Nga gia nhập WTO: Được gì và mất gì?

11:15 | 27/08/2012

3,925 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 22/8, Nga chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Là nước đóng góp chưa đến 3% vào thương mại thế giới, Nga giờ đây có thể hiện đại hóa nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, kèm theo những thuận lợi, Nga sẽ phải đối mặt với những thách thức nào và các nước thành viên WTO khác sẽ được gì từ vụ gia nhập "lịch sử" này?

 

Nga chính thức là thành viên 156 của WTO

Nghị định thư về việc Nga gia nhập WTO đã bắt đầu có hiệu lực. Ngày 22/8, một tháng sau khi phê chuẩn tất cả các giấy tờ cần thiết, Nga trở thành thành viên thứ 156 của tổ chức quốc tế này. Thời gian tới sẽ bắt đầu quá trình loại bỏ các hạn chế về xuất khẩu hàng hóa của Nga. Giới chuyên viên nhận định rằng, đa phần cộng đồng kinh tế trong nước ủng hộ việc Nga gia nhập WTO.

Sau gần 20 năm kể từ khi bắt đầu cuộc đàm phán về gia nhập tổ chức này, Nga cuối cùng trở thành thành viên đủ quyền của WTO. Bây giờ, Matxcơva phải thực hiện các cam kết của mình trong khuôn khổ tổ chức quốc tế, và hưởng được các quyền lợi về giải quyết các tranh chấp thương mại. Vào thời điểm này, gần 20 quốc gia áp dụng hơn 70 biện pháp hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Nga. Vào mùa thu này sẽ bắt đầu quá trình dỡ bỏ các hạn chế đó. Như vậy, Nga sẽ được bảo đảm hoạt động ổn định trên các thị trường nước ngoài. Dmitry Sorokin, Phó Giám đốc Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết: “Ngày nay, toàn thế giới là một hệ thống kinh tế thống nhất. Hầu như tất cả các quốc gia sống theo các quy tắc vận chuyển hàng hóa do WTO thiết lập. Nếu không tham gia WTO thì sẽ bị thất bại. Nhất là vì điều đó có thể ngăn cản quá trình xuất khẩu hàng hóa của Nga. Bây giờ không được áp dụng các biện pháp như vậy chống Nga. Chúng ta có quyền ra tòa án quốc tế”.

Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga cho rằng, việc là thành viên của WTO sẽ giúp giảm giá các mặt hàng nhập khẩu và trong nước. Theo Ngân hàng Thế giới, việc Nga gia nhập WTO sẽ giúp kinh tế Nga có thêm khoảng 49 tỷ USD (tương đương 3,3% GDP) trong 3 năm đầu gia nhập và con số này sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo.

Nhà kinh tế học Victor Supian giải thích: “Nhiều lợi ích của việc gia nhập WTO không mang tính chất nhất thời. Trong tương lai xa hơn, Nga nhất định sẽ thu được lợi nhuận. Thật là lạ rằng, trong nhiều năm, một đất nước khổng lồ đã không được tham gia quá trình thảo ra các quy tắc thương mại toàn cầu và thủ tục giải quyết các tranh chấp thương mại. Ngoài ra, các cơ sở xuất khẩu của Nga cũng có lợi. Ở đây nói về ngành luyện thép, sản xuất nhôm và các kim loại khác. Trong các ngành công nghiệp này Nga có lợi thế cạnh tranh đáng kể”.

Tuy nhiên, việc gia nhập WTO sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế Nga. Ví dụ, bãi bỏ thuế hải quan đối với hàng nhập khẩu. Theo lộ trình, Nga sẽ giảm thuế từ mức trung bình hiện nay là 9,5% xuống 7,4% vào năm 2013, 6,9% vào năm 2014 và còn 6% vào năm 2015. Một số doanh nghiệp quy mô vừa của Nga vẫn tỏ ra lo ngại họ khó có thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có giá thành rẻ hơn, khi được miễn giảm thuế. Bộ Phát triển Kinh tế đã soạn thảo chiến lược bảo vệ lợi ích quốc gia Nga trong WTO. Nhìn chung, người tiêu dùng và rộng hơn là người dân Nga nhất định sẽ được lợi ở việc gia nhập WTO. Bộ Phát triển Kinh tế Nga xác nhận việc dỡ bỏ các rào cản xuất khẩu khi tham gia WTO sẽ góp phần tạo thêm 40.000 việc làm mới, làm giảm dần giá hàng tiêu dùng tại Nga trong vòng 3-5 năm tới và còn giảm mạnh hơn sau đó.

Theo các chuyên gia, trong tương lại gần, Nga có thể không được hưởng lợi tức thì vì một số khu vực trong nền kinh tế có thể chịu thiệt hại do nhà nước phải từng bước hạ mức trần thuế quan, đồng thời thu ngân sách có thể giảm. Tuy nhiên, về dài hạn, việc gia nhập WTO sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho việc cơ cấu lại nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng, đặc biệt sẽ giúp Nga thực hiện mục tiêu nằm trong “Top 5” những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nga cũng sẽ được quyền tham gia hoạch định chính sách thương mại toàn cầu. Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001 sau 15 năm chờ đợi, trong thời gian hơn 10 năm qua, gia nhập WTO đã tạo cú hích mạnh mẽ, nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút dòng vốn nước ngoài, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.

Tại sao Nga gia nhập WTO muộn như vậy? Tiến sĩ địa chính trị Jean-Sylvestre Mongrenier thuộc Học viện địa chính trị Pháp (Trường đại học Paris VIII Vincennes-Saint-Denis), cho biết đã có một thời Nga khẳng định muốn tiến hành Liên minh hải quan với Belarus và Kazakhstan trước khi xin gia nhập WTO, thậm chí cho rằng sẽ ưu tiên thương lượng tập thể để các nước này cùng vào một lúc. Nhưng đó chỉ là sự cường điệu..

Thương lượng giữa Nga và WTO bắt đầu vào năm 1993 và kéo dài 18 năm. Như vậy, đó không phải là sự chuyển hướng mà là kết quả của một quá trình thương lượng dài hơi. Nhìn chung, thương lượng cần phải kết thúc bằng việc ký kết hàng chục thỏa thuận song phương giữa Nga và các nước thành viên WTO khác, liên quan đến các lĩnh vực dịch vụ (39 thỏa thuận) và hàng hóa (57 thỏa thuận). Hơn nữa, mọi quyết định được đưa ra tại WTO phải dựa trên cơ sở đồng thuận, khiến tiến trình thương lượng gay cấn hơn.

Thương lượng cũng phức tạp do hậu quả của cuộc chiến tranh giữa Nga và Grudia vào tháng 8/2008 và còn vì Nga đơn phương công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, hai vùng ly khai ở Grudia-điều khiến Mỹ và phương Tây phản đối.

Được hỏi ngược lại, Nga có thể mang lại gì cho WTO, giáo sư Jean-Sylvestre Mongrenier cho rằng với 3% trong thương mại thế giới, mức đóng góp của Nga còn quá ít. Chỉ riêng về phương diện lượng, sẽ không có thay đổi gì lớn khi Nga gia nhập WTO và sự kiện này chắc chắn có ít ý nghĩa hơn khi Trung Quốc gia nhập vào năm 2001.

Việc có thể đưa tranh chấp thương mại ra trước Cơ quan xử lý bất đồng (ORD) của WTO - còn hơn là đọ sức nhau - sẽ là một tiến bộ thực sự trong mối quan hệ kinh tế giữa Nga, các nước láng giềng lân cận và các nước phương Tây. Ở đây có thể nghĩ đến "chiến tranh khí đốt", cấm vận và tẩy chay mà Nga thường áp dụng vì xuất khẩu năng lượng được sử dụng làm đòn bẩy quyền lực vào mục đích chính trị. Tuy nhiên, WTO không liên quan đến thương mại nguyên liệu và sản phẩm sơ chế và như vậy, không phải đóng vai trò tổ chức điều hòa.

Về khả năng bình thường hóa trao đổi thương mại giữa Mỹ và Nga với tư cách là hai nước thành viên WTO, trong khi căng thẳng gia tăng giữa hai nước xung quanh vấn đề Syria, giáo sư Jean-Sylvestre Mongrenier nói căng thẳng nói chung là giữa Nga và các nước phương Tây vì những lý do cơ bản. Tình trạng đó không phải là do cái được gọi là đạo luật địa chính trị mà xuất phát từ sự đối lập về chế độ chính trị, về nhãn quan thế giới và về nhìn nhận địa-chính trị. Chính sách "cài đặt lại", nghĩa là tái khởi động, được chính quyền Obama thực hiện vào đầu năm 2009, nhằm mục tiêu hạn chế ảnh hưởng của Nga trong một số vụ việc (chẳng hạn hạt nhân Iran) và tạo mặt bằng hợp tác cụ thể về các mặt khác (Afghanistan, khủng bố, phổ biến vũ khí và chống tên lửa). Tóm lại, sự việc hầu như không có gì mới và có thể thấy việc Nga gia nhập WTO là định mệnh lịch sử.

S.Phương