Nga hiểu Trung Đông hơn Mỹ

07:00 | 12/10/2015

4,114 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin hiểu Trung Đông hơn là các chính trị gia Mỹ -  Đó là câu trả lời không thể khác được cho câu hỏi: “Vì sao Nga có thể khiến chính sách Trung Đông của Mỹ thất bại”.  
nga hieu trung dong hon my Nga "chặn" máy bay không người lái Mỹ trên không phận Syria

Hai bức tranh tương phản

Nga can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria, giúp Damascus chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng một cách đường đường chính chính theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh, cũng dưới danh nghĩa tấn công các mục tiêu IS tại Syria, nhưng lại đem máy bay đến rải bom đạn ở đất nước này mà không thông báo trước bất kỳ một tin tức gì cho chính quyền dân bầu ở Syria - một động thái rõ ràng là coi thường luật pháp quốc tế.

nga hieu trung dong hon my

Biếm họa về cuộc chơi của Nga và Mỹ quanh hồ sơ Syria: Nga đang giành thế thượng phong

Trong khi các lực lượng Nga, kết hợp với các lực lượng Chính phủ Syria đang giành được những thắng lợi khả quan trên mặt trận chống IS, thì cuộc chiến chống IS của Mỹ cùng các đồng minh dù đã được triển khai rầm rộ hơn 1 năm qua vốn bị chỉ trích về tính hiệu quả, lại ngày càng trở nên bế tắc. Đến Iraq, đất nước đã mất 1/3 lãnh thổ vào tay IS, vốn từng trông chờ vào sự giúp đỡ của Mỹ cũng cảm thấy oải dần, mất niềm tin vào sự hứa hẹn của Washington và bắt đầu để ngỏ khả năng sớm đề nghị Nga triển khai không kích quân IS trên lãnh thổ của mình để hỗ trợ cho quân đội tấn công chiếm lại tỉnh Albar. Thổ Nhĩ Kỳ sau khi “làm mình làm mẩy” cho có vẻ với Washington khi “lu loa” về việc máy bay Nga xâm phạm không phận cũng đã quay ra đề nghị hợp tác với Nga chống IS và không nhắc gì đến vấn đề trấn áp người Kurd nữa.

Trong khi máy bay Nga oanh kích trúng vào các mục tiêu của IS ở Syria thì ở chiến trường Afghanistan, máy bay Mỹ ném bom “nhầm” một bệnh viện của tổ chức “Bác sĩ không biên giới” tại thành phố Kunduz làm chết ít nhất 22 người, trong đó có 3 em nhỏ - một hành vi bị lên án như là một “tội ác chiến tranh”, chứ không đơn thuần là sự nhầm lẫn tai hại nữa.

Ở đây không bàn đến mục đích sâu xa của Nga khi can thiệp quân sự vào Syria và hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng rõ ràng, không chỉ chiến lược chống IS của Mỹ và đồng minh đã bộc lộ sự vô dụng trước động thái quyết đoán của Nga, mà chính sách Trung Đông của Mỹ cũng đã thực sự thất bại thảm hại một cách toàn diện: 2 năm sau ngày Mỹ rút quân khỏi Iraq, tình hình nước này vẫn chưa có gì sáng sủa. Nội chiến đẫm máu ở Syria vẫn ầm ào đẩy bạo lực lan sang Li-băng với những cáo buộc tấn công vũ khí hóa học, trong khi Ai Cập đang trong cảnh “nồi da xáo thịt” giữa lực lượng quân đội và Tổ chức Anh em Hồi giáo. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi bạo lực tại Ai Cập là do người Do Thái, trong khi rất nhiều người khác quy trách nhiệm cho Mỹ.

Sai lầm của Washington

Trung Đông luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách của các đời Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, các chính trị gia Mỹ có xu hướng đơn giản hóa một cách cứng nhắc về các khái niệm quốc gia “đồng minh” hay “kẻ thù”.

Chẳng nói đâu xa, tất cả các ứng viên Tổng thống Mỹ hậu Obama như Donald Trump, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Thượng nghị sĩ Rand Paul, đều đồng ý coi Israel là đồng minh, mặc dù những gì Nhà nước Do Thái có thể làm được cho Washington là rất ít, ngoài việc chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống IS và Al-Nursa - một chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria. Mặt khác, họ lại cho rằng Iran là “kẻ thù”, mặc dù Tehran đã chiến đấu chống những kẻ mà Mỹ cũng coi là kẻ thù trong hầu như mọi cuộc xung đột kể từ sau sự kiện 11-9. Nên nhớ, cả hai chế độ mà Mỹ tiến hành can thiệp quân sự lật đổ là Taliban ở Afghanistan và Saddam Hussein ở Iraq, cũng đều là mục tiêu chống đối của Iran. Hơn nữa, những đảng phái thân Iran ở Iraq hay Syria đều đang chiếm ưu thế. Iran đáng phải là một đồng minh trong thực tế của Mỹ, chứ không phải “kẻ thù truyền kiếp” của Washington.

Đáng tiếc là người Nga đã nhanh nhạy nhận ra điều mà các chính trị gia Mỹ không hiểu được: Đó là Iran, Syria và Iraq đều là đồng minh chống lại kẻ thù nguy hiểm nhất của nước Mỹ - các chiến binh thánh chiến Sunni của IS, tổ chức khủng bố Al-Qaeda và phong trào Al-Nursa đã tấn công nước Mỹ ngày 11-9-2001.

Nga đã bắt tay với cả 3 chính phủ người Shitte Iran, Syria và Iran để đè bẹp IS và các lực lượng chống đối chế độ Syria, đồng thời khiến các sáng kiến, chính sách của Mỹ ở Trung Đông kể từ sau sự kiện 11-9 trở nên vô dụng. Còn Mỹ thì lại đang theo đuổi một chính sách tự đánh bại trong một thế trận đã không còn kiểm soát được.

Khi chỉ dùng không quân tấn công IS ở Iraq mà chủ yếu là tấn công vào các cơ sở hạ tầng của IS mà bỏ qua các căn cứ quân sự, các sở chỉ huy của IS, Mỹ đã có “thâm ý”  muốn “quạt lửa sang Syria”, đẩy lực lượng IS sang Syria và sau đó mượn cả tay IS và tay các lực lượng phiến quân, dưới vỏ bọc là chống IS, để lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, đúng như Tổng thống Nga Putin đã nói trong cuộc họp báo bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc: “IS không hẳn đã thông minh, nhưng cũng không ngu ngốc như các ông (ám chỉ Mỹ và phương Tây) vẫn nghĩ”. Cứ khi nào Mỹ giảm cường độ không kích, IS lại phản đòn và giành lại ưu thế trên các chiến trường. Mặt khác, việc Mỹ “đốt lửa” tại Trung Đông và Bắc Phi lại đẩy thêm một “gánh nặng” nữa cho các đồng minh của Mỹ: đó là vấn nạn di cư từ Trung Đông và Bắc Phi.

Thật đúng là người tính không bằng trời tính!

 

Ngân Chi

Báo giấy số 464

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc