Thảo dược tự nhiên cũng độc!

11:46 | 29/09/2014

1,329 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với quan niệm mọc tự nhiên, hoàn toàn không có tác động của bàn tay con người mà thuốc nam nói riêng, thuốc có nguồn gốc thảo dược nói chung “lành”, không gây tác hại tới sức khỏe con người. Nhưng quan niệm ấy, theo các bác sĩ chuyên khoa chưa hẳn đã đúng…

Năng lượng Mới số 360

Hoại tử vì… thảo dược

Đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai và Viện Bỏng Quốc gia là 2 cơ sở có thể nói điều trị cho những bệnh nhân bị biến chứng nhiều nhất vì thảo dược ở Hà Nội. Hầu hết các bệnh nhân ở khắp nơi thuộc khu vực phía bắc khi đã biến chứng nặng đều đổ về đây để khám chữa bệnh và trong “kho” lưu trữ của 2 cơ sở là chiếc máy tính chứa không biết bao nhiêu hình ảnh về sự biến chứng này của bệnh nhân. Cụ thể, có người bị thối da, thịt đến mức trơ cả xương hay bàn tay bị hoại tử đen xì phải tháo bỏ…

Điển hình nhất như trường hợp chị Nguyễn Thị Phương Mai, ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh chỉ vì chữa ho đơn thuần bằng thuốc nam mà chút nữa mất mạng vì ngộ độc, may mà gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai mới thoát chết. Chả là nghe người ta “truyền tụng” hết lời về một “lang y” ở Lào Cai có bài thuốc nam chữa ho rất hay, chỉ cần đi lấy thuốc một lần về uống là “tiệt”. Mà thuốc nam đó thay vì phải sắc nấu nhiêu khê thì “lang y” đã “cô” sẵn thành viên nên bệnh nhân dễ dàng, thuận lợi khi uống. Vậy là chị Mai bằng mọi giá nhờ người đưa lên Lào Cai lấy thuốc. Bởi cái bệnh ho của chị, mỗi khi trái nắng trở trời, ho đến thắt ruột, không thể chịu nổi. Không những vậy, họng còn đau rát không thể nuốt được cơm.

Thảo dược tự nhiên cũng độc!

Đắp thuốc nam, vết thương của một bệnh nhân bị hoại tử

Sau khi đến nhà “lang y”, được “lang y” bắt mạch cùng với nghe tim phổi, chị Mai được “lang y” bán cho 7 lọ khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng nói là 7 lọ thuốc ấy không ghi bất kể một nội dung gì ngoài một chữ duy nhất “phế suy”. Mặc dù rất băn khoăn muốn hỏi “lang y” nhưng vì tin tưởng người đã “mách” nên thôi. Về nhà, uống được 2 ngày, chị Mai thấy đỡ ho, trong lòng mừng khấp khởi. Nhưng đến ngày  thứ ba thì chị thấy bắt đầu mệt mỏi cùng với đó là đau đầu dữ dội. Đến ngày thứ 4, 5… không những vẫn thế mà chị Mai còn rơi vào tình trạng lơ mơ, thậm chí còn không kiểm soát nổi những gì mình đang nói. Hoảng quá, người nhà chị vội vàng đưa chị đi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì các bác sĩ ở đây nhận định: “Chị bị ngộ độc thuốc”. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, một trong những người điều trị trực tiếp cho chị nói: “Chúng tôi đã kiểm tra loại thuốc chị Mai sử dụng. Tuy nhiên, thông tin duy nhất mà chúng tôi có được là thuốc dạng cô đặc. Còn trong đó có chất gì, thành phần như thế nào, chúng tôi hoàn toàn không biết. Vì lọ thuốc không ghi. Do đó, chúng tôi đang tìm hiểu xem chị Mai bị ngộ độc vì chất gì”. Cũng bởi “không biết” như vậy mà bác sĩ Nguyên nói rằng, việc điều trị, cấp cứu “giải độc” cho chị Mai rất khó khăn.

Nói về căn bệnh “phế suy” mà “lang y” chẩn đoán cho chị Mai thì bác sĩ Nguyên khẳng định: “Chúng tôi chưa bao giờ nghe đến bệnh này”!?

Cùng với thuốc uống, loại thuốc bôi vào vết thương, da có nguồn gốc thảo dược tự nhiên (tự chế) cũng gây hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng. Bác sĩ, TS Nguyễn Văn Lượng, Viện Bỏng Quốc gia nhận định: “Bệnh nhân uống thuốc không có nguồn gốc đã nhiều nhưng số lượng bệnh nhân sử dụng loại thuốc “lạ” để bôi vết thương còn nhiều hơn, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, xa nơi có nhiều cây cỏ thuộc loại thảo dược”. Bệnh nhân Hoàng Văn Tính, quê ở Nghệ An, từng cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia. Mặc dù bị bỏng nước sôi từ đùi xuống cẳng chân rất nặng, nhưng bệnh nhân không đi điều trị tại bệnh viện mà lại chữa trị bằng thuốc của lang “vườn” ở Hà Tĩnh. Sau khi nghe truyền miệng: “Có bài thuốc gia truyền hay lắm”, thế là anh Tính tức tốc bảo người nhà đưa đi chữa bỏng. Tưởng rằng với tình trạng bỏng của anh, thầy lang phải kỳ công trong việc chữa trị. Nào ngờ, thầy chỉ lấy một loại thuốc đen như bã cà phê đắp lên chỗ bỏng hết ngày này đến ngày khác, hết tháng này đến tháng khác. Sau 8 tháng, chân anh Tính vẫn không khỏi, ngược lại mỗi ngày còn teo đi đến mức trơ cả xương. Trong khi đó, toàn bộ phần thịt, đặc biệt là những phần đắp thuốc trực tiếp thì rữa ra và hoại tử, xơ hóa, khớp chân thì không thể cử động được theo ý muốn.

 Trước biến chứng như vậy, không còn cách nào khác, anh Tính phải tức tốc bảo người nhà đưa ra cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia. Nhưng do vết thương bị biến chứng quá nặng vì sử dụng không đúng thuốc và sử dụng quá lâu, các bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia đành phải gọt bỏ toàn bộ phần thịt bị hoại tử của anh, sau đó cấy, ghép da mới vào chỗ vết thương đồng thời phục hồi chức năng của chân. Mặc dù chữa trị như vậy, nhưng theo TS Đỗ Lương Tuấn, người điều trị trực tiếp cho anh Tính: “Đôi chân của anh Tính sẽ không bao giờ phục hồi như cũ. Thậm chí vào những ngày trái nắng trở trời, nó sẽ còn hành hạ bằng những cơn đau nhức nhối, tê buốt. Những cơn đau ấy sẽ theo anh Tính suốt đời”.

Mọc tự nhiên cũng có độc

Theo thống kê chưa chính thức của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì cơ sở này gần như tháng nào cũng có trường hợp bệnh nhân phải vào cấp cứu vì bị ngộ độc do sử dụng thuốc gia truyền, thuốc nam… Còn tại Viện Bỏng Quốc gia, mỗi năm có hàng trăm ca cấp cứu do bị biến chứng nặng vì sử dụng thuốc đông nam dược…

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai nhận định: “Sở dĩ ngày càng có nhiều người sử dụng thuốc nam là vì họ quan niệm, loại thuốc này từ cây cỏ, động vật, khoáng vật nên lành tính, uống vào người không gây phản ứng như tân dược. Nhưng đây là một quan niệm sai lầm. Bởi thảo dược, xét đến cùng vẫn là những hóa chất nhưng ở dạng tự nhiên. Mà ở dạng tự nhiên, bên cạnh những chất có công hiệu, lợi ích cho sức khỏe của con người, thảo dược cũng có những độc tố hoặc hóa chất phản ứng với cơ thể. Và điều đáng nói là khi chưa qua xử lý, chế biến, những độc tố, hóa chất ấy càng phát tác mạnh hơn”. Bác sĩ Nguyên lấy ví dụ như: Củ ấu Tàu hay còn gọi là Phụ tử thường có chất aconitin rất độc, có thể gây tử vong vì nó làm rối loạn nhịp tim. Nếu quá trình xử lý, sơ chế tốt, chất anicotin trong củ ấu Tàu sẽ mất đi và như vậy nó có ích cho sức khỏe. Nhưng ngược lại, nếu xử lý không tốt, đây lại là chất gây chết người. Bởi vậy, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo: “Dù là tân dược hay thảo dược, khi sử dụng thuốc nhất thiết người sử dụng phải nắm rõ mình đang uống thuốc gì, thành phần ra sao... Nếu không sẽ tự mình “giết” mình”.

Đồng quan điểm với bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, TS Nguyễn Văn Lượng, Viện Bỏng Quốc gia cũng khẳng định: “Thực tế hiện nay, loại thảo dược, thuốc nam dùng để bôi vết thương, đang bị lạm dụng một cách thái quá, nhất là trong trường hợp bị bỏng hay rắn cắn. Có một việc mà nhiều người không biết đó là khi bị bỏng, việc sử dụng thuốc nào để điều trị không quan trọng bằng chẩn đoán bỏng nông hay sâu. Vì nếu bỏng nông, tế bào biểu mô vẫn còn tự nó sẽ tái tạo ngay phần da bị tổn thương. Và việc bôi thuốc chỉ giúp cho quá trình này nhanh hơn và thuận lợi. Nhưng trong trường hợp bị bỏng sâu, nếu chỉ bôi thuốc mà lại là thuốc tự chế từ thảo dược thì chuyện “lợn lành chữa thành lợn què” rất dễ xảy ra”. Thực tế Viện Bỏng Quốc gia đã phải cấp cứu rất nhiều trường hợp như vậy nên bác sĩ, TS Nguyễn Văn Lượng khuyến cáo: “Khi bị bỏng hoặc rắn cắn, nhất định các bệnh nhân phải đi điều trị tại bệnh viện mà không được sử dụng thuốc nam tự chế để điều trị”.

Nguyễn Lâm Anh

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.