Nga và Trung Quốc có chiến lược mới khai thác dầu khí

14:57 | 28/04/2011

597 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tạp chí nội bộ Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đầu tháng 12011 đã đăng tải bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế A.Korzubaev,  Viện Địa chất Dầu khí và tổ chức sản xuất công nghiệp thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Bài viết đã nhận định, đánh giá về các hoạt động khai thác dầu khí của Nga và Trung Quốc, có một số nội dung được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách quan tâm.

1. Nga tăng sản lượng dầu mỏ và đổi mới công nghệ hoá dầu

Sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga trong năm 2010 tăng 2,2% (đạt trên 10 triệu thùng/ngày) mức cao nhất kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Năm 2009 đạt 9,93 triệu thùng/ngày, năm 2008 đạt 9,78 triệu thùng/ngày. Việc giá dầu thô thế giới tăng mạnh trong năm qua và ở mức 92USD/thùng vào tháng 1-2011 (nay đã là hơn 100USD/thùng) là động lực thúc đẩy cho hoạt động khai thác dầu mỏ ở Nga được gia tăng hơn so với những năm trước đây. So với các quốc gia dầu mỏ khác, hiện Nga là nước có khả năng xuất khẩu dầu mỏ tăng mạnh trong năm 2011, đặc biệt hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc qua hệ thống đường ống Đông Siberia. Theo kế hoạch, đường ống này sẽ vận chuyển 15 triệu tấn dầu mỗi năm (tương đương 300.000 thùng dầu mỗi ngày) từ Nga sang Trung Quốc. Trong tương lai, đường ống này sẽ tăng gấp đôi sản lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chuyến công du của người đứng đầu quốc gia Nga đến Bắc Kinh sẽ giúp củng cố mật thiết sự hợp tác giữa hai đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí

Dầu mỏ, khí đốt là nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước, bởi vậy chính phủ đã đề ra nhiều chính sách, biện pháp tăng từ nguồn thu này để bù vào các nguồn thu khác, tránh tình trạng bội chi ngân sách hàng năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dầu khí Nga, về lâu dài Nga cần đa dạng nguồn thu từ dầu mỏ, bởi Nga là quốc gia có tiềm năng trở thành nước sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu lớn nhất thế giới. Để đạt được mục tiêu trên, buộc Nga phải đổi mới công nghệ đối với ngành Dầu khí.

Thời gian tới, khai thác dầu khí, Nga sẽ phải chuyển sang những mỏ dầu xa xôi, phức tạp, khó khai thác hơn, đòi hỏi chính phủ phải áp dụng chính sách thuế linh hoạt đối với một số mỏ dầu. Do vậy, việc phát triển sang lĩnh vực chế biến dầu khí, hóa dầu và sản xuất các hóa phẩm từ dầu mỏ sẽ là nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, điều này không chỉ bù vào phần giảm sút trong các khoản thu từ thuế nguyên, nhiên liệu, mà còn là nguồn tăng trưởng đáng kể cho nền kinh tế Nga.

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hóa dầu đang tăng mạnh trên thị trường Nga, tuy nhiên tỉ lệ sản xuất và tiêu dùng các hóa phẩm và sản phẩm hóa dầu tính theo đầu người dân Nga thấp hơn so với các nước phát triển (sử dụng nhựa hóa học và nhựa tổng hợp tính theo đầu người ở Nga thấp hơn Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản).

Hiện nay ngành công nghiệp hóa dầu của Nga sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị sản phẩm ở các nhà máy cao hơn 2-3 lần so với những nhà máy tương tự của nước ngoài. Có khoảng 98% lượng dầu mỏ được chế biến bằng những máy móc, thiết bị từ thời Liên Xô. Trong số 27 nhà máy chế biến dầu lớn nhất của Nga có 6 nhà máy được đưa vào hoạt động từ những năm 30 của thế kỷ trước, 6 nhà máy từ trước năm 1950, 8 nhà máy từ trước năm 1960. Các hàng hóa xuất khẩu của tổ hợp hóa chất ở Nga chủ yếu là những sản phẩm được sản xuất bằng những công nghệ lạc hậu hoặc trung bình (phân bón, cao su tổng hợp, metanol…). Trong khi đó ở các nước phát triển ngành hóa dầu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các tổ hợp năng lượng. Doanh thu của các hãng dầu khí như Exxon, Mobil, British Petroleum, Royal Dutch Shell, Chervon-Texaco, Conoco Phillips, tỉ lệ của khu vực hóa dầu chiếm hơn 10%.

2. Trung Quốc tìm kiếm dầu khí ở độ sâu từ 3.000 đến 10.000m

Theo các chuyên gia dầu khí Nga, để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ các khu vực bất ổn ở Trung Đông và châu Phi, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều dự án (kể cả hợp tác với các công ty nước ngoài) thăm dò, khai thác dầu khí trên khu vực Biển Đông, từ nay đến năm 2020, trị giá trên 20 tỉ USD. Vào trung tuần tháng 12-2010, Công ty Dầu lửa ngoài khơi Quốc gia TQ (CNOOC) và Công ty BG Group PLC (Anh) hợp tác liên doanh triển khai khoan thăm dò ở vùng nước sâu gần 1.400m, cách đảo Hải Nam 130km. Theo Phó chủ tịch điều hành CNOOC, công ty rất lạc quan trước những kết quả tìm thấy, nhằm củng cố niềm tin của công ty trong việc thăm dò các khu vực nước sâu. Ngoài ra, CNOOC và Công ty Husky Energy Inc (Canada) sẽ bắt đầu triển khai dự án khai thác vào năm 2013, sau khi phát hiện lượng khí đốt lớn ở độ sâu 3.000m nằm ở ngoài khơi Trung Quốc.

Biển Hoa Đông và Biển Đông là hai khu vực có tiềm năng về khai thác dầu khí ở khu vực biển sâu và sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc cung cấp và đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Quốc. Dàn khoan dầu khí biển nước sâu tiên tiến nhất của CNOOC hiện nay khoan ở độ sâu 3.000m và có thể khoan tối đa ở độ sâu 10.000m. Sau khi sản xuất nhiều thiết bị thăm dò, khai thác và có kinh nghiệm trong việc khoan ở mực nước sâu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nga, chi phí thăm dò và khai thác dầu mỏ, khí đốt ở những khu vực nước sâu khá tốn kém và chỉ các công ty dầu khí nước ngoài có năng lực về tài chính, công nghệ mới có thể thực hiện được và an ninh được bảo đảm. Trung Quốc khó có thể đảm bảo các dự án đầu tư chung với các công ty nước ngoài thực hiện một cách thuận lợi ở các khu vực vẫn tồn tại nhiều tranh chấp.

Như vậy, theo đánh giá của các chuyên gia về hoạt động khai thác dầu khí của Nga và Trung Quốc cho thấy. Đối với Nga, dầu khí là nguồn đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, bởi vậy hiện nay Nga không chỉ dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô mà đang từng bước đầu tư công nghệ cho ngành thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp lọc hóa dầu, đảm bảo đa dạng hóa nguồn thu đạt hiệu quả cao nhất cho Ngân sách nhà nước. Với Trung Quốc, năng lượng đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế, việc thiếu hụt các nguồn cung trong nước, ngoài việc nhập khẩu từ nước ngoài buộc Trung Quốc phải triển khai nhiều dự án hợp tác thăm do khai thác ở những khu vực, tuy nhiều khó khăn nhưng có nhiều tiềm năng hơn.

Nguyễn Nhâm