“Thẳng tay” trừng trị kẻ cắp nơi công cộng:

Thích đáng hay quá đáng?

06:50 | 24/07/2014

2,171 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong thời gian qua, hàng loạt những bức ảnh, đoạn clip ghi lại hành vi trừng phạt kẻ trộm cắp nơi công cộng được đăng tải đã thu hút được sự chú ý của dư luận theo nhiều luồng ý kiến trái chiều: Có người cho rằng, hành vi đánh đập và quay clip kẻ ăn trộm rồi tung lên mạng như vậy là sự trừng phạt thích đáng cho các đối tượng này, nhưng cũng có ý kiến cho rằng hành xử như vậy là quá đáng. Điều đáng suy ngẫm có lẽ không phải chỉ là chuyện xử lý một vài vụ việc, đối tượng ăn cắp vặt mà vấn đề hành xử vô cảm giữa người với người trong xã hội hiện nay mới thực sự nổi cộm.

Bức ảnh cô gái ăn trộm bị trói vào gốc cây trước con mắt thờ ơ của những người xung quanh khiến cho không ít người cảm thấy bức xúc.

Lòng tốt dành cho ai?

Cách đây không lâu, trên mạng Internet xuất hiện một đoạn clip gây xôn xao dư luận khi ghi lại cảnh một nữ sinh ăn cắp quần bị chủ cửa hàng phát hiện và “xử lý” thẳng tay. Sự việc xảy ra ở khu vực chợ bên ngoài cổng trường Trung cấp Y dược TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Số là cô gái trẻ này sau khi thử chiếc quần mới ở cửa hàng này đã có ý định ăn cắp rồi định trốn luôn nhưng đã bị bà chủ hàng phát hiện. Ngay lập tức, người này vừa chửi bới vừa tát liên tiếp vào mặt cô gái trẻ, rồi giật tóc đồng thời dọa dẫm, bắt cô gái này phải cởi ngay quần ra trả ở giữa chợ, trước sự chứng kiến ở hàng trăm người bất chấp những lời van xin của cô gái.

Cảm thấy chưa thỏa mãn, bà chủ này còn dí đầu cô gái kia ra trước nhiều camera điện thoại để cho những kẻ hiếu kỳ có thể quay phim, chụp ảnh thỏa thích. Thêm vào đó, cô gái kia còn bị ép buộc phải mua chiếc quần đã ăn cắp với giá 500.000 đồng, cái giá đắt hơn nhiều so với giá thực của nó.

Trước đó, ngày 27/4/2014, trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một cô gái xinh xắn trong lúc ăn trộm đồ tại một nhà dân trên phố Chùa Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị người dân bắt quả tang, trói chặt hai tay ra sau lưng, tra hỏi, kèm theo đó là khuôn mặt bầm dập vì bị nạn nhân và người dân đánh đập. Theo chia sẻ của nhiều người chứng kiến, trong đó có cả nạn nhân thì cô gái này từng ăn trộm nhiều lần nhưng đến nay mới sa lưới, họ quá tức giận nên quyết định dạy cho kẻ “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt” kia một bài học đích đáng.

Bạn Nguyễn Quỳnh Trang (SV ĐH Hà Nội) tỏ thái độ bức xúc với hành vi trộm cắp xấu xí này: “Các bạn cứ thử đặt địa vị là người chủ hay người nhân viên đi làm thêm bán quần áo, làm chật vật cả tháng lương mới được có 1,5 - 2 triệu đồng rồi bị ăn cắp cái quần trị giá vài trăm nghìn đồng xem có xót không, có đáng đánh con bé kia không? Có gan ăn cắp thì có gan chịu đòn! Nếu cứ cư xử nhẹ tay quá, nó ăn cắp một lần trót lọt thì sẽ trộm nhiều lần sau nữa! Phải mạnh tay thì nó mới chừa!”.

Bạn có nick Facebook Quân Nguyễn thì lên tiếng bênh vực động thái “đánh cho chừa thói tắt mắt” của nạn nhân đối với các đối tượng trộm cắp: “Đã ăn trộm ăn cắp thì còn có tý sĩ diện với tự trọng nào đâu mà lo cho nó? Lòng tốt chỉ nên dành cho người tốt thôi! Các bạn trách móc mọi người đánh đập rồi quay phim kẻ cắp rồi tung lên mạng là tàn nhẫn thì chắc ra đường chưa thấy trộm cắp bao giờ nên không biết, chứ bọn này mặt dày lắm".

“Bao nhiêu người khuyết tật mà họ vẫn cố gắng dùng chính sức mình để kiếm tiền nuôi thân, còn mấy con ăn cắp vặt này chân tay đủ cả mà vẫn giở trò bất lương để chiếm đoạt tài sản của người khác thì thật không thể tha thứ được”, một cư dân mạng bức xúc.

Hậu quả khó lường

Hậu quả đầu tiên phải kể đến là với những đối tượng ăn cắp kia, chỉ vì một lần trót dại mà họ phải mang tiếng xấu suốt đời vì bị bêu riếu không chỉ trước con mắt tò mò xen lẫn khinh bỉ của những người chứng kiến sự việc tại thời điểm đó mà còn cả những phán xét đay nghiến của cư dân mạng khi xem đoạn clip kia. Sẽ ra sao nếu người thân, bạn bè của những đối tượng trộm cắp bị đánh đập và quay clip kia chứng kiến cảnh tượng đau lòng đó? Chắc hẳn, những vết thương lòng do danh dự, nhân phẩm bản thân, thậm chí cả niềm tin đối với những những người xung quanh bị hủy hoại sẽ đau đớn hơn rất nhiều so với những vết thương do đòn roi trừng phạt kia gây ra. Nhất là những đối tượng ăn cắp bị đánh đập và quay clip tung lên mạng kia hầu hết lại là những cô gái trẻ, không hề tàn tật nên hoàn toàn có thể lao động chân chính để kiếm tiền mà lại giở trò trộm cắp thì cái nhìn định kiến của xã hội lại càng sâu sắc, cái giá phải trả cho hành vi ăn cắp vặt kia quả thực là quá đắt.

Hậu quả thứ hai là đối với chính những người “ra tay” trừng trị kẻ gian như đánh đập, chửi bới và quay clip tung lên mạng vì hành vi của họ có thể phạm tội xâm hại sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác và hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhiều ý kiến của dư luận đã thẳng thắn chỉ ra cái sai của chính những người này như: “Mình không thích kiểu này. Bắt được trộm thì đưa ra công an phường để giải quyết hay làm gì đấy để lấy lại được tài sản chứ sao lại quay clip đăng lên mạng để hạ nhục người ta? Sau này khi cô ấy muốn làm lại cuộc đời thì sẽ ra sao đây?”...

Hậu quả thứ ba cũng không nên xem nhẹ đó là ảnh hưởng đối với xã hội. Hành vi đánh đập rồi quay clip tung lên mạng để mọi người “kiềng mặt kẻ gian” kia chẳng khác nào “lấy cái xấu để trị cái xấu”, chẳng những không khiến những hiện tượng, hành vi tiêu cực này giảm thiểu mà có khi còn phản tác dụng khi gián tiếp hoặc trực tiếp cổ vũ cho hành vi bạo lực phi pháp ngang nhiên hoành hành trong xã hội hiện đại.

Bức ảnh cô bé chỉ vì lỡ tay ăn trộm 2 quyển truyện tranh mà đã bị nhân viên siêu thị trói tay và bắt đeo biển “Tôi là người ăn trộm” gây phẫn nộ lớn trong dư luận.

Nên hành xử có lý, có tình

Hiện tượng trộm cắp vặt mà đối tượng hành nghề “đạo chích” chủ yếu là giới trẻ đang có chiều hướng gia tăng đã phần nào cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên trong xã hội hiện nay. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc họ chưa được gia đình hay nhà trường quan tâm và giáo dục đúng mức về thói quen sống trung thực, không trộm cắp hoặc bản thân họ cũng chưa nhận thức đúng tác hại của việc ăn cắp cũng như hậu quả của hành vi xấu xa đó, hay cũng có thể do bộc phát, cảm thấy thích món đồ nào quá mà lại không có đủ tiền mua nên đành “đói ăn vụng, túng làm liều”; cũng có thể do tật xấu “ăn trộm quen tay”, trộm một lần thành công rồi thì cứ thế tiếp diễn mãi cho đến khi bị phát giác. Hành vi trộm cắp đó đương nhiên là có tội và đáng bị pháp luật trừng phạt chứ không phải bất kỳ cá nhân nào khác.

Còn đối với việc hành xử với đối tượng trộm cắp theo kiểu đánh đập chửi bới rồi quay clip như trên hay kinh khủng hơn là hàng loạt vụ đánh hội đồng kẻ trộm chó cho đến chết trong thời gian qua cũng cho thấy việc “đối nhân xử thế” của chúng ta đối với đồng loại đang thực sự có vấn đề. Như cha ông ta đã nói, “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”, thế nhưng, với một số người thì đạo lý ấy dường như không giành cho kẻ trộm. Họ luôn cho rằng bắt được kẻ trộm cắp vặt mà giải luôn đến công an thì chúng chỉ bị xử phạt hành chính rồi lại tha về, phải đánh cho chúng nhớ để lần sau chừa, phải cho mọi người thấy rõ bộ mặt của kẻ trộm cắp để họ cảnh giác. Tuy nhiên, họ không hiểu được rằng, trong xã hội hiện đại ngày nay, “ác giả, ác báo” chưa chắc đã mang lại hiệu quả tốt. 

Luật sư Giang Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Việc xử phạt hành vi trộm cắp tài sản phải được thực hiện bởi cơ quan thực thi pháp luật, không một cá nhân nào được tự ý cho phép mình thay mặt cơ quan Nhà nước để thực thi việc đó.

Trong trường hợp cô gái trẻ lấy trộm chiếc quần tại một khu chợ ở Bắc Giang bị bắt quả tang, người phát hiện có thể dẫn giải cô gái đó đến đồn công an gần nhất để cơ quan này xử lý theo quy định.

Thiết nghĩ, trong một xã hội văn minh, hiện đại như ngày nay, chúng ta cần suy nghĩ và hành xử mọi việc dưới góc nhìn đa chiều, thấu tình đạt lý, đảm bảo đúng pháp luật và chuẩn mực đạo đức.

                                                                              Đăng Đức

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc