Phòng khám Trung Quốc: Tiền mất, tật vẫn mang

17:12 | 01/08/2012

784 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khi thanh tra các phòng khám bệnh y học cổ truyền có người Trung Quốc khám, chữa bệnh thì kiểm tra đến đâu phát hiện sai phạm đến đó, nhưng những cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng.

Hiện nay, chiêu treo bảng “đang sửa chữa” được nhiều phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc đưa ra khi có đợt thanh, kiểm tra. Chỉ cần một phòng khám bị thanh tra, đồng loạt các phòng khám Trung Quốc đề bảng tạm ngưng hoạt động để né thanh tra.

Vườn không nhà trống!

Khoảng 14h30 ngày 21/6, Đoàn thanh tra Sở Y tế TP HCM tiến hành kiểm tra Phòng chẩn trị Y học cổ truyền Đông Phương (Phòng khám Đông Phương), địa chỉ 762 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình, do lương y Phan Xưng đứng tên trên giấy phép hành nghề. Khi Đoàn đến thì cơ sở trống huơ trống hoác chỉ có một nhân viên ở quầy tiếp tân. Đoàn thanh tra phải ngồi hơn nửa giờ ở sảnh để chờ chủ cơ sở đến. Biết đang có đợt thanh tra, các phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc trên địa bàn TP HCM đồng loạt “tạm ngưng hoạt động” một cách bất thường.

Khi lực lượng thanh tra đến làm việc thì hầu như gặp phải cảnh “vườn không nhà trống”. Mới ngày hôm trước cơ sở này còn đang hoạt động nhưng khi Đoàn đến kiểm tra, toàn bộ các phòng khám, chữa bệnh của cơ sở đã được dán bảng “đang sửa chữa” và khóa cửa, tắt đèn. Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện cơ sở có tổ chức các phòng: siêu âm, nội soi tai mũi họng, khám và mổ trĩ, truyền dịch, xét nghiệm…, đó là những chuyên môn của Tây y, trong khi theo giấy phép hành nghề cơ sở này chỉ được thực hiện bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc thang.

Hàng loạt phóng khám Trung Quốc treo bảng “đang sửa chữa” để né thanh tra

Ông Phan Xưng biện bạch, đây là những phòng vừa được trang bị chưa hoạt động, đang chờ xin giấy phép. Tuy nhiên, khi kiểm tra phát hiện có nhiều phiếu xét nghiệm, sổ khám bệnh chứng tỏ vài ngày trước cơ sở này còn đang hoạt động. Ngoài ra, Đoàn thanh tra còn phát hiện nhiều loại thuốc Tây, hóa chất xét nghiệm, dịch truyền nhãn hiệu Trung Quốc, không rõ công dụng, xuất xứ, trong đó rất nhiều thuốc, hóa chất đã hết hạn sử dụng. Một số phòng khám, chữa bệnh đã tắt điện, khóa cửa, đề bảng “sửa chữa” nhưng khi thanh tra yêu cầu mở cửa kiểm tra thì bên trong hơi máy lạnh vẫn còn tỏa ra, trên bàn làm việc bánh trái và cà phê còn đang ăn uống dở, chứng tỏ người trong phòng mới ra khỏi cách đó không lâu.

Đặc biệt, lực lượng thanh tra cũng phát hiện tại Phòng khám Đông Phương nhiều sổ khám bệnh và phiếu xét nghiệm ghi bằng chữ Trung Quốc, trong đó có phiếu xét nghiệm mới được thực hiện ngày 20/6/2012 (trước 1 ngày khi Đoàn thanh tra đến). Trên phiếu xét nghiệm có đề tên bác sĩ điều trị là bác sĩ Zheng. Mặc dù, phòng khám không đăng ký hành nghề cho người nước ngoài. Đoàn thanh tra cũng thu giữ tại phòng khám 2 bảng tên ghi là bác sĩ Trịnh Chiếu Quyền và bác sĩ Ngụy Bồi nghi là người Trung Quốc.

Trong quá trình kiểm tra, khi Đoàn thanh tra hỏi đến số thuốc và máy móc có công dụng, chức năng như thế nào, thì ông Phan Xưng ngớ người ra hầu như không biết gì, cũng không biết ở phòng khám này có những bác sĩ nào đang hành nghề… Điều đó chứng tỏ, đây chỉ là kiểu ngụy trang giống như nhiều phòng khám y học cổ truyền có người Trung Quốc khám chữa bệnh khác, người Việt chỉ đứng tên trên danh nghĩa còn mọi hoạt động, đầu tư, kinh doanh đều do người Trung Quốc điều hành.

Nhiều loại thuốc hết hạn sử dụng được phát hiện ở Phòng khám Đông Phương

Trong đợt thanh tra vừa qua, Đoàn thanh tra Sở Y tế TP HCM cũng đã kiểm tra Công ty TNHH Phòng khám bệnh y học Trung Quốc, số 87 Thành Thái, phường 14, quận 10, do ông Hoàng Quân Bằng (Huang Jun Peng) là chủ đầu tư. Không khác các phòng khám trước, phòng khám này cũng vắng tanh và thông báo với lực lượng thanh tra là đang tạm ngưng hoạt động để sửa chữa. Điều đặc biệt, một số máy móc còn được phủ kín và cẩn thận đề chữ “chưa hoạt động”?! Tương tự, Phòng khám Đầm Sen, số 46 Hòa Bình, phường 5, quận 11 và Phòng khám Y học Trung Quốc, 141 Phan Đăng Lưu, phường 2, quận Phú Nhuận, 2 phòng khám này cũng đề "tạm ngưng hoạt động để sửa chữa"! Tuy nhiên, do không đủ thời gian tẩu tán, nhiều sai phạm của các phòng khám này cũng bị phơi bày.

Coi thường pháp luật

Điều đáng lo ngại là năm nào khi thanh tra các phòng khám bệnh y học cổ truyền có người Trung Quốc khám, chữa bệnh thì kiểm tra đến đâu phát hiện sai phạm đến đó, nhưng những cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Lực lượng người Trung Quốc khám bệnh “chui” thì không rõ chuyên môn và rất khó quản lý vì mỗi khi thanh tra đến kiểm tra thì các cơ sở tìm mọi cách giúp số người này trốn chạy. Nhiều phòng khám sử dụng cả các loại thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không được phép lưu hành trên thị trường, quá hạn sử dụng… để điều trị cho bệnh nhân. Sau khi thanh tra, xử phạt thì các cơ sở vẫn tái diễn vi phạm. Điều này cho thấy, ngành Y tế cũng đang bất lực trong công tác quản lý.

Khi kiểm tra các phòng khám Trung Quốc thanh tra thường gặp cảnh “vườn không nhà trống”

Ông Phạm Kim Bình – quyền Chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết: Do hiện nay, mức độ xử phạt thường dừng lại ở xử phạt hành chính, số tiền phạt chỉ khoảng 15 – 20 triệu đồng. Khoản tiền này chẳng đáng là bao so với lợi nhuận từ giá khám, chữa bệnh “cắt cổ” của các cơ sở này. Do đó, nhiều cơ sở vẫn ngang nhiên vi phạm và chấp nhận bị phạt. Lực lượng thanh tra y tế còn quá mỏng trong khi phải quản lý nhiều vấn đề nên không thể kiểm soát hết.

Khi ngành Y tế còn đang bất lực trong công tác quản lý để các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền Trung Quốc hoành hành thì người dân là người phải gánh chịu hậu quả. Rất nhiều người đã bị lừa vì tin vào những lời quảng cáo hấp dẫn của các phòng khám này. Vừa qua, khi thanh tra kiểm tra tại Phòng khám Đầm Sen, chị C.T.H.G, 43 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, bệnh nhân đang điều trị ở phòng khám này kể lại: Nghe quảng cáo hay nên chị đến điều trị, chỉ sau 5 ngày khám và điều trị bệnh viêm lộ tuyến ở đây chị đã phải nộp số tiền là 13 triệu đồng. Vị bác sĩ Trung Quốc đang khám bệnh cho chị vừa tháo chạy khoảng 10 phút khi đoàn thanh tra đến.

Để thu hút bệnh nhân, các phòng khám y học Trung Quốc quảng cáo rất rầm rộ đặc biệt là trên các đài truyền hình ở các tỉnh để đánh vào đối tượng là người dân ở vùng nông thôn còn thiếu hiểu biết. Họ công khai quảng cáo cả những lĩnh vực ngoài chức năng cho phép hoạt động. Đơn cử như, Phòng khám Đông Phương mặc dù không có chức năng làm xét nghiệm nhưng cũng công khai quảng bá có thể thực hiện hơn chục loại xét nghiệm.

Phòng khám Đông Phương công khai quảng cáo các hoạt động ngoài giấy phép hành nghề

Sự công khai vi phạm hết lần này đến lần khác của các phòng khám Trung Quốc là tiếng chuông cảnh báo sự yếu kém trong công tác quản lý của cơ quan chức năng. Vấn đề này đặc biệt quan trọng vì đối tượng vi phạm hoạt động trong lĩnh vực y tế, là lĩnh vực liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người, trong đó người dân nghèo ở vùng nông thôn lại là những người dễ bị đánh lừa nhất.

Khi chứng kiến đoàn thanh tra - kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền thì một điều khiến tôi không khỏi chạnh lòng là hình ảnh một số lương y Việt Nam chẳng biết gì về hoạt động của cơ sở do mình đứng tên, xin giấy phép hoạt động. Vì một số lợi ích trước mắt mà số lương y này đã đánh mất lương tâm nghề nghiệp, “bán” đi danh dự của mình, phó mặc cho người khác dùng tên tuổi của mình hoạt động khám, chữa bệnh bất hợp pháp, bệnh nhân lỡ "sa chân" vào các phòng khám này, tiền mất, tật vẫn mang.

Thanh tra không ít lần, lần nào cũng phát hiện sai phạm, tuy nhiên các phòng khám này vẫn tồn tại như một sự thách thức, dư luận đặt dấu hỏi “Vì sao tình trạng phòng khám có yếu tố người Trung Quốc sai phạm, ngang nhiên “móc túi” người bệnh trong nước kéo dài như vậy"?

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc