Nhập khẩu thiết bị y tế "quá đát":

Trách nhiệm của Bộ Y tế ở đâu?

07:00 | 16/01/2014

2,075 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay từ những ngày đầu năm mới, 1 lô hàng thiết bị y tế quá hạn nhập vào Việt Nam đã bị Đội Kiểm soát chống buôn lậu miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) bắt giữ. Đây có thể xem là thông tin gây “sốc” vì những chiếc máy cũ này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét nghiệm và chẩn đoán. Những lô hàng này nếu trót lọt vào ngành y tế Việt Nam trong khám chữa bệnh thì hậu quả thật khó lường.

Năng lượng Mới số 291

Đồ cũ thành hàng mới

Trước sự việc các lô hàng hai Công ty TNHH Thương mại và Kinh doanh thiết bị y tế A.N.N.A (số 18, ngõ 110, đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) và TNHH Kỹ thuật Thiết bị Y tế Bảo Trâm (Công ty Bảo Trâm, ở số 19, 180/2, đường Trần Duy Hưng, Hà Nội) bị cơ quan chức năng lần lượt bắt giữ chỉ cách nhau vài ngày tại sân bay Nội Bài, một lần nữa cảnh báo về sự cấp phép bừa bãi của cơ quan có trách nhiệm. Các thiết bị y tế mà hai công ty chân rết này nhập có nguồn gốc từ nước ngoài và cung ứng cho doanh nghiệp Mỹ Giao ở TP Hồ Chí Minh, khi về Việt Nam, lô hàng này được các công ty “phù phép” thành hàng mới 100%.

Thực tế, theo kết quả giám định ban đầu, toàn bộ số thiết bị y tế nhập khẩu gồm máy soi dạ dày, máy scan phim X-quang và các phụ kiện đi kèm có xuất xứ từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mexico đã bị thải loại do không còn giá trị sử dụng, thuộc diện cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, sở dĩ những lô hàng được xác định là hàng bất hợp pháp bởi thiết bị y tế đã qua sử dụng thuộc danh mục nhóm hàng cấm nhập khẩu và đang được quản lý rất chặt chẽ do có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét nghiệm và chẩn đoán bệnh, ảnh hưởng lớn tới việc bảo vệ sức khỏe con người.

Lô hàng bị bắt giữ tại sân bay Nội Bài

Xử lý người cấp phép

Được xếp vào loại mặt hàng đặc biệt có sự kiểm soát khắt khe của Bộ Y tế nhưng thực tế, những “cỗ máy giết người” được bày bán công khai ngoài thị trường. Theo những thông tin mới đăng tải gần đây thì việc tìm mua một chiếc máy xét nghiệm sinh hóa mang nhãn hiệu Hitachi 911 trên thị trường dễ như mua rau. Thông tin rao bán những chiếc máy này cũng được đăng tràn lan trên mạng. Người bán cũng không ngần ngại khẳng định thông tin: “Không phải là máy mới, mà sản xuất từ năm 1997 đã ngừng sản xuất, được Công ty Diamond của Mỹ thu gom về sửa chữa, được nâng cấp lại, sau đó bán ra thị trường với giá chỉ bằng 1/3 so với hàng “chưa bóc tem”. Người mua cũng sẵn sàng chấp nhận những rủi ro về tính chính xác. Bên cạnh đó, có thể bị thanh tra y tế xử phạt, tịch thu bất cứ lúc nào”. Đối tượng thường nhắm mua các loại máy này chủ yếu là các phòng khám tư nhân “chui”, mục đích làm ăn bất lương cũng quá rõ.

Cũng theo điều tra của VTV, những chiếc máy xét nghiệm sinh hóa bị thu giữ đều gắn mác sản xuất của Hãng Diamon (Mỹ) “mới 100%” nhập về Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép. Cụ thể là doanh nghiệp Bảo Trâm được ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị công trình y tế đã được ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu. Trao đổi với phóng viên trước vấn đề này, ông Hà Đắc Biên, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Thiết bị y tế Việt Nam cũng tỏ ra bất ngờ cho rằng, “đây là điều không bình thường”.

Với kinh nghiệm của một người đã từng tham gia các hội đồng thẩm định, nhập khẩu các thiết bị, ông Biên khẳng định, dòng máy sinh hóa tự động nhãn hiệu Hitachi 911 và Hitachi 917 là dòng máy sản xuất cách đây 15 năm, “hết đát” dừng sản xuất từ lâu. Việc Bộ Y tế đang cấp phép nhập khẩu cho dòng máy này theo diện… máy mới 100% sản xuất năm 2012 thì là điều bất bình thường. Bởi một thiết bị đã ngừng sản xuất, được nhập khẩu từ một công ty chỉ đơn thuần là đi thu gom, tái chế như đồ phế thải mà lại được hợp thức hóa thành máy mới đưa về Việt Nam quá dễ dàng. Cũng theo ông Biên, thiết bị y tế thuộc nhóm mặt hàng đặc biệt và yêu cầu chung phải là hàng mới 100% theo đúng nghĩa. Thời điểm nhập khẩu phải sát với thời gian từ 1 đến 2 năm và có sự đánh giá kỹ lưỡng của hội đồng thẩm định.

Trong khi đó thì Công ty Diamond của Mỹ, được khai báo là bán máy Hitachi 911 mới 100% cho doanh nghiệp lại ngang nhiên giới thiệu trên các website với nội dung sau: “Hitachi 911 không phải là máy do Diamond sản xuất mà là loại máy được hãng này tân trang lại, tháo rời từng phần, sau đó được rửa sạch, đánh bóng bằng sơn công nghiệp 3 lớp bền, phù hợp với tiêu chuẩn ban đầu của thiết bị…”. Nhưng không hiểu sao Bộ Y tế chấp nhận làm ngơ để cho một sản phẩm cũ, không đạt chất lượng biến thành một hàng mới gắn mác sản xuất 2012 và cấp phép nhập khẩu.

Theo quy định, trước khi nhập về Việt Nam, lô hàng này đã có sự thống nhất, tiến tới cấp giấy phép nhập khẩu của hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia y tế, thanh tra y tế. Điều kỳ lạ, theo tài liệu của ông Vũ Minh Tuấn cung cấp thì trong phần ý kiến đóng góp của hội đồng gồm các chuyên gia y tế, thanh tra y tế thông thường có khoảng 7-8 người thì trong văn bản này chỉ ghi gọn lỏn ở phần kết luận là “nhất trí”, ngoài ra không có chữ ký xác nhận của ai. Câu hỏi đặt ra là những ai đã nhất trí nhập khẩu lô hàng này? Đó là chưa kể theo quy định: Doanh nghiệp nhập khẩu còn phải nộp phí cho cơ quan cấp phép để thẩm định về doanh nghiệp, trong đó có tiêu chuẩn quan trọng là hành nghề y dược.

Mỗi năm cả nước bỏ ra hàng trăm tỉ đồng nhập khẩu các loại máy móc trang thiết bị y tế tiên tiến, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Khó có thể tính được, đã có bao nhiêu trang thiết bị y tế kém chất lượng hoặc hết hạn sử dụng đã được đưa vào các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh ở nước ta, nhưng con số chắc chắn không phải là nhỏ. Chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế đã được Bộ Y tế khẳng định, đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ tích cực cho người thầy thuốc trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh. Lĩnh vực trang thiết bị y tế cũng luôn được Bộ này tuyên truyền rằng: “Cần được tăng cường đầu tư cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo tính khoa học và hiệu quả”. Quả là lời nói không đi đôi với việc làm! Qua vụ việc cho thấy, vì sao nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vẫn ngang nhiên hoạt động dưới hình thức “công ty ma”, không có trụ sở hoạt động, rao bán tràn lan trên mạng vẫn được cấp phép nhập khẩu thiết bị y tế từ Bộ Y tế! Phải chăng cũng vì điều này mà chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế chưa được như mong muốn?

Cơ quan chức năng khẳng định đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng Nghị định 12 của Chính phủ về nhập khẩu các thiết bị nằm trong danh mục cấm và Thông tư 24/2011- TT/BYT của Bộ Y tế quy định về các điều kiện nhập khẩu thiết bị y tế.

Theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 hướng dẫn Luật Thương mại, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng là mặt hàng cấm nhập khẩu. Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu cho các công ty có đủ hồ sơ theo đúng quy định tại thông tư 24/2011/TT-BYT ngày 21/6/2011 về việc hướng dẫn nhập khẩu trang thiết bị y tế.

Các thiết bị khi nhập khẩu vào Việt Nam phải là thiết bị y tế mới 100%. Doanh nghiệp khi nhập khẩu phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về nhập khẩu trang thiết bị y tế và phải chịu trách nhiệm về số lượng, trị giá và chất lượng các mặt hàng nhập khẩu theo giấy phép đã được cấp và quy định của pháp luật.


M. Kiên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc