Vụ sập giàn giáo: An toàn lao động đang bị bỏ ngỏ?

16:52 | 28/03/2015

1,049 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một lần nữa, vấn đề an toàn lao động và câu hỏi trách nhiệm được đặt ra sau sự cố sập giàn giáo ngày 25/3 tại dự án Formosa (Hà Tĩnh).

Thường xuyên xảy ra tai nạn tại Formosa

Theo số liệu của cơ quan chức năng, vụ việc xảy ra tại Dự án Formosa không phải là duy nhất. Cách đó hai tháng, ngày 19/1/2015, tại công trường đang thi công của Công ty Posco 2 nằm trong khu liên hợp gang thép dự án Formosa, đã xảy ra một tai nạn nghiêm trọng.

Vào thời điểm này, khi công nhân đang làm việc tại công trường thuộc Công ty Posco 2, cầu thang lên xuống băng chuyền bất ngờ bị đổ sập khiến anh Nguyễn Văn Tuân (28 tuổi, quê Ninh Bình) thiệt mạng, anh Võ Đình Chiến (30 tuổi, quê Hà Tĩnh) bị thương nặng được đưa tới Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh cấp cứu.

Hiện trường vụ sập giàn giáo tối 25/3.

Thêm một trường hợp nữa vào ngày 27/7/2014, tại công trình xây dựng bể chứa nước thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 2 người chết, 3 người bị thương nặng.

Rõ ràng, việc chỉ trong vòng 10 tháng, xảy ra 3 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại dự án Formosa, cướp đi sinh mạng của 16 công nhân, hàng chục người khác bị thương đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc an toàn lao động tại khu vực này.

Có hay không việc các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý lao động, chưa có chế tài xử phạt đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm các quy định về an toàn lao động?

Lao động Việt Nam không được bảo vệ?

Ngày 27/3, trong buổi họp báo vụ sập giàn giáo do tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức, trước những câu hỏi liên quan tới việc này, các ban, ngành có liên quan của tỉnh Hà Tĩnh đều khẳng định đã làm hết trách nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh thông tin rằng: "Trước khi tai nạn sập giàn giáo xảy ra, Sở đã tiến hành xử phạt hơn 1 tỷ đồng vi phạm an toàn lao động tại khu công nghiệp Formosa. Chúng tôi cũng vừa tổ chức xong tuần lễ an toàn lao động tại Khu kinh tế Vũng Áng. Về sự cố vừa qua, Samsung C&T (nhà thầu chính) phải chịu trách nhiệm chính. Còn các nhà thầu phụ sẽ chịu trách nhiệm liên đới".

Thế nhưng, việc có thông tin từ công nhân đang điều trị tại bệnh viện tố cáo rằng. Trước khi giàn giáo sập đã có những dấu hiệu không an toàn như rung, lắc, tụt 2 lần… Khi đó, các công nhân đã bỏ chạy ra ngoài, nhưng quản đốc người Hàn Quốc yêu cầu quay lại làm việc và dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng trong buổi họp báo.

Ông Nguyễn Văn Sơn và ông Phạm Trần Đệ, Phó ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh đều né tránh: Chờ cơ quan liên ngành làm rõ nguyên nhân mới có thể trả lời cụ thể. Ông Phạm Trần Đệ nói thêm: "Chúng tôi thường xuyên đôn đốc nhưng do công trường rộng lớn, có hơn 30 nghìn lao động nên chỉ dừng lại ở nhắc nhở, kiểm tra". Nhà thầu Samsung cũng không trả lời câu hỏi này.

Anh Lâm Hữu Chiến, một công nhân làm tại công trình vừa xảy ra tai nạn ở Formosa

Anh Lâm Hữu Chiến, một công nhân làm tại công trình sập giàn giáo vừa rồi cho hay, một ngày làm việc tại Formosa bao gồm 2 ca sáng và đêm. Ca sáng bắt đầu từ 7h sáng tới 19h tối, còn ca đêm sẽ là từ 19h tối tới 7h sáng hôm sau. Như vậy mỗi ca lao động tại khu vực sập giàn giáo lên đến 12 tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên trong hợp đồng lao động với công nhân của công ty Nibelc ghi rõ, “thời gian làm việc trong ngày là 8 tiếng đồng hồ”. Rõ ràng, việc này nhà thầu đã làm sai những điều khoản ghi trong hợp đồng với công nhân, khi họ phải làm quá 4 tiếng so với những gì ghi trong hợp đồng.

Ngoài ra, để làm ca sáng những công nhân tại đây thường phải dậy từ 5h sáng để ăn cơm đối với ca sáng, ca đêm là 12h đêm thì được nghỉ ngơi ăn đêm. Theo anh Chiến, khối lượng công việc tại công trường là vô cùng lớn, có những hôm anh mệt mỏi mà không dám xin nghỉ, vì phía Nibelc có những quy định vô cùng cứng rắn. Anh Chiến cho hay: “Nếu chúng tôi tới muộn, hay nghỉ không phép 1 ngày thì có khi sẽ bị đuổi việc ngay, thế nên anh em chúng tôi nhiều khi không dám nghĩ tới việc nghỉ làm.”

Như vậy, việc bảo hộ người lao động Việt Nam tại khu kinh tế Vũng Áng thực sự đang tồn tại những vấn đề không hề nhỏ. Những người lao động Việt Nam đang ở trong một tình trạng thiếu an toàn, có thể dẫn tới những tai nạn đáng tiếc bất cứ lúc nào.

Tú Cẩm (tổng hợp)