Vệ sinh an toàn thực phẩm:

Chuông cứ gióng lên rồi... tắt ngóm!

07:00 | 30/09/2014

1,217 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ câu chuyện Bộ Y tế mới công bố sự thật về quả lê “sống lâu” và xanh tươi đến 5 tháng vừa qua tiếp tục như một hồi chuông cảnh tỉnh về sự bất an toàn trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tuy nhiên, là một người nghiên cứu lâu năm về thực phẩm, PSG.TS Nguyễn Kim Vũ lại cho rằng, câu chuyện này không còn mới, vì những sự thật tương tự đã được phát hiện 5-10 năm trước. Vậy, tại sao những hồi chuông cảnh báo đã có từ rất sớm, nhưng thực tiễn nhiều năm vẫn vậy.

Năng lượng Mới số 359

Cuộc trò chuyện của Năng lượng Mới với PGS.TS Nguyễn Kim Vũ, Chủ nhiệm khoa Công nghệ sinh học, ĐH Phương Đông, thành viên Hiệp hội Khoa học công nghệ Lương thực thực phẩm Việt Nam (KHCN LTTPVN) sẽ làm rõ một phần điều này.

10 năm rồi, đâu còn gì bất ngờ!

PV: Thưa PGS Nguyễn Kim Vũ, vừa qua ông có nghe thông tin Bộ Y tế công bố về một quả lê đơn vị này mua ngoài thị trường về để 5 tháng vẫn còn tươi nguyên? Ông có ngạc nhiên trước sự việc này?

PGS Nguyễn Kim Vũ: Tôi có theo dõi qua báo chí sự việc này nhưng tôi không còn ngạc nhiên nữa, vì những phát hiện tương tự như vậy cách đây 5, 10 năm chúng tôi đã có, đã cảnh báo, mà tại sao cho đến bây giờ mọi người vẫn... ngạc nhiên thôi.

PV: Theo ông, thông thường một loại hoa quả được bảo quản lâu nhất trong thời gian bao lâu?

PGS Nguyễn Kim Vũ: Chúng tôi đã xem xét và thử nghiệm, nếu một loại hoa quả thông thường, hái từ cây xuống, có thể bảo quản tự nhiên từ 1 tuần đến 15 ngày. Một số hoa quả đặc trưng như cam sành, bưởi có thể bảo quản tự nhiên 3-5 tháng (có thể héo vỏ nhưng bên trong vẫn tươi).

Chuông cứ gióng lên rồi... tắt ngóm!

PGS Nguyễn Kim Vũ

Nếu dùng các phương pháp bảo quản bằng khí trơ, hóa chất ít độc hại, không ảnh hưởng tới con người thì hoa quả thông thường như nhãn, vải có thể bảo quản được khoảng 1 tháng. Bảo quản hoa quả, rau củ thường có hai cách là bảo quản tự nhiên và sử dụng các chất bảo quản. Hoa quả vốn chín hoặc hỏng do quá trình hô hấp, ôxy hóa nên trong phương pháp bảo quản tự nhiên có thể sử dụng biện pháp để hạn chế quá trình này nhưng chưa có cách nào làm triệt tiêu chu trình ấy.

Riêng lê, loại quả nhiều nước, vỏ mỏng thì với các phương pháp đã được thực nghiệm, không thể quá thời gian nói trên. Việc một quả lê vẫn tươi sau  5 tháng chắc chắn sử dụng một phương pháp và công nghệ bảo quản mà chúng tôi chưa từng được tiếp cận. Tôi chỉ biết, ngay ở Mỹ, công nghệ bảo quản những loại hoa quả tương tự cũng không quá được thời gian 1 tháng.

PV: Như ông chia sẻ, việc phát hiện ra sự “sống lâu” của các loại rau quả nói trên đã từng phát hiện ra 5-10 năm trước. Nhưng đến nay, theo chia sẻ của đại diện Bộ Y tế vừa qua, chúng ta vẫn chưa phát hiện ra chất bảo quản hoặc công nghệ bảo quản bất thường này là gì. Tìm câu trả lời cho một vấn đề như vậy trong 5, 10 năm, theo ông là dài hay ngắn?

PGS Nguyễn Kim Vũ: Tôi nghĩ đây là câu hỏi rất khó trả lời, bởi vì công nghệ đó không phổ biến trên thế giới. Vậy nên thời gian 5 hay 10 năm hoặc lâu hơn không tìm ra đáp án cũng không phải quá khó hiểu. Muốn tìm ra câu trả lời, tôi nghĩ không phụ thuộc vào vấn đề thời gian, mà vấn đề ở cách tiếp cận.

PV: Nhưng là một nhà khoa học nghiên cứu lâu năm về lĩnh vực thực phẩm, ông có cho rằng, sự việc “sống lâu” của trái lê kia là phản khoa học hay không?

PGS Nguyễn Kim Vũ: Tôi không thể đưa ra kết luận là phản khoa học hay không, tôi chỉ cho rằng, đó là thứ khoa học và đặc biệt cách tiếp cận khoa học của chúng ta chưa biết. Nhưng tôi lo lắng. Tôi từng đề nghị rất nhiều lần phải nghiên cứu về việc này. Nhưng ngành khoa học thực phẩm của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu các ứng dụng thôi, chẳng hạn, khi nước bạn công bố một công nghệ nào đó, chúng ta học tập phương pháp và làm theo các công nghệ đó, sau thì phổ biến đến người dân. Còn việc nghiên cứu để phát hiện ra cái mới, chúng ta chưa làm. Tôi cũng không biết khi nào mới làm.

Vẫn làm như hiện tại, còn lâu mới giải quyết được

PV: Việc chúng ta chưa làm, chưa phát hiện ra cái mới để ứng dụng, theo ông là do năng lực các nhà khoa học hay do kinh phí, thưa ông?

PGS Nguyễn Kim Vũ: Thực tế luôn tồn tại song song hai vấn đề, muốn làm được bất cứ việc gì phải đào tạo được nhân lực và cần có phương tiện để thực hiện. Cả hai vấn đề trên đều cần đến kinh phí. Nhưng hơn cả cái chúng ta thực sự cần là chính sách đầu tư. Phải có chính sách mới có hành lang cho mọi thứ hoạt động. Còn tôi vẫn lạc quan tin rằng, người Việt Nam mình thông minh không thua kém bất cứ người của quốc gia, dân tộc nào.

Chuông cứ gióng lên rồi... tắt ngóm!

Hoa quả nhập không rõ nguồn gốc

PV: Câu chuyện “do chính sách” xảy ra trên nhiều lĩnh vực và với vấn đề VSATTP cũng không ngoại lệ. Ông có thể cụ thể hóa việc chính sách đi sau thực tiễn trong lĩnh vực này đã xảy ra như thế nào?

PGS Nguyễn Kim Vũ: Chính sách luôn phải đi trước một bước mới mong phát triển được. Vì chính sách không nhất quán và chính sách luôn chậm hơn thực tiễn nên hiện nay chúng ta đang nhận lại nhiều hậu quả nhỡn tiền. Thực tế là, khi chúng ta còn đói, năng suất cây trồng cao luôn là ưu tiên số một. Đến khi dân ta đủ ăn, chính sách ưu tiên là nghiên cứu các phương pháp để nâng cao chất lượng để bán được nhiều tiền. Khi có sản phẩm chất lượng mới lo đến bảo quản, chế biến, tạo ra sản phẩm có giá trị cao để  cạnh tranh với các nước, nhưng tiếc là đã muộn. Tất nhiên muộn vẫn phải làm, muộn còn hơn không, nhưng tôi muốn nói chính sách của chúng ta luôn đi sau sự phát triển tất yếu.

Đó là nguyên nhân khiến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản của ta luôn kém cạnh tranh hơn, bị hạ giá rẻ hơn khi ra thị trường quốc tế. Câu chuyện cá basa, cà phê và nhiều mặt hàng nông sản rớt giá trên thị trường quốc tế cho thấy rất rõ điều này. Chúng ta đã bỏ quên công nghệ bảo quản và chế biến. Và chúng ta tụt hậu.

PV: Theo cách dẫn giải của ông, thì suy ra, nguyên nhân vẫn là do chúng ta từng đói quá lâu và chúng ta nghèo quá lâu. Lý giải về những hậu quả ông chia sẻ ở trên theo cách này, theo ông hợp lý ở mức độ nào?

PGS Nguyễn Kim Vũ: Nghèo đói là là nguyên nhân nhưng đó không phải nguyên nhân quan trọng nhất. Quan trọng hơn vẫn là ý thức và nhận thức của chúng ta đến muộn. Tôi vẫn cho rằng, phải có vũ khí mới đánh giặc được, nhưng thực tiễn chống ngoại xâm của cha ông ta cho thấy, không có vũ khí chúng ta vẫn từng đánh thắng giặc đó thôi. Chưa kể, ngay cả khi nhận thức ra, nếu không quyết liệt, không dễ gì làm được.

Chuông cứ gióng lên rồi... tắt ngóm!

Quả lê để 5 tháng không hỏng

PV: Hậu quả lớn nhất của việc “nhận thức muộn” theo ông ai phải gánh trách nhiệm? Theo đó, việc “không tìm ra thủ phạm” của những trái cây “sống lâu” nhưng chúng vẫn trôi nổi trên thị trường, cuối cùng hậu quả sẽ rơi vào ai?

PGS Nguyễn Kim Vũ: Nhà quản lý phải gánh chịu. Nhà quản lý ở đây bao gồm cả lãnh đạo cấp cao và cấp thấp. Họ chính là người tạo ra những kim chỉ nam, mà nếu không làm được việc đó thì không thể hiện thực hóa được việc bảo vệ người tiêu dùng trong thực tiễn.

Còn việc những sản phẩm “sống lâu” không lý giải được “thủ phạm” kể trên vẫn được bày bán trên thị trường, đối tượng chịu thiệt hại (nếu có) cuối cùng là người tiêu dùng. Nhưng chúng ta phải sòng phẳng một điều, hiện nay Việt Nam đã gia nhập vào WTO, đồng nghĩa cơ chế thị trường sẽ điều tiết tất cả mọi vấn đề. Chúng ta không có quyền ngăn cấm một sản phẩm không xác định được chất lượng không đảm bảo, giá rẻ xuất hiện trên thị trường. Ở góc độ người làm kinh doanh, người tiêu dùng, khi vẫn sinh lời và khi giá cả tự họ đánh giá là hợp lý họ vẫn có quyền làm thế. Công việc của nhà quản lý chỉ là đưa ra hàng rào pháp lý trên cơ sở khoa học.

Nếu nhà quản lý và nhà khoa học không tìm ra cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học bảo vệ người tiêu dùng trước cái độc hại, tức họ làm hại cho sự phát triển của đất nước.

Đừng gióng chuông lên rồi bỏ đó

PV: Cũng trong cuộc họp của Bộ Y tế về sự “sống lâu” của trái lê kể trên, đại diện đơn vị này cho biết, hiện trong khoảng 2.000 chất bảo quản rau củ quả, nông sản trên thị trường, Việt Nam mới chỉ có đủ trang thiết bị để phát hiện ra khoảng 600 chất. Theo ông, nếu có chính sách và kinh phí, việc phát hiện ra 1.400 chất bảo quản còn lại có là thách thức đối với các nhà nghiên cứu thực phẩm của Việt Nam?

PGS Nguyễn Kim Vũ: Tôi tin chuyện này chúng ta sẽ làm được trong tầm tay nếu có đầu tư và có chính sách hợp lý. Nếu được đầu tư trang thiết bị tôi tin sẽ sớm phát hiện được công nghệ đó có độc hay không có độc, sau đó sẽ rút ra kết luận chúng ta có ứng dụng được nó hay không. Nhưng nếu vẫn đầu tư nhưng theo cách cũ, còn lâu chúng ta mới làm được.

Chuông cứ gióng lên rồi... tắt ngóm!

Chân gà thối

Đầu tư luôn cần đi cùng với chính sách hợp lý. Chẳng hạn, chúng ta có thể sử dụng các nguyên tắc pháp lý đề nghị phía Trung Quốc công bố công nghệ bảo quản của họ, trước khi cho nhập lô hàng đó vào Việt Nam.

PV: Hiện nhiều ý kiến cho rằng, một số sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng đang sử dụng các chất bảo quản không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt các chất đó không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ông có cho rằng, đây cũng là lĩnh vực chúng ta đang mất kiểm soát đối với mặt hàng nông sản trong nước?

PGS Nguyễn Kim Vũ: Tôi cho rằng, hầu hết các chất người sản xuất nông sản Việt Nam đang sử dụng bảo quản nông sản đều thuộc danh mục kiểm soát của chúng ta. Vì vậy, chúng ta đừng quá lo lắng và mất niềm tin vào các sản phẩm nông sản trong nước. Có thể, trong một vài trường hợp nào đó, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh bảo quản của sản phẩm vẫn còn tồn đọng trong sản phẩm khi đưa vào sử dụng, nhưng nó vẫn nằm trong danh mục thuốc bảo quản được cho phép sử dụng

PV: Xin hỏi ông một câu không mới nhưng quan trọng: Hậu quả mất VSATTP để lại ông đánh giá thế nào?

PGS Nguyễn Kim Vũ: Tôi cũng nghĩ câu trả lời của mình không mới nhưng vẫn cần nhắc lại: Nếu con người sử dụng sản phẩm được bảo quản không an toàn sẽ gây hậu quả lâu dài cho sức khỏe. Có lẽ ngày nay việc ngày càng có nhiều người mắc các chứng bệnh nan y, một phần nguyên nhân không thể bỏ qua là do chúng ta sử dụng các sản phẩm không an toàn trong một thời gian dài.

Chuông cứ gióng lên rồi... tắt ngóm!

Lòng lợn thối

Nhưng tôi phải chua xót mà nói rằng, nếu chúng ta vẫn làm theo cách đã và đang làm, thỉnh thoảng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh rồi bỏ ngỏ, chúng ta sẽ không bao giờ khắc phục được tình trạng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn về việc mất VSATTP. Tôi đã ra nước ngoài công tác, từng chứng kiến số lượng hàng chục nghìn người tham gia công tác bảo vệ VSATTP và họ coi trọng chính sách này. Kết quả, những đất nước đó thường kiểm soát được.

Còn Việt Nam chỉ có một Cục VSATTP với vài chục con người và thêm hai trung tâm ở hai miền Nam, Bắc thì rất khó để làm cho thật tốt. Bên cạnh đó, các nhà khoa học nghiên cứu về thực phẩm chưa có chính sách đầu tư hợp lý để phát triển, hành nghề. Chưa kể, chủ trương thực hiện việc đó dường như thể trở thành quốc sách trong thời điểm này. Vậy sẽ còn nhiều hồi chuông được gióng lên, có thể gióng lên rồi lại tiếp tục bỏ ngỏ.

PV: Vậy giờ đây, muốn tự bảo vệ mình thì người dân phải làm thế nào, thưa PGS?

PGS Nguyễn Kim Vũ: Thực ra thì cũng đơn giản thôi, chúng ta phải tự biết cứu mình. Thực phẩm, rau thì phải bảo đảm, có nguồn gốc rõ ràng, có người chịu trách nhiệm về sản phẩm. Hoa quả thì ăn hoa quả của chúng ta tự trồng trọt được. Mùa nào thức nấy, làm sao phải sợ hóa chất bảo quản. Chính tự chúng ta cũng làm khó mình khi sính ngoại, hoa quả muốn ăn nhập ngoại. Nhưng ai chắc chắn rằng cái thứ nhập ngoại đó lại tốt hơn hàng nội. Ai lại nhập các loại phủ tạng của nước ngoài vào, chỉ nên nhập những thứ mình không thể có được, hoặc những thứ mình chưa làm được. Theo quan điểm của tôi, thực phẩm nhập từ nước ngoài vào phải giám sát chặt chẽ, kiểm tra kỹ càng. Ở châu Âu hay Mỹ vì có những cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chặt chẽ thì người dân mới có thể yên tâm được, còn như nước ta thì  cần rất thận trọng khi nhập khẩu.

Còn về cấp quản lý thì chúng ta nên coi trọng đúng mức công tác phổ biến khoa học. Cần phổ biến khoa học để cho người dân ăn biết ăn sạch, ở sạch, sống sạch. Có những chuyện rất đơn giản liên quan tới việc sản xuất ra thực phẩm, nhưng chúng ta chưa làm được. Thậm chí còn bỏ qua. Ngoài ra, phải sử dụng các chế tài của pháp luật một cách triệt để. Phát hiện ra nơi nào, cá nhân nào vi phạm phải đình chỉ và phạt thật nặng. Hiện nay, vẫn còn khá nhiều trường hợp giơ cao đánh khẽ, thỉnh thoảng mới bắt một lần. Đặc biệt là nên sử dụng cả truyền thông vào cuộc để kêu gọi người dân phải có ý thức tẩy chay những thực phẩm không an toàn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngày 9-9 vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ông Phạm Xuân Đà  thừa nhận sự việc để thử quả lê 5 tháng vẫn không bị hỏng. Ông Đà cũng cho biết, khi xét nghiệm, có nhiều chất lạ trong hoa quả, nhưng Viện vẫn chưa thể định danh hết các chất này. Cũng theo ông Đà, công tác kiểm soát chất bảo quản rất khó, hiện có rất nhiều loại mới, nhiều chất chưa định danh được, khó kiểm soát dư lượng.

Lý giải về việc khó định danh các chất lạ trong hoa quả, ông Đà cho biết, nhiều hóa chất lạ rất khó phát hiện, thậm chí không tìm thấy trong quá trình kiểm nghiệm. Hiện nay có 2.000 loại hóa chất bảo quản nhưng Viện mới chỉ kiểm nghiệm được 600 loại. Tới đây, Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm sẽ lấy thêm nhiều mẫu trái cây nhập khẩu để kiểm nghiệm hóa chất bảo quản.

Việc sử dụng hóa chất trong bảo quan hoa quả cũng như thực phẩm không phải là câu chuyện mới, đặc biệt là các loại hoa quả từ Trung Quốc. Điều này tuy đã được kiểm tra phát hiện thường xuyên, nhưng vẫn không thể tiêu diệt tận gốc tình trạng này.

Theo số liệu của UBND tỉnh Lạng Sơn, 8 tháng đầu năm nay đã có 235.000 tấn củ quả các loại nhập khẩu chính ngạch từ Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, đáng chú ý có đến 612 lô lê với trên 11.500 tấn, 922 lô quýt với trên 20.000 tấn, 294 lô nấm tươi với trên 3.000 tấn, trên 1.000 lô cam tươi với trên 20.000 tấn, gần 7.000 tấn cà rốt, hơn 27.000 tấn hành tây, trên 94.000 tấn tỏi.

Điều đáng nói, nhiều loại hoa quả người Việt Nam sản xuất, thậm chí dư thừa vẫn có hàng Trung Quốc trên thị trường. Chẳng hạn, gần 900 tấn xoài, gần 2.000 tấn dưa hấu, 30 tấn bưởi, 94 tấn mận, 46 tấn cà chua đã được nhập vào thị trường Việt Nam từ đầu năm tới nay, chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.

Ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn cho biết, ý thức được việc trái cây có hóa chất bảo quản vượt ngưỡng, 3-4 năm trước trung tâm từng lấy mẫu trái cây Trung Quốc kiểm nghiệm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm phối hợp với các chi cục an toàn thưc phẩm lấy các mẫu quả ở chợ đầu mối, bán lẻ ngẫu nhiên để kiểm nghiệm. Tại sao táo, lê để lâu mà không hỏng. Bà Tiến cũng đề nghị Cục An toàn Thực phẩm làm việc với Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đề nghị cung cấp danh sách hóa chất bảo quản được sử dụng, ngưỡng an toàn đối với rau củ quả ở Trung Quốc.

 

Hằng Nga - Thanh Huyền

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.