Ngày tết coi chừng ngộ độc rượu

06:15 | 13/01/2013

2,026 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mấy ngày nghỉ tết dương lịch có tới 7 ca ngộ độc rượu cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Theo cảnh báo của các bác sĩ, trong dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ tới, số ca ngộ độc rượu sẽ tăng cao nếu người dân nhậu quá đà và không ý thức được sự nguy hiểm của rượu…

Hậu quả của quá chén

Trước khi nghỉ tết dương lịch, Nguyễn Văn Quân và nhóm bạn học rủ nhau liên hoan tất niên. Khi chia tay với các bạn, Quân trở về nhà ở quận Long Biên, Hà Nội thì bắt đầu thấy người khó chịu, đầu óc quay cuồng rồi nôn suốt đêm. Sáng hôm sau Quân vẫn nôn liên tục và nôn ra máu, mọi người trong nhà vội vàng đưa Quân đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại đây các bác sĩ phát hiện bệnh nhân này do uống nhiều rượu và bị ngộ độc.

Ngày 31/12/2012, anh Hoàng Văn May, ở tỉnh Điện Biên được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng co giật. Theo gia đình anh May cho biết, khoảng 3 tiếng sau khi uống rượu, anh bắt đầu lên cơn co giật và mỗi lúc càng co giật nhiều hơn. Sau một ngày được cấp cứu, điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, anh May đã tỉnh táo và được xuất viện. Ngoài 2 trường hợp trên còn có 5 trường hợp khác ở các tỉnh được đưa đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu do uống quá nhiều rượu bị ngộ độc nặng. Trong 7 bệnh nhân bị ngộ độc rượu cấp cứu tại đây đều là thanh niên và sinh viên.

Trước đó vào ngày 25/12, Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cũng tiếp nhận 3 bệnh nhân ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái trong tình trạng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, mắt mờ và tê lưỡi... Nguyên nhân vào buổi trưa hôm trước, 3 bệnh nhân này cùng một vài người ăn cơm và uống rượu xong khoảng nửa tiếng sau thì mọi người kêu đau đầu, đau bụng, buồn nôn… Tất cả mọi người được đưa đến trạm y tế xã để cấp cứu, nhưng mỗi lúc 3 bệnh nhân trên đều đau bụng dữ dội hơn, buồn nôn và tê lưỡi.

Ngay sau đó các bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái để điều trị. Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã phát hiện 3 bệnh nhân này bị ngộ độc rượu. Ngay sau đó các bệnh nhân trên đã được cấp cứu kịp thời, không nguy hiểm đến tính mạng.

Cảnh báo ngộ độc

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế, trong năm 2012 cả nước đã có gần 170 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 5.400 người mắc, trong đó có 33 người tử vong số người tử do ngộ độc rượu chiếm tới 26%. Thông thường, trong các cuộc liên hoan, cỗ bàn, cưới hỏi đều có rượu, những ngày trước, trong và sau tết Nguyên đán tới mọi người sẽ uống rượu nhiều hơn.

Không ít người vì vui quá mà quá chén, uống không có điểm dừng điều đó cũng đồng nghĩa với việc số người bị ngộ độc rượu tăng cao hơn. Người bị ngộ độc rượu nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời rất nguy hiểm đến tính mạng. Cũng qua thống kê cho thấy, đối tượng bị ngộ độc rượu nhiều nhất là thanh niên và các nam sinh viên. Họ thường có thói quen tụ tập liên hoan, nhưng do tiền có hạn nên họ hay mua rượu rẻ tiền (rượu tự nấu thực chất là pha cồn với rượu) chất lượng không bảo đảm để uống.

Để hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có ngộ độc rượu, khi tết Nguyên đán Tân Tỵ đang đến gần, Cục ATVSTP, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại những đầu mối cung cấp thực phẩm lớn, tập trung giám sát những mặt hàng thực phẩm có lượng tiêu thụ tăng đột biến vào dịp tết, nhất là mặt hàng bia, rượu… Nhưng điều quan trọng nhất đòi hỏi mọi người, nhất là các thanh niên và sinh viên phải có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình, không nên uống quá nhiều rượu, đặc biệt là rượu không nguồn gốc…

Xử lý say rượu như thế nào?

Thời gian qua có nhiều trường hợp uống quá nhiều rượu bị say và ngộ độc không được xử lý kịp thời đã dẫn đến những biến chứng hôn mê sâu, hoặc tử vong… Theo bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc rượu không đơn giản như nhiều người cho rằng giải rượu rồi sẽ tỉnh… Ngộ độc rượu có thể để lại nhiều di chứng đối với sức khỏe, thậm chí còn nguy kịch đến tính mạng. Trong 7 trường hợp bệnh nhân bị ngộ rượu đến cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong dịp nghỉ tết dương lịch vừa qua, rất may một số bệnh nhân chỉ bị ngộ độc vì rượu ethanol thông thường chứ không phải rượu pha cồn công nghiệp methanol.

Một bệnh nhân cấp cứu bị ngộ độc rượu

Trong rượu bình thường có chứa ethanol. Ethanol là chất được dùng để pha chế đồ uống giải khát (trong đó có rượu) nhưng nó có thể gây độc hại cho sức khỏe. Nó ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh. Vì vậy nếu ai uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra ngộ độc ethanol  hại đến sức khỏe. Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống.

Ngộ độc ethanol cấp tính ở giai đoạn đầu có dấu hiệu người thấy sảng khoái nhưng nói quá nhiều… Sau đó là các phản xạ như gân, xương và tri giác sẽ giảm, đồng thời mất khả năng tập trung tinh thần. Nếu tiếp tục uống có thể dẫn đến giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp và tử vong. Còn ngộ độc ethanol mạn tính nếu uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, run chân tay, rối loạn thần kinh.

Nhưng nếu uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol thì mối nguy hiểm còn lớn hơn rất nhiều và thường dẫn đến chết người. Lâu nay, không ít cơ sở sản xuất đã pha cồn công nghiệp vào rượu để hạ giá thành bán được nhiều hơn cho người tiêu dùng. Những người nghiện rượu, ham rượu rẻ nên thường mua phải rượu có methanol để uống, uống nhiều loại rượu này có thể dẫn đến chết người, nếu không sẽ mắc các bệnh nguy hiểm.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi ai có biểu hiện say rượu, người nhà cần chăm sóc bệnh nhân chu đáo, tìm cách để người bệnh nôn hết. Sau đó xát mạnh hai bên má rồi cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt bệnh nhân nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa), nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Khoảng mấy tiếng sau gọi bệnh nhân dậy uống sữa hay ăn cháo. Nếu bệnh nhân có biểu hiện co giật, thở không đều, loạn nhịp tim... là trường hợp bị ngộ độc rượu nặng thì phải đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu, điều trị kịp thời nếu không người bệnh dễ tử vong, hoặc họ không bị tử vong thì cũng sẽ bị suy thận, hay các di chứng khác suốt đời…

Vì vậy, tốt nhất mọi người không nên uống rượu, nếu uống thì uống vừa phải, chừng mực. Người uống rượu cần tìm mua những loại rượu có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, tránh rượu giả, kém chất lượng, rượu pha cồn và methanol. Đặc biệt, không nên uống nhiều rượu trong lúc đói. Đối với trẻ em, người già yếu, người mắc bệnh gan, hoặc đang dùng một số loại thuốc nếu chỉ cần uống một ly rượu nhỏ cũng rất dễ bị ngộ độc…

Vĩnh Hà

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.