Xuất bản sách sai: Ai phải chịu đây? (Kỳ cuối)

07:00 | 26/10/2014

1,339 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những tháng đầu năm 2014, các nhà xuất bản trên toàn quốc đã tiến hành đăng ký xuất bản trên 21.400 cuốn. Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xác nhận hơn 20.900 cuốn (giảm 43,8% so với cùng kỳ năm 2013). Tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu đến hết tháng 6/2014 là hơn 12.900 cuốn với gần 193,600 triệu bản (giảm 0,6% về số cuốn, giảm 12% về số bản so với cùng kỳ năm 2013).

Năng lượng Mới số 367

>> Xuất bản sách sai ai phải chịu đây (Kỳ đầu)

Bài 2: Nhức nhối ăn cắp bản quyền

Vi phạm rồi… tái phạm

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 49 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung của 25 nhà xuất bản. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn xử lý, giải quyết 88 xuất bản phẩm có các vi phạm khác như: vi phạm về thông tin ghi trên xuất bản phẩm, thực hiện sai so với xác nhận đăng ký xuất bản và vi phạm bản quyền tác giả…

Sau vụ in lậu và ăn cắp bản quyền cuốn “Búp sen xanh” của Sơn Tùng, NXB Thời đại tiếp tục bị phát hiện phát hành 2 cuốn: “Văn hóa tộc người Việt Nam” - tác giả Nguyễn Từ Chi và “Văn hóa Việt Nam” - tác giả Trần Quốc Vượng, với 2 lỗi cơ bản “không nộp lưu chiểu nhưng đã phát hành” và “không ký quyết định phát hành xuất bản phẩm nhưng đã phát hành”.

Không chỉ thế, để tránh bị phát hiện, NXB còn tự ý đổi tên tác phẩm “Văn hóa Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm” thành “Văn hóa Việt Nam”. Còn tên “Văn hóa tộc người Việt Nam” đã bị thay thế so với bản in gốc “Góp phần nghiên cứu Văn hóa và Tộc người” (NXB Văn hóa Thông tin và Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật in năm 1996). Sách đã không có giấy chứng nhận quyền tác giả vẫn phát hành, hai cuốn còn mắc nhiều lỗi biên tập cẩu thả.

Ai phải chịu đây?

Cuốn “Búp sen xanh” in lậu của NXB Thời đại (trái) và “Búp sen xanh” chính thống của NXB Kim Đồng

Ở cuốn “Búp sen xanh”, sự tắc trách thể hiện khi bản in lậu bị cắt xén tới 75 trang. Trong khi số trang ở bản chính thức là 362 nhưng sách in lậu của NXB Thời đại chỉ là 287 trang và ngang nhiên bỏ những nội dung quan trọng như: Lời tựa của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các minh họa của Văn Cao và lời bạt của GS Phan Ngọc nói về hành trình ra đời của cuốn sách. Ngạc nhiên nhất là hình vẽ minh họa “Búp sen xanh” ở bìa đã thành sen hồng tươi thắm. Mà không chỉ in lậu 1 lần, Búp sen xanh được in lậu tới 3 lần, với số lượng lên tới 3.000 cuốn và số tiền nhuận bút phải trả cho tác giả Sơn Tùng ở 3 lần tái bản là khoảng 20 triệu đồng.

Khi được hỏi về vấn đề này, Phó giám đốc NXB Thời đại Nguyễn Thanh cho rằng NXB của ông cũng bị mạo danh để in lậu. Bởi NXB Thời đại không cấp phép xuất bản và liên kết với bất cứ đối tác nào để xuất bản cuốn “Búp sen xanh”. Còn trước đó, Công ty CP sách Nhân dân đề nghị NXB Thời đại hợp tác để tái bản cuốn này nhưng vì gia đình tác giả Sơn Tùng từ chối do đã ký Hợp đồng độc quyền với NXB Kim Đồng 10 năm. Và đương nhiên không thể có được cấp phép quyền tác giả cho cuốn sách này. Thế nhưng không chỉ 1 lần mà 3 lần, với mỗi lần in lậu 1.000 cuốn “Búp sen xanh” được mang danh NXB Thời đại. Và nếu bị mạo danh như vậy sao NXB Thời đại không kiện cáo mà họ lại dễ dàng cho qua và bảo rằng mình không có thời gian xử lý việc đó.

Số phận của tác phẩm viết về Bác Hồ, “Búp sen xanh” khá lận đận, năm 2013, cuốn này cũng đã từng bị NXB Văn học in lậu. Trong thư xin lỗi của NXB Văn hóa gửi NXB Kim Đồng cho biết sai phạm này do Giám đốc - Tổng biên tập Nguyễn Văn Cừ (hiện đã nghỉ hưu) cấp Quyết định xuất bản ngày 20/10/2011. Mặc dù đây là sai sót từ phía người tiền nhiệm, tuy nhiên NXB Văn học đã có lời xin lỗi chính thức với NXB Kim Đồng, đồng thời thu hồi tất cả những ấn bản hiện đang lưu hành trên thị trường và thực hiện việc chi trả nhuận bút cho tác giả đối với số lượng sách đã in.

Xử lý quá nhẹ?

Các chuyên gia cho biết, tại Trung Quốc, ngoài việc bị phạt tiền, in lậu sách còn phải bị ngồi tù. Năm ngoái, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã phạt Wan Yongshen vì tổ chức in lậu 3.000 bản sách của Mạc Ngôn - nhà văn nổi tiếng, đoạt giải Nobel Văn học 2012. Kẻ ăn cắp bản quyền này bị phạt 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu đồng) và còn phải ngồi tù 6 tháng.

Ai phải chịu đây?

Sách “Văn hóa tộc người Việt Nam” của NXB Thời Đại (trái) có nhiều sai phạm so với sách gốc “Góp phần nghiên cứu Văn hóa và Tộc người” (phải)

Còn ở nước ta, việc in ấn, buôn bán sách lậu là vi phạm luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ. Và theo luật thì các hành vi này có thể bị xử phạt hành chính bởi Nghị định 02 (Quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản) và Nghị định 47 (Quy định về xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan). Cụ thể, mức phạt cho hành vi in lậu được quy định 30-40 triệu đồng. Còn hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm có thể bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất lên đến 400 triệu đồng, tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm. Tuy nhiên, thực tế thì những xử phạt này vẫn ở mức độ nhẹ nên không thể chấm dứt được tình trạng sách in lậu tràn ngập như hiện tại.

Đối với 2 ấn phẩm: “Văn hóa tộc người Việt Nam” - tác giả Nguyễn Từ Chi và “Văn hóa Việt Nam” - tác giả Trần Quốc

Khối liên minh Quốc tế về sở hữu trí tuệ (gọi tắt là IIPA) xếp hạng Việt Nam ở một trong những quốc gia có tình trạng vi phạm bản quyền nhiều nhất.

Vượng vi phạm hai điều là: Không nộp lưu chiểu nhưng đã phát hành và không ký quyết định phát hành xuất bản phẩm nhưng đã phát hành. Với mỗi hành vi, mức phạt là 15 triệu đồng.

Không chỉ có các đầu sách trong nước, theo báo cáo từ Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt First News, năm 2004 (sau khi ký kết Công ước Bern) First News công bố 5 đầu sách bị in lậu. 7 năm sau, năm 2011, con số đã lên tới 73 đầu sách. Giám đốc First News, Nguyễn Văn Phước chia sẻ, 7 năm qua First News đóng hơn 6,8 tỉ đồng tiền thuế cho Nhà nước nhưng không được bảo hộ về bản quyền, chống in lậu. Dù ông Phước là người làm sách đã 17 năm nhưng ông cho biết thật sự vẫn không có cách nào giải quyết tình trạng này.

Câu hỏi đặt ra là sự vi phạm bản quyền trắng trợn liên tiếp vừa diễn ra trong thời gian dài đang thể hiện điều gì trong bức tranh xuất bản của chúng ta? Việc “ăn cắp kép”: ăn cắp thương hiệu NXB và ăn cắp bản quyền của một cuốn sách sẽ còn tái diễn những lần nào nữa? Và những thành phần như các Công ty CP phát hành sách cũng vi phạm thì sẽ bị xử lý ra sao?

Để trả lời những câu hỏi này thật khó, nó đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều trong công tác quản lý của nhà quản lý xuất bản, Cục Xuất bản. Nhưng với những gì đang diễn ra, chúng ta chưa thể thấy có câu trả lời nào sáng sủa cả. Chỉ duy nhất hình phạt 30 triệu cho NXB Thời đại với hàng loạt những sai phạm vừa qua, điều đó cho thấy rằng việc xử phạt các NXB vi phạm bản quyền vẫn chỉ là hành động “giương cao đánh khẽ”, chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, kiểu làm giả nhưng thu tiền thật hiện nay của một số NXB thì chuyện ăn cắp, in lậu khó lòng thuyên giảm được. Và với lợi nhuận có được, lại mỏng đội ngũ biên tập thì sẽ vẫn có nhà xuất bản hay các công ty phát hành sách bất chấp thủ đoạn, luồn lách để giảm chi phí cho mình qua những nguồn thu lợi bất chính.

Công ước Berne

Công ước Berne chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ năm 2004. Công ước Berne được ký tại Bern (Thụy Sĩ) năm 1886, lần đầu tiên thiết lập và bảo vệ quyền tác giả giữa các quốc gia có chủ quyền. Trước khi có Công ước Bern, các quốc gia thường từ chối quyền tác giả của các tác phẩm ngoại quốc. Ví dụ, một tác phẩm xuất bản ở một quốc gia chỉ được bảo vệ quyền tác giả tại đó, nhưng lại có thể bị sao chép và xuất bản tự do không cần xin phép tại quốc gia khác.

Thanh Huyền

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc