Ngành than trước nhiều áp lực lớn

16:01 | 15/08/2017

1,985 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năng lực sản xuất của ngành than hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu than cho sản xuất trong nước, song việc gia tăng sản lượng khai thác phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Chính phủ báo cáo đánh giá chi tiết về từng ngành công nghiệp. Trong đó, nhiều vấn đề của ngành than đã được phân tích và đưa ra giải pháp tháo gỡ.

6 tháng đầu năm 2017, sản lượng than sạch cả nước ước đạt 20,6 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2016, bằng khoảng 44,5% kế hoạch năm. Tồn kho than 6 tháng đầu năm khoảng 10,22 triệu tấn, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khoảng 9,3 triệu tấn, Tổng Công ty Đông Bắc khoảng 920.000 tấn. Cũng trong 6 tháng đầu năm, đóng góp của ngành than chiếm tỷ trọng 0,84%/GDP cả nước.

Nguyên nhân khiến ngành than khai thác than thấp so với kế hoạch được Bộ KH&ĐT đưa ra: Đó là do điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng xuống sâu, xa hơn, việc áp dụng thuế, phí mới làm cho chi phí khai thác tăng, dẫn đến giá thành sản xuất cao, làm giảm sức cạnh tranh của than sản xuất trong nước so với than nhập khẩu. Các loại thuế, phí hiện nay chiếm 14-15% giá thành than. Đặc biệt, sản lượng than xuất khẩu sụt giảm mạnh. 6 tháng đầu năm, ngành than chỉ xuất khẩu được 1 triệu tấn than do nhu cầu thế giới thấp, nguồn cung có xu hướng tăng.

nganh than truoc nhieu ap luc lon
Thợ lò tan ca

Bộ KH&ĐT nhận định, năng lực sản xuất của ngành than hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu than cho sản xuất trong nước, song việc gia tăng sản lượng khai thác phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Năm 2017, ngành than phấn đấu mục tiêu sản lượng than sạch sản xuất khoảng 41,43 triệu tấn, tăng 7,6% so với năm 2016. Tồn kho than sạch cuối năm 2017 dự kiến khoảng 13,85 triệu tấn.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT còn đề cập đến việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) muốn điều chỉnh nhu cầu sử dụng than của TKV năm 2017 từ 19,92 triệu tấn giảm xuống 17,92 triệu tấn. Việc cắt giảm sản lượng tiêu thụ của EVN sẽ gây thiệt hại cho TKV và các đối tác do đã ký hợp đồng triển khai kế hoạch từ đầu năm 2017, dẫn đến khả năng làm tăng tồn kho.

Do vậy, Bộ KH&ĐT đề xuất ưu tiên sử dụng than của TKV, điển hình là các doanh nghiệp lớn như EVN hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trên nguyên tắc thị trường về giá mua than, khối lượng thỏa thuận đã ký. Tiếp tục chủ trì, hiệp thương giá bán than đến các hộ tiêu thụ trong nước. Bộ KH&ĐT cho rằng, để các doanh nghiệp trong nước ưu tiên sử dụng than của TKV và Than Đông Bắc thì về nguyên tắc, giá bán than tối đa bằng giá than nhập khẩu. Bộ KH&ĐT muốn phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương kiểm tra cụ thể cơ cấu giá than hiện nay, tác động từ việc điều chỉnh các loại thuế trong năm 2017 tới giá thành sản xuất. TKV và Than Đông Bắc phải báo cáo cụ thể về việc tiết giảm chi phí năm 2017.

Báo cáo của KH&ĐT cũng cho biết, Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, xét đến 2030 ghi nhận tổng trữ lượng và tài nguyên than của Việt Nam tính đến cuối năm 2015 là 48,88 tỉ tấn.

Bộ KH&ĐT đề xuất ưu tiên sử dụng than của TKV, điển hình là EVN hay PVN, trên nguyên tắc thị trường về giá mua than, khối lượng thỏa thuận đã ký. Tiếp tục chủ trì, hiệp thương giá bán than đến các hộ tiêu thụ trong nước. Bộ KH&ĐT cho rằng, để các doanh nghiệp trong nước ưu tiên sử dụng than của TKV và Than Đông Bắc thì về nguyên tắc, giá bán than tối đa bằng giá than nhập khẩu.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng than đến năm 2020 là 86,4 triệu tấn, năm 2030 tăng lên 256 triệu tấn, Bộ KH&ĐT cho rằng, ngành than đang đứng trước những áp lực lớn về vốn. Cụ thể, vồn đầu tư đến năm 2020 mà ngành than cần là 96.566 tỉ đồng, bình quân 19.313 tỉ đồng/năm. Giai đoạn 2021-2030, vốn đầu tư lên tới 172.437 tỉ đồng để mở rộng sản xuất, bình quân 17.934 tỉ đồng/năm.

Nguyễn Kiên