Vợ chồng già "màn trời chiếu đất" quận Ba Đình-Hà Nội

07:30 | 31/10/2014

1,213 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần 20 năm qua, hai ông bà Phạm Ngọc Sơn (83 tuổi) và Chu Thị Mận (76 tuổi) sống cơ cực từng ngày tại một túp lều sơ sài được dựng lên với chiếc phản nhỏ đơn sơ, không mái che đầu, nằm nép mình sát đường ray tàu hỏa.

Căn lều tạm bợ là “tổ ấm”  gần 20 năm qua của ông Sơn - bà Mận.

Dù đã xác định trước tinh thần về hoàn cảnh khó khăn của đôi bạn già này nhưng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được mục sở thị “ ngôi nhà” của ông bà bên gác chắn tàu đoạn giao cắt giữa đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Thái Học (Ba Đình, Hà Nội).

Nhiều năm qua họ đã sống trong cảnh màn trời chiếu đất không đèn, không điện đã thành quen với đôi vợ chồng già này. Mọi sinh hoạt của ông bà đều gần bên đường ray từ ăn ngủ, nấu cơm, giặt giũ... ngay cả nhà tắm cũng chỉ dùng bạt quây lại, một không gian sống khác hẳn với sự nhộn nhịp, sang trọng nơi thành thị.

Nhìn cảnh tượng này không ai nói đó là nơi sinh sống của hai con người.

Trong “ngôi nhà” ấy, chỉ có vẻn vẹn tấm phản vẹo vọ bên chiếc tủ cũ, vài cái rổ và bát đĩa... Đó là tất cả những gì họ có. Thậm chí, đến nơi mà họ ngủ là cái phản bên trên chẳng có gì che chắn.

Cách đường ray tàu hỏa chừng 5m, chiếc phản rung lên bần bật mỗi khi tàu chạy qua. Bà Mận kể, những ngày đầu ở gần đường ray bà gần như thức trắng đêm, đếm từng lượt tàu chạy. Giấc ngủ vừa chập chờn chưa yên thì con tàu khác lại ầm ầm lao tới. Những đêm mưa gió vợ chồng già chúng tôi lại thức, chằng chéo tấm bạt duy nhất trên đầu. Khi ấy, chăn gối đồ đạc cũng ướt hết.             

Giấc ngủ trưa của ông Sơn.

Trước khi gá nghĩa, ông Sơn và bà Mận đều trải qua những hoàn cảnh khá éo le. Mỗi người một hoàn cảnh, ông rời quê lên Hà Nội làm ăn, bà cũng lên Hồ Tây mưu sinh bằng nghề mò cua, bắt ốc. “Ngày bà về ở cùng tôi, không đám cưới, chỉ có tình thương của hai người dành cho nhau”, ông Sơn cười nói.

Tuổi già sức yếu và nhiều khi cả sự nguy hiểm đeo bám cuộc sống của ông bà.

Ông Sơn quê ở Nam Định, là bộ đội xuất ngũ, đã từng tham gia đánh Pháp, Mỹ. Năm 1986, ông trở về với mảnh đạn vẫn còn găm trên đầu, mỗi khi trái gió trở trời vết thương lại hành hạ khiến ông phải lên điều trị tại Bệnh viện 103 suốt thời gian dài. Ở nhà, vợ ông đã làm chuyện có lỗi. Quá đau lòng trước những vết thương cả về thể xác lẫn tinh thần, ông quyết định ra đi.

Lang bạt nhiều nơi đến năm 1998, ông nghe theo đồng đội lên Hà Nội phụ giúp họ làm ở trạm chắn đường tàu Nguyễn Thái Học. Ông hưởng lương theo ca và không có biên chế.

Bà Mận cũng éo le chẳng kém gì ông Sơn. Quê ở huyện Bình Giang (Hải Dương) nhưng bà không muốn về. Nơi đó có người chồng phụ bạc đã bỏ bà, lấy vợ khác. Kể từ đó, bà mất con, không thể nào liên lạc được với đứa con gái do mình dứt ruột đẻ ra. Quá uất ức, bà rời bỏ nhà đi lên Hà Nội mò cua bắt ốc, nhặt đồng nát ở các con phố kiếm sống qua ngày.

Tình cờ gặp nhau khi mỗi lần bà đem ốc, trai bán gần đường ray, được biết về hoàn cảnh éo le của bà Mận, thương hoàn cảnh bà, ông Sơn mở lời mời sống chung. Ông dựng cho bà một cái lều bên cạnh trạm chắn để có chỗ chui ra, chui vào. Ông cũng khuyên bà thôi bắt ốc, chuyển sang nhặt đồng nát. Mấy năm nay, bà Mận tuổi cao không đi được xa nên chỉ nhặt xung quanh chỗ ở và gom góp đồ phế liệu người dân mang đến cho. 

Cuộc sống của đôi bạn già cứ như vậy, trôi qua. Mỗi khi nhớ về quê nhà, họ lại đau đáu nỗi niềm bởi lẽ gần 20 năm nay sống ở đây, con cái họ chưa từng một lần ghé thăm, quan tâm tới cuộc sống của ông bà. Hiện tại hai ông bà sống nhờ số tiền phụ cấp 600.000 đồng/tháng của ông và tình thương của người dân sống xung quanh.

Giờ đây khi tuổi ngày càng cao, sức khỏe dần một yếu đi, điều khiến ông Sơn lo sợ nhất chính là nỗi cô đơn khi bà ấy mất trước. "Tôi không biết phải sống như thế nào và nếu như tôi mất trước, thì ai là người chăm sóc cho bà ấy đây?”.

 

Nguyễn Hoan