Tự sát bằng... silicon?

07:00 | 22/11/2014

1,443 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi Báo Năng lượng Mới đăng bài: “Làm đẹp bằng tế bào gốc: Hãy cẩn trọng!”, chúng tôi nhận được không ít câu hỏi của bạn đọc rằng, silicon - một chất vẫn được sử dụng trong phẫu thuật thẩm mỹ có nguy hiểm không? Đây là chất gì? Chất này có bị nghiêm cấm sử dụng không?… Để đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.BS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình, Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình, ĐH Y Hà Nội, một chuyên gia phẫu thuật tạo hình am hiểu về silicon trong thẩm mỹ.

Năng lượng Mới số 376

PV: Là một bác sĩ hàng đầu về phẫu thuật tạo hình, trong đó có thẩm mỹ, ông có thể cho biết silicon trong y học là chất gì?

BS Trần Thiết Sơn: Là một hợp chất cao phân tử (polymers) có tên hóa học là dimethylpolysiloxane, với thành phần chủ yếu là silicon kết hợp với oxygen, carbon và các gốc hữu cơ như ethyl, methyl, phenyl. Bằng cách biến đổi các các kiểu liên kết cấu trúc phân tử đã tạo được ra các dạng tồn tại khác nhau silicon như dạng lỏng, gel, dạng dẻo, dạng rắn. Trong thẩm mỹ thì hay sử dụng silicon lỏng (silicon fluid) và silicon dẻo (silastic) để cấy độn vào cơ thể. Trong đó, silicon lỏng còn được gọi là mỡ nhân tạo do có độ nhớt cao gấp 350 lần so với độ nhớt của nước. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý thêm là silicon lỏng còn gọi chung cho cả silicon dùng trong sản xuất, công nghiệp, chế tạo, thực phẩm… Cho nên silicon dùng trong y tế có thể giống về hình thức (dạng tồn tại vật chất) so với chúng song phải khác về tính chất, an toàn sinh học, bảo quản… 

PV: Thưa ông, vậy trong phẫu thuật thẩm mỹ, silicon sử dụng để bơm trực tiếp vào những bộ phận cần tạo hình?

BS Trần Thiết Sơn: Là người trong ngành nên tôi biết silicon dùng trong thẩm mỹ không dễ dàng để mua được, trong khi đó silicon dùng trong công nghiệp, chế tạo… thì ngược lại được sử dụng tràn lan và dễ dàng như ở miền Nam thì không phải là silicon thẩm mỹ mà là silicon công nghiệp, các đồng nghiệp của tôi đã chia sẻ như vậy.

PV: Theo ông việc sử dụng silicon không đúng “chức năng” như vậy có nguy hại đến sức khỏe của người được sử dụng?

BS Trần Thiết Sơn: Sử dụng đúng silicon dành cho thẩm mỹ còn gây tác hại thì chắc chắn silicon công nghiệp cũng vậy, thậm chí còn nặng hơn. Bởi tai biến do silicon, nhất là trường hợp tiêm trực tiếp rất phức tạp dưới hai hình thức: tức thì và lâu dài. Ở TP Hồ Chí Minh, tôi biết nhiều trường hợp cấp cứu ở các bệnh viện do silicon hầu hết là các tai biến cấp tính, có thể dẫn tới tử vong. Tôi đã từng theo dõi hình ảnh tiêm silicon dạo, tiêm silicon ngay trên… sàn nhà mà báo chí đưa tin, thực sự phải nói là  nó gây “sốc” cho những người làm chuyên môn chúng tôi vì 3 điều: thứ nhất, người tiêm quá thành thạo trong khi tiêm chất lỏng này là… cực khó. Thứ hai, môi trường tiêm quá mất vệ sinh, có lẽ duy nhất ở Việt Nam người ta có thể tiêm… trên nền nhà. Thứ ba, người nhận dịch vụ rất ngoan ngoãn, chịu đựng việc tiêm. Nói vậy để thấy việc sử dụng silicon thật là bừa bãi, liều mạng đến nỗi sẵn sàng đánh đổi cả… tính mạng!

PV: Trước tình trạng trên, ông có thể cho biết silicon có được phép sử dụng trong làm đẹp không?

BS Trần Thiết Sơn: Hiện nay silicon đã bị cấm, đặc biệt là silicon lỏng đã bị cấm sử dụng với  mục đích làm đẹp ở rất nhiều nước, ngay cả tại nước láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, về khía cạnh thương mại, người ta vẫn cho phép lưu hành chất liệu này. Ở Việt Nam những người sử dụng silicon để tiêm cho người khác không phải  nhân viên y tế, họ làm với mục đích kiếm tiền. Mặt khác, sự thiếu hiểu biết của những người sử dụng dịch vụ khiến họ tỏ ra bất chấp, không sợ tai biến hay nguy hiểm. Vì không biết nên họ chấp nhận dịch vụ và đôi khi không đếm xỉa đến những biến chứng lâu dài, đến tương lai sau này của mình.

Biến chứng do silicon

PV: Vậy là silicon bị cấm, thưa ông?

BS Trần Thiết Sơn: Như đã nói, silicon là chất không được phép sử dụng trên cơ thể người dù với bất cứ hình thức nào. Sau khi nghiên cứu, người ta thấy nó có thể gây tai biến cấp tính, thường xảy ra trong 1 đến 2 ngày. Mà cái tai biến cấp tính ấy thường là là khi đi vào lòng mạch, chất này gây nhồi máu ở não, phổi, tim, gan… Khi não bị nhồi máu thì dẫn đến hôn mê từ từ và chắc chắn dẫn tới tử vong. Còn nhồi máu phổi gây phù phổi, nếu điều trị không kịp thời cũng dẫn tới kết cục bi thảm. Tuy nhiên, những trường hợp cấp tính chỉ chiếm 5% tổng số biến chứng, 95% còn lại là mạn tính, có thể xuất hiện sau 20-30 năm. Ví dụ gây xơ ở phổi, gan, thận… làm người được tiêm silicon tàn phế. Cũng giống như các chất sử dụng trong thực phẩm, tác hại ngay tức thì thường không được phát hiện sớm, có thể phải sau 5-10 năm, chúng mới “phát tác”. Khi đó, cả người tiêm silicon và các thế hệ sau của họ đều phải gánh chịu biến chứng của việc tiêm silicon này.

PV: Là chuyên gia, ông có thường xuyên tiếp nhận và điều trị những trường hợp tai biến sau tiêm silicon và nếu có trường hợp nặng nhất mà ông gặp phải như thế nào?

BS Trần Thiết Sơn: Thường những biến chứng cấp tính hay xuất hiện ở miền Nam, nơi kỹ thuật tiêm và sử dụng silicon trong thẩm mỹ rất phổ biến. Còn tại Hà Nội, cụ thể như Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, chúng tôi chỉ tiếp nhận những trường hợp biến chứng bán cấp tính và mạn tính. Trong đó, biến chứng bán cấp tính không gây nguy hiểm cho tính mạng bao gồm: viêm cấp, viêm tại chỗ, phù nề, gây suy hô hấp. Các biến chứng không phải cấp tính thì luôn tiềm ẩn, về lâu dài mới gây hậu quả nghiêm trọng và tàn phế cho bệnh nhân.

PV: Cuối cùng, ông có thể cho biết, trước nhu cầu không thể thiếu là làm đẹp của nhiều người hiện nay, những phương pháp làm đẹp nào nên được lựa chọn?

BS Trần Thiết Sơn: Trong bối cảnh kinh tế phát triển như hiện nay, làm đẹp là một nhu cầu tất yếu và đó không phải là chuyện xấu. Tất cả các xã hội, các thể chế đều có mục tiêu làm đẹp. Tuy nhiên, làm đẹp phải an toàn. Cần hiểu biết để bảo vệ sức khỏe của chính mình và thế hệ sau mình. Không nên nói một cách máy móc, giáo điều rằng bệnh nhân phải là “những khách hàng thông minh”. Các nhà khoa học, các nhà quản lý cần lên tiếng để chấm dứt hiện tượng này, để những người không đủ kiến thức có cơ hội bảo vệ sức khỏe của mình và con cái mình. Những chất như silicon và các chất bảo quản thực phẩm ảnh hưởng tới chất lượng gen, chất lượng sức khỏe. Tác động của chúng không xuất hiện ngay để khiến chúng ta sợ hãi mà có thể xuất hiện sau 15-20 năm, ở thế hệ tiếp theo chúng ta.

PV: Chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

BS Trần Thiết Sơn cảnh báo biến chứng mới nhất trong phẫu thuật thẩm mỹ có thể gây mất thị lực gần như hoàn toàn do tiêm chất làm đầy (filler) để căng da mặt của một người đàn ông (40 tuổi) khỏe mạnh. Chụp động mạch cản quang phát hiện tắc tuần hoàn võng mạc ở mắt trái, sau 1 năm không hồi phục. Trường hợp thứ hai, một phụ nữ có sức khỏe bình thường bị mất thị lực trầm trọng cùng ngày được tiêm một mũi mỡ tự thân vào vùng trên của trán. Chụp động mạch cản quang, phát hiện bất thường ở màng mạch và các tiểu động mạch. Trường hợp thứ ba cũng là một phụ nữ khỏe mạnh (45 tuổi) bị sự cố sau khi tiêm collagen và polymethylacrylate microspheres vào nếp nhăn trán. Sau thủ thuật, bệnh nhân không thể nhìn bằng mắt phải. Chụp cản quang động mạch thấy rõ các nốt lốm đốm ở một số tĩnh mạch gần mắt phải. 2 ngày sau, bệnh nhân này chỉ còn phản ứng tối thiểu với ánh sáng, mặc dù đã được điều trị tích cực.


Thanh Hương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.