ngày 3/9 (sau này mới biết Bác Hồ mất đúng ngày 2/9). Chúng tôi không cầm được nước mắt, cả 4 anh em đều òa khóc rất to, những người Nga đang ở cùng chúng tôi không hiểu sao tự nhiên 4 cậu Việt Nam lại khóc to thế, họ hỏi nhưng cả 4 chúng tôi không ai trả lời được, một lúc sau tôi cố gắng nói trong nỗi nghẹn ngào: “Bác… Hồ… của chúng tôi đã qua đời”. Những người Nga khi nghe tin đó cũng nghẹn ngào, động viên chúng tôi. Tin Bác Hồ mất cũng được đưa trên Đài phát thanh Mátxcơva. Lãnh đạo thành phố Ghêlendríc cử người đến gặp chúng tôi hỏi xem đoàn chúng tôi có tổ chức lễ viếng Bác Hồ không? Tôi điện cho Đại sứ quán và được trả lời, ở trong nước sẽ tổ chức tang lễ Bác rất trọng thể, Đại sứ quán cũng lập ban thờ để các đoàn của Liên Xô, Mátxcơva và các đoàn ngoại giao của Đại sứ quán các nước đến viếng. Chúng tôi ở xa, nếu có điều kiện cũng lập bàn thờ để thành phố họ cử đoàn đến viếng Bác và nhân dân thành phố đến viếng Bác.

Rất may là đoàn thực tập sinh Việt Nam ở thành phố Kratxnôidar hơn 20 người cũng vừa xuống nghỉ hè tại thành phố biển Ghêlendríc, nên chúng tôi phối hợp và mượn một gian phòng họp của một nhà nghỉ để lập bàn thờ Bác. Trong đoàn chúng tôi, khi đi sang Liên Xô có mang theo một số ảnh Bác Hồ mục đích là để tặng cho Viện Nghiên cứu Địa chất – Địa vật lý dầu khí biển Liên Xô, nơi chúng tôi đến học.

Ở Liên Xô họ không dùng hương (nhang) nên những ngày đầu chúng tôi thắp bằng nến (đèn cầy), mấy ngày sau Đại sứ quán gửi những bó hương xuống cho chúng tôi.

Các đoàn của Thành ủy Đảng Cộng sản Liên Xô thành phố Ghêlendríc Xôviết tối cao, Ủy ban Xôviết, Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin… đều đến đặt vòng hoa và viếng Bác Hồ, chúng tôi có đặt sổ tang để các đoàn ghi lời chia buồn, rất tiếc sau lễ viếng chúng tôi chuyển sổ tang về cho Đại sứ quán và không biết bây giờ ở đâu. Hàng vạn người dân thành phố Ghêlendríc và khách du lịch, trong đó chúng tôi biết có cả những khách du lịch các nước XHCN Đông Âu, khách du lịch Pháp, Mỹ, Anh… cũng đến viếng Bác Hồ – vị Lãnh tụ của nhân dân Việt Nam và chia buồn với chúng tôi.

Có một trường hợp rất đặc biệt, đó là một cụ già (lúc đó khoảng trên 60 tuổi) từ thành phố Sôchi – một thành phố nghỉ mát nổi tiếng của Liên Xô, cụ nói cụ được gặp Bác Hồ, khi Bác Hồ đến thăm Sôchi, cụ đang sống với con tại Ghêlendríc, nghe tin Bác Hồ mất, cụ biết chúng tôi lập bàn thờ Bác Hồ, cụ đến viếng Bác và từ ngày chúng tôi lập bàn thờ Bác đến lúc kết thúc lễ viếng đúng một tuần, ngày nào cụ cũng đến từ sáng sớm và ngồi bên ban thờ Bác cho đến chiều tối mới chịu về. Trưa, cụ mua bánh mì, sữa để ăn. Chúng tôi mời cụ ăn cơm cùng nhưng cụ không ăn. Cụ nói với chúng tôi rằng, dù chỉ gặp Bác Hồ một lần nhưng để lại trong kýù ức của cụ những ấn tượng và tình cảm rất tốt đẹp về Bác, với lòng kính trọng và ngưỡng mộ vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam. Cụ biết do Bác Hồ lãnh đạo mà nhân dân Việt Nam đã đánh đổ thực dân Pháp, giành lại độc lập cho nhân dân Việt Nam, nay lại đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ, một tên đế quốc hùng mạnh nhất thế giới. Tuy Bác Hồ ra đi nhưng theo đường lối của Bác nhất định nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.

Sau ngày Bác Hồ mất, thỉnh thoảng cụ lại đến thăm chúng tôi, cụ hỏi thăm tình hình sức khỏe, học tập và tin tức về cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta. Trước lúc chia tay cụ về nước, chúng tôi tặng cụ tấm ảnh Bác, cụ rơm rớm nước mắt và nói: “Tôi sẽ ở bên cạnh Bác Hồ suốt cuộc đời còn lại của mình”.

 Lê Quang Trung

DMCA.com Protection Status