Vì sao bà Đặng Thị Hoàng Yến bị bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội?

16:44 | 25/04/2012

1,729 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQVN) vừa họp hội nghị lần thứ 8 vào giữa tháng 4 này và một trong số những vấn đề “nóng” được đề cập tới là biểu quyết đề nghị bác bỏ tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Dư luận thêm một lần nữa xôn xao về trường hợp nữ doanh nhân này. Rất nhiều câu chuyện về bà Yến đang được khơi gợi lại.

UB TƯ MTTQ Việt Nam đã họp và thống nhất ý kiến đề nghị bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến với 100% thành viên biểu quyết nhất trí nội dung và đề xuất bãi nhiệm trên. Trong cuộc họp của UBMTTQ tỉnh Long An cũng cho kết quả tương tự. Chủ tịch UB TƯ MTTQ Huỳnh Đảm cho biết, sau cuộc họp này, Ban Thường trực Ủy ban sẽ khẩn trương phản ánh kết quả tới các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng tổ chức họp riêng về nội dung này.

Theo đó, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ vẫn đang tiếp tục việc thẩm tra tư cách đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến, hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Việc xem xét tư cách nữ đại biểu doanh nhân này có thể tiến hành tại kỳ họp Quốc hội thứ 3 trong tháng 5 tới, khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. UBTVQH sẽ có cuộc họp tổng hợp lại kết quả ý kiến của UB MTTQ tỉnh Long An và UB TƯ MTTQ Việt Nam. Tại phiên họp thứ 8 vào đầu tháng 5 tới, các vị ủy viên của UBTVQH sẽ phân tích, đánh giá xem xét lại vấn đề một lần nữa để quyết định có trình việc này ra Quốc hội trong kỳ họp thứ 3 hay chưa.

Lý lẽ của bà Yến về cuộc hôn nhân với ông Jimmy Trần

Cuộc họp của UB MTTQ tỉnh Long An đã xem xét các nội dung liên quan đến lý lịch cá nhân của bà Đặng Thị Hoàng Yến, nhất là hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội của bà đã khai không trung thực thông tin cá nhân. Ngoài ra, cuộc họp cũng xem xét vấn đề quan hệ hôn nhân giữa bà Đặng Thị Hoàng Yến và ông Jimmy Trần (ông này đang bị công an truy nã). Trước đó, Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cũng đã tiến hành xác minh, thẩm tra và có kết luận ban đầu về một số nội dung liên quan đến nữ đại biểu này, sau khi nhận được một số nội dung tố cáo.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến trong một kỳ họp Quốc hội

Theo bà Hoàng Yến giải trình, năm 2002, bà xuất cảnh sang Mỹ theo hộ chiếu công vụ và được cấp visa B1, loại dành cho doanh nhân để tìm kiếm cơ hội đầu tư làm ăn. Đến cuối năm 2003, bà Yến gặp gỡ, quen biết và sau đó đã kết hôn với ông Jimmy Trần vào ngày 17/8/2007 tại Mỹ. “Chỉ ngay sau khi kết hôn, tôi phát hiện ông ta bài bạc tiêu tốn hàng triệu đôla và tôi là người phải trả nợ cho ông ta”, bà Yến “tố” ông chồng Việt kiều của mình. Và cũng với lý do này bà Yến đã xin ly hôn với Jimmy Trần rồi trở về Việt Nam. Sau nhiều lần năn nỉ, Jimmy Trần đã về nước và đến tháng 9/2008, bà Yến cho Jimmy Trần vào làm việc tại Công ty

Vietnam Land của em họ mình. Nhưng không lâu sau, Jimmy Trần bị phát hiện quan hệ với gái mại dâm ở một khách sạn tại TP HCM. Sự việc này đến tai bà Yến, do không thể chịu đựng thêm được nữa nên bà lại đâm đơn ra tòa xin ly hôn. Bà Yến ghi trong bản tường trình: “Ngay chính bản thân tôi đã bị gái mại dâm tống tiền. Vì vậy đến 9/7/2009, ông ta phải đồng ý ký vào đơn ly hôn với lý do: ông Jimmy Trần vi phạm Luật Hôn nhân gia đình và vi phạm đạo đức trong sinh hoạt”.

Tuy nhiên, theo một số tài liệu thì năm 2007 bà Yến kết hôn với ông

Trần Jimmy rồi hai người sống ở Mỹ đến tháng 9/2008 mới về Việt Nam. Đến tháng 7/2010, bà Yến nộp đơn xin ly hôn chồng. Tháng 10/2010 TAND tỉnh Long An đưa vụ án ra xét xử đồng ý cho bà Yến ly hôn mà không có mặt bị đơn là ông Jimmy Trần. Tuy nhiên, cuối năm 2011, TAND Tối cao đã kháng nghị đồng thời quyết định hủy bản án ly hôn của TAND tỉnh Long An để xét xử lại. Trong lúc cơ quan xét xử chuẩn bị ra quyết định đình chỉ vụ án thì nguyên đơn xin rút đơn ly hôn.

Bà yến từng “làm lộ bí mật Nhà nước”

Kể từ giữa năm 2011, Báo Năng lượng Mới và một số cơ quan báo chí khác đã nhận được đơn thư đề nghị xem xét tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã điều tra xác minh và thu thập được rất nhiều tài liệu liên quan. Tuy nhiên khi bài báo đã lên trang và chuẩn bị đưa nhà in thì không hiểu sao bà Yến biết được và đã nhờ đến một số lãnh đạo cấp cao can thiệp để gỡ bỏ bài báo đó. Đến thời điểm này, chúng tôi xin lược lại một số thông tin. Đơn tố cáo cho biết, sau khi lập công ty vào năm 1998, bà Yến không chịu kinh doanh theo đúng ngành nghề được ghi trong giấy phép mà thành lập ngay một đường dây chạy thầu cho một số dự án điện do chính bà đứng đầu “lèo lái”. Từ đây, bà chuyên móc nối vào nội bộ các cơ quan Nhà nước để lấy cắp tài liệu bí mật Nhà nước rồi cung cấp cho nhà thầu nước ngoài. Tuy nhiên đường dây này hoạt động trong một thời gian ngắn thì bị phát hiện.

Lần theo các đầu mối thông tin, có thể thấy rằng: Đầu năm 1998, A17 – đơn vị thực hiện Chuyên án AB98 tổ chức đấu tranh với một số đối tượng trong đường dây chạy thầu một số dự án điện, trong đó bà Đặng Thị Hoàng Yến (lúc đó đang là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Yến) là đối tượng chính. Qua đấu tranh chuyên án, cho thấy bà Yến đã lập và điều hành một đường dây móc nối vào nội bộ các cơ quan Nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam… nhằm thu thập tin tức, tài liệu bí mật của Nhà nước để giúp Công ty ABB thắng thầu một số dự án điện lớn của Việt Nam.

CQĐT đã xác định một số đối tượng trong đó có bà Đặng Thị Hoàng Yến và Lâm Minh, Nguyễn Duy Bình – nhân viên Văn phòng Công ty ABB tại Việt Nam, Phạm Hữu Hòa – lái xe cho đồng chí Võ Hồng Phúc khi ấy đang là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là những đối tượng “đầu vụ”. Ngày 2/3/1998, CQĐT đã khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt bí mật Nhà nước trong việc đấu thầu các dự án điện”. Đồng thời bắt, khám xét, khởi tố và tạm giam 3 bị can là Lâm Minh, Nguyễn Duy Bình và Phạm Hữu Hòa vì có hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”, được quy định tại Điều 92 Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam. Nguyễn Duy Bình còn có thêm hành vi phạm tội “tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước” cũng được quy định tại Điều 92 Bộ luật Hình sự. Nhiều tài liệu bí mật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Bộ Công nghiệp đã được thu giữ. Riêng bà Đặng Thị Hoàng Yến đã tìm được cách lẩn trốn. 3 đối tượng còn lại đều khai nhận hành vi phạm tội và khai báo về việc được bà Yến móc nối, chỉ đạo tìm cách lấy cắp tài liệu phục vụ cho việc chạy thầu các dự án điện của Công ty ABB.

Có hay không việc bà Yến là đầu mối chuyển tiền bất hợp pháp?

Sau khi kết thúc điều tra, bà Yến và một số đối tượng khác đã bị đưa vào diện cấm xuất cảnh trong hai năm. Đến tháng 9-2000, Tổng cục An ninh đã đồng ý giải tỏa lệnh cấm xuất cảnh cho những đối tượng này. Từ năm 2002 bà Yến xuất cảnh sang Mỹ, lưu trú lâu dài. Đơn thư tố cáo có nêu: “…Sau hơn 5 năm ở Mỹ, năm 2008, Jimmy Trần cùng bà Yến về Việt Nam sống ở TP HCM và thành lập Công ty Cổ phần và Phát triển đô thị Việt Nam (Vietnam Land) do Jimmy Trần làm Tổng giám đốc. Chỉ trong vòng hai năm 2008-2009 hoạt động tại Việt Nam, vợ chồng Đặng Thị Hoàng Yến đã thiết lập một đường dây chuyên chuyển tiền bất hợp pháp từ Mỹ về Việt Nam và ngược lại. Có tin là bà Yến đã cùng Jimmy Trần chuyển về Mỹ hàng trăm tỉ đồng. Hiện nay, Jimmy Trần đã bỏ về Mỹ khi Cơ quan Công an trong nước có lệnh truy nã…”. “Để hướng lái dư luận, bà Yến đã tung tin bà bị Jimmy Trần lừa đảo và ly hôn với Jimmy Trần…”.

Được biết, sau sự ra đi của ông chồng, bà Yến đã cùng với em trai là Đặng Thành Tâm tham gia điều hành Công ty CP Tân Tạo tại TP HCM và làm nhiều dự án ở Long An, các tỉnh miền Tây. Do làm ăn gian dối, bà Yến bị một công ty ở Long An khởi kiện. Giữa lúc này, bà Yến cùng em trai mình là ông Đặng Thành Tâm đều trúng cử ĐBQH.

Bà Yến có bỏ 600 triệu đồng để “mua phiếu”?

Dư luận nhân dân tỉnh Long An và TP HCM nói nhiều về chuyện bà Yến đã chi nhiều tiền cho việc tranh cử ở tỉnh Long An. Thậm chí còn có tin rằng, trong thời gian lưu trú dài hạn tại Mỹ, bà Yến đã có một số mối quan hệ khá phức tạp. Và cũng từ đây, bà Yến đã có “ô dù” để được giới thiệu ứng cử ĐBQH. Vậy có hay không chuyện bà Yến đã chi nhiều tiền để “mua phiếu bầu” cho mình ở điểm tranh cử là tỉnh Long An?

Ông Jimmy Trần và bà Đặng Thị Hoàng Yến

Theo tìm hiểu, ngày 29/4/2011, bà Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Tân Đức (đóng tại huyện Đức Hòa, Long An) đã tổ chức một buổi lễ “Tri ân cán bộ lão thành cách mạng” của 4 huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ – là nơi mà bà Yến ứng cử ĐBQH cùng các ứng cử viên khác như Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án tối cao Trương Hòa Bình, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An Trương Văn Nọ… Theo Chánh văn phòng Tỉnh ủy Long An và Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Long An cho biết: lễ “Tri ân cán bộ lão thành cách mạng” này do bà Yến tự đứng ra tổ chức. Trước ngày làm Lễ tri ân này, Công ty CP Đầu tư Tân Đức có trình kế hoạch cho UBND tỉnh, đồng chí Trần Minh Hùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh có đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch trên nhưng chưa có văn bản đồng ý cho tổ chức. Còn lãnh đạo tỉnh ủy thì không hay biết về việc này. Khách mời dự lễ tri ân khoảng 1.300 đại biểu, mỗi huyện có 200 đại biểu, ngoài ra còn có đại biểu đại diện các cơ quan, ban, ngành của tỉnh.

Mỗi khách mời đến dự lễ khi ra về được công ty tặng một phong bì 500.000 đồng. Với số khách mời này thì chắc hẳn số tiền mà công ty đầu tư cho khoản “phong bì” là hơn 600 triệu đồng. Điều này khiến dư luận quần chúng nhân dân càng thêm hoang mang trước thông tin bà Yến trúng cử ĐBQH. Bởi có thể hiểu lễ tri ân cán bộ lão thành cách mạng này chỉ là một cái cớ để “bà Yến rải tiền mua phiếu bầu cho mình”. Mà theo Điều 12 Luật Bầu cử quy định về mục đích yêu cầu vận động bầu cử có điểm 2 – mục e nêu rõ: Không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo mua chuộc cử tri. Chính bởi “nghi vấn” này đã khiến nhiều người dân, cán bộ các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh Long An trở nên vô cùng bức xúc về việc một người có đầy “dấu hiệu bất ổn” như bà Đặng Thị Hoàng Yến lại lọt vào cơ quan dân cử cao nhất trong nước.

Đó là chưa kể đến những “nghi án” khác nhằm lobby cho bà Đặng Thị Hoàng Yến trong thời gian trước bầu cử ĐBQH. Như việc kênh truyền hình cáp VBC của Tập đoàn Tân Tạo đã thực hiện phỏng vấn hai trường hợp tại điểm tiếp xúc cử tri, dù kênh truyền hình này không có chức năng phát sóng về thời sự chính trị, mà chỉ phát sóng các chương trình ca nhạc, chiếu phim. Hay việc ngày 19/5/2011, bà Yến chính thức thông báo với UBND các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ về việc mình sẽ dùng tiền cá nhân và gia đình để tài trợ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân các huyện trên mượn vốn, với số tiền 2 tỉ đồng/huyện nhằm hỗ trợ cho phụ nữ và nông dân xoay vòng làm kinh tế gia đình. Thông tin này đã được đăng tải trên tờ báo của tỉnh, khiến nhiều cử tri hiểu nhầm rằng bà Yến tặng số tiền 8 tỉ đồng cho Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân của 4 huyện trên. Tuy nhiên, dù hiểu nhầm hay hiểu đúng thì cho đến nay số tiền này được xác nhận là chưa được thực hiện.

“Tôi xin chấp nhận việc bãi nhiệm”

Sáng 21/4, bà Đặng Thị Hoàng Yến tiếp xúc với một số nhà báo tại Khu Công nghiệp Tân Đức – Long An, là nơi bà đang giữ vai trò Chủ tịch HĐQT. Nội dung cuộc gặp này là những đề nghị xem xét bãi miễn tư cách ĐBQH của bà.

Bà Hoàng Yến chia sẻ về việc 100% đại biểu đều đồng thuận kiến nghị bãi nhiệm tư cách ĐBQH của mình: “Tôi hiểu, mong muốn của cử tri được biết về những đại biểu mà họ đã bầu là hoàn toàn chính đáng. Nhưng chuyện của tôi là tai nạn hoàn toàn không mong muốn. Theo tôi, Ban tổ chức đã không làm tốt việc hướng dẫn kê khai lý lịch. Khi tôi làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, nhận hồ sơ từ Sở Nội vụ, không ai hướng dẫn cần phải khai như thế nào. Tôi hiểu rằng các biểu mẫu khai lý lịch là do Hội đồng bầu cử trung ương quy định, thống nhất phát hành cả nước, nhưng các thông tin hướng dẫn không đầy đủ. Tôi tự khai hồ sơ. Ngày 14/3 tôi nộp hồ sơ ở Sở Nội vụ, Sở yêu cầu bổ sung một số nội dung. Ngày 18/3 hạn cuối nộp hồ sơ, tôi nộp lại và Sở nhận mà không yêu cầu khai tên chồng ly hôn. Tôi tin trong số các đại biểu Quốc hội hiện nay cũng có những trường hợp tương tự tôi, hầu như không ai khai ly hôn cả”.

Vậy thì lỗi ở đây là do Ban bầu cử không hướng dẫn kê khai ư? Bà Yến giải thích: “Nếu nói là lỗi của Ban bầu cử thì cũng không đúng. Mọi người đã thực hiện theo trách nhiệm của mình, chỉ là không có ai nghĩ sẽ xảy ra việc như hôm nay. Nếu tôi nghĩ có ngày như hôm nay thì tôi đã làm khác, đã khai đầy đủ thông tin về chồng hay đã được kết nạp Đảng nhiều năm trước. Về những thiếu sót trong các biểu mẫu khai của ứng cử viên đại biểu Quốc hội, tôi nghĩ Hội đồng bầu cử khóa sau sẽ bổ sung chặt chẽ và hoàn thiện hơn để không ai vướng vào trường hợp giống tôi”.

Bà Yến đưa ra lập luận của riêng mình: “Việc xem xét bãi nhiệm tư cách của tôi là đúng, nhưng sẽ có người không tâm phục khẩu phục trong bối cảnh đất nước hội nhập như hiện nay. Tôi là một trong 3 thành viên được Chính phủ cử tham gia Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, do đó việc bãi miễn càng phải làm cho rõ. Tôi cũng đã viết đơn trình bày, sẵn sàng chấp nhận mọi quyết định của tổ chức, nhưng yêu cầu làm rõ 3 vấn đề. Thứ nhất: Việc khai theo biểu mẫu không đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri khác xa với việc khai không trung thực; Thứ hai: Đề nghị làm rõ nhiều đại biểu khác trong tình trạng hôn nhân như tôi có ai khai trong hồ sơ không; Thứ ba: Từ tháng 11/2011 tôi đã có văn bản gửi Ban công tác đại biểu Quốc hội, phản ánh bản lý lịch của tôi đã bị sửa đổi, tẩy xóa viết thêm bằng tay. Tôi đã yêu cầu làm rõ nhưng đến nay chưa nhận được trả lời. Tôi đang chờ kết luận của Ban công tác đại biểu Quốc hội”.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến sinh năm 1959, quê quán tại Đông Hải, An Hải, Hải Phòng, có hộ khẩu thường trú tại phường 10 quận Phú Nhuận, TP HCM. Năm 1998 bà Yến đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoàng Yến tại TP HCM. Từ năm 2002 đến 2007, bà xuất cảnh và lưu trú dài hạn tại Mỹ. Từ năm 2008 đến nay bà Yến về nước thành lập công ty và giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Tạo. Ngoài ra, bà còn tham gia thành lập nhiều công ty và triển khai các hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, thuộc nhiều tỉnh thành khác nhau và là một trong những doanh nhân được đánh giá là có tài sản lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Huyền Trang