Nga quyết giành lại vị trí cường quốc biển hàng đầu thế giới

16:02 | 01/08/2012

1,160 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những diễn biến địa chính trị trên thế giới thời gian qua, nhất là nguy cơ xung đột tại các vùng biển trên thế giới, đã góp phần điều chỉnh chính sách quốc phòng mới của Nga. Việc vừa cho khởi công dự án đóng tàu ngầm hạt nhân quy mô lớn là một phần trong chương trình hiện đại hóa lực lượng hải quân nhằm duy trì vị trí cường quốc biển hàng đầu thế giới.

 

Tổng thống Putin tại lễ khởi công đóng tàu

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì một cuộc họp về nâng cấp trang bị của lực lượng Hải quân Nga ngày 30/7. Theo chương trình nhà nước đến năm 2020, Hải quân Nga sẽ được bổ sung mới 51 tàu chiến trên mặt nước, 16 tàu ngầm đa chức năng và 8 tàu ngầm hạt nhân tên lửa lớp Borey. Như ông Putin tuyên bố tại cuộc họp ở Severodvinsk, vào năm 2016 vũ khí và trang thiết bị hiện đại trong lực lượng hải quân chức năng chung sẽ chiếm tỷ lệ 30% và lên đến 70% vào năm 2020.

Tổng thống Nga nhắc rằng, theo chương trình nhà nước về trang bị vũ khí, "4,5 ngàn tỷ rúp (141 tỷ đôla) sẽ được phân bổ cho nhiệm vụ hình thành hình ảnh chất lượng mới của lực lượng hải quân chức năng chung, với khoảng 1/3 kinh phí sẽ được chi ngay trong năm năm tới".

Hôm 30/7, Sevmash tổ chức khởi công đóng mới một tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ tư (lớp Borey). Những con tàu thế hệ mới này sẽ xác định diện mạo tương lai của Hải quân Nga, bảo đảm an ninh và gìn giữ lợi ích quốc gia của Nga trên các đại dương - ông Putin nhấn mạnh tại Severodvinsk.

Người đứng đầu nhà nước Nga đặc biệt lưu ý các thành viên dự cuộc họp nhằm để như ông nói, "dứt điểm chấm dứt sự đầu cơ đề tài xây dựng hạm đội Nga ở các xưởng đóng tàu nước ngoài”. Ông cho biết, ngành công nghiệp Nga sẽ nhận được hầu như toàn bộ khối lượng đơn đặt hàng.

Tổng thống Nga lưu ý: “Chúng ta xuất phát từ việc Nga cần duy trì và tăng cường vị thế của mình như một quốc gia hàng hải hàng đầu của thế giới. Đồng thời, hạm đội Hải quân của chúng ta phải nắm vững mọi cơ hội để đối phó hiệu quả với loạt nhiệm vụ. Trước hết đó là sự phát triển các thành phần biển của lực lượng hạt nhân chiến lược, sự tham gia của đội tàu nhằm đảm bảo tính đồng đẳng toàn cầu. Thứ hai là việc hình thành các cụm hải quân đa mục tiêu, đắp ứng việc đối phó với những đe dọa quân sự từ phía biển, đảm bảo an toàn giao thông vận tải và bảo vệ các tàu dân sự, đấu tranh hiệu quả chống hải tặc. Tất nhiên, hạm đội hải quân là một công cụ bảo vệ lợi ích kinh tế của quốc gia. Đặc biệt, trong các khu vực như Bắc Cực, nơi tập trung dồi dào nguồn tài nguyên sinh thái, các trữ lượng hydrocarbon và các khoáng sản khác”.

S.Phương (Theo RIA Novosti)