Nga cáo buộc phương Tây gây ra khủng hoảng di dân

14:00 | 09/09/2015

3,050 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nga hôm qua lên tiếng cáo buộc rằng chính phương Tây, với thái độ hiếu chiến gây chiến tranh khắp nơi trên thế giới, phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng di dân hiện nay.
nga cao buoc phuong tay gay ra khung hoang di dan
Người tị nạn Syria chen nhau lấy thực phẩm viện trợ. Viện trợ quốc tế cho vụ khủng hoảng người tị nạn mà các chuyên gia cho là tệ hại nhất kể từ Thế chiến thứ 2 cho đến nay vẫn thấp hơn rất nhiều so với số tiền mà LHQ cho là cần phải có.

Phát biểu tại Moskova khi tiếp kiến bà Kristalina Georgieva, Uỷ viên Ngân sách và Tài nguyên Nhân lực của Liên minh châu Âu ngày 8/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Châu Âu và Mỹ phải chịu trách nhiệm đối với vụ khủng hoảng di dân vì vụ này phát sinh từ những chính sách của họ.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nói: "Công lý đòi hỏi là những nước đó, những nước chịu trách nhiệm cho việc gây ra những vụ xung đột, phải nhận trách nhiệm nhiều hơn và phải cung cấp những sự trợ giúp nhân đạo cho các nạn nhân".

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng các nước phương Tây không thể trách cứ ai khác ngoài bản thân mình về làn sóng di dân ồ ạt hiện nay. Ông Putin đặc biệt chỉ trích Mỹ về những hành động dẫn tới lật đổ các nhân vật lãnh đạo do Nga hậu thuẫn ở Iraq và Libya.

Các số liệu của Cao uỷ Tị nạn LHQ cho thấy gần 300.000 người, kể cả phụ nữ và trẻ em, đã vượt Địa Trung Hải trong năm nay. Trong số này có 181.000 người tới Hy Lạp và 108.000 người tới Italia.

Trong diễn biến mới nhất, Đại diện Đặc biệt của LHQ về Di dân Quốc tế đã lên tiếng chê trách cộng đồng quốc tế, nhất là các nước Trung Đông, đã không làm đủ để giúp ứng phó với vụ khủng hoảng di dân đang xảy ra ở châu Âu.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8/9 tại Geneve, Đại diện LHQ Peter Southerland nói rằng giúp đỡ cho hàng trăm ngàn người tị nạn chạy trốn xung đột ở Syria và những nơi khác là một trách nhiệm toàn cầu và bây giờ chính là lúc tất cả các nước phải ra tay giúp đỡ.

"Trong một tình hình mà một số quốc gia không chịu tiếp nhận người tị nạn nào cả, chẳng hạn như một số nước Arập ở ngay bên cạnh, và khi mà những nước khác lập luận rằng những sự đóng góp về tài chính là cơ chế để dùng cho sự cống hiến của họ nhằm ứng phó với một tình huống kinh khiếp; trong tình hình như vậy, tôi xin nói rằng như thế là chưa đủ".

Ông Southerland nói những người tị nạn cần phải được đối xử như những con người và không thể bị gạt bỏ bằng một cái vẫy tay hay một lời tuyên bố đơn giản là họ phải được trả về nước.

Cũng trong hôm qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thông báo chuẩn bị công bố kế hoạch ứng phó với khủng hoảng di dân tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

Theo đó, 120.000 người xin tỵ nạn sẽ được phân bổ giữa các nước thành viên EU theo hạn ngạch bắt buộc. Quyết định này được đưa ra sau khi hàng nghìn di dân, chủ yếu là từ Syria, vượt lên mạn Bắc của châu Âu hồi cuối tuần rồi.

Khủng hoảng di dân và cách giải quyết đang làm lộ ra các chia rẽ sâu trong nội bộ EU. Cộng hòa Czech, Slovakia, Ba Lan và Romania chống lại ý tưởng hạn ngạch.

Tuy nhiên hôm qua Ba Lan tỏ ra nhượng bộ hơn. Thủ tướng Ewa Kopacz nói nước này có thể nhận nhiều hơn con số 2.000 đề xuất ban đầu.

Đức đã hoan nghênh người tỵ nạn Syria và nói có thể giải quyết chừng 800.000 trường hợp riêng trong năm nay. Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel nói Đức có thể tiếp nhận 500.000 người mỗi năm trong 5 năm tới.

Hệ thống hạn ngạch mà EU đang cân nhắc có thể phân bổ 60% số di dân hiện đang tạm trú tại Ý, Hy Lạp và Hungary sang Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

Con số người tới nước nào phụ thuộc vào GDP, dân số, tỷ lệ thất nghiệp và số đơn xin tỵ nạn đã xử lý của từng nước.

Các quốc gia không chịu nhận người tỵ nạn có thể bị phạt tiền.

EU cũng sẽ có biện pháp giúp phát triển kinh tế cho các nước ở Trung Đông và châu Phi, cũng như ngăn chặn nạn buôn người.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Theo AFP, AP, Reuters)