Tây sang ta chữa bệnh

07:00 | 07/05/2015

2,537 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bối cảnh một lượng lớn bệnh nhân nội địa vẫn ùn ùn ra nước ngoài chữa bệnh được dự đoán là tốn đến 2 tỉ USD mỗi năm thì việc không ít người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh là một tín hiệu vui, đánh dấu sự phát triển về y khoa.

Năng lượng Mới số 419

Muốn chữa bách bệnh

Thật khó mà tin nổi khi chính một tiến sĩ người nước ngoài, chuyên gia nổi tiếng thế giới về thụ tinh trong ống nghiệm, là tác giả của nhiều cuốn sách khoa học về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, được dùng giảng dạy trong các trường đại học y khoa ở nhiều nước lại đến Việt Nam để thực hiện quá trình  này. Vì vợ chồng ông sau khi lấy nhau một thời gian đã không thể có thai theo cách tự nhiên nên phải nhờ đến sự can thiệp của y khoa. Và ông đã chọn Việt Nam là “điểm đến” bởi là một người trong ngành, ông biết sự phát triển vượt bậc về lĩnh vực này của Việt Nam khi mà có tới 50-65% ca thành công bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

Ông đã đến TP Hồ Chí Minh và đề nghị GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô tính TP Hồ Chí Minh giúp đỡ. Kết quả là sau khi được các chuyên gia lĩnh vực vô sinh can thiệp, vợ chồng ông đã thành công và đến nay con trai ông đã tròn 4 tuổi. Điều đáng nói hơn nữa là cậu con trai này được ông chụp ảnh rồi in trên một cuốn sách giáo khoa về phương pháp thụ tinh ống nghiệm như một sự minh chứng về thành công của nó. 

Tây sang ta chữa bệnh

Bệnh nhân nước ngoài chữa trị ở Việt Nam

Tương tự, một cặp vợ chồng khác người Đài Loan cũng đã sang Việt Nam “tìm” con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm sau khi đã chữa trị 8 năm tại các bệnh viện ở Đài Loan, Singapore và tốn rất nhiều tiền. Khi biết Việt Nam có tỷ lệ thành công cao bằng phương pháp này, vợ chồng anh đã đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhờ can thiệp để có được “mụn con”.

Các bác sĩ ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhớ mãi hình ảnh hai vợ chồng người Đài Loan trông rất chân chất đã rất buồn bã, thất vọng vì cái cảnh “ra vào chỉ có hai vợ chồng mà không có tiếng cười rộn rã của con trẻ”. Họ bày tỏ nguyện vọng: “Trăm sự nhờ bác sĩ giúp đỡ để chúng tôi toại nguyện như ý”.

Lúc thăm khám sức khỏe theo các gói dịch vụ, các bác sĩ ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản đã phát hiện vợ anh bị dính tắc vòi trứng nhưng buồng trứng vẫn hoạt động tốt cho nên việc thụ tinh ống nghiệm ít nhất không phải đi xin trứng.

Sau đó, các bác sĩ thực hiện một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm và thật bất ngờ khi vợ chồng anh được 11 phôi, trong đó 3 phôi sẽ cấy cho vợ anh, còn 8 phôi lưu giữ để khi cần có thể thực hiện tiếp. 3 tháng đầu thai kỳ chị dưỡng thai ngay tại Việt Nam. Sang tháng thứ 4 họ trở về Đài Loan với một phôi thai “sống” được.

Kết thúc 9 tháng 10 ngày, chị sinh một bé trai kháu khỉnh, nặng hơn 3kg. Vợ chồng anh chị đã chụp ảnh con trai gửi sang cho các bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản như một lời cảm ơn thắm thiết.

Không chỉ sang Việt Nam sinh sản bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, bệnh nhân nước ngoài còn tìm đến đây để điều trị trọng bệnh, một điều tưởng như khó có thể xảy ra tại quốc gia được coi là đang phát triển như Việt Nam.

Ông Carthay người Áo, 41 tuổi bị tật khúc xạ hơn 4 năm nay, phải chữa trị, phẫu thuật đến 2 lần tại một bệnh viện ở ngay thủ đô nước Áo, thế nhưng kết quả không như mong muốn. Vậy mà sang Việt Nam, khi biết ở đây đã ứng dụng kỹ thuật cao femtosecond lase trong phẫu thuật điều trị tật khúc xạ, ông đã đến thực hiện tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh và chỉ sau 2 tiếng phẫu thuật, ông Carthay đã được xuất viện trong kết quả mỹ mãn: Mắt sáng, chi phí lại thấp khoảng 1.000USD, bằng 1/3 số tiền mỗi lần ông chữa trị bên Áo.

Tại Bệnh viện Việt - Đức, cuối năm 2013 cũng từng chữa trị cho một nữ bệnh nhân người Mỹ đang công cán tại Việt Nam. Khi mắc bệnh, nữ bệnh nhân người nước ngoài này thay vì lựa chọn về nước chữa trị, nơi được coi là một trong những quốc gia phát triển nhất về y học lại chọn Bệnh viện Việt - Đức là nơi gửi gắm sức khỏe và tính mạng của mình. Bệnh nhân được chẩn đoán tắc động mạch phổi cấp tính do huyết khối, một bệnh lý hiếm gặp, có nguy cơ  tử vong cao, phải phẫu thuật để chữa trị. Trải qua hơn 6 tiếng trong phòng mổ, khối máu đông đã được lấy ra khỏi động mạch của bệnh nhân và bệnh nhân “thoát chết” ngoạn mục.

Khi sức khỏe bình phục, bệnh nhân đã chia sẻ với các bác sĩ tại bệnh viện: “Các bạn như sinh ra tôi một lần nữa. Tôi rất cảm ơn về điều này. Y học của các bạn đã tiến bộ thực sự với kỹ thuật tiên tiến, trang thiết bị hiện đại chẳng khác gì ở đất nước tôi. Chữa trị ở đây, tôi rất yên tâm. Chúc các bạn ngày càng thành công!”. 

Cùng với Bệnh viện Việt - Đức và một số bệnh viện khác, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng điều trị cho nhiều bệnh nhân nước ngoài, trong đó có bệnh nhân người Mỹ, 50 tuổi bị ung thư máu. Sau một tháng điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã tiến triển tốt.

Phát huy lợi thế

Theo Tổng cục Thống kê, ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh với trung bình khoảng 100 nghìn người/năm, doanh thu từ những bệnh nhân đó ước tính hơn 1 tỉ USD. Đây là con số dù thấp hơn lượng tiền đổ ra nước ngoài chữa bệnh của các bệnh nhân “nội  địa” 1 tỉ đôla nhưng cũng là “ấn tượng” so với những tồn tại còn đang diễn ra trong nền y tế nước nhà như chất lượng điều trị chưa đồng đều, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân thực sự chưa ngang tầm khu vực hay thế giới…

Vậy với “tiềm năng” đang có như vậy, ngành y tế trong nước nên khắc phục, hoàn thiện những yếu điểm, đồng thời phát huy “tiềm năng”, lợi thế để vừa phát triển y học một cách toàn diện, vừa thu hút bệnh nhân nước ngoài đến đây điều trị nhằm thu hút lượng tiền không nhỏ từ nước ngoài để có thể tái đầu tư, phục vụ phát triển y học.

Những lợi thế ấy như GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho báo giới biết: “Với ung thư, do áp dụng phác đồ chuẩn, mới nhất nên khả năng điều trị căn bệnh này của Việt Nam ngang tầm các nước có nền y học hiện đại. Bên cạnh đó, các loại thuốc đặc trị ung thư đắt tiền, mới nhất cũng không thiếu ở Việt Nam, nên dù là bệnh nhân trong nước hay ngoài nước cũng không lo về điều này khi điều trị tại Việt Nam. Cùng với đó, chi phí điều trị một ca bệnh ung thư tại Việt Nam chỉ bằng 40-50% so với các nước có nền y học phát triển. Đơn cử, một ca ghép tế bào gốc đồng loại ở Việt Nam chỉ khoảng 350-450 triệu đồng, trong khi ở nước ngoài phải tốn cả tỉ đồng, chưa kể các chi phí đi lại và ăn ở”.

Về lĩnh vực sinh sản thì GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Việt Nam đang được xếp vào “top đầu” của khu vực về chuyên ngành điều trị hiếm muộn với biện pháp hỗ trợ sinh sản bằng thụ tinh ống  nghiệm. So với Thái Lan, Malaysia hay Singapore, Việt Nam hơn hẳn khi tỷ lệ thành công tới 65%, trong khi họ chỉ đạt 40-45% tỷ lệ thành công. Chưa kể đến chi phí của mình chỉ bằng 1/3 của họ”.

Còn PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức - một trong những cơ sở đã thực hiện thành công hàng trăm ca ghép tạng khẳng định, kỹ thuật ghép tạng của bác sĩ Việt Nam không thua kém các nước phát triển. Việt Nam đã thành công trong ghép thận, gan, tim và đang tiến tới ghép phổi, tụy cho bệnh nhân. Chi phí ghép tạng ở Việt Nam chỉ bằng 1/4 so với ở nước ngoài.

Tuy nhiên, kết thúc bài viết này, chúng tôi vẫn muốn nhắc lại: Để thu hút bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam chữa trị nhiều hơn nữa, ngành y tế cần hoàn thiện những gì còn tồn tại, đặc biệt là thái độ của y, bác sĩ; chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế chứ không thể như nhận xét khách quan của chính cặp vợ chồng người Đài Loan (đã kể trên đây) về chất lượng dịch vụ trước khi về nước: “Khi đến bệnh viện Việt Nam chữa trị, may sao chất lượng điều trị của các bạn bù lại nếu không chúng tôi “ngán” nhất cảnh chen lấn, xô đẩy, chỗ ngồi đợi chờ bác sĩ đôi khi cũng không có ở đây”.

Xuân Bách