Tưởng niệm, cầu siêu cho vong linh người chết vì TNGT

20:34 | 10/11/2012

659 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 10/11, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ hướng tới hoạt hướng tới “Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông”.

Đến dự đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông có đồng chí Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - PCT Uỷ ban ATGT Quốc gia; Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; cùng các chư vị tăng ni, phật tử cùng hàng trăm thân nhân có người tử vong vì tai nạn giao thông.

Tại buổi lễ, các chư vị tăng ni, phật tử, đại biểu và thân nhân gia đinh các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông đã dành một phút tưởng niệm, tụng kinh cầu siêu và mong rằng những người không may bị tử nạn do tai nạn giao thông sẽ sớm siêu đăng phật quốc.

 

Rất nhiều thân nhân gia đình các nạn nhân tử vong vì TNGT đã đến dự lễ cầu siêu.

 

Phát biểu tại lễ cầu siêu Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Những di chứng sau mỗi vụ TNGT để lại luôn kéo dài và không lường hết được, nó khiến cho xã hội bị tổn thương nghiêm trọng. Thêm vào đó, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng hàng nghìn tỉ đồng để khắc phục hậu quả của TNGT hàng năm. Điều đó đe dọa đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm ảnh hưởng đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè, đối tác”.

Bằng nhiều hành động mạnh mẽ, thông qua các chính sách quốc gia và những cam kết xã hội, Việt Nam đang làm mọi cách để giảm số vụ TNGT – kèm theo đó là giảm thiểu số người chết và số người bị thương. Nhưng chúng ta vẫn có thể và cần làm nhiều hơn nữa. Nhà nước, các tổ chức xã hội, các đoàn thể cho đến từng cá nhân, đều phải chung tay hành động và hành động một cách quyết liệt.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Lễ cầu siêu nhằm nhắc nhở mỗi chúng ta về những nỗi đau mà tai nạn giao thông gây ra.

 

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông; bày tỏ sự chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ. Đại lễ còn là cơ hội nhắc nhở chính mỗi người, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng về tầm quan trọng của việc phải chủ động góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho mình và cộng đồng.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: “Đại lễ cầu siêu là việc làm cần thiết nhằm tuyên truyền ATGT là trách nhiệm chung của mỗi người, trong đó có chức sắc nhà tu và mỗi tín đồ. Trên tinh thần đó, tôi đề nghị quý vị tăng ni, trụ trì các trụ sở tu viện trong mỗi buổi giảng đạo, hay mỗi buổi hành lễ có nội dung lồng ghép công tác tuyên truyền về ATGT đến các Phật tử.

Các Phật tử chúng ta luôn tâm niệm phật sự này được tuyên truyền sâu rộng đến các thành viên trong mỗi gia đình, trong cộng đồng làng, xã, phố, phường - nơi mình cư trú và nơi mình làm việc. Làm được Phật sự này, chính là chúng ta đã thành tâm cúng dàng Chư Phật."

Bênh cạnh lễ tụng kinh cầu siêu, Ban kinh sư Học viện Phật giáo Việt Nam đã thực hiện các nghi lễ như cúng phật đại khoa, cúng tiếp chân linh, cúng triệu chân linh, cúng cơm chân linh,… cho các nạn nhân không may tử vong vì tai nạn giao thông.

T.M

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc