Tâm sự của các y, bác sĩ chống dịch sởi

16:45 | 18/04/2014

984 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những ngày này, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của Bệnh viện Nhi Trung ương (Viện Nhi TƯ) đang phải “nuốt nước mắt” vào lòng để gồng mình tăng ca, túc trực ngày đêm để đối phó với dịch sởi. Chẳng mấy người biết rằng họ cũng là những con người bình thường, cũng đau đớn với bệnh tật, là những người mẹ khốn khổ hơn một tháng trời không được hưởng cái hạnh phúc nhỏ nhoi mỗi khi đi làm về được ôm con vào lòng. Quá đáng hơn, đã có người sỉ nhục, dọa giết bác sĩ ngay khi đang khám chữa bệnh sởi bởi dám “chuyển viện” cho con của anh ta.

Ngay từ những ngày đầu tháng 3/2014, dịch sởi bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước. Chỉ trong vòng 1 tháng có hơn 10 ngàn bệnh nhân đổ về viện Nhi Trung ương. Trong đó, mỗi ngày hàng trăm bệnh nhân sởi nặng phải nhập viện, nhiều trẻ trong tình trạng nguy kịch, biến chứng viêm phổi cấp phải dùng máy thở, tiêm kháng sinh liều cao và điều trị dài ngày.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát tình hình dịch sởi tại Viện Nhi TƯ

Hơn 3 tháng, áp lực chống chọi với dịch sởi của các y bác sĩ bệnh viện Nhi TƯ tăng lên từng ngày. Toàn bộ nhân sự, từ Ban giám đốc bệnh viện đến các bác sĩ, điều dưỡng đều phải thực hiện lệnh “tổng động viên”. Trong đó, cán bộ nhân viên không được duyệt nghỉ phép, tất cả các khoa chuyên môn đều điều động những bác sĩ, điều dưỡng giỏi nhất, có nhiều kinh nghiệm từ 3-5 năm đến cả những cán bộ sắp đến tuổi về hưu để hỗ trợ cho khoa truyền nhiễm và cấp cứu để chống trọi với dịch sởi.

Một đạo lý rất đơn giản là người ngoài ngành y lo lắng, sợ hãi sợ dịch bệnh 1 thì người trong ngành y lại sợ hãi dịch bệnh 10. Chính vì vậy mới có chuyện Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc bệnh viện Nhi TƯ là một trong những người của Ban giám đốc Viện Nhi phải “thêm” một việc là đi vận động, cán bộ nhân viên trong những ngày có dịch. Sở dĩ có chuyện này vì dù mỗi bác sĩ, điều dưỡng đều có quyết định điều động riêng nhưng cũng không ít người “xin” được “châm chước” bởi nhiều lý do như quá lớn tuổi, có con nhỏ, nhiều bệnh tật… Nhưng đứng trước sức khỏe và tính mạng của hàng ngàn bệnh nhi, không có một trường hợp y, bác sĩ nào rời bỏ vị trí, nhiều câu chuyện của y bác sĩ phải "nuốt nước mắt" vào lòng trong những ngày chống dịch.

Chị Bùi Ánh là điều dưỡng có thâm niên của khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi TƯ. Nhìn chị nhanh nhẹn đón từng cháu từ vài tháng tuổi đến vài năm tuổi ngay từ cửa khoa, luôn tay luôn chân để phân loại bệnh nhân suốt 10 tiếng đồng hồ một ngày ai cũng tưởng chị là người khỏe mạnh lắm. Ít người biết rằng, chị Ánh bị bệnh hen suyễn rất nặng. Những ngày thời tiết thay đổi, ẩm thấp chị Ánh bị lên cơn hen bất cứ lúc nào. Trong những ngày qua chị Ánh chưa bao giờ dám rời ống thuốc hen, không ít lần các đồng nghiệp đã phải giúp chị “cấp cứu” chính đồng nghiệp của mình.

Con trai chị Ngọc Nga đang chờ mẹ đi làm về.

Chị Ngọc Nga là một điều dưỡng trẻ có con nhỏ mới hơn 1 tuổi, bộc bạch: "Hơn một tháng qua con trai em bị sốt virut mà không xác định được nguyên nhân. Cứ dùng kháng sinh 5-7 ngày, đỡ được một chút thì 1-2 ngày sau cháu lại sốt trở lại. Hơn một tháng rồi em không có niềm vui nhỏ bé là được ôm con sau mỗi ngày đi làm về. Nhiều hôm, con trai nhớ mẹ quá nên đứng ngóng chờ mẹ về. Hai mẹ con chỉ biết nhìn qua cánh cửa sắt mà khóc thôi...".

Đỉnh điểm sự căng thẳng của dịch sởi tại Viện Nhi TƯ được thể hiện qua một vụ việc cách đây vài ngày tại khoa truyền nhiễm. Vụ lộn xộn này đã diễn ra khá nghiêm trọng giữa các phụ huynh bệnh nhi, nguyên nhân cũng chỉ do sởi. Chúng tôi đã gặp bác sĩ N.V.Đ. để tìm hiểu thì được biết, vào khoảng 22h ngày 13/04/2014 khi bác sĩ Đ. đang khám bệnh cho các cháu thì một phụ huynh đến tận bàn khám bệnh của anh Đ., chỉ mặt bác sĩ, thản nhiên với một thái độ rất côn đồ bảo: “Mày mà không cho con tao nhập viện là tao sẽ giết chết mày!”.

Kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhi.

Bởi khám chữa bệnh căng thẳng, liên tục suốt từ trưa, bác sĩ Đ. đã quá mệt mỏi và bức xúc nên đã tháo bảng tên, cởi áo blu ra và nhẹ nhàng nói: “Tôi cũng muốn chết rồi đây này, hơn 10 tiếng đồng hồ qua tôi vẫn chưa ăn cơm, nhịn khát, nhịn… cả đi vệ sinh để khám bệnh cho các cháu. Tôi cũng chịu hết nổi rồi, anh giết đi, bây giờ anh không phải giết bác sĩ nữa mà chỉ giết một người bình thường thôi”.

Bức xúc trước thái độ của vị "phụ huynh côn đồ", các phụ huynh đang chờ khám bệnh sởi cho con đã xúm vào “dạy” cho vị phụ huynh này một trận và tống cổ ra khỏi viện Nhi.               

Còn rất nhiều mẩu chuyện, tình cảnh rất éo le, những giọt nước mắt  vì thương các cháu nhỏ đã mất đi trong những ngày qua của những người mặc áo blu đang ngày ngày chống chọi với dịch sởi, giành giật sự sống của hàng trăm sinh linh nhỏ bé. Ít người biết rằng, một tháng chống dịch mỗi nhân viên y tế của Viện Nhi được “trợ cấp” vỏn vẹn đúng 1 triệu đồng. Số tiền này chỉ được phát cho những nhân viên đang trực tiếp trực tiếp chống dịch chứ không phải toàn bộ cán bộ công nhân viên cho dù hầu hết các công việc của cán bộ, nhân viên viện Nhi đều tăng gấp 2-3 lần bình thường để "gồng gánh" cho các đồng nghiệp chống dịch.

Bức xúc này khiến chúng tôi liên tưởng đến một đoạn trong bài viết của bác sĩ Thu Hiền trong bài viết “Chúng tôi không phải là những vị thánh và bệnh viện không phải là nơi tu hành” xin trích dẫn như sau: “Đừng xem bệnh viện là những ngôi đền để rồi mang tiền đến nhét vào kẽ tay "Thánh" và sau đó bắt "Thánh" phải ngồi một chỗ không ăn, không uống rồi phù hộ cho mình”.

Là những người hiểu biết, hãy thể hiện sự thông cảm với nhân viên y tế, đồng thời tìm hiểu thông tin để giúp các bé nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh sởi như tiêm vaccine, thực hiện vệ sinh bằng nước muối sinh lý đường hô hấp, hạn chế đến những nơi có khả năng lây nhiễm cao. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa con đến bệnh viện Nhi TƯ để điều trị các bệnh thông thường, phát ban nghi sởi... để tránh tăng cao tình trạng lây nhiễm chéo. Ngành y tế cũng cần phải xem xét các biện pháp bảo vệ những y bác sĩ đang ngày đêm chống chọi với dịch sởi, đảm bảo an toàn sức khỏe, an toàn của y bác sĩ trong tình hình đầy căng thẳng như hiện nay.  

Thành Công