Thịt và nội tạng chỉ được bán trong vòng 8 giờ

08:19 | 10/08/2012

811 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ra Thông tư số 33 quy định về kinh doanh thịt và phụ phẩm; trong đó hàng loạt các yêu cầu mới được đặt ra với việc kinh doanh thịt và phụ phẩm động vật mà hiện nay hầu như các điểm bán ở những chợ truyền thống đều chưa đáp ứng được.

Theo thông tư trên, thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng tám giờ kể từ khi giết mổ. Thịt và phụ phẩm được bảo quản ở nhiệt độ 0 – 5oC chỉ được bày bán trong vòng 72 giờ kể từ khi giết mổ. Đối với phụ phẩm là dạ dày, ruột non và ruột già bảo quản ở nhiệt độ 0 – 5oC chỉ được bày bán trong vòng 24 giờ kể từ khi giết mổ. Bên cạnh đó, không được dùng hoá chất để bảo quản thịt và phụ phẩm tươi sống.

Ngoài ra, Thông tư 33 cũng quy định việc kinh doanh thịt và phụ phẩm phải đảm bảo các điều kiện: Địa điểm kinh doanh phải có đủ nước và xà phòng để rửa tay. Mặt bàn và móc treo bày bán thịt và phụ phẩm được làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, không gỉ, dễ làm vệ sinh tiêu độc khử trùng. Nơi bán phải có đường thoát chất thải lỏng từ quầy bán thịt và phụ phẩm đến đường cống. Người bán hàng không được ngồi trên bàn/quầy bán thịt…

Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 3/9.

Thịt bày bán ở các chợ nhỏ, lẻ thường không đủ các điều kiện đảm bảo vệ sinh

 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ truyền thống như chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Thiếc (quận 11), chợ Nguyễn Thái Bình (quận 1), hầu hết các quầy sạp kinh doanh thịt không đảm bảo các điều kiện như thông tư đặt ra, nhiều tiểu thương bày bán thịt trên những tấm bàn gỗ cũ chỉ lót những tấm bìa carton để thấm nước, thịt được bày bán ngay cạnh nguồn ô nhiễm như cống rãnh, hoàn toàn không trang bị nước và xà phòng để rửa tay.

Đặc biệt, ở những chợ tự phát thì điều kiện buôn bán còn kém hơn, không đảm bảo các điều kiện che chắn để giữ vệ sinh.

Vừa qua, Viện Vệ sinh Y tế Công cộng đã thực hiện lấy 36 mẫu thịt lợn được bán ở các sạp nhỏ lẻ trên địa bàn TP HCM và các tình lân cận. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có đến 34/36 mẫu bị nhiễm khuẩn, trong đó nhiều nhất là khuẩn Ecoli gây bệnh tiêu chảy và khuẩn tụ cầu vàng.

Mai Phương