Bạn đã biết gì về kính áp tròng?

07:00 | 11/09/2014

1,251 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc sử dụng kính áp tròng đang rộ lên như một loại “mốt” thay thế cho các loại kính gọng thông thường. Tuy nhiên, có khá nhiều người dùng vẫn còn lúng túng trong việc sử dụng kính áp tròng sao cho đúng nên vô tình khiến cho đôi mắt bị tổn thương và gặp một số bệnh như viêm, loét giác mạc… Để làm rõ điều này, phóng viên Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Xuân Hương, chuyên khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương về tác dụng và tác hại của việc sử dụng kính áp tròng.

Năng lượng Mới số 346

Theo bác sĩ Xuân Hương, kính áp tròng hay còn gọi là kính tiếp xúc thực chất là kính điều trị và có rất nhiều loại và không phải loại áp tròng nào cũng phù hợp với mọi người. Vì vậy trước khi mua và sử dụng kính áp tròng, bạn cần tìm đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có được thông tin chính xác nhất dựa trên kết quả khám mắt của bạn.

Kính áp tròng hiện được chỉ định rộng rãi cho hầu hết các loại tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị, sau mổ thủy tinh thể... Tuổi tác cũng là yếu tố được cân nhắc để bác sĩ chỉ định dùng kính áp tròng.

Kính áp tròng giúp ta có một tầm nhìn tốt hơn, làm tăng sự tự tin. Nó loại trừ những bất tiện mà kính có gọng đem lại như sự chèn ép của gọng kính lên sống mũi và tai, nhìn mờ khi trời mưa hoặc ẩm... Tuy nhiên, việc dung nạp và tháo lắp loại kính này tương đối khó khăn. Nó đòi hỏi người sử dụng phải có những kiến thức, kỹ năng về vệ sinh mắt và chăm sóc kính. Nếu không, nguy cơ viêm nhiễm là rất lớn.

Bạn đã biết gì về kính áp tròng?

Bác sĩ Xuân Hương nhấn mạnh, kính tiếp xúc là một loại kính điều trị chứ hoàn toàn không phải gây hại như một số bài báo đưa tin. Khi sử dụng người dùng cần phải tìm hiểu rõ về các loại kính tiếp xúc và tham khảo tư vấn bác sĩ xem loại kính đó có phù hợp với mắt mình hay không.

Hiện nay, đa số những loại kính áp tròng bán tràn lan ngoài thị trường hầu như không được kiểm soát về chất lượng. Tại phía bắc, chỉ duy nhất Phòng Kính tiếp xúc, Khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt Trung ương mới được trang bị những loại kính thử chuyên dụng và kính điều trị cho bệnh nhân. Đây cũng là nơi đầu tiên có những bác sĩ được học chuyên sâu về kính tiếp xúc sẽ tư vấn, thăm khám cho những người bị tật khúc xạ mà không thể sử dụng kính gọng bình thường như: bệnh nhân bị lác, bị mất thủy tinh thể, bị cận nặng, sau mổ ghép giác mạc… Hoặc những người sau khi mổ cận thì nhãn cầu bị giãn lồi, hay có những người bị giác mạc hình chóp thì kính tiếp xúc sẽ giúp giải quyết những vấn đề về bệnh.

Để hiểu rõ hơn về kính tiếp xúc, bạn cần nắm rõ được một số loại kính:

 - Kính tiếp xúc cứng: Phù hợp cho những người loạn thị nặng. Loại kính này không bị uốn cong trên bề mặt giác mạc, không thuyên chuyển được ôxy, phải di động trong những lần chớp mắt để lấy các dưỡng chất và loại bỏ chất bẩn cho giác mạc. Mặt sau của kính được thiết kế đa dạng nhằm phù hợp với các cá thể khác nhau. So với kính áp tròng mềm, thì kính áp tròng cứng tốt hơn, khả năng viêm nhiễm thấp nhất.

- Kính thẩm khí: Giúp giảm thiểu tình trạng phù giác mạc do thiếu ôxy nhờ có cấu trúc hóa học đặc biệt, có thể thẩm thấu được ôxy từ khí trời và vận chuyển tới giác mạc. Loại kính này cũng dễ chăm sóc, sử dụng được trong 2-3 năm.

- Kính tiếp xúc mềm: Dẻo và rộng hơn 2 loại kính kia, ngậm nước 38-80%. Chúng có thể giãn ra, vừa khít để cho bờ kính chờm được ra ngoài lòng đen, có khi tới tận lòng trắng. Vì thế, người đeo sẽ dễ dàng thích nghi với loại kính này. Nhược điểm của nó là dễ nứt vỡ, hay bị tích tụ các protein và nhầy nhớt, cần chăm sóc kỹ càng hơn.

- Kính áp tròng một ngày: Với loại kính 1 ngày, bạn sử dụng trong vòng 8-14 tiếng trong ngày rồi bỏ đi. Ưu điểm của loại kính này là sạch sẽ, an toàn cho mắt, đảm bảo độ ẩm cho mắt và không cần sử dụng nước nhỏ mắt, không phải bận tâm rửa, chăm sóc vệ sinh cho kính. Tuy nhiên, điểm trừ cho kính 1 ngày là giá thành khá cao đối với những bạn đeo kính thường xuyên hằng ngày.

 Ngoài ra, còn có những loại kính thẩm mỹ hay còn gọi là kính giãn tròng. Những loại kính này thường được phái nữ ưa chuộng bởi nhiều màu sắc và có những hình vẽ ấn tượng trên mặt kính. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý lựa chọn những hãng kính uy tín và tên tuổi. Bởi nếu không được làm bằng chất liệu tốt rất có thể những hình vẽ và màu sắc kính sẽ bị phai ra mắt khiến cho mắt bạn gặp phải những rủi ro và biến chứng

Bác sĩ Xuân Hương cũng lưu ý người sử dụng rằng, kính áp tròng sẽ là một loại kính điều trị các bệnh khúc xạ tốt nhất mà kính thường không đáp ứng được chứ không phải là kính có hại như những thông tin trên mạng.

Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách và không có sự chỉ định của bác sĩ thì người dùng có thể mắc một số bệnh kể đến như nhiễm trùng mắt, khiến mắt bị thiếu oxy do đeo kính áp tròng làm hạn chế quá trình trao đổi oxy, viêm mắt... Những vấn đề này chủ yếu nằm ở việc vệ sinh kính áp tròng hàng ngày, vậy nên bạn chỉ cần cố gắng tuân thủ đúng những chỉ dẫn của bác sĩ là có thể tự bảo vệ mình trước những nguy cơ này.

 Khi sử dụng mà gặp phải bất kỳ một vấn đề bất thường nào, cần ngưng sử dụng kính áp tròng và đến ngay những cơ sở y tế để xin ý kiến bác sĩ. Không nên mua những loại kính tiếp xúc trôi nổi trên mạng, không rõ nguồn gốc. Một ngày tối đa chỉ được đeo kính từ 8-12 tiếng. Nếu đeo liên tục sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định cho mắt.

Ngọc Dung