Cô đơn giữa hội Trăng rằm:

Trung thu của người lớn

09:01 | 27/09/2012

936 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Trong khi bố mẹ vò đầu bứt tai lo chuyện quà cáp, biếu xén dịp Trung thu, thì nhân vật chính – những đứa trẻ - lại bị gạt ra ngoài cái tết dành cho chúng.

>> Bài 1: Trong nỗi nhớ Trung thu xưa

>> Bài 2: Trẻ em cần gì Trung thu bạc triệu!

>> Bài 3: Tết Trung thu và “cuộc chơi” của người lớn!

>> Bài 4: Bản lĩnh văn hóa - Nhìn từ tấm bánh Trung thu

 

“Cháu không thích Trung thu”

Tết Trung thu thường gọi là tết đoàn viên, tết của sự tròn đầy, viên mãn, sum họp; lúc này, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau phá cỗ, trông trăng, trẻ em được xem múa lân và nhận được những lời cổ vũ, động viên tinh thần học tập từ người lớn.

Thế nhưng Trung thu của em Nguyễn Hoài Nam (Ba Đình, Hà Nội) không có múa lân sư, không có phá cỗ mà chỉ có mấy hộp bánh nướng, bánh dẻo mua sẵn, lạnh ngắt, chỏng chơ. Chị Phạm Thị Tuyết, mẹ Nam, chép miệng: “Bây giờ làm gì còn nhà ai phá cỗ, trông trăng nữa? Trung thu bây giờ nhiều việc lắm, còn phải quà cáp cho các sếp, rồi cho họ hàng, ông bà. Làm hết cũng bở hơi tai rồi, còn sức đâu mà bày mâm bày cỗ cho trẻ con được?”.

Trong nhà chị Tuyết xếp đầy những hộp bánh Trung thu đắt tiền của các hãng bánh nổi tiếng, nhưng nó không dành cho Nam, mà dành cho những lần biếu xén, tạo quan hệ của hai vợ chồng. Càng gần đến Trung thu, việc chuẩn bị lại càng sốt sắng hơn, anh chị càng thiếu thời gian dành cho đứa con trai 8 tuổi của mình.

 

Những hộp bánh trung thu không dành cho trẻ con

 

Nam chia sẻ, thấy các bạn hàng xóm được bố mẹ đưa đi chơi, mua đèn ông sao, đồ chơi mới… Nam thích lắm, nhưng cứ đòi là bố mẹ lại mắng. Nam nói: “Cháu vẫn nhớ ngày bé tý được bố cho đi chơi, mua mặt nạ, mua đèn ông sao, vui lắm! Nhưng bây giờ bố mẹ không đưa cháu đi chơi, cũng không cho đi đâu cả. Cháu chẳng thích Trung thu nữa”.

Cũng giống Nam, con gái của chị Trần Thu Trang (Đống Đa, Hà Nội) cũng không có được Trung thu đúng nghĩa. Chị Trang hiện đang là phó phòng của một công ty nhà nước, lại được xếp vào danh sách “cán bộ nguồn”, nên cứ mỗi dịp lễ tết, vợ chồng chị lại “vò đầu bứt tai” tìm đường quà cáp cho sếp.

Chị cho biết: “Phải nghe nghóng xem năm nay có loại bánh gì mới, sang trọng là phải mua ngay để đem biếu. Như năm nay, có hãng khuyến mãi “Mua 1 – tặng 1”, mình mà không biếu sớm, người ta cũng lại “discount” tấm lòng của mình xuống còn 1 nửa ngay”.

Tính toán, nghe ngóng kỹ càng như thế, nhưng chị lại không bao giờ tổ chức Trung thu cho con gái mình. Chị nói: “Trung thu thì ở lớp cháu cũng tổ chức rồi, nhà tôi chỉ mua hộp bánh bình thường về thắp hương là đủ. Bây giờ trẻ con thiếu gì quà bánh, không phải quan trọng hóa Trung thu”.

Nghe con gái đòi đi Bảo tàng Dân tộc học để chơi trò chơi dân gian, chị Trang gạt phắt, mặc cho cô con gái 10 tuổi mếu máo, dằn dỗi. Chị cho biết: “Mình không có thời gian đưa con đi, để nó ở nhà chơi cũng được. Trung thu bây giờ có an toàn như trước đâu”.

Trung thu không phải của trẻ con

Trong khi người người, nhà nhà đang chuẩn bị cho tết Trung thu, phố phường nhộn nhịp, ồn ã với những quán hàng bán bánh Trung thu, đồ chơi Trung thu cho trẻ, thì đâu đó trong lòng phố thị, có nhiều trẻ em không biết đến cái tết thiếu nhi này. Không phải gia đình hay cha mẹ quá nghèo khó, không thể mua cho con được 1 cái bánh Trung thu, 1 cây đèn ông sao để chơi trăng, mà bởi họ quá bận rộn, đến mức quên mất niềm vui của con cái mình.

Tết Trung thu chính là tết của đoàn viên, của sum họp. Ấy thế nên những chiếc bánh nướng, bánh dẻo còn được gọi là “bánh trăng”, hay “bánh đoàn” (ý nghĩa đoàn viên). Và tết Trung thu cũng chính là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, trong không khí mùa thu dịu mát để trò chuyện, để chia sẻ.

Trung thu mỗi thời mỗi khác và cũng ăm ắp, sum suê hơn theo năm tháng. Thế nhưng niềm vui dành cho trẻ nhỏ lại bớt dần, bớt dần đi và cũng tỷ lệ thuận với sự bộn bề, vôi vã của cha mẹ.

Các bậc phụ huynh đủ tiền mua những hộp bánh vài chục triệu đồng, thừa mứa thời gian ăn uống, giao lưu nhưng lại quá ít thời gian và sự quan tâm dành cho trẻ nhỏ, dành cho cái tết Trung thu. Vốn dĩ, người lớn chỉ “vui ké” niềm vui của con trẻ, nay lại gạt phắt nhân vật chính ra bên lề, và lợi dụng dịp tết đoàn viên cho việc biếu xén, chạy chọt.

Phụ huynh nên dành thời gian chăm sóc cho niềm vui con trẻ

Trung thu trong mắt trẻ con bây giờ cũng khác hẳn với trong mắt trẻ con ngày trước. Trẻ em không còn háo hức đợi Trung thu để được ăn bánh nướng, bánh dẻo, bởi quanh chúng đã quá thừa mứa đồ ăn, đồ uống.

Các trò chơi dân gian, múa sư tử, múa lân ngày Rằm cũng ít thấy, ở thành phố thì càng hiếm hoi. Ngay đồ chơi Trung thu cũng vắng bóng các đồ chơi truyền thống, mà thay vào đó là đồ chơi hiện đại. Trẻ con ngơ ngác trước đàu sư tử, trước những con tò he, những ông tiến sĩ giấy và những chiếc đèn ông sao xanh đỏ của ngày xưa, chúng chỉ biết đến súng, gươm, đến những con búp bê bằng nhựa hay những đồ chơi điện tử đắt tiền nhưng thiếu tính nhân văn.

Tết Trung thu, với những gia đình có điều kiện, các em sẽ được dẫn đi xem phim, đi liên hoan trong những nhà hàng, khách sạn sang trọng chứ không được ngắm ánh trăng tròn vành vạnh, được ăn bánh trung thu và nghe lời khuyên bảo, dạy dỗ ân cần của cha mẹ, ông bà.

Cuộc sống càng hiện đại, bố mẹ càng không còn thời gian rảnh rỗi để chăm sóc, quan tâm con cái, càng không có thời gian kể cho con cái nghe những câu chuyện về Trung thu, về ý nghĩa của ngày Tết Trung thu. Trẻ sẽ không biết được câu chuyện về chú Cuội trên cung trăng, về ông tiến sĩ giấy, về đèn kéo quân hay ý nghĩa của ngày tết Trung thu.

Trung thu bây giờ không còn là của trẻ con nữa, niềm vui của các em đã và đang bị chính những bậc phụ huynh “cắt gọt” bớt để dành cho việc trục lợi, mưu sinh. Thay vì vui tết thiếu nhi bên gia đình, các em phải ôm những robot, những búp bê hay những quyển sách dày cộp, trong khi đó, bố mẹ các em đang “chạy đua vũ trang” ngoài xã hội. Vì theo họ, đấy mới là việc cần làm, là việc có ích và thế mới là “Tất cả vì con em chúng ta”.

 

 

Nhóm phóng viên Petrotimes

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc