Không mê tín thuốc... ngoại!

07:00 | 25/08/2014

1,036 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa quyết định rút số đăng ký lưu hành hàng loạt thuốc Ấn Ðộ ra khỏi “Danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam” do thuốc không đảm bảo chất lượng. Ðiều này một lần nữa khẳng định không phải cứ thuốc ngoại là sẽ tốt.

Năng lượng Mới số 350

Kém chất lượng là “trảm”

Quyết định rút số đăng ký lưu hành thuốc Ấn Ðộ được đưa ra mới đây dựa trên công tác tiền kiểm, kiểm tra 100% lô thuốc bị nghi ngờ kém chất lượng trước khi thuốc được đưa ra lưu hành trên thị trường cho thấy các loại thuốc này không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Bao gồm loại thuốc: Umedica Laboratories Pvt., Ltd.; Marksans Pharma Ltd.; Yeva Therapeutics Pvt., Ltd., Cure Medicines (I) Pvt., Ltd., Medley Pharmaceuticals Ltd... Trước đó, cùng với lý do thuốc không đạt chất lượng, Cục Quản lý Dược cũng đã rút giấy phép hoạt động và xử phạt hành chính đối với hai công ty thuốc của Ấn Ðộ là Công ty Marksans Pharma Ldt - India và Công ty Medley Pharmaceuticals Ltd - India.

Những năm gần đây thuốc do Ấn Ðộ sản xuất luôn đứng đầu bảng trong danh sách bị đình chỉ lưu hành tại Việt Nam. Mặc dù liên tiếp các loại thuốc nhập về từ nước này được xác minh là có vấn đề thì những loại thuốc ngoại giá rẻ vẫn đang chiếm thị phần lớn trong thị trường thuốc Việt. Nguyên do là bởi trên cơ sở cạnh tranh trong đấu thầu thuốc thì khó có đơn vị nào đọ nổi độ rẻ về giá cả so với thuốc sản xuất tại Ấn Ðộ. Trong khi đó, thuốc nhập về từ Ấn Ðộ cũng không phải loại duy nhất bị thu hồi giấy phép ở Việt Nam. Tính bình quân, mỗi năm Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế ban hành hàng trăm quyết định thu hồi thuốc kém chất lượng, đứng đầu vẫn là thuốc nhập về từ Ấn Ðộ, còn tiếp theo là thuốc nhập giá rẻ từ Hàn Quốc, Pakistan, Trung Quốc… Thậm chí cả thuốc nhập từ các nước được đánh giá cao về chất lượng như Áo, Ðức, Australia…

Không mê tín thuốc... ngoại!

Người dân mua thuốc ở Bệnh viện Bạch Mai

Cụ thể chỉ riêng năm 2013 đã thu hồi các loại: Thuốc viên nén bao phim Metformin Denk 500 (điều trị đái tháo đường) do Công ty Denk Pharma GmbH & Co. KG. (Ðức) sản xuất; thuốc tiêm Carboplatin10mg/ml do Công ty EBEWE Pharma Ges.m.b.H Nfg.KG, Áo sản xuất; thuốc lọ bột pha tiêm DBL Oxaliplatin 100mg của Công ty Hospira Australia Pvt Ltd, Australia sản xuất; hay thu hồi viên nén Nizoral tablet của Nhà máy OLIC (ThaiLand) Ltd sản xuất… Các loại thuốc này chủ yếu vi phạm chất lượng về không đảm bảo độ hòa tan, chỉ tiêu hàm lượng, thiếu định lượng...

Ðược biết, thuốc nước ngoài muốn được cấp phép lưu hành tại Việt Nam chỉ cần “giấy thông hành” đầu tiên là Giấy chứng nhận GMP, nghĩa là chứng nhận sản xuất tốt bằng… văn bản. Giấy chứng nhận GMP này tương đương với Giấy chứng nhận GMP-WHO được cấp bởi Cục Quản lý Dược Việt Nam, khi thuốc của Việt Nam xuất sang các nước. Vẫn biết là theo quy trình chuẩn quốc tế nhưng rõ ràng chỉ với một giấy chứng nhận này thì cũng chưa thể đánh giá đầy đủ chất lượng của thuốc khi không được kiểm nghiệm thực tế của Việt Nam ở nước sở tại. Trong khi đó thuốc được sản xuất trong nước sẽ được kiểm nghiệm theo quy trình ngay từ đơn vị sản xuất.

Về vấn đề này, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược nhận xét: “Giấy chứng nhận GMP chỉ là yếu tố ban đầu trong tiêu chuẩn nhập thuốc ngoại về thị trường Việt Nam. Khâu kiểm duyệt phía sau mới là chủ chốt. Hiện phía Cục Quản lý Dược tiến hành song song hai quá trình tiền kiểm và hậu kiểm. Thuốc trước khi được nhập vào Việt Nam sẽ được kiểm tra về chất lượng và tiếp tục theo dõi trong quá trình lưu hành. Việc vi phạm chất lượng thuốc của các công ty thuốc là vô cùng nghiêm trọng nên phía Cục Quản lý Dược sẽ quyết liệt xử lý các đơn vị vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc tại Việt Nam thông qua công tác quản lý thị trường. Ðối với các đơn vị vi phạm trong thời gian dài, cục sẽ hành động mạnh tay bằng cách ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuốc và không cấp số đăng ký lưu hành thuốc”.

Thuốc nội thua trên sân nhà

Theo Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam thì 6 tháng đầu năm 2014, ước tính tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của dân trong nước là 1,3 tỉ USD. Trong đó trị giá thuốc thành phẩm nhập khẩu là 825 triệu USD, còn trị giá thuốc sản xuất trong nước chỉ đạt 570 triệu USD. Qua đó cho thấy tỷ lệ thuốc nội rõ ràng đã “lép vế”. Tuy nhiên, qua những vụ thuốc bị thu hồi như trên cho thấy, không phải thuốc ngoại nào cũng tốt. Nhưng tâm lý của người tiêu dùng thuốc ở Việt Nam vẫn nặng tinh thần “sính” thuốc ngoại, nên thuốc nội vẫn chưa tạo dựng được chỗ đứng. Vài năm trở lại đây, tình hình có cải thiện nhưng xét trên mặt bằng chung thì thuốc nội vẫn hoàn toàn lép vế trên sân nhà.

Mặc dù, Bộ Y tế đã có đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” nhưng kết quả thì vẫn chưa được là bao. Thực tế, để đạt được kết quả cao trong chương trình hành động này thì còn cả là một quãng đường dài. Câu hỏi: Làm thế nào để thuốc Việt không bị lép vế? đã được đặt ra nhiều năm nhưng để trả lời thì các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước vẫn rất loay hoay.

Ngành dược Việt Nam những năm gần đây đã có những thay đổi lớn, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc phòng và điều trị bệnh cho người dân. Các nhà máy dược phẩm đã được đầu tư nhiều dây chuyền hiện đại, với con số gần 200 doanh nghiệp sản xuất thuốc, phân chia đủ ở hạng mục thuốc tân dược và đông được. Chất lượng thuốc ngày càng được nâng cao mà giá thuốc rẻ hơn hẳn so với thuốc nhập ngoại cùng loại. Ðặc biệt, số lượng cơ sở sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn GMP ngày một tăng. Thậm chí đã được “xuất ngoại” sang một số thị trường như: Italia, Ðức, Phần Lan, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha… nhưng lấy niềm tin từ người dân trong nước thì lại quá khó.

Nhận xét về việc thuốc nội lép vế, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược khẳng định: “Xét về chất lượng thì thuốc nội đã có tiến bộ rõ rệt. Thậm chí, thuốc của Việt Nam còn được xuất khẩu sang các nước khác. Nhưng các doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa tạo dựng được niềm tin đối với người dân. Bên cạnh đó còn để xảy ra tình trạng doanh nghiệp thuốc trong nước cạnh tranh nhau một cách vô thức. Nhiều khi cần cạnh tranh về giá cả thì lại làm giảm chất lượng thuốc mà không hiểu rõ vấn đề, để thay thế được thuốc ngoại thì thuốc trong nước phải đảm bảo được tốt cả về chất lượng và giá cả hợp lý”.

Từ thực tế này, bên cạnh việc người dân cần có cái nhìn thiện cảm hơn đối với thuốc nội thì nỗ lực vẫn phải từ chính các doanh nghiệp sản xuất thuốc. Nhìn nhận một cách tổng quan thì đúng là Việt Nam đang có một dây chuyền sản xuất thuốc phong phú nhưng tình trạng giẫm chân nhau là có. Thay vì mỗi cơ sở nên sản xuất một loại thuốc đặc thù, điển hình đạt chất lượng thì lại sản xuất theo phương thức đại trà, thuốc gì… cũng có. Chính sự không đầu tư theo phương pháp mũi nhọn đã khiến thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước trở nên mờ nhạt. Khảo sát tại các quầy thuốc bệnh viện thì thấy, rất nhiều đơn thuốc của bệnh nhân được bác sĩ kê chủ yếu là thuốc ngoại. Thuốc nội thực sự chưa có trong quầy thuốc… bệnh viện. Trong khi đây lại là thị trường tiềm năng nhất. Rõ ràng, việc định hướng sử dụng thuốc ở đây chủ yếu nằm trong tay bác sĩ. Vậy nên, ngoài việc các cơ sở sản xuất thuốc trong nước tự lấy được lòng tin từ phía người dân thì các y, bác sĩ cũng đóng vai trò lớn trong việc định hướng sử dụng thuốc.

Huyền Anh