Tăng học phí đại học: Chất lượng có tương xứng?

07:00 | 13/01/2015

1,553 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) thông báo: Sẽ áp dụng mức học phí đại học (ĐH) trong năm học 2014-2015 lên 12 triệu/năm, những năm sau đó có thể tăng lên đến 16,5 triệu đồng. Việc tăng học phí đối với việc đào tạo ĐH này khiến nhiều người băn khoăn: Tăng học phí có đi kèm với việc tăng chất lượng giáo dục?

Năng lượng Mới số 389

Rủ nhau tăng

Thực hiện chủ trương tự chủ về tài chính trong ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thí điểm chủ trương này tại 4 trường ĐH gồm: Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Hà Nội.

Từ chủ trương này, nhiều trường ĐH trong cả nước đang rục rịch tăng giá học phí. Cụ thể mới đây nhất, Trường ĐH Kinh tế TP HCM đã công bố sẽ thu học phí ổn định theo kế hoạch với mức thu áp dụng cho năm học 2014-2015 là 13 triệu đồng/năm/sinh viên. Mức học phí này sẽ tăng trong 2 năm học tiếp theo là 14,5 triệu đồng và 16,5 triệu đồng. Riêng đối với các đối tượng sinh viên đã nhập học trước đó thì trường thu học phí với mức tăng không quá 30%/năm.

Lộ trình này cũng đang được thực hiện ở 3 trường còn lại là ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương và ĐH Kinh tế quốc dân. Được biết, hiện Trường ĐH Hà Nội vẫn đang thu học phí theo khung giá đã quy định tại Nghị định 49 của Chính phủ nhưng tới đây trường cũng sẽ thực hiện việc tăng mức học phí, dự kiến được áp dụng sớm nhất vào đầu năm 2015. Bước đầu sẽ tăng thêm khoảng 50% mức thu học phí so với hiện tại.

Sinh viên trường đại học nộp học phí

Tiến tới năm 2015-2016 cũng có thể thu ở mức 11-12 triệu đồng/sinh viên/năm. Và theo đúng lộ trình của đề án thì mức tăng tối đa học phí của hệ đại trà được áp dụng cho tất cả các ngành lên khoảng 17-18 triệu đồng/sinh viên/năm.

Theo dự kiến thì lộ trình tăng học phí này chỉ áp dụng đối với sinh viên khóa mới nhập học năm 2014-2015. Còn những sinh viên các khóa cũ vẫn áp dụng theo mức dựa vào Nghị định 49 của Chính phủ. Nếu có tăng thì cũng sẽ áp dụng cụ thể vào từng trường.

Mới đây thông tin từ hội nghị tổng kết ngành tài chính, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) thông báo: Sẽ áp dụng mức học phí trong năm học 2014-2015 lên 12 triệu/năm. Theo lộ trình này thì mục tiêu mà Bộ Tài chính đặt ra là đến năm 2015, học phí sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập.

Đến năm 2016, ngoài những mục trên sẽ có thêm chi phí quản lý chung của đơn vị. Đến năm 2018 dự kiến học phí sẽ gồm đủ chi phí và mức tích lũy hợp lý cũng như chi phí khấu hao tài sản cố định. Cũng từ chủ trương này ngoài 4 trường được trao quyền tự chủ, thì các trường ĐH ngoài công lập cũng “chờ” để… tăng theo.

Thế nhưng một câu hỏi đặt ra rằng, việc tăng học phí thì chất lượng đào tạo có tăng? Trong khi chất lượng đào tạo hệ ĐH ở xứ ta đang bị đánh giá là còn nhiều yếu kém.

Chính vị tư lệnh ngành đã nhận định về chất lượng đào tạo hệ ĐH còn thấp, chưa phù hợp yêu cầu của thị trường lao động. Thời gian qua mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, chỉ chú trọng về tăng số lượng, chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng và nhu cầu xã hội.

Chất lượng đào tạo ĐH chưa theo kịp sự phát triển mọi mặt từ kinh tế, khoa học - công nghệ đến văn hóa - xã hội so với trong khu vực và trên thế giới. Thêm nữa nội dung đào tạo trong các trường ĐH còn nặng về truyền thụ lý thuyết một chiều, nhẹ về thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm cho sinh viên…

Những tồn tại trong đào tạo giáo dục ĐH này dẫn đến một hệ lụy là con số sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Kéo theo tình trạng “liên thông ngược” và rồi thất nghiệp vẫn hoàn… thất nghiệp. Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên đã ngậm ngùi cất đi tấm bằng đại học, chấp nhận làm trái ngành nghề. Tình trạng này, vô hình trung đã gây thất thoát lớn cho nguồn tài chính quốc gia.

Đừng biến tướng

Khẳng định việc giao cho các trường được tự chủ về tài chính là hợp lý, hợp với xu thế chung toàn cầu. Hiện phương án này còn đang được kỳ vọng là “chìa khóa” để thay đổi chất lượng giáo dục. Trước đó việc thí điểm cho các trường ĐH, cao đẳng công lập tự chủ về tài chính đã bắt đầu từ năm 2008 nhưng mới trên cơ sở  tự chủ một phần. Nghĩa là các trường được phép tự chủ về tài chính nhưng lại không được giao quyền tự chủ về mức thu học phí.

Trong khi nguồn thu từ các trường chủ yếu vẫn là từ học phí được quyết định từ hai yếu tố là chỉ tiêu đào tạo và mức thu. Vậy mới có tình trạng nhiều trường ĐH công lập phải co kéo mới đủ chi, bằng hình thức lấy ngắn nuôi dài như thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài để lấy kinh phí bù cho các chương trình đào tạo chính quy.

Vì vậy việc chính phủ đẩy mạnh việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập giai đoạn 2014-2017 được quy định trong Nghị quyết 77/NQ-CP nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi cho ngân sách Nhà nước. Với việc tự chủ này nếu các trường ĐH được quyền quyết định số lượng tuyển sinh và mức thu học phí. Trường hợp các trường đại học muốn được tăng học phí vượt trần chung theo đề án tự chủ bắt buộc phải tự đảm bảo chi đầu tư.

Tuy nhiên, việc được tự chủ về tài chính và hiện tượng nhiều trường muốn tăng học phí vượt khung giá trần đã đem đến nhiều lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng: Kinh doanh trong… giáo dục.

Điều này đã được TS Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: Việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, cao đẳng nếu làm không đến nơi đến chốn sẽ dẫn đến hiện tượng lợi ích nhóm. Bởi khi các trường chỉ chạy theo lợi ích kinh tế bằng cách tuyển chọn càng nhiều người học nhưng lại sao nhãng việc nâng cao chất lượng đào tạo và giảng dạy thì sẽ chẳng khác nào đi… “đem con bỏ chợ”.

Cùng quan điểm này, GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn Hóa giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Giáo dục không thể và không nên đem ra kinh doanh mà phải lấy chất lượng đào tạo đặt lên hàng đầu. Trong khi đó một thực tế vẫn còn tồn tại là hiện nay, nhiều trường ĐH công lập được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, được thu học phí với giá thấp nhưng lại không phát huy được hiệu quả đào tạo.

Về việc tự chủ như thế nào? GS Đào Trọng Thi hiến kế: Khi giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, cao đẳng phải gắn với quyền tự chịu trách nhiệm. Nghĩa là tự chủ phải dựa trên các tiêu chí về quản lý, năng lực và chất lượng hoạt động thực sự của các trường.

 Trường nào có chất lượng giáo dục tốt, có khả năng tài chính thì sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại. Mối quan hệ mật thiết giữa quyền tự chủ về tài chính gắn với những nhiệm vụ được giao thì sẽ thúc đẩy các trường phải đảm bảo chất lượng đào tạo và tự chịu trách nhiệm trước những hệ quả đào tạo của mình đối với xã hội.

Để làm được điều đó thì mỗi trường phải có kế hoạch cụ thể, phải biết gắn nhiệm vụ với trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân chứ không thể cứ nói và làm một cách chung chung. 

Ngoài ra để tránh những tổn thất cho xã hội và về phía các sinh viên theo học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cương quyết cho giải thể trường nào không đảm bảo chất lượng. Xây dựng hệ thống các trường ĐH, cao đẳng có chất lượng, vì nguồn lực xã hội, vì lợi ích của người theo học, chứ không thể để các trường yếu kém nhưng lại đang tồn tại bằng mọi giá.

Huyền Anh