Săn "thần dược" chữa bách bệnh bán cho Trung Quốc?

18:34 | 16/03/2014

2,939 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cho rằng đồng bào Cơ Tu có loại “thần dược” chữa được bách bệnh, rất nhiều người, kể cả thương lái Trung Quốc đổ xô lên săn lùng, mua với giá cao.

Săn “thần dược”…

Cây chè rừng phơi đầy nhà.

Cái nắng chói chang ở vùng núi cao huyện Đông Giang của Quảng Nam, đường đèo dốc, cong lượn chẳng làm nản lòng những người dân ở miền xuôi tìm đến đây vào những ngày này. Cả vùng đang sốt xình xịch vì một loại cây mọc trong rừng sâu được đồng bào Cơ Tu gọi là “thần dược”.

Tại quán nước ven đường quốc lộ 14G, chủ quán nước Hồ Thị Thu cho biết: Phong trào săn cây chà dây rộ lên từ đợt trước Tết Nguyên đán vừa rồi. Người ta đồn rằng đây là loại biệt dược của đồng bào Cơ Tu, trị được bách bệnh, còn giúp ăn ngon. Người dân địa phương cho biết, đây là cây chà dây hay còn gọi là chè rừng, ngày nào cũng có hàng chục người ở dưới đồng bằng lên hỏi mua.

Nghe lời đồn cây chè rừng chữa được bách bệnh, anh Nguyễn Anh Tuấn, nhà ở TP.Đà Nẵng, cũng lên mua về trị bệnh tiểu đường cho ông của mình. Không riêng gì anh Tuấn, mà có rất nhiều người dân chủ yếu ở Đà Nẵng cũng tìm lên khu vực này mua loại “thần dược” đem về dùng.

Biết chúng tôi đang tìm hiểu về loại “thần dược” đang lên cơn sốt trong thời gian qua, Thiếu tá A Lăng Xuân, công tác tại Công an huyện Đông Giang, Quảng Nam chia sẻ: “Mình là người Cơ Tu chính hiệu nên mình biết rõ về loại cây này. Cây chà dây được đồng bào mình gọi là cây chè rừng. Khác với loại “chè ta”, chè rừng có là loại thân dây, lá thon nhỏ, có hình răng cưa, chúng mọc chủ yếu ở khu vực triền núi, nhiều nhất là ở các khu đồi mới được phát quang trồng rừng mới.

Người Cơ Tu biết về công dụng của cây chè rừng từ trước giải phóng, cây chè được chặt về đem phơi khô chừng 3, 4 nắng sau đó cho vào bao ủ kín. Mỗi lần nấu cho một nhúm bằng nắm tay vào nồi chưng lên. Lúc đầu uống vào cổ sẽ có vị đắng, nhưng khoảng một hai phút sau cổ họng sẽ trở nên ngọt ngọt. Chè rừng có rất nhiều công dụng nhưng chủ yếu là chữa tiểu đường, dạ dày, hạ huyết áp”.

Thương lái biến mất, “thần dược” chất đầy nhà

Cây chè rừng được người dân chặt về phơi khô chất đầy nhà nhưng không ai mua.

Ban đầu cây chè rừng khô chỉ có giá 30.000 đồng đến 60.000 đồng/1 ký, nhưng sau đó xuất hiện nhiều thương lái đổ xô lên thu gom mua số lượng lớn, làm cho giá chè rừng tăng lên chóng mặt với 150.000 đồng đến 200.000 đồng/1 ký. Không chỉ thu mua chè rừng đã qua phơi khô, người dân, thương lái còn đặt mua luôn cả những cây chà dây còn tươi với mức giá “khủng” 70.000 đồng/kg.

Không chỉ người dưới xuôi lên hỏi mua chè rừng, mà còn xuất hiện thương lái Trung Quốc được dắt mối bởi người Việt đến đặt vấn đề thu mua cây “thần dược” chữa bách bệnh với giá 150.000 đồng – 200.000 đồng/1 kg và không hạn chế số lượng.

Nghe vậy, các hộ gia đình các xã vùng cao của huyện Đông Giang, rồi ngay cả người dân dưới chân Dốc Kiềng cũng không quản ngại đường sá xa xôi lên rừng săn tìm thần dược. Chỉ trong một thời gian ngắn, cây chà dây hầu như biến mất luôn khỏi các cánh rừng quanh quốc lộ 14G, người dân buộc phải đi vào các cánh rừng nằm sâu trong núi mới tìm được cây chà dây.

Người dân đổ xô lên rừng tìm “thần dược”…

Đi dọc quốc lộ 14G đến Prao, huyện Đông Giang, chúng tôi thấy ngày càng nhiều những người dân tay dao, tay bị í ới gọi nhau lên rừng. Trước thắc mắc của chúng tôi, ông A Lăng Prưu, 42 tuổi ở xã Tư, huyện Đông Giang giải thích: “Các xã ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, xã Ba của huyện Đông Giang vốn ít cây chà dây sinh sống lại bị người dân lùng sục tìm kiếm từ trước Tết đến giờ nên bây giờ cạn kiệt rồi, tìm đỏ mắt cả ngày cũng chẳng ra đâu. Giờ đây họ đổ dồn hết về xã Tư để “săn”  làm cho cây chà dây ở sốt lắm”.

Tuy nhiên, đến khi số lượng chè rừng cả tươi, lẫn khô được các gia đình chặt về chất đống đầy nhà, đến lúc này bất ngờ các thương lái người Việt và thương lái Trung Quốc “đột ngột” biến mất một cách bí ẩn, không thu mua nữa.

Nay chè rừng chất đống trong nhà mà không ai tới hỏi mua, nhiều hộ dân lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười. Bà Nguyễn Thị Chạy, 59 tuổi ở xã Ba nói: “Nhà có hai mẹ con, ăn Tết xong thay nhau vào rừng chặt chè rừng về phơi khô, tưởng ra tết bán kiếm ít đồng. Ai ngờ giờ không có ai mua, đành đem cất lên cao, để lâu lâu uống dần...”.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam cho biết cây chà dây mọc khắp nơi trên núi nhưng nhiều nhất vẫn ở khu vực xã Tư. Nhiều người dân trong vùng hay chặt về phơi khô đem nấu uống. Và, thông tin thương lái Trung Quốc lên đây đặt vấn đề mua chà dây số lượng lớn, xã đã nghe nhưng chỉ là tin đồn…

Phú Đông

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.