Nỗi lo bệnh lỵ trực khuẩn

06:00 | 27/07/2014

3,380 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cùng với các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy… thì lỵ trực khuẩn cũng là bệnh của mùa hè. Thời tiết nóng ẩm dễ làm “sinh sôi nảy nở” vi khuẩn gây bệnh nhất là khi an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân không được bảo đảm.

Năng lượng Mới số 342

Hơn 17 giờ, sau khi đưa con gái 3 tuổi đi chơi về, thấy bé đòi ăn, chị Nguyễn Như Thảo (Phương Mai, Hà Nội) sợ nấu cháo lâu nên đã lấy thức ăn từ trưa cho bé ăn. Ðến tối cháu có biểu hiện sốt, sau đó thì đau bụng và đi ngoài. Chị đã cho bé uống thuốc tiêu hóa nhưng không đỡ, bé đi ngoài suốt đêm và còn ra cả máu. Nhìn cháu nhăn nhó, bơ phờ chị vô cùng lo lắng. Sau khi đi khám, bác sĩ kết luận bé bị lỵ trực khuẩn, nếu đến muộn hơn, bé có thể bị sa trực tràng.

Theo bác sĩ Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, trẻ bị lỵ thường là do ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn bảo quản không tốt, vi khuẩn lỵ nhiễm vào thức ăn và gây bệnh cho trẻ. Người bị lỵ trực trùng thường có các biểu hiện: Ðau quặn bụng, mót rặn, đại tiện ra máu mũi khoảng 20-30 lần/ngày và sốt lên đến 39oC. 

Nỗi lo bệnh lỵ trực khuẩn

BS Bùi Vũ Huy, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

Ngoài ra bệnh nhân còn bị nôn thốc tháo, chán ăn, khát nước, mệt mỏi do mất nước. Ở trẻ em còn có biểu hiện lờ đờ. Bác sĩ Bùi Vũ Huy hướng dẫn: “Trong 3 ngày đầu đại tiện, phân nát rồi lỏng sau đó hầu hết là chất nhày màu vàng đục có lẫn máu lờ nhờ. Thậm chí, bệnh nhân còn có cảm giác mót đại tiện, đau bụng nhưng khi đại tiện thì không có gì. Bệnh kéo dài 7-10 ngày, có khi lâu hơn. Trẻ nhỏ nếu không điều trị kịp thời có thể bị sa trực tràng (lòi rom) do rặn nhiều. Trường hợp thể trạng của trẻ mà yếu có thể còn dẫn đến viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết, hôn mê và tử vong sau 3-7 ngày”.

Tuy nhiên, suy dinh dưỡng là biến chứng phổ biến nhất của lỵ trực khuẩn do mất nước, chán ăn, hệ tiêu hóa bị tổn thương, khó tiêu hóa... Nhưng điều đáng nói hơn cả là sau khi mất nước, suy nhược cơ thể còn dẫn đến suy thận, hạ natri trong máu và vãng khuẩn huyết với S. dysenteria týp 1 - cao hơn các chủng khác. Biến chứng này có tỷ lệ tử vong cao 20-50%, đặc biệt đối với trẻ dưới 1 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Bên cạnh đó còn các biến chứng: Chảy máu ruột, hoại tử ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, lồng ruột, sa trực tràng. Phình đại tràng do độc tố (Toxic megacolon); Biến chứng toàn thân: co giật, nhiễm độc thần kinh, viêm màng não mủ, trụy tim mạch, viêm tắc động, tĩnh mạch. Hội chứng tan máu - ure huyết. Ðây là biến chứng ít gặp nhưng trầm trọng của bệnh lỵ, tác hại đến hệ thống đông máu. Thường có 3 triệu chứng: thiếu máu do tan máu, giảm tiểu cầu và suy thận.

Các biến chứng khác: viêm phổi, viêm âm đạo, viêm kết - giác mạc và phát ban. Bội nhiễm: viêm túi mật, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm nấm candida ruột, nhiễm khuẩn huyết do các trực khuẩn ruột. Bệnh nhân AIDS có thể bị nhiễm khuẩn huyết do shigella. Hội chứng reiter: với tam chứng (viêm khớp, viêm niệu đạo, viêm kết mạc mắt) không gây mủ do chlamydia gây nên. Thường xuất hiện 2-3 tuần sau khi khỏi lỵ trực khuẩn (cũng có thể xuất hiện ở ngay giai đoạn toàn phát). Tam chứng này có thể xuất hiện cùng lúc hoặc riêng lẻ. Trước đây hội chứng reiter được coi là biến chứng, nay các chuyên gia y khoa khẳng định là bạn đồng hành với bệnh lỵ.

Bác sĩ Bùi Vũ Huy lưu ý, với hầu hết các căn nguyên gây tiêu chảy khác không phải dùng kháng sinh, riêng căn nguyên trực khuẩn shigella phải sử dụng kháng sinh để rút ngắn thời gian điều trị, tránh biến chứng và phòng ngừa bệnh lây lan thành dịch. Hiện Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy. Trong đó các loại thuốc được chỉ định sử dụng là kháng sinh bicepton (cotrimoxazol) hoặc dẫn chất quinonol. Tuy nhiên, trong hai loại dược phẩm thì bicepton vẫn là thuốc điều trị lỵ trực trùng hiệu quả, phổ  biến hơn. Nhưng do kháng sinh này đã bị kháng, vậy nên phải đến các cơ sở y tế để các bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.

Bệnh lỵ có thể điều trị tại nhà, hoặc đến các cơ sở y tế khám và lấy thuốc. Không chỉ lỵ trực khuẩn mà với hầu hết các bệnh tiêu hóa, khi bị bệnh, người bệnh phải được bổ sung nước đầy đủ, tránh tình trạng mất nước. Cách bổ sung nước tốt nhất là uống oresol, nếu không có oresol có thể thay bằng nước canh... Khi bị bệnh, bệnh nhân nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, đủ thành phần dinh dưỡng, ăn thành nhiều bữa...

Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng bệnh lỵ lại tiềm ẩn nguy cơ lây lan thành dịch trong các nhà trẻ, thậm chí trong cộng đồng. Bệnh lây lan theo đường tiêu hóa, qua thức ăn, nước uống... Vì thế cần đặc biệt chú ý trong chăm sóc và xử lý chất thải của người mắc bệnh. Nên chú ý, khi phát hiện bệnh cần đến cơ sở y tế sớm để điều trị hiệu quả, dứt điểm, tránh để nặng rồi mới đi khám. Ðặc biệt với người bệnh là trẻ em, cần theo dõi liên tục, cách ly trẻ với những trẻ khác, hướng dẫn trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh thân thể sạch sẽ. Trong trường hợp người bệnh bị nặng, cần rắc vôi sống (đối với nhà cầu chưa tự hoại) hoặc dội nước vôi. Khu vực có người bệnh sinh hoạt cần vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên diệt khuẩn. Người chăm sóc bệnh nhân bị lỵ trực khuẩn hạn chế nấu đồ ăn, thức uống cho người khác để tránh lây bệnh.

Văn Linh