Nga triển khai tên lửa thách thức lá chắn của NATO

07:00 | 13/05/2016

3,599 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi NATO tuyên bố kích hoạt một phần lá chắn tên lửa tại châu Âu, Nga tuyên bố triển khai hệ thống tên lửa Iskander đến Kaliningrad.
tin nhap 20160512221550
Tên lửa NATO ở Romania

Mặc dù NATO cố giải thích rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của họ ở Đông Âu là nhằm vào Iran, điện Kremlin coi đây là mối đe dọa trực tiếp.

Hệ thống phòng thủ tên lửa mà NATO giải thích là nhằm chống lại các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo đã được kích hoạt tại một căn cứ ở Romania ngày 12/5. NATO cũng chuẩn bị khởi công xây dựng hệ thống tương tự tại một căn cứ ở làng Redzikowo, Ba Lan vào ngày 13/5, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2018.

Mỹ và NATO ra vẻ nhún nhường nói rằng lá chắn tên lửa này chỉ có khả năng theo dõi và bắn hạ tên lửa, hoàn toàn nhằm mục đích phòng thủ và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể chống lại các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa vô cùng phong phú, đa dạng và mạnh mẽ của Nga.

"Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi đối phó với Nga. Nga xây dựng một hệ thống tên lửa tiên tiến trong một thời gian dài và họ làm điều đó rất tốt. Chúng tôi không có đủ năng lực kỹ thuật để đối phó" - Frank Rose, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Kiểm soát và thanh sát vũ khí cho biết ngày 11/5.

Trước đó, Nga đã kịch liệt phản đối việc khởi động và triển khai thêm một hệ thống quân sự tiên tiến ngay trước cửa ngõ đất nước. Mặc dù hiện tại, hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO chưa phải là mối đe dọa lớn lao đối với khả năng hạt nhân của Nga nhưng điện Kremlin vẫn quan ngại về việc cái gọi là lá chắn tên lửa này có thể phát triển mạnh hơn và thay đổi mục đích (từ phòng thủ sang tấn công) trong tương lai.

Nga đã đe dọa sẽ phản ứng với kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan bằng cách triển khai tên lửa Iskander đến Kaliningrad, vùng lãnh thổ của Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania.

Tên lửa Iskander, có thể được trang bị cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn nổ thông thường, có tầm bắn lên tới khoảng 500 km, có thể bắn vượt qua lãnh thổ Ba Lan. Loại tên lửa này đã được đưa đến Kaliningrad trong cuộc tập trận hồi năm ngoái để chứng minh khả năng triển khai vũ khí nhanh chóng của Nga.

Hiện tại, Nga đang tiến hành các biện pháp tự vệ chống lại hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Câu hỏi “Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO được định hướng nhằm chống lại ai?” cho đến nay vẫn chưa mất tính thời sự, theo thư ký báo chí của tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov.

Bình luận về việc NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, đại diện điện Kremlin cho biết rằng "vấn đề ở chỗ không phải là những hành động nào sẽ được thực hiện, mà ở chỗ các biện pháp sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo mức độ an ninh cần thiết cho nước Nga".

"Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định rằng, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở Đông Âu là một mối đe dọa trực tiếp cho Liên bang Nga" - ông Peskov nói.

Ông Peskov nhắc lại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần đưa ra câu hỏi “Hệ thống phòng thủ tên lửa này đang và sẽ nhắm vào ai?”.

"Lúc đầu, NATO giải thích rằng việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa là để đối phó với mối đe dọa tên lửa tiềm năng đến từ Iran. Lời giải thích này được đưa ra nhiều lần tại các hội nghị thượng đỉnh của NATO, từ Washington và từ các thủ đô châu Âu. Nhưng bây giờ ai mà chẳng biết rằng tình hình với Iran đã thay đổi đáng kể. Nhưng câu hỏi được Moscow, mà cụ thể là Tổng thống Vladimir Putin, đưa ra nhiều lần, cho đến nay vẫn chưa mất tính thời sự" – ông Peskov nói, ngụ ý câu hỏi của tổng thống Putin “Lá chắn tên lửa NATO nhằm chống lại ai?”.

"Đây không phải là chuyện mới, quá trình tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO đã được các cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh quốc phòng của Nga biết đến từ lâu. Dĩ nhiên chúng ta không để yên cho NATO mặc sức làm gì thì làm" - Peskov nói về việc NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania.

Được biết, trong ngày hôm nay 12/5, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ Aegis cố định trên đất liền được khánh thành tại căn cứ quân sự gần thị trấn Deveselu ở phía nam của Romania.

Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng việc đặt các bệ phóng MK-41 tại căn cứ phòng thủ tên lửa ở Romania là vi phạm Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vì hệ thống bệ phóng MK-41 có mục đích kép (có thể phóng cả tên lửa đánh chặn lẫn tên lửa tấn công mang đầu đạn hạt nhân). Trên các tàu hải quân Mỹ, loại bệ phóng này được sử dụng để phóng tên lửa đánh chặn và tên lửa hành trình tầm trung Tomahawk.

Thiện Tâm

RIA Novosti

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc