TS Khuất Thu Hồng: Nói thẳng, nói thật với giáo dục giới tính

07:04 | 04/08/2014

2,336 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, tình trạng thiếu hiểu biết của giới trẻ về giới, sức khỏe sinh sản hiện nay rất đáng quan ngại. Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội (ISDS) cho rằng: Giáo dục giới tính là một mảng, một khía cạnh hết sức quan trọng, nó vô cùng tế nhị và ảnh hưởng tới hạnh phúc của con người, của gia đình. Việc mang thai ngoài ý muốn, nạo hút thai, nhiễm HIV/AIDS, rồi thì những chuyện bạo lực, tội ác đều liên quan đến tình dục..

Năng lượng Mới số 334

Tất cả đều lảng tránh

PV: Trước tiên, xin bà cho biết quan điểm của mình trước những phản ứng của giới trẻ rằng, họ đang rất thiếu các kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản… nên đã dẫn tới nhiều vụ việc đáng tiếc?

TS Khuất Thu Hồng: Thực ra, phản ứng này không có gì lạ, là điều hoàn toàn bình thường. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đã triển khai các nghiên cứu về giới, trong đó có nhiều nghiên cứu được thực hiện ở trường học, cả phổ thông và đại học. Khi chúng tôi tiến hành phỏng vấn thì tất cả các bạn trẻ đều mong muốn được cung cấp thông tin, được giáo dục, được dạy và được học về chủ đề giáo dục giới tính, sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản. Và họ đều phàn nàn rằng mình không nhận được những thông tin này từ các thiết chế lẽ ra phải đóng vai trò chủ chốt trong giáo dục giới tính như gia đình, nhà trường...

TS Khuất Thu Hồng: Nói thẳng, nói thật với giáo dục giới tính

TS Khuất Thu Hồng

PV: Vì sao chúng ta mãi không thể giải quyết được yêu cầu này, thưa bà?

TS Khuất Thu Hồng: Trước tiên, phải khẳng định, giáo dục giới tính hay giáo dục giới, giáo dục tình dục, sức khỏe sinh sản nó rất quan trọng vì đây là một trong những khía cạnh hết sức thiết yếu của con người. Nó giống như việc khi còn nhỏ, chúng ta được dạy cách ăn như thế nào, cầm đũa ra sao... Vậy nên, khi cơ thể chúng ta bắt đầu có biến đổi, có rung động không thể chối bỏ thì chúng ta phải dạy cho trẻ cách ứng xử với những biến đổi đó. Tuy nhiên, trên thực tế, khi cơ thể chúng ta biến đổi, chúng ta khao khát được hiểu biết thì người lớn lại tỏ thái độ giấu giếm, cấm đoán. Họ cho rằng, cách tốt nhất để đề cập tới câu chuyện này là cấm, là không được nghĩ đến và tốt nhất là dẹp sang một bên và nói không với nó.

Chính vì thế, dù giáo dục giới tính đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng theo tôi là chưa đủ, nó vẫn chưa được đặt ra bình đẳng với các khía cạnh khác của cuộc sống. Thanh thiếu niên còn nhỏ, đi học thì cả cha mẹ, thầy cô hầu như chỉ quan tâm đến chuyện làm sao để dạy cho trẻ kiến thức khoa học về lịch sử, địa lý, toán học... còn những kiến thức về cách ứng xử với chính con người mình, với chính những biến đổi trên cơ thể mình thì lại không được dạy một cách đầy đủ, thẳng thắn và cởi mở. Ðây là câu chuyện mà tôi nghĩ chúng ta cần phải có sự thay đổi.

PV: Theo bà chúng ta phải nhận thức như thế nào về giáo dục giới tính?

TS Khuất Thu Hồng: Chúng ta đều biết rằng, đã là con người thì chúng ta phải có những nhu cầu khác nhau, nó chẳng khác gì chuyện đói thì phải ăn. Nhưng vấn đề ở đây, khi chúng ta đói không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể đi cướp để mà ăn. Câu chuyện giới tính cũng vậy, khi chúng ta có nhu cầu, có rung động, tình cảm trước một ai đó nhưng người đó không phải người yêu của mình, là một đứa trẻ hay là một người xa lạ thì mình không thể có hành vi tấn công, hay lừa dối, lạm dụng người đó được.

Nhưng ở đây, giới trẻ lại không được trang bị những kiến thức, những kỹ năng để ứng phó với những tình huống kiểu như vậy. Có ai dạy giới trẻ cách kiểm soát những ham muốn kiểu như vậy đâu, bố mẹ thì tránh né, dọa nạt chứ chẳng bao giờ nói với con cái là nếu thích bạn ý rồi thì nên làm thế nào cả. Ðể rồi trong xã hội ta dẫn tới rất nhiều câu chuyện thương tâm, chẳng hạn, có hai bạn trẻ yêu nhau và có quan hệ tình cảm với nhau, nhưng khi chuyện vỡ lở thì mới hay cô bé vẫn đang trong độ tuổi vị thành niên và người con trai phải ngồi tù.

Và nếu đã xảy ra chuyện thì chúng ta phải giải quyết như thế nào, lại lén lút đi làm việc này việc kia, uống những loại thuốc vớ vẩn có thể mất mạng... Vấn đề ở đây là chúng ta đã không có sự giáo dục cho giới trẻ trách nhiệm của mình tới đâu khi xảy ra chuyện, chẳng hạn trong chuyện mang thai ở tuổi vị thành niên thì trách nhiệm của người con trai tới đâu, của cô gái tới đâu... Tất cả những điều này đúng ra phải dạy nhưng chúng ta lại không. Ðể rồi khi xảy ra chuyện, cậu trai biết bạn gái có bầu thì trốn mất, thậm chí bí quá là giết. Và nếu có nói ra chuyện này thì kiểu gì chúng ta cũng lên án, phê phán cậu con trai đó nhưng thử hỏi, có ai nghĩ tại sao cậu con trai đó lại có phản ứng như vậy chưa, có ai thấy có lỗi vì đã không trang bị cho cậu con trai đó những kiến thức cơ bản về vấn đề này chưa, hoặc phản ứng như thế nào trước những tình huống tương tự chưa...

PV: Vấn đề ở đây có phải do yếu tố tâm lý không, thưa bà?

TS Khuất Thu Hồng: Tôi nghĩ là có nhiều nguyên nhân chứ không phải một. Ðầu tiên là phải kể đến vấn đề văn hóa. Ở nước ta, văn hóa chung coi những chuyện giới tính, tình dục là chuyện gì đó rất riêng tư, thầm kín và của ai thì chỉ biết người đó. Thậm chí là giữa cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau thì cũng rất khó trao đổi. Và cũng chính xuất phát từ đó đã nảy sinh quan điểm giáo dục giới tính thì không cần phải dạy, lớn lên rồi, khi nào có người yêu, lấy vợ, lấy chồng rồi sẽ biết.

Cũng chính vì coi giáo dục giới tính là điều tối kỵ nên chúng ta không dạy, cho rằng không phải học và cũng chẳng đầu tư để thiết kế một chương giáo dục cho nó phù hợp, cho hiệu quả. Những người viết sách thì cũng nghĩ, có nói thì nói tế nhị, sơ sơ thế thôi, lớn lên nó sẽ tự tìm hiểu, tự khắc sẽ biết. Tuy nhiên, phải thấy rằng, cách nghĩ, cách làm này đã dẫn tới không ít hậu quả để ngày hôm nay, cá nhân, gia đình, xã hội phải đối diện. Chúng ta thường phàn nàn, giới trẻ ngày nay sống thoáng quá, rồi thì vô tổ chức, để lại hậu quả nọ kia... tức là chúng ta thường là phê phán nhiều hơn là phân tích vì sao lại có chuyện đó xảy ra.

TS Khuất Thu Hồng: Nói thẳng, nói thật với giáo dục giới tính

Một buổi học về giới tính của học sinh lớp 5, Trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm

Theo tôi đấy là 2 nguyên nhân chính, nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng giáo dục giới tính cho giới trẻ ở nước ta rất hạn chế. Ngoài ra cũng phải thấy rằng, chúng ta cũng chưa chuẩn bị cho mình những kỹ năng cơ bản nhất để ứng phó với những vấn đề phát sinh trong việc giáo dục giới tính cho trẻ, từ thiết chế Nhà nước đến gia đình. Ðến khi xảy ra chuyện thì chúng ta lại chạy cuống lên để giải quyết hậu quả.

PV: Bà có thể cho biết trên thế giới, vấn đề này được đặt ra như thế nào?

TS Khuất Thu Hồng: Ở các nước, giáo dục giới tính cũng được thực hiện rất khác nhau, có những nước mà người ta cho rằng rất cởi mở trong lĩnh vực này thì trước đây, họ cũng giống Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi nhận thức được thì họ đã có sự thay đổi ví như Thuỵ Ðiển, các nước Bắc Âu, Mỹ, Australia, hà Lan... Họ đã có những đầu tư hết sức nghiêm túc về giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Ví dụ, trẻ còn nhỏ thì nó đã biết những ứng xử như thế nào, những hành vi như thế nào mà người khác không được làm với nó, động chạm vào cơ thể nó. Họ cũng có rất nhiều tài liệu, rất nhiều trung tâm tư vấn để giúp đỡ cho các gia đình, bậc cha mẹ cách thức dạy con cái về các vấn đề giới tính, rồi họ cung cấp tài liệu cho các bậc cha mẹ, có những lớp để cha mẹ đến để học cách dạy con như thế nào. Còn ở Việt Nam thì không, chẳng ai dạy những thứ đó vì chúng ta nghĩ chuyện đó lớn lên thì khắc biết, rồi coi đó là chuyện tự nhiên. Chính vì thế nên chuyện lạm dụng tình dục với trẻ em ở các nước khác thấp hơn nhiều so với Việt Nam.

Ngoài ra, họ cũng có rất nhiều những dịch vụ để hỗ trợ cho từng cá nhân về các vấn đề liên quan đến giới tính. Ở các trường học đều có các nhân viên xã hội và nhân viên y tế, bất kỳ em học sinh nào có thắc mắc, có câu hỏi liên quan tới giới tính, sinh sản hay tình dục... thì đều có thể tìm đến những nhân viên này để hỏi. Và nếu cần thì xin được giới thiệu đến những địa chỉ tốt nhất có thể giải quyết vấn đề cụ thể của trẻ. Họ không coi đó là cái điều gì khủng khiếp. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ở những xã hội đó, người ta quan hệ bừa bãi, thoải mái. Chính vì họ dạy cho thanh thiếu niên từ rất sớm về các vấn đề liên quan đến biết đổi cơ thể như: khi dậy thì cơ thể có những rung động... thì chúng ta cảm thấy thế nào, chúng ta cần phải ứng xử như thế nào. Chính vì được trang bị các kiến thức như vậy nên khi các em lớn lên, có kiến thức rồi thì họ lại hành động hết sức có ý thức với cơ thể mình. Những chuyện xảy ra đáng tiếc ngoài ý muốn rất ít, không nhiều và nếu có xảy ra thì nó cũng được giải quyết một cách êm ái, một cách an toàn chứ không phải chui lủi, hoặc có những hành động đáng tiếc ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng.

Phải quy trách nhiệm cụ thể

PV: Giáo dục giới tính ở ta chưa hiệu quả có phải là do chưa có nghiên cứu nghiêm túc để xây dựng lên những khung chương trình giảng dạy về vấn đề này, thưa bà?

TS Khuất Thu Hồng: Thực ra không phải, đã có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này để xây dựng lên một khung chương trình dạy giáo dục giới tính ở trường học. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc đã có những dự án khá lớn làm với Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Ðoàn Thanh niên... và họ đã làm ra những bộ tài liệu hết sức công phu để trang bị cho giáo viên những kiến thức cơ bản, cần thiết, cũng như phương pháp giảng dạy, thậm chí là cung cấp cả những thiết bị giảng dạy môn giáo dục giới tính. Nhưng rồi, những chương trình đó đã không sống được bởi như tôi đã nói ở trên, cái tâm lý, cái tư duy của chúng ta về vấn đề này vẫn hạn chế, chúng ta vẫn thấy nói về những chuyện như thế là rất ngại, là rất xấu hổ. Vậy nên, dù thầy, cô có được đi học, được đi tập huấn thì khi nói về những chuyện như thế sẽ cảm thấy không tự nhiên, thoải mái.

Chúng tôi cũng đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này thì thấy rằng, thanh thiếu niên hiện đang tìm hiểu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản... ở Internet, bạn bè nhiều hơn là thầy cô. Chính thanh thiếu niên họ cũng phàn nàn rằng, khi nói chuyện với thầy cô thì thầy cô rất là ngại ngùng, khó nói. Chẳng hạn, khi nói về chủ đề này là thầy cô lại đỏ mặt lên, nói qua loa rồi bảo các em về đọc sách chứ không giảng dạy, không trao đổi. Những giờ học như thế trên lớp cả thầy lẫn trò đều hết sức căng thẳng... Nói chung là buổi học đó chỉ mang tính hình thức mà thôi.

TS Khuất Thu Hồng: Nói thẳng, nói thật với giáo dục giới tính

Toàn cảnh Hội thảo “Trò chuyện với con về giới tính - có phải là vẽ đường cho hươu chạy”

PV: Bà cho biết đâu là giải pháp để thúc đẩy giáo dục giới trong xã hội ta hiện nay?

TS Khuất Thu Hồng: Phải khẳng định rằng, giáo dục vẫn là yếu tố căn bản, là gốc của vấn đề nhưng phải có khung chương trình bài bản, nghiêm túc, giáo viên cũng phải được đào tạo đến nơi, đến trốn và coi đó là một nội dung chính khóa chứ không thể coi đó là môn học ngoại khóa, học thì học không học thì thôi. Nhưng chừng nào gia đình, nhà trường còn nghĩ rằng phải lo làm sao điểm toán phải cao, điểm lý phải tốt... còn chuyện giáo dục giới tính là vớ vẩn thì câu chuyện này chắc chắn còn kéo dài. Vậy nên, trong khi chờ những chuyển biến như vậy, một trong những hoạt động chúng ta có thể làm là truyền thông. Ví dụ các tờ báo có những chương trình liên tục cung cấp thông tin, có những cuộc thảo luận với các chuyên gia, người trong cuộc, với các em thanh thiếu niên, nguyện vọng của chúng là gì, mong muốn gì, thực tế cuộc sống của các em ngày em hôm nay là gì... Chúng ta cũng cần có cả các cuộc trao đổi với cả cha mẹ, nhà trường. Qua các lần tiếp xúc thực tế, tôi thấy các bậc phụ huynh bây giờ rất lo lắng về vấn đề giáo dục giới tính nhưng phần lớn lại kêu là bất lực. Bố lo, mẹ lo còn thầy, cô thì bảo, chúng nó giờ yêu đương sớm lắm, lớp 4, lớp 5 đã viết thư cho nhau rào rào nên cũng lo.

Ai cũng lo là vậy nhưng lại không biết nói như thế nào, bắt đầu từ đâu, không biết đánh giá như thế nào. Tất cả mọi người đều kêu, trẻ em thanh thiếu niên thì cũng kêu rằng, chúng cháu cần thông tin lắm nhưng lại không biết tìm từ đâu, Internet thì đầy nhưng cái nào đúng, cái nào sai thì không ai kiểm chứng cả. Ðây là điều mà tôi thấy vừa ngạc nhiên nhưng cũng lại vừa bức xúc trong xã hội mình. Rồi thì người nọ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, bố mẹ thì bảo chuyện đấy thì để cho bố mẹ, thầy cô làm, nói là chúng nó nghe ngay. Bố mẹ luôn luôn quan điểm là thầy cô nói một thì nó nghe 10, còn ở nhà, bố mẹ nói thì nó không nghe. Nhưng thầy cô thì lại bảo, nhiệm vụ của chúng tôi là truyền đạt kiến thức khoa học, còn chuyện đấy là chuyện gia đình. Chúng tôi đứng trên bục giảng thì những chuyện như thế là rất khó nói...

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, giới trẻ hiện nay đang bị bỏ rơi, mọi người, nhất là người lớn thì chỉ biết phê phán, phàn nàn khi mà nó làm điều gì sai. Nhưng rõ ràng, nếu không dạy thì làm sao nó biết được, làm sao biết thế là đúng hay sai mà không hư được. Nhưng ai dạy, ai cũng đùn đẩy trách nhiệm, đá quả bóng cho nhau. Vì vậy, tôi cho rằng, truyền thông chính là công vụ tốt nhất, tối ưu nhất trong bối cảnh hiện nay.

PV: Theo bà có nên thành lập các trung tâm tư vấn về giới và giới tính không, thưa bà?

TS Khuất Thu Hồng: Tôi cho rằng rất cần và thực tế, có rất nhiều người muốn làm. Nhưng vấn đề ở đây là lấy đâu ra tiền để duy trì hoạt động của những trung tâm này. Thực ra theo tôi nghĩ, không phải không có tiền đâu, các đại gia có thể hỗ trợ tiền tỉ cho một cuộc thi hoa hậu để lăng xê tên tuổi mình, nhưng có ai nghĩ đến việc hỗ trợ cho những hoạt động kiểu như của các trung tâm tư vấn giáo dục giới tính, để giúp thế hệ tương lai có thể có những sự chuẩn bị cho cuộc sống sau này. Câu chuyện ở đây là thế và không nhất thiết cứ phải Nhà nước đứng ra làm việc này, còn nếu Nhà nước có kinh phí để hỗ trợ cho hoạt động này thì quá tốt nhưng tôi nghĩ, Nhà nước cứ hỗ trợ cho Bộ Giáo dục, cho các các bộ, ngành, cho Ðoàn Thanh niên... còn các trung tâm thì khu vực doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện được. Tôi nghĩ đây là cái nguồn trước mắt mà chúng ta có thể tìm kiếm được, mà có lẽ cũng chẳng khó khăn gì.

PV: Giáo dục giới tính quan trọng là vậy nhưng hiệu quả thực hiện lại thấp, theo bà có phải là do chúng ta chưa có những chế tài cụ thể về vấn đề này?

TS Khuất Thu Hồng: Thực ra là chúng ta đã có những quy chế, những chính sách về giáo dục giới tính, chẳng hạn Bộ Y tế đã có Chiến lược về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Trong chiến lược này có nói rất rõ là thành thiếu niên phải được cung cấp thông tin, phải được tiếp cận những dịch vụ. Rồi thì Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Bảo vệ trẻ em, Luật Giáo dục... Chúng ta hoàn toàn có thể triển khai các hoạt động. Nhưng khổ một nỗi, chính vì cái gốc tư tưởng về vấn đề giáo dục giới tính nên họ nghĩ rằng, còn nhiều hoạt động quan trọng khác phải triển khai chứ không phải hoạt động này.

Một điểm nữa, từ xưa đến nay, ở Việt Nam, câu chuyện tình dục thường được gắn với vấn đề đạo đức. Cứ người nào có vẻ nói năng cởi mở, chủ động về vấn đề này thì thường bị những người xung quanh nhìn nhận là thiếu văn hóa. Vậy nên, chẳng ai đi làm chuyện này để bị người khác nghi ngờ, soi xét phẩm hạnh và đạo đức.

PV: Ðã đến lúc luật hóa trách nhiệm giáo dục giới tính hay chưa, thưa bà?

TS Khuất Thu Hồng: Tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm được với khung pháp luật hiện nay. Giáo dục giới tính phải được thể chế hóa, quy trách nhiệm cụ thể và có những chương trình hoạt động cụ thể. Chẳng hạn, trong trường học, ở một cấp nào đó thì phải đưa nội dung giáo dục giới tính vào giảng dạy và phải là chính khoá, trong trường phải có bao nhiêu giáo viên biết giảng dạy, mỗi tuần dạy bao nhiêu tiết… Tôi đi thanh tra, nếu anh không làm thì sẽ bị xử lý theo hình thức nào đây. Còn đoàn thanh niên, nếu anh không có những cán bộ như vậy, không tổ chức sinh hoạt hoặc tổ chức bao nhiêu hoạt động sinh hoạt để nói về chủ đề giáo dục giới tính thì sẽ xử lý như thế nào.

PV: Xin cảm ơn TS!

Hãy học cách giáo dục giới tính của Cu Ba.

Ở Cu Ba, học sinh được giáo dục giới tính từ năm 12 tuổi. Và họ có cách dạy rất hay, đó là đến giờ giáo dục giới tính, con trai con gái học riêng. Vì thế, thầy, cô có thể trao đổi với các em rất thoải mái và giải đáp được tất cả các thắc mắc mà không lo “xấu hổ”. Chính nhờ cách dạy này mà ở Cu Ba, rất hiếm trường hợp “ăn cơm trước kẻng” lại để hậu quả. Trong khi đó ai cũng biết Cu Ba là quốc gia “thoải mái” về tình dục

Thanh Ngọc

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.