Công nghệ tế bào gốc và giấc mơ cải lão hoàn đồng

06:50 | 08/06/2014

2,798 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Do đặc tính ưu việt của của tế bào gốc so với các tế bào thông thường khác là khả năng tăng sinh nhiều, trong quá trình tăng sinh nó tự làm mới và trở lại trạng thái non trẻ ban đầu, tức là trẻ mãi, không bao giờ già nên sự phát triển của công nghệ tế bào gốc hiện nay đã khơi gợi trong con người niềm khát khao có thể cải lão hoàn đồng và trở nên bất tử.

Năng lượng mới số 326

Nói về vấn đề này, Th.S Phan Kim Ngọc, Trưởng bộ môn Công nghệ Sinh học Động vật, Trưởng phòng Thí nghiệm Tế bào gốc Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM nhận định: Về mặt lý thuyết công nghệ tế bào gốc có khả năng giúp con người thực hiện giấc mơ trường sinh bất lão, bởi tế bào gốc có khả năng tự làm mới và trẻ mãi do đó người ta nghĩ đến chuyện khi các tế bào trong cơ thể già đi hoặc bị hư hại thì lấy tế bào gốc để tái tạo và thay thế, như vậy con người cũng trẻ mãi và không bao giờ chết. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có công trình nào thực hiện điều này, tất cả mới chỉ là trên lý thuyết.

Th.S Phan Kim Ngọc tại Phòng Thí nghiệm Tế bào gốc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM

Lý thuyết cải lão hoàn đồng này có thể thấy rõ nhất khi các nhà khoa học nghiên cứu ra tế bào gốc phôi thai. Người ta thấy rằng, khi trứng và tinh trùng kết hợp với nhau thì chỉ sau 4-6 tiếng sẽ tạo ra được một loại tế bào gốc có khả năng biệt hóa thành bất cứ tế bào nào khác trong cơ thể: da, máu, xương, não, tim, gan... Tế bào gốc này còn được gọi là tế bào gốc toàn năng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc phôi thai gặp phải sự phản đối liên quan đến pháp lý và đạo lý.

Người ta cho rằng, dù chưa nên hình hài gì nhưng bản chất của tế bào gốc phôi thai là một sinh mạng bởi từ khi trứng được thụ tinh là đã có sự hiện diện của một con người. Không thể chấp nhận việc tạo ra một phôi người, sau đó chỉ lấy các tế bào gốc rồi hủy bỏ nó đi, đồng thời sử dụng tế bào đó để tạo ra các bộ phận cấy ghép cho các bộ phận hư hỏng ở một người khác. Việc này giống như lấy đi mạng sống của một người để cứu một người khác. Xét về mọi mặt đều không thể chấp nhận. Do đó, hiện nay khoa học tập trung vào nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành lấy trong tủy xương, máu và mô mỡ.

Theo ông Ngọc, hướng nghiên cứu để tạo ra một chủng người không bao giờ chết cũng là việc không nên bởi không phù hợp với đạo lý và quy luật tự nhiên. Thế giới sống là một thế giới phải có chu kỳ tuần hoàn, không cho phép như vậy. Việc nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc hiện nay cũng không nhằm vào mục đích này mà chủ yếu hướng đến mục đích chữa bệnh, cứu người, tăng chất lượng sống của con người. Khi công nghệ tế bào gốc chưa ra đời thì hướng đi của y học là “tàn sát để cứu người”, tức là cái gì hỏng thì cắt bỏ hoặc tìm cách để tiêu diệt nó. Tuy nhiên, với công nghệ tế bào gốc thì người ta đi theo một hướng khác để cứu người là tái tạo và thay mới.

Thực sự, tuy là ngành khoa học còn rất non trẻ nhưng những ứng dụng ban đầu của công nghệ tế bào gốc trong và ngoài nước hiện nay đã mở ra một trang mới đầy triển vọng cho y học hiện đại. Trên thế giới việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể. Người ta đã ứng dụng thành công công nghệ tế bào gốc chữa trị các chứng bệnh như: nhồi máu cơ tim, bại não, ung thư, parkinson (liệt run rẩy), alzheimer (mất trí nhớ ở tuổi già), tiểu đường, chấn thương cột sống, đột quỵ... Trong thẩm mỹ là ứng dụng ghép tế bào gốc từ mô mỡ giúp trẻ hóa, chậm lão hóa, cải thiện sẹo, điều trị nám... Gần đây nhất, các nhà khoa học Australia đã thành công trong việc tạo ra một quả thận sơ khai từ tế bào gốc lấy từ da, hướng đến tạo ra nguồn thận dồi dào cho những bệnh nhân cần thực hiện ghép thận.

Ở nước ta, ngành y tế bắt đầu ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong chữa trị nhiều bệnh như: ung thư, xương khớp, tim mạch cho thấy hiệu quả cao. Các ứng dụng này được thực hiện rộng rãi ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, Đại học Y Dược TP HCM, Trung ương Huế, Nhi Trung ương, 108, Việt Đức, Bạch Mai, Học viện Quân Y...

Lưu giữ tế bào gốc tại Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem TP HCM

Th.S-BS Lê Thị Bích Phượng, Đơn vị tế bào gốc Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cho biết: Bệnh viện đã ứng dụng thành công việc ghép tế bào gốc mô mỡ để điều trị loét mãn tính (vết loét kéo dài trên 6 tuần chưa lành) và loét ở bệnh nhân tiểu đường cho kết quả rất tốt. Như bệnh nhân N.N.T, 75 tuổi, bị tiểu đường type 2 trên 5 năm. Bệnh nhân có vết loét 2cm ở lưng, các bác sĩ đã thực hiện cắt lọc vết thương, cho dùng kháng sinh trong 10 ngày nhưng không tiến triển. Tuy nhiên, khi chuyển qua điều trị bằng ghép tế bào gốc thì vết thương của bệnh nhân nhanh chóng lên mô hạt và lành hẳn sau 7 ngày. Tương tự một bệnh nhân nam 60 tuổi, bị tiểu đường 10 năm, có vét loét ở gót chân, kích thước 3x4 cm, không lành sau 3 tháng. Khi thực hiện cấy ghép tế bào gốc thì sau 1 tháng vết thương của bệnh nhân lành được 80%.

Ngoài ra, các bệnh viện như: Đại học Y Dược TP HCM, Việt Đức, Bạch Mai, 103 là những bệnh viện đã áp dụng thành công việc ghép tế bào gốc mô mỡ trong điều trị thoái hóa khớp gối. Sau điều trị, đánh giá bằng chụp MRI cho thấy, tổn thương sụn khớp gối của bệnh nhân được phục hồi hoàn toàn sau khi được ghép tế bào gốc khoảng 12 tháng.

Còn trong điều trị ung thư máu, các nghiên cứu chỉ ra rằng, ung thư máu hình thành do các tế bào gốc tạo máu bị biến đổi gien. Do đó, hướng điều trị là rút các tế bào gốc bị biến đổi gien trong tủy xương ra và ghép tế bào tốt vào. Phương pháp này còn được gọi là ghép tủy. Trên cả nước đã thực hiện thành công 212 ca ghép tế bào gốc tạo máu cho bệnh nhân để điều trị các bệnh: ung thư máu, thalassemie, suy tủy. Riêng Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đã thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu thành công cho 136 bệnh nhân.

Những thành quả trên cho thấy, ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong y học ngày càng trở nên đa dạng và hiệu quả, đồng thời cho thấy tiềm năng ứng dụng của tế bào gốc còn rất lớn bởi những đặc tính ưu việt của nó. Đó cũng là lý do mà thế giới đang đẩy mạnh và đẩy nhanh việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, từng bước hình thành nên những bước chấm phá cho nền công nghiệp tế bào gốc.

Theo Th.S Phan Kim Ngọc, việc mạnh dạn đưa công nghệ tế bào gốc vào máu thịt của mình, con người đã tỏ ra dũng cảm và thông minh hơn. Người ta nhận ra rằng tế bào gốc “có đủ tầm” để cứu vớt con người từ A đến Z. Tuy nhiên, việc nghiên cứu tế bào gốc còn gắn với hành lang pháp lý và các nguyên tắc đạo lý sinh học. Con người cần biết cách nhận ra các giới hạn trong nghiên cứu và trách nhiệm của mình khi đối diện với tuyệt tác của tạo hóa, tế bào gốc. Đó cũng là lời giải cho việc vì sao không nên sa vào hướng nghiên cứu đến mục đích giúp con người có khả năng cải lão hoàn đồng hay trở nên bất tử. Việc nghiên cứu chỉ nên dừng lại ở mục đích giúp con người khỏe hơn, thọ hơn và đẹp hơn.

Nguyễn Mai

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.